Saturday, May 5, 2018

MỘT DAO BÉN LÀ ĐỦ KHÔNG CẦN ĐEO DAO CÙN ĐẦY NGƯỜI


Mấy hôm trước tôi có post một comment là "Một đầu bếp giỏi không phải biết làm những món cầu kỳ hay đắt tiền mà là biết thăng hoa những món rất bình dân thành cao cấp", sau đó cũng trong một comment vào FB của em trai NTL, tôi có nói: "Chỉ cần một con dao bén chớ không cần đeo dao cùn đầy người".

Nếu các bạn xem Master Chef Trung Quốc hay những màn biểu diễn của đầu bếp TQ, họ chỉ sử dụng một cây dao chứ không như đầu bếp Tây bó theo một bó dao đủ loại. Cây dao của người đầu bếp TQ chỉ là 1: chặt cũng nó, thái cũng nó, lạng cũng nó và bất cứ gì cần cũng nó dù tinh tế như lạng mỏng bào ngư hay xắt chỉ "tàu hủ" hoặc rút xương gà, cút, bồ câu,...


Tôi cảm khái ra những ý nghĩ như vậy vì tôi nhớ đến một bộ phim tập của TVB-HK nói về nhà thơ Tô Đông Pha (蘇東坡) của Trung Quốc. Nói đến Tô Đông Pha người ta hay tán thưởng những bài thơ, thương hại những thăng trầm của ông nhưng cái người ta hay để ý nhất, cho những người đầu bếp, là món mà ông sáng tạo ra "Thịt kho Đông Pha". Nó đã thành quá nổi tiếng, nổi tiếng khắp thiên hạ nhưng bên trong có một câu chuyện truyền kỳ mà thật hay không thì tôi không biết.

Đại khái là như thế này, đầu tiên bạn phải xem như là nghe chuyện cổ tích như vậy thật hư không phải là vấn đề, không cần nghi vấn, chỉ xem chơi rồi bỏ nhé:


Thời đó Trung Hoa có kinh đô ở Trường An mà Trường An (Tây An) ở sát Tây Á và coi như ngỏ vào con đường tơ lụa cho nên không ít thì nhiều cách ăn uống cũng gần như vậy tức là lúc đó họ chỉ ăn thịt dê, trừu không thích ăn thịt heo vì cho đó là dơ bẩn và hạ cấp (y chang Hồi giáo).
 Danh từ « Hồi giáo » xuất xứ từ dân tộc Hồi HộtHồi Hột là nước láng giềng phương bắc của Trung Quốc từ năm 616 đến 840. Lúc rộng lớn nhất lãnh thổ họ đông đến Mãn Châu, tây đến Trung Á , và họ đã giúp nhà Đường dẹp được loạn An Lộc Sơn. Với thời gian, cách gọi đổi thành « Hồi Hồi ». Tài liệu xưa nhất dùng danh từ « Hồi Hồi » là Liêu Sử, soạn vào thế kỷ 12. Đời nhà Nguyên (1260 - 1368), tại Trung Quốc, cụm từ « người Hồi Hồi » được dùng để chỉ định người Trung Á, bất luận theo tín ngưỡng nào. Đến đời Minh (1368 - 1644), cụm từ « người Hồi Hồi » mới dần dần đổi nghĩa để chỉ định tín đồ Islam.
 Quan chức và các nhà giàu có cũng như vậy, coi thịt heo là loại dơ bẩn bần cùng. Tiết tấu của câu chuyện lên cao trào là các bộ tộc cung cấp thịt dê, trừu cho Trung Quốc đều đồng loạt lên giá cao, nên chi phí nhập rất cao gây khó khăn cho nhà vua lúc đó. Tình cờ vợ Tô Đông Pha chế biến ra một món thịt heo và yêu cầu ông ta vào tiến vua. Vua không biết, ăn vào quá ngon, quá tuyệt mới hỏi Tô Đông Pha cho vua ặn món gì. Tô Đông Pha nói là "thịt heo kho". Vua quá giận khi có cận thần cho ăn món dơ bẩn. Tô Đông Pha quỳ xuống van xin, xin vua cho biết món ăn có ngon không. Vua nói là rất ngon. Tô Đông Pha mới trình bày trong lúc kinh tế đang suy yếu mà vua có thể ăn thịt heo và nói đó là món ngon thì mọi người, quan và dân, cũng theo vua mà ăn thì mình thoát ra được áp lực của ngoại bang, ngoài ra dê trừu sinh nở rất ít trong khi mỗi lứa heo có trên 10 con và chóng lớn.dễ nuôi. Và từ đó Trung Quốc và nhiều nước khác tiêu thụ thịt heo nhiều nhất trên thế giới.


Lần nữa, câu chuyện không biết thật hay không nhưng nó rất lô-gích trong cách trình bày vấn đề, với tôi nó cũng rất lô-gích khi tôi nói với các bạn là "Một đầu bếp giỏi không phải biết làm những món cầu kỳ hay đắt tiền mà là biết thăng hoa những món rất bình dân thành cao cấp".

(LKH)

No comments: