Sunday, September 3, 2017

7 MỐI TÌNH THÚ VỊ ÍT NGƯỜI BIẾT TRONG TRUYỆN KIM DUNG

Khán giả thường chú ý và bình luận nhiều hơn câu chuyện của các nhân vật chính mà bỏ qua những câu chuyện thú vị khác ở tuyến nhân vật phụ.

1. Quách Tương – Hà Túc Đạo


Câu chuyện này được Kim Dung miêu tả trong những hồi đầu tiên của Ỷ thiên đồ long ký. Hà Túc Đạo được người đời xưng tụng là “Côn Lôn tam thánh” – cầm thánh, kỳ thánh, kiếm thánh – từ Côn Lôn xuống Trung Nguyên. Trên đường đi, người đàn ông trung niên này gặp Quách Tương, khi ấy mới 19 tuổi, và gảy cho cô nghe khúc Bách điểu triều phụng ngoài rừng chùa Thiếu Lâm. Khi ấy, giữa hai người nảy sinh một cảm xúc kỳ lạ, hẳn là Hà Túc Đạo đã tìm thấy “dòng nước xanh” cho cuộc đời mình.


Hôm sau, trong cuộc giao đấu với phái Thiếu Lâm, Hà Túc Đạo một tay ứng chiến, một tay tấu khúc nhạc mới sáng tác dành tặng cho Quách Tương. Lắng nghe tiếng đàn lãng mạn xuân tình, cô bất giác đỏ mặt, cảm động nhận ra người đàn ông này đang dùng cung đàn tỏ tình với mình. Thế nhưng sau đó, Hà Túc Đạo đả bại trước sư Giác Viễn, buồn bã quay về Côn Lôn. Quách Tương tìm vợ chồng Dương Qua – Tiểu Long Nữ không gặp, ôm tình lên núi sáng lập phái Nga Mi. Mối tình như hoa, vừa chớm nở đã lụi tàn, còn tiếng đàn đã thành “bài biệt ca của tình yêu”.

2. Đoàn Diên Khánh – Đao Bạch Phụng 

“Chùa Thiên Long, cội bồ đề. Ăn mày nhếch nhác cận kề Quan Âm” 

Sự kỳ ngộ giữa Đoàn Diên Khánh và Đao Bạch Phụng được khắc họa đầy thi vị trong tác phẩm Thiên long bát bộ. Năm đó, ông bị kẻ thù phục kích, tuy giết sạch được địch nhưng chính mình cũng bị trọng thương, trông “không còn ra người, toàn thân ô uế, khắm khú, vết thương đầy ròi bọ, hàng chục con ruồi nhặng bay vần vũ chung quanh” và nằm thoi thóp dưới gốc bồ đề, chùa Thiên Long. Đúng lúc đó, Đao Bạch Phụng xuất hiện. Trong đêm trăng tròn đầy sương, Đao Bạch Phụng tóc xõa xuống vai, vận áo trắng toát, dáng vẻ mỹ tú yêu kiều lại thanh khiết đoan chính khiến Đoàn Diên Khánh lầm tưởng bà là Quan Âm giáng thế.


Vì căm giận thói trăng hoa của chồng, lại do người Bãi Di vốn không trọng chữ Tiết như người Hán, bà đã trao thân cho Đoàn Diên Khánh để trả thù Đoàn Chính Thuần. Xong, bà lặng lẽ bỏ đi, để lại trong lòng “gã ăn mày” kia mấy câu kinh không ra kinh, kệ không ra kệ :“Ngoài chùa Thiên Long. Dưới cội bồ đề. Hành khất phương xa. Quan Âm tóc dài”. Kết quả của đêm trăng ân ái đó là Đao Bạch Phụng mang thai và hạ sanh Đoàn Dự, dù thực trong lòng bà không hề có tình yêu đối với Đoàn Diên Khánh.

3. Đinh Điển – Lăng Sương Hoa 

Tạo hình của Lăng Sương Hoa của Trần Mỹ Kỳ trong Liên thành quyết 1989 

Những người yêu thích tác phẩm Liên thành quyết đều không khỏi thương cảm cho tình yêu oan trái giữa Đinh Điển và Lăng Sương Hoa. Đinh Điển vốn là một đại cao thủ trong giang hồ, đem lòng yêu tiểu thư Lăng Sương Hoa - con gái tri phủ Lăng Thoái Tư thành Giang Lăng. Đối với anh, thoát khỏi ngục thất của một phủ chỉ là chuyện trở bàn tay, nhưng Đinh Điển vẫn ở đó, chịu nhục hình tra tấn, chỉ để mỗi ngày nhìn thấy Lăng Sương Hoa chăm tưới mấy khóm cúc vàng tươi. Sương Hoa biết vậy, ra sức chăm hoa để hoa tươi mãi, tạ lòng người yêu.


Rồi một ngày, Đinh Điển thấy khóm hoa héo úa. Anh lập tức vượt ngục, xông vào dinh phủ thì biết rằng Lăng Sương Hoa đã chết, do bị chính phụ thân của cô bức tử. Đinh Điển đau đớn, ôm quan tài than khóc thì bị trúng kịch độc đã được Lăng Thoái Tư bôi lên quan tài. Sau khi Đinh Điển chết, Địch Vân mang xương cốt của anh hợp tác cùng Lăng Sương Hoa ở nghĩa trang phía Tây thành Giang Lăng để hai người mãi mãi được bên nhau, như ước nguyện cuối cùng của họ, dưới bóng mấy khóm hoa cúc vàng.

4. Đồng Mỗ, Thu Thủy và Vô Nhai Tử 

Củng Lợi và Lâm Thanh Hà trong vai Lý Thu Thủy và Thiên Sơn Đồng Mỗ 

Tiêu Dao Tử là một cao nhân kỳ bí, người sáng lập ra phái Tiêu Dao. Ông thâu nhận 3 đệ tử, lần lượt là Thiên Sơn Đồng Mỗ, Vô Nhai Tử và Lý Thu Thủy. Nhị đệ tử Vô Nhai Tử tinh thông tứ nghệ, tính tình tiêu sái phi phàm, “anh tuấn phong nhã như cánh hoa điểm trúng mặt hồ”, khiến Đồng Mỗ lẫn Thu Thủy đều đem lòng si mê ngay từ thuở thiếu thời. Thế nhưng, trong lòng ông chỉ có cô em gái 11 tuổi của Lý Thu Thủy, nên đã vẽ một bức tranh và tạc một pho tượng ngọc để tỏ lòng tương tư. Điều này dẫn đến mâu thuẫn lớn giữa ba người, khiến hai tỉ muội Đồng Mỗ và Thu Thủy trở mặt thành thù. Lý Thu Thủy rắp tâm quấy phá Đồng Mỗ luyện thần công, khiến cơ thể bà cứ “phản lão hoàn đồng” mãi không lớn lên được. Đồng Mỗ trả đũa, rạch nát mặt Thu Thủy. 

Vô Nhai Tử say mê bức tượng ngọc của người con gái ông tương tư 

Về sau, Đồng Mỗ sáng lập ra cung Linh Thứu trên núi Phiêu Miễu, tà ác vang danh một cõi. Thu Thủy trở thành hoàng phi nước Tây Hạ, quyền thế một phương. Thế nhưng mấy chục năm sau, cả hai vẫn cố chấp ghen tuông và không ngừng tranh đấu nhau. Trong trận đấu cuối cùng dưới hầm băng hoàng cung Tây Hạ, Thiên Sơn Đồng Mỗ và Lý Thu Thủy đánh nhau đến lưỡng bại câu thương rồi vong mạng sau trận quyết chiến. Hai người nhắm mắt, vừa khóc vừa cười trong hân hoan và đau đớn, khi nhận ra Vô Nhai Tử không hề yêu ai trong số họ. Khi ấy, Đồng Mỗ đã 96 tuổi, Vô Nhai Tử 94 tuổi còn Thu Thủy 92 tuổi, cho nên có thể nói, đây là mối tình thù kéo dài nhất trong các danh tác của Kim Dung.

5. Đông Phương Bất Bại – Dương Liên Đình 

Lâm Thanh Hà “đóng đinh” vai diễn Đông Phương Bất Bại

Đông Phương Bất bại có thể coi là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong truyện võ hiệp của Kim Dung. Phó giáo chủ của Nhật Nguyệt thần giáo đã đem lòng tạo phản, bắt giam Nhậm Ngã Hành dưới hắc lao đáy Tây Hồ và chiếm ngôi giáo chủ. Luyện thành bí kíp Quỳ hoa bảo điển, Đông Phương Bất Bại trở thành thiên hạ vô địch đúng như xưng hiệu nhưng đồng thời việc “dẫn đao tự cung” (tự thiến) đã khiến Đông Phương trở thành con người ái nam. Đông Phương yêu thương một nam nhân đẹp trai, lực lưỡng tên là Dương Liên Đình, đến mức giao hết quyền điều hành giáo phái cho người này thỏa sức lộng hành. 


Kim Dung khắc họa hình ảnh Đông Phương Bất Bại trong áo xiêm lộng lẫy, mặc cho Dương Liên Đình gắt gỏng thế nào thì vẫn ôn nhu thuần phục như vợ đối với chồng. Về võ công, Đông Phương một mình vẫn áp đảo được 5 cao thủ (nếu không kể Nhậm Doanh Doanh). Nhờ Doanh Doanh nhanh trí tấn công Dương Liên Đình làm Đông Phương bị phân tâm mà Lệnh Hồ Xung và Nhậm Ngã Hành mới có thể phản kích, chuyển bại thành thắng. Đến trước lúc chết, Đông Phương Bất Bại vẫn hạ mình cầu xin Nhậm Ngã Hành tha mạng cho tình lang. Nhậm Ngã Hành chẳng những không chấp thuận, còn giết chết Dương Liên Đình khiến Đông Phương tức giận búng kim đâm mù mắt phải của ông, rồi chết bên cạnh tình nhân.

6. Nghi Lâm – Lệnh Hồ Xung 

Các tạo hình của nhân vật Nghi Lâm trong điện ảnh

Một trong những mối tình khiến người xem thương cảm nhất trong Tiếu ngạo giang hồ, hẳn là “mối tình câm” của ni cô Nghi Lâm dành cho Lệnh Hồ Xung. Nghi Lâm là nữ ni xinh đẹp nhất của phái Hằng Sơn, với “khuôn mặt sáng như trăng rằm và đôi mắt xanh như nước hồ thu”. Cô bắt đầu đem lòng yêu gã lãng tử phái Hoa Sơn – Lệnh Hồ Xung sau cái ơn cứu cô thoát khỏi “Thái hoa dâm tặc” Điền Bá Quang. Vì Lệnh Hồ Xung, cô có thể cõng anh, chăm sóc cho anh, vì anh mà ăn trộm dưa … thậm chí có thể “chết đi để Lệnh Hồ Xung sống sót trở về”.


Để rồi từ đó, trong lòng Nghi Lâm trỗi dậy những xung đột, mâu thuẫn day dứt không thôi. Lệnh Hồ Xung trước yêu tiểu muội Nhạc Linh San, sau lại cùng Nhậm Doanh Doanh bôn tẩu giang hồ, chỉ có tấm lòng của Nghi Lâm là anh không nhận ra. Nghi Lâm ôm mối tình câm, ngày đêm tụng kinh niệm Phật trong căn phòng nhỏ ở chùa Hằng Sơn, nhưng càng tụng niệm thì càng không tìm thấy lối thoát, còn thể xác ngày càng tiều tụy, héo hon. Đến kết thúc thì nhiều người vẫn không biết số phận của Nghi Lâm ra sao, một cái kết mà tác giả bỏ lửng. Theo mạch truyện, nhiều người đoán rằng Nghi Lâm vẫn ở đấy, chôn vùi mối tình câm và cả tuổi xuân thì của mình trên ngôi chùa Hằng Sơn.

7. Kim Hoa – Ngân Diệp

Không ai ngờ rằng một Kim Hoa bà bà già cả, xấu xí … 

Kim Hoa bà bà – một trong Tứ đại pháp vương của Minh Giáo: Tử Sam Long Vương Đại Ỷ Ti – vốn là một thiếu nữ con lai giữa Trung Hoa và Ba Tư được giáo chủ Tổng giáo Ba Tư gửi gắm đến Minh giáo. Đại Ỷ Ti “đẹp như tiên trên trời, hơn hai mươi năm trước là đệ nhất mỹ nhân trong võ lâm” và “dù trong hay ngoài Minh giáo, mong được lọt vào mắt xanh của nàng Ỷ Ti nói hàng trăm người cũng còn là ít”. Thế nhưng, trái với nhan sắc tuyệt trần, Đại Ỷ Ti lạnh lùng một mực cự tuyệt tất cả chàng trai theo đuổi cô. Chỉ có điều khiến các nam nhân ở Minh Giáo không ngờ tới là cô lại lấy một người chồng cả tướng mạo lẫn võ công đều tầm thường, đó Hàn Thiên Diệp. 

... lại ẩn bên trong Tử Sam Long Vương xinh đẹp mỹ miều

Trong trận giao chiến ở Bích Thủy Hàn Đàm năm xưa, Đại Ỷ Ti tuy đả bại Hàn Thiên Diệp nhưng cả hai đã đụng chạm da thịt dưới đáy hồ. Sau đó cô lại ngày đêm gần kề chăm sóc cho Thiên Diệp nên dần dà nảy sinh tình cảm, rồi quyết ý nên duyên vợ chồng. Sau này, khi rời khỏi Minh Giáo, hai người lấy hiệu là Kim Hoa – Ngân Diệp, quy ẩn ở đảo Linh Xà ngoài Đông Hải, rồi sinh ra Tiểu Chiêu. Về sau, Ngân Diệp bị trúng kịch độc nhưng thần y Hồ Thanh Ngưu kiên quyết không cứu chữa, khiến ông bị độc phát tán mà chết. Còn Tiểu Chiêu thì thay mẹ về Tổng giáo Ba Tư làm thánh nữ, lỗi hẹn với người cô yêu thương là Trương Vô Kỵ.


Gia Bảo

No comments: