Độc đáo đàn Chapi của người Raglai Ninh Thuận
Nếu chỉ những người Raglai giàu có mới sở hữu Mã La (một loại cồng chiêng) để gõ trong tất cả các nghi lễ, thì những người Raglai nghèo đã sáng tạo ra cây đàn Chapi, loại nhạc cụ đơn sơ phỏng theo thanh âm của tiếng Mã La.
Theo nghệ nhân Ka Tơr Đôi, đàn Chapi được làm từ tre. Vì vậy công đoạn chọn tre, chọn bương rất cầu kỳ. Vì tre có tốt thì tiếng đàn mới hay. Tre để làm đàn không được quá già hoặc quá non, khoảng năm tuổi là thích hợp nhất.
Tim được ống tre tốt đòi hỏi rất nhiều công sức. Tre tươi sau khi đem về sẽ được hong lên gác bếp khoảng ba đến bốn tháng rồi mới bắt đầu làm đàn. Làm như thế để thanh tre được khô kiệt tạo âm thanh hay và sẽ không bị mối mọt khi sử dụng về sau.
Để làm ra một cây đàn cha Pi việc có một con dao sắc gọt là điều vô cùng cần thiết. Con dao để làm đàn Chapi có hình dáng khá đặc biệt một đầu loại hình lưỡi dao nhọn, phần chuôi dao dài chừng 30cm.
Công đoạn đầu tiên của làm đàn Chapi là róc vỏ cũng tre. Muốn róc được vỏ tre thì phải để đúng chiều của ống tre thì mới róc được. Chiếc đàn Chapi có 4 khoang được róc vỏ.
Phần khó nhất của cây đàn Chapi là tách sợi tre để làm dây đàn. Đàn Chapi có 8 dây đàn, mỗi dây cách nhau 2 cm. Phần này phải làm rất cẩn thận vì dây đàn rất đẽ đứt. Sợi dây phải được mài nhẵn và có độ dầy vừa phải. Đây là công đoạn cần độ tỉ mỉ và mất thời gian nhất của cây đàn Chapi.
Công đoạn tiếp theo là đục lỗ và đánh phím đàn. Vị trí của lỗ đàn được nằm ở giữa thân tre. Tất cả có 4 lỗ tương ứng với 4 phím đàn được gắn trên cây đàn Chapi. Ngoài ra cò có hai lỗ ở hai đầu để âm thanh thoát ra ngoài .
Đàn Chapi luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hoá cộng đồng của người Raglai. Sự hiện diên của cây đàn Chapi chính là giấc mơ của những người nghèo, nhưng có tấm lòng rộng mở, phóng khoáng mang theo những niềm mơ ước đơn sơ rằng ai cũng được nghe tiếng Chapi, nghe những âm thanh của núi rừng.
Lê Phú / Báo Tin tức