Sunday, May 27, 2018

THẾ NÀO LÀ THỰC SỰ "LẤY DÂN LÀM GỐC"?

“Lấy dân làm gốc” là chính sách cai trị đất nước mà rất nhiều vị Vua thời cổ đại áp dụng. Cách cai trị này thực sự không chỉ đem lại cuộc sống an bình, phồn vinh cho dân chúng mà còn thể hiện ra sự minh trí và đạo đức cao thượng của người cai trị.

(Tranh minh họa: Qua Wikipedia)

“Lấy dân làm gốc” hiểu theo nghĩa bề mặt chính là làm mọi việc đều phải đặt người dân lên vị trí trọng yếu. Làm được điều này quả thực không phải việc dễ dàng. Trong lịch sử thực sự đã có những vị Vua đề xướng và thi hành được chính sách cai trị này. Trong đó Hoàng đế Khang Hy là một trong những ví dụ điển hình nhất.

Thánh Tổ của triều nhà Thanh là Khang Hy hoàng đế Ái Tân Giác La – Huyền Diệp, tám tuổi lên ngôi, làm vua trị vì đất nước suốt 61 năm, là một trong những nhà cai trị tại vị lâu nhất trong lịch sử thế giới. Thời gian tại vị của ông được xem là mở đầu của “Khang Càn thịnh thế” kéo dài hơn 100 năm. Vậy trong chính sách cai trị “lấy dân làm gốc” của ông bao gồm những nội dung chủ yếu nào?

Dùng nhân từ đối đãi dân chúng

Khi Khang Hy lên ngôi, thù trong giặc ngoài, dân chúng lầm than, việc thống nhất đất nước vẫn chưa hoàn thành, dân chúng mâu thuẫn lớn với triều đình. Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang hỏi ông nghĩ gì, Khang Hy đáp: “Duy nhân giả vô địch.” (Tạm dịch: Chỉ có người nhân từ là không có kẻ thù).

Ông nói với các đại thần: “Định loạn chi phương, duy sùng thượng khoan đại, khoan tắc đắc chúng. Trì thiên hạ chi đạo, dĩ khoan vi bản.” (Tạm dịch: Để dẹp loạn, chỉ có duy trì lòng khoan dung, tấm lòng rộng rãi ắt được lòng dân. Đạo lý trị vì thiên hạ, lấy khoan dung làm căn bản).

Năm 16 tuổi, với trí tuệ siêu phàm và dũng khí hơn người, ông đã sắp xếp kế hoạch diệt trừ được quyền thần Ngao Bái chuyên quyền bạo ngược. Sau đó ông bình định loạn Tam phiên, 2 lần thân chinh Chuẩn Cát Nhĩ, phía Bắc chống Sa Hoàng, xây dựng thiên hạ, hoàn thành xong việc thống nhất toàn dân tộc Trung Hoa.

Không sát hại người vô tội, khoan dung người lầm lỡ

(Hình chân dung Hoàng đế Khang Hy: Qua Wikipedia)

Đối với loạn Tam Phiên, Khang Hy từng nhiều lần nói rõ quyết tâm bảo vệ biên giới quốc gia của mình, đồng thời hy vọng họ lấy lợi ích quốc gia làm trọng. Nếu như họ đình chỉ làm loạn thì triều đình cũng sẽ không trách lỗi xưa. Sau khi bình định được rồi cũng yêu cầu: “Xử lý phải khoan dung, không can thiệp ảnh hưởng quá nhiều người”.

Quan đề đốc Thiểm Tây là Vương Phụ Thần, bị Bình Tây Vương Ngô Tam Quế lung lạc mua chuộc, khởi binh nổi loạn. Lúc ấy cả nhà của con trai Vương Phụ Thần là Vương Kế Trinh đều đang ở tại kinh thành, các đại thần đều đề nghị lập tức bắt giữ họ vì tội mưu phản. Khang Hy tuy rất sốt ruột, nhưng ông vẫn bình tĩnh để cho Vương Kế Trinh đưa tin cho cha, nói rõ rằng triều đình lượng thứ vì ông ta mưu phản không phải là bản ý, lầm lạc mà biết quay lại, sẽ không truy cứu trách nhiệm.

Vương Phụ Thần vô cùng cảm động, nên đã lập tức dẫn binh sỹ hướng về triều đình bái lạy, bởi vì trong lòng vẫn còn có điều trăn trở, nên vẫn chưa chịu đầu hàng. Khang Hy bổ nhiệm Đồ Hải làm Phủ viễn Đại tướng quân.

Đồ Hải nói với các tướng sỹ rằng: “Noi theo tấm gương nhân nghĩa, thể theo đức lớn của hoàng thượng, trước tiên chiêu hàng họ, nếu không được mới đánh dẹp. Không được sát hại người vô tội!“.

Đạo quân lớn của Đồ Hải đánh đâu thắng đó, Vương Phụ Thần bị ép phải đầu hàng. Khang Hy lại phong cho ông ta làm Tĩnh Khấu tướng quân, ra lệnh cho ông ta và Đồ Hải cùng nhau trấn thủ Hán Trung. Vương Phụ Thần vô cùng xấu hổ, nhưng Khang Hy đã nhiều lần sai Đồ Hải an ủi ông ta.

Khi chinh phục Cát Nhĩ Đan, Khang Hy nói với các đại thần: “Dùng lòng nhân từ để cảm hóa thiên hạ, không thể dùng quyền uy để khuất phục. Cát Nhĩ Đan hung bạo, Trẫm khoan dung với dân chúng, Cát Nhĩ Đan gian xảo, Trẫm lấy thành tín để đối đãi với dân chúng“. Quần thần xin Hoàng đế đặt tôn hiệu, Khang Hy kiên quyết cự tuyệt, nói: “Trải qua ngọn lửa chiến tranh, cuộc sống của dân chúng đã khốn khổ lầm than rồi nên cần phải thiết thực, đừng chạy theo hư danh“.

Giảm thuế, giảm hình phạt và kiểm soát việc xây sửa công trình

Bức tranh miêu tả một cảnh Hoàng đế Khang Hy – nhà Thanh đi tuần (Ảnh: Qua v.ifeng.com)

Khang Hy chú trọng khôi phục và phát triển sản xuất, cùng dân nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhiều lần ông hạ lệnh đình chỉ việc khoanh vùng lãnh thổ, bãi bỏ thuế ruộng hơn 545 lượt.

Ông tuyên bố:“Sinh thêm nhân khẩu, vĩnh viễn không tăng thêm thuế“, khiến các loại thuế giảm xuống, đỡ gánh nặng cho nông dân. Ông coi trọng quản lý sông Hoàng Hà, tự mình giám sát việc trị thủy suốt hơn 10 năm để nhân dân đỡ khổ vì nạn lũ lụt.

Lúc ấy, cửa Bắc Trường Thành bị nghiêng lún rất nhiều, công bộ và nha môn xin xây dựng tu bổ lại. Khang Hy nói với các đại học sỹ: “Việc Đế vương trị vì thiên hạ đều là có căn nguyên của nó, không phụ thuộc vào việc thành quách hiểm. Từ khi nhà Tần xây dựng Trường Thành tới nay, các triều Hán, Đường, Tống cũng đã thường sửa chữa, lúc ấy thật sự không gặp tai họa biên cương nào nữa sao?

Cuối đời nhà Minh, đại quân của Thái Tổ tiến quân thần tốc, tỏa đi mọi hướng, đều không có ai dám đương đầu. Có thể thấy rằng đạo lý giữ nước, chỉ có tu đức an dân, hợp lòng dân mới chắc chắn giữ được đất nước, vùng biên cương tự nhiên vững chắc, đây cũng là điều mà người ta gọi là mọi người đồng tâm hiệp lực thì sức mạnh sẽ như bức tường đồng không thể phá.”


Một lần, Khang Hy đang đi thị sát ở khu vực phía Bắc Trường Thành, ông phát hiện thấy một người nằm bất động bên đường. Ông tự mình tiến đến hỏi thăm, biết người này tên là Vương Tứ Hải, là một người làm thuê, trên đường về nhà bị đói quỵ xuống không dậy nổi. Khang Hy lập tức sai người cho ông ta ăn chút cháo nóng. Khi Vương Tứ Hải tỉnh dậy, hoàng đế mang ông ta về hành cung, rồi cho tiền lộ phí và phái người đưa ông ta về tận nhà.

Khang Hy thi hành rộng rãi chính sách loại bỏ, giảm bớt hình phạt. Năm Khang Hy thứ 22, toàn bộ số phạm nhân bị phán quyết án tử hình trong cả nước chỉ có chưa đến 40 người.

Tuyển chọn người tài đức phục vụ dân

(Hình minh họa: Qua history.people.com.cn)

Khang Hy không những quan tâm chăm sóc trăm họ, mà còn yêu cầu quan lại cũng phải yêu thương dân như con. Ông mặc dù không hạn chế trong việc tuyển chọn nhân tài, nhưng tiêu chuẩn để lựa chọn thì yêu cầu hết sức nghiêm ngặt.

Ông dùng người trước sau đều giữ vững một tiêu chuẩn là: “Quốc gia dùng người, lấy đức làm gốc, tài nghệ là thứ yếu“. “Tài đức đều cao thì tốt, nếu có tài mà không có đức, thì cũng không bằng người có đức mà không có tài“.

Ông còn nói: “Xét tài năng thì phải lấy đức làm căn bản, đức hơn tài thì là người quân tử, tài hơn đức là kẻ tiểu nhân“.

Để trấn an quan lại dân tộc Hán, Khang Hy đã nhiều lần lặp đi lặp lại “Mãn hay Hán đều là bề tôi của trẫm“, “Mãn Hán là một thể thống nhất“, “Quan lại lớn nhỏ trong triều đều là những người mà trẫm tín nhiệm, các quan đều cần phải khuyên can, dâng sớ, không được thoái thác trách nhiệm“. Một số ít trí thức ẩn cư trong rừng núi đã ra làm quan, sự ngăn cách giữa dân tộc Mãn với dân tộc Hán và các dân tộc khác dần dần tan biến, rồi cuối cùng dung hợp với nhau.

Tiết kiệm, giản dị, nghiêm trị quan tham

(Một cảnh đi tuần của Hoàng đế Khang Hy. Ảnh: Qua kedo.gov.cn)

Để hình thành nên nếp sống tốt đẹp và thanh liêm cho quan lại, Khang Hy nhiều lần hạ chiếu để cho các quan lại triều đình tiến cử quan thanh liêm. Ông cũng nhiều lần đích thân tuyên dương những vị quan lại thanh liêm. Quan thanh liêm dưới triều đại Khang Hy xuất hiện rất nhiều, như: Lý Quang Địa, Trương Bá Hành…Những vị quan này nhậm chức ở nơi nào, thì dân chúng ở nơi ấy được hưởng ân huệ, lợi ích.

Vu Thành Long ở Sơn Tây tuy làm quan tướng soái, nhưng không hề mưu cầu tư lợi cho bản thân. Mỗi ngày 2 bữa, ông chỉ ăn cơm thô và rau xanh nên được mọi người đặt cho biệt hiệu là “Vua rau xanh”.

Ông lấy mình làm gương, ra mệnh lệnh cấm quan lại đút lót và nhận hối lộ, được dân chúng rất ủng hộ và yêu mến. Khi ông qua đời, các vị tướng quân và quan lại dưới quyền ông đến phúng viếng, họ mới thấy trong cái hòm bằng trúc để trong nhà ông chỉ có một chiếc áo dài, đầu giường của ông chỉ có một ít muối ăn, ai nấy đều cảm động rơi nước mắt. Dân chúng nhà nhà đều treo bức họa chân dung của ông và tưởng nhớ về ông, Khang Hy cũng ca ngợi ông là “Đệ nhất thanh quan đương thời”.

Khang Hy vô cùng chú ý nghiêm trị tham quan. Ông nói, quan tham cần phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn những cái khác, tội của tham quan là tuyệt đối không thể tha thứ được, nếu không sẽ không có tác dụng răn đe.

Trong một lần thẩm tra, ông tự mình răn đe cảnh cáo một loạt các tội phạm tham ô lớn. Đối với các quan lại vùng biên giới, ông yêu cầu càng nghiêm khắc hơn. Ví dụ quan Tuần phủ Thiểm Tây tên là Mục Nhĩ Tái ăn hối lộ làm trái pháp luật, Khang Hy nói: “Đối với tội phạm quan trọng rõ ràng nhơ nhuốc như thế, nếu không dùng hình phạt nặng thì không thể được, cho nên lập tức xử tử.” Từ năm 1681 kéo dài trong suốt 25 năm, chính sách này đã có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn những hành vi tham ô hối lộ.

Trong việc thống nhất đất nước, trị quốc bình thiên hạ, hoàng đế Khang Hy được người đời ca ngợi là một vị minh quân hiếm có trong lịch sử Trung Hoa, luôn một lòng vì dân, nghĩ đến dân, lo cho lợi ích của dân, lấy dân làm gốc, không mảy may tư lợi, hưởng thụ bản thân. Ông là tấm gương sáng mà người đời thường lấy ra để học tập.

An Hòa (dịch và t/h)