Rau tần ô có vị the nhẹ, nồng nồng, có thể chế biến thành những món ăn lạ miệng, mát lành. Đơn giản nhất là trộn với các loại rau khác như ngò, cải con, xà lách, húng quế, dưa leo cắt lát mỏng thành một đĩa rau sống tươi ngon, nhiều hương vị. Rau tần ô còn được dùng để nấu canh rất ngon. Có thể nấu canh rau tần ô với thịt bò, thịt heo thăn hay tôm
Tần ô rất dễ trồng, chỉ cần ít hạt giống vãi trên luống đất tơi xốp, ba ngày sau là những mầm bé xinh đã nhú lên khỏi mặt đất, vươn mình vụt lớn. Một tuần sau là có thể hái những ngọn rau tần ô xanh non, mập mạp, mơn mởn, chế biến thành những món ăn ngon.
Nhớ những buổi sáng mùa xuân ấm áp, tôi cắp rổ theo mẹ ra vườn hái rau. Mẹ luôn dạy tôi rằng, không được nhổ rễ mà phải cắt ngang thân cây rau, chừa lại phần gốc 3cm. Với cách hái như thế, rau tần ô sẽ bị “tức” và đẻ (ra) nhiều nhánh quanh gốc, chỉ cần bón phân và chăm tưới nước là có rau ăn cả mùa xuân mà không cần phải gieo trồng nhiều đợt.
Rau tần ô có vị the nhẹ, nồng nồng, có thể chế biến thành những món ăn lạ miệng, mát lành.Đơn giản nhất là trộn với các loại rau khác như ngò, cải con, xà lách, húng quế, dưa leo cắt lát mỏng thành một đĩa rau sống tươi ngon, nhiều hương vị.
Rau tần ô còn được dùng để nấu canh rất ngon. Có thể nấu canh rau tần ô với thịt bò, thịt heo thăn hay tôm. Cũng có thể trộn chung với các loại rau khác trong vườn như rau khoai, mồng tơi, rau ngót để nấu canh. Nhưng ngon nhất vẫn là canh rau tần ô cá diếc.
Cá diếc mua về, bỏ mang, bỏ ruột, rửa sạch rồi thoa rượu gừng để khử mùi tanh. Cá được ướp gia vị cho thấm rồi lăn qua chảo dầu nóng. Cho nước sôi vào đun đến khi cá chín thì cho rau tần ô vào.
Khi nước canh sôi lại là món canh đã được hoàn tất. Để món canh thêm đậm đà, mẹ không quên cho vào nồi canh một ít tiêu bột. Bữa cơm gia đình bên đĩa dưa cà dân dã và tô canh rau xanh thắm, nóng hổi tỏa hương thơm ngát khiến cả nhà ngon miệng hẳn lên.
Nhớ những ngày giao mùa, thời tiết thay đổi, mấy chị em tôi bị cảm lạnh, ho liên miên, cả đêm dài khó ngủ. Mẹ lặng lẽ ra vườn hái một nắm tần ô rửa sạch nấu cháo giải cảm cho chúng tôi. Nguyên liệu chỉ là một nắm gạo, vo sạch , nấu cháo.
Lúc sắp bắc cháo xuống thì cho gừng già giã nhỏ, hành lá, tần ô xắt nhỏ, tiêu sọ vào quậy đều rồi ăn khi còn nóng. Ăn xong mẹ lại cho chúng tôi trùm kín chăn để vã mồ hôi. Sau đó, mẹ lại hái một nắm tần ô khác đem vào rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước, hòa thêm một ít đường phèn cho chúng tôi dễ uống. Chỉ đơn giản vậy thôi mà chiêu “cảm ho dùng tần ô” của mẹ lại phát huy tác dụng. Nhờ thế mà mấy chị em tôi được thanh giọng trong những ngày giao mùa, khó ở trong người.
Bây giờ mỗi khi bị ho vì trời lạnh, tôi lại nhớ đến cháy lòng vị ngọt của đường phèn, đăng đắng mà nồng của chén thuốc rau tần ô mẹ pha ngày bé, nhớ hình ảnh mẹ với ánh mắt đầy lo lắng, yêu thương. Và tôi biết những kỷ niệm thân thương về loài rau dân dã nơi khu vườn quê của mẹ sẽ vẫn mãi khắc sâu trong trong trái tim tôi đến suốt cuộc đời.
Kim Loan / Theo: PNO
No comments:
Post a Comment