Sau khi tiến vào quan ải, chinh phạt Trung Nguyên, rất nhiều người Mãn đã đổi sang họ người Hán. Đây là một hiện tượng kỳ lạ trong lịch sử, kẻ đi chinh phạt lại tự đồng hóa với người bị chinh phạt. Nguyên cớ ở đâu?
Năm 1644, tướng quân Ngô Tam Quế mở cửa Sơn Hải Quan đón quân Mãn Châu của Đa Nhĩ Cổn nhập quan, đánh bại Lý Tự Thành, lập nên triều Thanh. Sau khi nhập quan, nhiều người Mãn đã đổi sang dùng họ người Hán.
Người Mãn khi ấy đã làm chủ Trung Nguyên, vốn có địa vị “Bát Kỳ” cao sang cớ sao phải đổi sang họ của người Hán khi ấy đang là thân phận nô lệ?
Sự phức tạp của họ người Mãn
Số họ của của người Mãn rất nhiều, đặc biệt sau khi Mãn Thanh tiến vào vùng biên ải Trung Nguyên, con số đã lên đến 647 họ. Họ tên của người Mãn có nguồn gốc khá phức tạp, phần lớn đều là họ Nữ Chân cổ, hơn nữa là họ của giới quý tộc Nữ Chân. Lúc đầu rất nhiều người Nữ Chân không đặt họ, thậm chí ngay cả tên cũng không có.
Sau này khi đã có họ tên thì lại xảy ra tình trạng trùng danh tính rất nhiều. Để tránh điều này, người Mãn đã thêm địa danh hoặc tên bộ lạc ở ngay trước tên riêng. Ví như tên của Từ Hy Thái hậu là “Diệp Hách Na Lạp”, có tên địa danh Diệp Hách trong đó, còn “Na Lạp” là một con sông. Tên của Từ Hy là người bên sông Na Lạp, vùng Diệp Hách.
Nhưng khi ấy có rất nhiều người Mãn không muốn khoe khoang thân phận “người Bát Kỳ” của mình, liền mượn dùng họ người Hán. Ái Tân Giác La là họ danh giá nhất, họ của các Hoàng đế. Cuối triều Thanh vì để tránh tai họa họ này đã đổi thành họ Kim.
“Ái Tân Giác La” trong tiếng Mãn chính là “Kim Tử” (vàng ròng). Cũng có nhiều người Mãn lựa chọn những họ lớn, phổ biến của người Hán, ví như họ Triệu, họ đầu tiên trong “Bách gia tính” (họ trăm nhà).
Khi Mãn Thanh tiến vào vùng biên ải Trung Nguyên, con số đã lên đến 647 họ. Ảnh minh họa dẫn theo baomoi.com
Kỳ thực, trước khi người Mãn tiến vào Trung Nguyên, khuynh hướng Hán hóa đã thể hiện rất rõ. Ví như con trai của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Đa Nhĩ Cổn, Mãng Cổ Nhĩ Thái đều là tiếng Mãn. Nhưng sang đến Hoàng Thái Cực (cũng là con trai Nỗ Nhĩ Cáp Xích) thì đã là phiên âm tiếng Hán mang ý nghĩa là “Thái tử”. Còn tên Phúc Lâm của Hoàng đế Thuận Trị (Ái Tân Giác La Phúc Lâm) sau này thì chính là tiếng Hán nguyên gốc rồi.
Có một quy luật thú vị trong lịch sử khi các dân tộc chinh phạt lẫn nhau. Các bộ tộc du mục, giỏi nghề binh đao, văn hóa kém phát triển hơn thường gây chuyện can qua, quấy phá các dân tộc văn minh, tiên tiến hơn vốn ít chú trọng về quân sự. Nhưng sau khi đã chinh phục được rồi thì các bộ tộc kém phát triển kia lại bị chính nền văn hóa vĩ đại của dân tộc bị chinh phạt đồng hóa ngược trở lại.
Trong lịch sử, người ta chứng kiến không ít tình huống thế này. Mông Cổ đánh bại nhà Tống, lập nên nhà Nguyên. Theo năm tháng, nhà Nguyên dần dần học tập mô hình chính trị, văn hóa của người Hán, không còn chút dấu tích Mông Cổ nào nữa. Cũng như vậy sau khi nhà Đường diệt vong, trong thời Ngũ Đại Thập Lục Quốc, các rợ Hồ tiến chiếm Trung Nguyên, sau này cũng bị đồng hóa ngược trở lại. Tình huống của người Mãn Thanh cũng tương tự như thế.
Đổi sang gốc Hán
Có rất nhiều minh chứng cho thấy người Mãn thực sự thích họ của người Hán. “Nữu Khô Lộc” là một họ lớn của người Mãn, chỉ danh gia vọng tộc Nữ Chân mới được mang họ này. Tuy vậy, thực ra họ này bắt nguồn từ họ tên của người Hán. Chữ “Nữu” (鈕) bắt nguồn từ chữ “Sửu” (丑), là một họ khá phổ biến của người Hán.
Mẹ đẻ của hoàng đế Càn Long chính là người Hán, ban đầu mang họ Tiền, về sau đổi thành họ Nữu Khô Lộc. Có người cho rằng Nữu Khô Lộc có nghĩa là “sói”. Người Nữ Chân rất sùng bái loài sói, lấy sói làm biểu tượng, sau cùng lấy làm tên họ. Họ Nữu Khô Lộc sau này đã đổi thành họ Sửu hoặc họ Lang (cũng có nghĩa là sói) trong gốc tiếng Hán.
Hòa Thân cũng vốn không phải họ Hòa mà cũng mang họ Nữu Khô Lộc, thường gọi là “Nữu Khô Lộc Trung Đường”, “Nữu Khô Lộc Đại Nhân”. Hòa Thân là tên tự của người Hán được thầy giáo trường tư thục đặt cho. “Hòa” có nghĩa là ngọc đẹp.
Hòa Thân cũng vốn không phải họ Hòa mà cũng mang họ Nữu Khô Lộc. Ảnh dẫn theo kienthuc.net.vn
Điều này nói rõ một điều rằng sau khi tiến vào Sơn Hải Quan, người Mãn đã bị Hán hóa rất triệt để, dần dần đổi sang sử dụng họ của người Hán. Trước khi đại quân Mãn Thanh tiến vào Trung Nguyên, họ của người Mãn là đa âm tiết, đối chiếu sang chữ Hán đều là hai, ba chữ trở lên. Sau khi vào Trung Nguyên, họ của người Mãn dần trở thành đơn âm tiết, đã có đặc điểm của họ người Hán, đồng thời vẫn lưu giữ lại nội hàm văn hóa của dân tộc Mãn.
Cuối triều Mãn Thanh, thiên hạ của người Mãn lung lay sắp đổ, một lượng lớn quý tộc người Mãn vì kế sinh nhai mà phải lang bạt đầu đường xó chợ. Sau khi Hoàng đế nhà Thanh thoái vị, những người Mãn không học vấn, không nghề nghiệp và kỹ năng mưu sinh đành phải làm những công việc lặt vặt hoặc trở thành tiểu thương buôn bán nhỏ, hoặc kiếm sống bằng nghề bán cá, bán trái cây. Lúc này, một bộ phận “người Bát Kỳ” vì để tránh khơi dậy thái độ thù địch của người Hán đã đổi sang họ gốc Hán.
Vì để sinh tồn, con em Bát Kỳ đã che giấu kín thân phận người Mãn của mình. Phụ nữ cởi bỏ kỳ bào mà mặc trang phục người Hán. Họ cũng không dám dùng bất cứ đồ vật gì của Mãn Châu, thứ được treo trong nhà mình cũng chỉ là cái túi đựng gạo vùng Đông Bắc. Ngay cả việc bái tế tổ tiên, họ cũng phải lén lút mà thực hiện.
Cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ chính quyền của người Mãn. Tôn Trung Sơn đưa ra khẩu hiệu “Trừ bỏ nô lệ Tác-ta” (người Hán gọi dân du mục phương bắc là Tác-ta). Giới quý tộc người Mãn cảm thấy không còn chỗ dung thân, sợ bị người khác nhận ra, trừ diệt. Vậy là những ai có thể trốn về quê nhà được thì mau chóng bỏ chạy. Những người không trốn về được thì lần lượt đổi sang họ người Hán, tự nhận bản thân là người Hán, sống trong lớp vỏ bọc ấy.
Một số điều tra cho thấy, sau cách mạng Tân Hợi, trong những người làm thuê, lưu lạc đầu đường xó chợ, bán cá, bán trái cây thì người Mãn chiếm đến một phần tư. Có thể thấy các quý tộc con em “Bát Kỳ” thực sự lâm vào tình thế quẫn bách thế nào.
Nhưng điều đáng sợ hơn cả chuyện kiếm kế sinh nhai, cơm áo gạo tiền, chính là việc địa vị xã hội của người Mãn đã đứng bên bờ vực thẳm. Những quý tộc Mãn Châu đã không còn cảm thấy vinh dự với thân phận “Bát Kỳ” huy hoàng của mình hay những tên họ Mãn Châu đầy quý phái. Trái lại, họ còn cảm thấy nhục nhã, khiếp sợ, cảm thấy một nỗi đau thực sự khi buộc phải sang tên đổi họ, sống mất gốc như thế.
Theo Soundofhope
Phi Long biên dịch
No comments:
Post a Comment