Bây giờ là mùa thu ở Sài Gòn và cũng là mùa lá rụng ở Rừng Phong trên đất Mỹ. Buổi chiều ngồi trong căn chung cư nhỏ hẹp nghèo nàn nhìn mưa dăng nhẹ ngoài khung trời ngoài kia, tôi bỗng muốn thoát khỏi mình trở lại sống với những ngày xưa. Những ngày xưa có bạn bè, có mộng ước xa vời, có yêu thương giận hờn, có quá nhiều thứ như ở một thế giới khác.
Tôi ngồi vào computer đi tìm dĩ vãng. Gõ bàn phím vào những bài hát về Mùa Thu, bỗng hiện ra đầy đủ cả lời ca tiếng hát, những cuốn phim xưa, những danh ca tài tử đi mãi vào lòng người, đi mãi vào bất tận trong ký ức. Tôi bay bổng vào đó để gặp lại những người tôi đã từng quen, đã từng là bạn, đã từng kề vai nhau một thời xa vắng. Ở đây, tôi chỉ gặp những người đã từng có mặt trên các sân khấu ca nhạc và trong những cuốn phim đã từng chiếu ở VN trước năm 1975, gọi chung là những người trong “làng giải trí” mà tôi đã quen hay đã từng coi nhau như bạn bè.
Kim Vui và Nhật Trường
Tiếng hát ngày xưa
Tiếng hát Lệ Thu, Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Lan… và quái lạ sao lại có cả tiếng hát Kim Vui. Tôi quen Kim Vui và cùng đi làm phim Chân Trời Tím nhưng chưa bao giờ nghe cô hát bài này của Nhật Trường. Hôm nay tôi mới được nghe lần đầu. Hình ảnh Kim Vui và Nhật Trường hiện ra trước mắt tôi. Sao mà thân quen đến thế. Kim Vui đóng phim như mang cả cuộc đời mình vào nhân vật, lãng mạn “cực kỳ,” táo bạo như Ava Gardner. Nhưng khi hát cô đằm thắm dịu dàng như ve vuốt bên người tình. Lần đầu tiên nghe Kim Vui đấy Kim Vui ơi. Và lần cuối cách đây vài năm, tôi nhận được e mail của Kim Vui chỉ có đúng hai chữ “Helo, anh.” Hai chữ thôi nhưng thân thiết lạ thường.
Và Nhật Trường, khi vừa đọc cuốn truyện này anh đã làm bài hát đó. Buổi trưa hè anh nhảy vào phòng tôi ở Đài Phát Thanh Quân Đội, anh khẽ cất tiếng hát rồi rỉ tai tôi, “Tối nay Minh Hiếu sẽ hát lần đầu tiên bài này trên dancing Paramount.”
Rạp Casino Saigon ngày xưa
Tối đó tôi lên nghe Minh Hiếu hát lần đầu. Đó là người hát Chân Trời Tím hay nhất. Dường như cô mang cả chuyện tình của mình gửi theo từng lời ca. Mấy lần về Sài Gòn, đến thăm tôi, cô cũng mang nguyên dáng vẻ ấy. Cô bước vào trong ánh sáng chập choạng cũng một buổi chiều mưa, cười, “Tôi về đến VN sáng nay, người đầu tiên tôi đến thăm là anh đấy. Anh cho tôi biết về tình hình bạn bè ở Sài Gòn.”
Trong thế giới riêng chiều nay trong tâm tưởng tôi có nhiều thứ quá. Lại nhìn đến hàng loạt những bài ca, những tác giả, những đạo diễn, diễn viên mà tôi đã từng quen biết.
Đóng phim cho vui
Lại nhảy sang gặp cuốn phim “Người Tình Không Chân Dung” của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Trước tháng Tư 1975, anh thường sang nhà tôi ở ngõ Chu Mạnh Trinh nằm dài trên ghế sofa. Con người nghệ sĩ lúc nào cũng ôm ấp những ý tưởng “đặc biệt” quá tầm tay. Anh thích những nhân vật như Steve McQueen trong Les Sept Mercenaires. Lầm lì mà gan dạ, cuốn phim “nổ như bom tấn” lại mang một triết lý “siêu đẳng” nhưng chẳng “đại gia” nào dám bỏ tiền ra cho anh thực hiện hoài bão gần như ngông cuồng đó. Anh làm phim với tất cả những gì xin được.
Anh Ngọc và Mạnh Đan, hai lão bối nhiều tuổi nhất hiện nay đều ở tuổi 90. Một cụ ở VN, một cụ ở Mỹ.
Trong cái ê kíp làm phim ấy, tôi gặp lại Kiều Chinh và Vũ Xuân Thông
Trước khi làm phim này Kiều Chinh và Hoàng Vĩnh Lộc đến gặp tôi ở Nha CTTL. Chúng tôi băn khoăn tìm kiếm những đơn vị quân đội có thể yểm trợ cho cuốn phim này. Khi quay phim, chúng tôi đến ăn ngủ ở ngay tư dinh của ông Thị Trưởng Cam Ranh, Đại tá Vũ Thế Quang tức Quang Dù. Hôm sau quay ngay mấy cảnh trên hòn đảo Cam Ranh. Hoàng Vĩnh Lộc mời một loạt những ông văn nghệ sĩ chỉ biết viết văn làm thơ, chẳng biết một xu diễn xuất nào như Duyên Anh, Hà Huyền Chi, Dương Hùng Cường, có cả Hùng Sùi đóng phim… cho vui.
Vũ Xuân Thông đóng vai chính với Kiều Chinh, trông đẹp đôi ra trò. Tôi và Vũ Xuân Thông đi “trình diện vào tù cộng sản” cùng một lúc. Thông có tài nắm sấp ngủ ngon lành và còn nhiều tài vặt khác, chạm trổ, vẽ vời rất điêu luyện. Tác phẩm lớn nhất của anh với chúng tôi trong trại cải tạo là những cái nõ điếu cày được mài dũa bằng đá và những chiếc điếu cày được “sáng tạo” khắc trổ rất công phu. Hút bằng nõ điếu đá, vừa không nóng vừa kêu tanh tách.
Còn Kiều Chinh lần nào về VN, dù rất bận với việc quay phim, cô cũng tìm thăm bạn bè. Chúng tôi thường gặp nhau ở nhà vợ chồng họa sĩ Đằng Giao - Chu Vị Thủy. Cái dáng dấp thanh mảnh và quý phái của cô như Grace Kelly cùng với tài diễn xuất thiên phú khiến nhiều hãng phim Mỹ, phim Việt mời cô cộng tác. Mấy năm nay không thấy cô về VN, mệt mỏi rồi phải không Kiều Chinh?
Từ trái qua: Văn Quang, Kiều Chinh, Đằng Giao, Phan Nghị năm 2004
Hai thằng quỷ này cái gì cũng chơi được
Bên cạnh Vũ Xuân Thông là Hà Huyền Chi và Dương Hùng Cường. Tôi thầm nghĩ: Hai thằng quỷ này cái gì cũng “chơi” được. Dương Hùng Cường đã từng viết chung với tôi truyện dài “Người Lính Hào Hoa” trên nhật báo Tiền Tuyến. Nó cũng là dân Thái Bình nên viết truyện Pilot Thái Bình, thật hay. Tôi giới thiệu bài viết của Dương Hùng Cường trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa với lời giới thiệu truyện mang cả mùi dầu nhớt của người lính thợ rất tinh tế và thật hơn những truyện bay bướm khác. Bạn tôi “ra đi” bao giờ tôi cũng không biết, có lẽ lúc đó tôi đang ngụp lặn trong nhà tù cải tạo.
Hà Huyền Chi ngoài tài làm thơ về “lính nhảy dù” rất hay còn đóng phim. Hồi đó rách tả tơi, ở cái nhà thấp lè tè đằng sau Viện Ung Thư Gia Định. Vậy mà cũng lập bàn mạt chược còm, khách “giang hồ” đến chơi khá đông. Ngày “tan hàng” nó rủ tôi chuồn xuống tàu Đại Hàn, nhưng tôi vô duyên không thể đi cùng. Vài năm sau, nó ở Seattle nghe tin tôi chết trong nhà tù, HHC viết bài khóc lóc thảm thiết. Tôi còn sống quay về, viết thư cho HHC, nó lại làm thơ “ngậm ngùi nhớ bạn.”
Hà Huyền Chi và Dương Hùng Cường xem đóng phim là một trò chơi.
Vinh danh văn hóa miền Nam trước 1975
Tôi trở lại với những bài ca bất hủ về mùa thu. Trong âm nhạc, mùa thu là mùa được các ông nhạc sĩ nhắc đến nhiều nhất. Từ thuở tiền chiến như Văn Cao, Đoàn Chuẩn… đến thời hiện đại như Cung Tiến, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn… Lạc vào đây như lạc vào rừng bởi những cái tên bản nhạc, tên tác giả. Tôi bất chợt nghe “Gió heo may đã về/ Chiều tím loang vỉa hè/ Và gió hôn tóc thề/ Rồi mùa thu bay đi…” Đó là tình khúc “Nhìn Những Mùa Thu Đi” của Trịnh Công Sơn. Có rất nhiều nam nữ ca sĩ hát bài này, Lệ Thu, Hồng Nhung, Thanh Lam, Hồng Hạnh, Trâm Đăng, Khánh Hà, kể không hết.
Tôi nhớ lại những ngày cùng Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Ngọc Anh rủ nhau đi ăn cơm bụi Bà Cả Đọi. Và tôi khẳng định nhạc của Sơn chỉ hay vào thời trước năm 1975. Thời kỳ vàng son của nền văn hóa Miền Nam, khác hẳn với miền Bắc. Sau những năm đó nhạc Trịnh chỉ còn một, hai bài “nghe được” như “mùa thu Hà Nội.” Thật ra 99.9% ca khúc “bất hủ” của Trịnh Công Sơn được sáng tác vào thời trước 75 ở Sài Gòn và Huế. Cho nên ngày nay khi người ta “vinh danh” Trịnh Công Sơn chính là vinh danh nền văn hóa của Miền Nam VN vào thời trước 75. Tôi mỉm cười một mình giữa đêm mùa thu Sài Gòn.
Kiều Chinh và Vũ Xuân Thông trong phim Người Tình Không Chân Dung
Tài tử Anh Ngọc với tôi
Bật sang những ca khúc bất hủ khác, tôi gặp lại danh ca Anh Ngọc với vô số những bài hát có vẻ hơi “cổ điển” như tính cách của anh vậy. Thiên Thai, Con Thuyền Không Bến, Mùa Thu Chết, Nguyệt Cầm và còn nhiều nữa. Bước lên sân khấu, ông luôn chững chạc, trong bộ complet và nghiêm chỉnh trình bày bài hát. Không điệu nghệ như Nhật Trường luôn vắt chiếc áo veston trên cánh tay như Frank Sinatra. Vì ông đẹp trai “quá cỡ thợ mộc” nên chúng tôi thường gọi ông là “tài tử Anh Ngọc.”
Ông sinh năm 1925, hơn tôi 8 tuổi. Chẳng hiểu từ bao giờ, tôi quen biết ông, chúng tôi thường gặp nhau trong căn nhà thuê ở con hẻm hẹp đường Cao Thắng của Thanh Nam, Hoàng Thư, Thái Thủy... Và những buổi chiều tà lại cùng Mai Thảo, Phạm Đình Chương ngồi ở nhà hàng Point des Blagueurs, tục gọi là “Mỏm Đấu Láo” dưới chân Cột Cờ Thủ Ngữ, bên sông Sài Gòn. Bây giờ ông và gia đình sống ở vùng Virginia bên cạnh một loạt các ông bạn tôi Hoàng Hải Thủy, Tạ Quang Khôi, Uyên Thao, Hoàng Song Liêm.
Mấy lần ông cùng vợ ông (bà Nhung đi công tác cho đài VOA) về VN, lần nào cũng đến thăm tôi. Lần sau cùng cách đây khoảng hai năm, tôi bị ốm không thể mời ông ăn bữa cơm với những món gia truyền như nộm rau muống, cuốn ngỏ, cháo cá ám đã thất truyền ở VN, không nhà hàng nào làm được. Ông mời tôi ra quán Cơm Niêu cùng vài người bạn.
Anh Ngọc và Nhật Bằng trong phòng thu thanh Đài Tiếng nói Quân đội của VTVN năm 1965 |
Trước khi chia tay, đứng trên vỉa hè, ông ôm vai tôi nói lớn, “Bây giờ ở đây chỉ còn mình mày.” Đây là lần thứ nhất ông xưng hô “mày tao” với tôi, chưa bao giờ tôi nghe ông xưng “mày tao” với bất cứ ai. Cái tình thân 60 năm đọng lại ở đó, sâu lắng ở đó. Tôi ngẩn ngơ nhìn bóng dáng ông cùng bà Nhung bước lên chiếc Taxi màu vàng. Bóng dáng ông khuất sau ngã tư con đường Sài Gòn thân thuộc.
Những rạp hát xưa của tôi
Nói đến phim ảnh và ca nhạc kịch phải nói đến những rạp chiếu phim, rạp hát, sân khấu ca nhạc thời xưa. Tràn lan, tôi không thể kể hết tên những nơi chốn ấy. Từ những rạp hát phố nhỏ đến rạp phố lớn, hàng trăm rạp. Nhìn lại vài rạp nhỏ như Cẩm Vân - Võ Di Nguy, Phú Nhuận; rạp Cao Đồng Hưng – Bạch Đằng chợ Bà Chiểu, Gia Định; rạp Đại Đồng – Cao Thắng; Nam Quang – Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp… Nhưng vài rạp mang nhiều dấu ấn nhất cho tình yêu tuổi trẻ của phần đông anh em chúng tôi là Rạp Eden nằm giữa đường Catinat, rạp Majestic cũng nằm cuối con đường này, rạp Rex - góc đường Lê Lợi & Nguyễn Huệ, ba rạp được coi là đẹp nhất Sài Gòn.
Nơi ấy khi mới biết yêu, những cặp tình nhân thường đưa nhau đến đấy xem những cuốn phim tình cảm lãng mạn. Ở Eden, Majestic có những lô riêng cho bốn người, thường chỉ có hai người cùng nắm tay nhau, vai kề vai xem phim mà đôi khi chẳng biết nó chiếu cái gì. Họ quá bận với tình tự kiểu học trò. Bây giờ còn thấy nóng cả môi.
Những phòng trà đi vào ký ức
Có vài sân khấu nhiều kỷ niệm nhất với chúng tôi. Đó là phòng trà Hòa Bình của nhạc sĩ Ngọc Bích, với những ca sĩ thành danh rồi bay đi như Bích Chiêu, Bạch Yến, Bạch Quyên, Trúc Mai, Băng Tâm… Phòng trà đáng nhớ hơn là Đêm Màu Hồng của ông công tử Trần Quý Phong chủ hotel Catinat. Nơi đó những ông Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo vẫn ngồi uống rượu. Có ban nhạc của gia đình Phạm Đình Chương, Thái Thanh.
Thái Thanh là đệ nhất danh ca VN ai cũng biết rồi, nhưng còn chuyện rất ít người biết. Tôi nhớ lại những năm còn trẻ, chúng tôi thường đến nhà thân mẫu Phạm Đình Chương (chúng tôi gọi là bà cụ Hoài Bắc) đánh chắn.
Hồi đó Thái Thanh mới lấy chồng, ở trên căn lầu nhỏ xíu phía sau nhà. Cô thường ngồi sau mẹ, chia bài nhanh thoăn thoắt. 120 quân bài chia làm 6 phần, rất ít khi nhầm. Thỉnh thoảng cô nhỏm vào nhìn bài của mẹ, tay vẫn chia đều… chia đều. Ván bài chưa xong cô đã chia xong. Ở Sài Gòn không ai chia bài nhanh hơn cô. Bây giờ nghe chị Tâm Vấn kể lại, mấy tháng trước, khi sang Mỹ, đến thăm Thái Thanh không còn nhận ra ai nữa. Sao bỗng thấy bùi ngùi quá Thái Thanh ơi.
Làm sao tôi kể hết được những “huyền thoại” đó, nay đã thành “thần thoại” như chẳng bao giờ có thật vì không thể tìm lại được nữa. Một đêm mùa thu đi tìm dĩ vãng để được sống lại với thời xa xưa. Bây giờ là mùa thu. Mùa thu vàng hoa cúc. Mùa thu ở Sài Gòn, mùa thu ở Rừng Phong và ở khắp nơi trên thế giới, nơi có những người bạn của tôi. Nói đến bao giờ cho hết. Trong tôi chỉ còn vương vất mấy câu thơ của Xuân Quỳnh:
“Thời gian như ngọn gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi…
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…”
Văn Quang
Sài Gòn một đêm giữa mùa thu 4 tháng 9, 2015