Ảnh tư liệu gia đình Huynh Huu Thanh
Một ngày, có một cô gái dáng vẻ hiền lành,vẻ mặt hơi ngơ ngác, nói tiếng Việt không rành được ba đưa về nhà. Ba bảo đây là người sẽ thay mẹ Thạnh trong ngôi nhà này. Năm đó, dì Hà mười bảy tuổi, còn nét bẽn lẽn của cô gái tuổi mới lớn. Dì mới bắt đầu học hát và đi diễn ở phòng trà ca nhạc trước đó một năm thôi. Tên dì là Bạch Nguyệt Hào, cái tên rất lạ. Ba nói dì là người Triều Châu, sống trong Chợ Lớn.
Lúc mới gặp, Thạnh gọi dì là dì Hà. Dì nói với Thạnh: “Con đừng kêu dì bằng dì Hà. Con kêu bằng dì thôi!” Thạnh thấy cả hai không khác gì nhau. Dì giải thích, gọi bằng “dì”, mới là thân thiết, là người trong nhà.
Cuộc đời dì Bạch Nguyệt Hào trước kia không mấy gì vui. Ba mẹ ruột do làm ăn ở xa nên khi mới sinh dì đã giao cho một phụ nữ người Tàu ở Hải Phòng di cư vào Nam nuôi giúp kèm theo số tiền lớn. Khi vào Nam, bà này sống trong Chợ Lớn, khu chợ Hòa Bình đường Bạch Vân. Dì được đặt tên theo họ người dưỡng phụ nhưng không được thương yêu, không được xem như con. Mỗi ngày, dì làm lụng trong nhà như người ở, thường xuyên bị la mắng, xúc phạm. Dì cho Thạnh xem vết thẹo trên đầu, kể có lần thấy mẹ nuôi ăn sầu riêng, dì khen thơm thì bị quăng vào đầu cả hủ thủy tinh đựng những múi sầu riêng do dì bóc cho bà ăn. Dì sống nhẫn nhục cho đến khi bước vào tuổi mới lớn, đi học hát mang tiền về nuôi họ mới được đối xử tốt hơn một chút.
Đi hát một thời gian không lâu, dì để ý rồi thương ông nhạc trưởng luôn đối xử tốt với mọi người, ai cũng quý mến và nể trọng. Ông lớn hơn dì tới mười mấy tuổi, nghe nói có ba đứa con còn nhỏ nhưng đã bị vợ bỏ, đang cảnh gà trống nuôi con. Ông cũng có cảm tình với cô ca sĩ người Hoa mới vào nghề, chân chất và hiền hậu này nên quyết định sẽ đến với nhau. Ông là ba của Thạnh.
Nhưng sự đời không dễ như ý muốn. Hồi mới đi hát, vẻ trẻ trung ngây thơ của cô gái họ Bạch đã lọt vào mắt ông Lý, một tỷ phú người Phúc Kiến có thế lực rất lớn ở đất Sài Gòn - Chợ Lớn này. Ông thường xuyên săn đón, bỏ ra nhiều quà cáp để mua chuộc tình cảm của cô và gia đình mẹ nuôi nhưng tiền bạc và thế lực của ông không khiến cô ca sĩ trẻ người Hoa rung động. Biết cô từ chối ông và thương người nhạc sĩ, ông sai Tín Mã Nàm, một người Tàu Nùng khét tiếng trong giới du đãng Chợ Lớn ra tay với tình địch. Vị đại gia này chắc chắn không thiếu những bông hoa biết nói vây quanh, nhưng ông cần bảo vệ danh dự.
Trong câu chuyện này, cách hành xử của những người trong cuộc cũng khác lẽ thường. Ba của Thạnh lúc đó là nhạc trưởng nổi tiếng tại vũ trường Đại Kim Đô ở Sài Gòn, còn Tín Mã Nàm là trùm bảo kê ở đây nên không xa lạ gì nhau. Sau đêm diễn dịp Trung Thu năm 1963 ở Đại Thế Giới, lúc đó là vũ trường và nơi biểu diễn ca nhạc, Tín Mã Nàm gặp ba Thạnh: “Anh Hai, tui nói anh nghe điều này. Ông Lý biểu tui “làm việc” với anh vì chuyện cô Bạch. Anh nên “giúp” tui cho xong việc! Không thì chuyện còn tệ hơn!” Đêm đó, ba Thạnh về nhà, mũi dập đến chảy máu. Mấy ngày sau, ông tỷ phú kia đến gặp ba Thạnh: “À, nghe nói nị có chuyện hả!... Hầy dzà, ở đời chuyện nị, nị làm còn chuyện ngộ, ngộ làm. Chuyện xong rồi, vẫn là anh em!”. Ông ta đã giữ lời. Người nhà của dì Hà nổi điên lên vì mất mối con rể triệu phú, đến kêu gào với ba của Thạnh: “Trả con lại cho tao!”. Nhưng chính ông Lý đã chơi đẹp tự thu xếp chuyện này, mang đến một số tiền cho nhà họ Bạch để họ im tiếng. Trong nhiều năm sau đó, thỉnh thoảng ông vẫn đến chơi ở các vũ trường nơi ba Thạnh làm việc như bình thường và có lúc hỏi thăm cô Bạch. Tháng 3 năm 1975, ông Lý còn đến vũ trường Vân Cảnh chơi với ba Thạnh và ban nhạc lần chót trước khi ra nước ngoài.
Có thể thấy trong cách xử thế này, danh dự và uy tín của những người liên quan luôn được coi trọng dù có hiềm khích và đối đầu.
Trong một ngôi nhà người Hoa ở Chợ Lớn. Ảnh Doi Kuro
Mấy chị em Thạnh thiếu hụt tình mẹ nhưng dì Hà mang đến hơi ấm đậm đà của tình mẫu tử. Lúc mới về nhà chồng, bà còn quá trẻ, chưa từng sanh con nhưng chăm sóc con riêng của chồng chu đáo. Chồng đi diễn nuôi cả gia đình, bà lo trông nom nhà cửa, mua sắm trong nhà không thiếu thứ gì, chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho con rồi đợi chồng đi diễn về hằng đêm.
Sau này, bà còn đi hát trở lại cùng với ban nhạc của chồng, xa nhà hàng mấy tháng trời, luôn nhớ mua quà cho các con. Dù không rành tiếng Việt, bà vẫn cố gắng đùm bọc, dìu dắt đàn con riêng cùng các cháu ngoại nội của chồng bước vào cuộc sống, từng chút một.
Lúc đó, nhà Thạnh sống ở khu Chợ Quán, nhìn xéo qua bên kia đường là mộ ông Trương Vĩnh Ký, gần đình Tân Kiểng. Những năm sống ở đó, từ khi dì về ở cùng là những năm đầm ấm đối với mấy chị em. Cứ mỗi tháng, hai người chị và Thạnh đưa dì xem kết quả học tập. Kiểu gì cả nhà cũng sẽ ra khu hẻm bên cạnh rạp Casino Sài Gòn vào cuối tuần. Đây là nơi nổi tiếng với các món ngon, chủ quán hầu hết là người Bắc di cư, nấu các món Bắc như phở, bún chả, bún thang, miến thang, bún riêu, bánh tôm... rất ngon.
Quán không sang nhưng giá chẳng rẻ vì ở khu trung tâm. Cả nhà thường đi bằng xe lam hay hai chiếc xích lô. Xe chạy từ Chợ Quán, dừng ở công trường Quách Thị Trang. Mấy mẹ con xuống xe, đi bộ tà tà từ ở các sạp vải gần đó cho đến đến tiệm Hồng Hoa ở đường Lê Lợi.
Đó là một tiệm chuyên bán loại áo ngực ren kiểu Tây phương sang trọng của phụ nữ, rất nổi tiếng. Ở đó, để dì và các chị chọn đồ, Thạnh ra đứng nhìn phố xá chiều chủ nhật. Sau đó ghé nhà sách Khai Trí mua truyện hay đến tiệm ảnh của cô Sáu Tân Mỹ đối diện bót Lê Văn Ken chụp mấy tấm ảnh gia đình, ra chợ Tạ Thu Thâu (Hải Triều ngày nay), thương xá Tam Đa, trung tâm buôn bán Saigon Departo để mua sắm. Ai học giỏi có bảng danh dự, thường là người chị thứ hai của Thạnh, thì được dì mua cho đồ chơi, búp bê.
Những chuyến xe chở đầy niềm vui như vậy mỗi cuối tuần, khi Sài Gòn, lúc Chợ Lớn. Có khi ba chở mỗi mình Thạnh ra phía chợ sách cũ trên vỉa hè đường Lê Lợi đối diện nhà sách Khai Trí bằng chiếc Vespa Standard. Ở đó, ông tìm mua truyện chưởng hay truyện Z.28 còn Thạnh đứng xem những trò diễn ra trên vỉa hè. Có lúc mải mê đứng xem nhà ảo thuật Lê Văn Quý, ba của nghệ sĩ Mạc Can vừa biểu diễn vừa bày bán dụng cụ ảo thuật. Hoặc là các trò nhổ răng, xổ lải con nít đáng ngờ của đám Sơn Đông mãi võ.
Khu trung tâm Sài Gòn mang đến một thế giới tân kỳ trong tâm tưởng chú bé Thạnh với các cửa hàng bóng lộn, thang cuốn ở Cryslal Palace, rạp cine Rex hay máy lạnh ở nhà sách Xuân Thu... còn khu chợ La Cai gần nhà lại gần gũi và hấp dẫn bởi những hàng quán, tiệm nước của người Hoa. Ở đó bán nhiều món ăn Tàu, đồ vật nhập từ Hồng Kông như quần áo, giày dép, dù nón. Dắt chị em Thạnh ra đó, dì lại cho thưởng thức món ngon. Thạnh nhớ món chí mà phũ của ông Tàu đội nón cời lối chuyên bận bộ quần áo xá xẩu màu đen, không cài nút áo, để lộ áo thun trắng tinh bên trong gánh đi bán. Chè để trong tủ gỗ, đặt ở đầu đường với tiếng rao ngân dài:
“Chí mà phũ, bột báng, củ năng, trứng gà...!”. Hôm nào đổi món thì đi ăn mì Hải Ký. Khi người bồi mang ra món vịt tiềm, dì Hà bảo món này nấu đúng cách! Món vịt tiềm ở đây có cách tẩm ướp gia vị đặc biệt, nước dùng đậm đà, thơm vị thuốc Bắc mà sau này không thấy có ở các các tiệm mì vịt khác. Ăn mì xong thì gọi món chè quy phục linh màu đen giống như thạch sương sáo, nấu bằng thổ phục linh và bột mai rùa, có vị thanh, thơm mát. Ăn xong, dì còn mua xôi Xiêm, xuất xứ từ Thái Lan gồm có nếp, ca-dé (trứng đánh lên rồi nấu, sền sệt), xoài... gói trong lá chuối cài chặt bằng hai thanh tre nhỏ xíu hay gần Tết thì dì mua vịt lạp, mang về hấp trong nồi cơm, để chồng đi diễn về khuya có đói thì dùng.
Thiếu nữ gốc Hoa trên đường phố Sài Gòn xưa. Ảnh TL Hoàng Việt
Ở gần khu Chợ Lớn trước kia có rạp Hào Huê. Đây là một rạp hát độc đáo trong trí nhớ tuổi thơ của Thạnh. Rạp hát tuồng Hồ Quảng, vé mắc gấp chục lần vé xem phim nhưng cách phục vụ thì chu đáo, lịch sự. Mỗi khán giả được người phục vụ rạp đặt một khay nho tươi trước mặt cùng với chai xá xị hay nước cam hiệu Bireley. Tuồng hát tiếng Quảng Đông, diễn các tích như Phàn Lê Huê, Lương Sơn Bá, Thập tứ nữ anh hào... với diễn viên đến từ Hồng Kông. Rạp có bốn hàng ghế gỗ theo chiều ngang, mỗi khi khách đứng dậy ghế sập xuống kêu lách cách. Sân khấu rộng, diễn múa thoải mái, dựng được cả một cái trại trên sân khấu. Đi xem hát xong thì ghé tiệm cơm gà hấp muối bên hông rạp hát Palace (đường Trần Hưng Đạo) ăn một bữa no nê.
Thạnh lớn lên, lập gia đình nên không còn ở chung với ba và dì. Khi ra riêng, anh an tâm vì biết có dì bên cạnh, ba sẽ được chăm sóc tốt dù ông đã già yếu và kinh tế gia đình sau 1975 không còn sung túc như trước. Đôi lúc, anh nhìn lại mọi điều và thấy thật sự thương dì Hà. Dì có mặc cảm là học không nhiều, không hòa nhập được sinh hoạt xã hội cùng chồng, luôn lúng túng trong những buổi tiệc họp mặt của chồng cùng với những người bạn nước ngoài thường dùng tiếng Pháp, tiếng Anh. Dì xởi lởi, thường giúp đỡ hàng xóm, chu đáo với người trong nhà, lo giỗ quảy gia đình chồng cẩn thận, ai cũng thương. Có lần, dì chia sẻ niềm vui khi báo cho Thạnh biết là dì không còn tên Bạch Nguyệt Hào nữa, mà sẽ có tên chính thức là Quách Muội. Thạnh bảo: “Vậy đâu có quan trọng dì, tên nào cũng vậy thôi mà?”. Dì rơm rớm nước mắt: “Không, con à. Bây giờ dì mới thật sự có tên của cha mẹ ruột đặt cho!”. Trước đó, cha mẹ ruột của dì từ Nam Vang trở về và đến nhận con. Những niềm vui nhỏ dì chia sẻ với đứa con trai út của chồng như vậy, chẳng khác nào như hai chị em vì dì hơn Thạnh chỉ mười ba tuổi. Có lúc, bị chồng rầy la, dì khóc, chú bé Thạnh khóc theo. Dì nói với Thạnh: “Con nín đi, dì có con an ủi là vui rồi nên đừng khóc!”.
Dì Hà mất năm 57 tuổi trong một cơn đau tim năm 2002, sau chồng tám năm. Lúc bà nằm bệnh, chị của Thạnh cùng các cháu ngoại về túc trực bên giường bệnh chăm sóc cho đến khi bà mất. Ngôi nhà ở khu Chợ Quán không còn nữa. Có lần gần Tết, Thạnh về khu La Cai thấy bày bán vịt lạp, chợt nhớ dì nhiều lắm. Anh nhớ hồi nhỏ trong giấc ngủ trưa thường nghe dì hỏi nhỏ người nhà: “Con trai tui ngủ chưa?”. Sau này, Thạnh bất ngờ biết rằng đã có lúc dì mang thai với ba nhưng lại bỏ. Dì giải thích với một người thân: “Chị không muốn nhà hai dòng con, khổ cho tụi nhỏ!”. Anh nhớ cả câu chuyện cũ, khi vừa về sống với ba anh, dì bỏ bộ đồ xẩm của phụ nữ Tàu, không bao giờ thấy mặc nữa. Có người thắc mắc, dì giải thích: “Nhập gia phải tùy tục!”. Dì muốn sống trọn vẹn với gia đình ông chồng người Việt. Và dì đã làm đúng như thế.
Làm đám tang cho dì, Thạnh làm theo đúng phong tục người Tàu, như ý nguyện của ba má dì. Chắc dì cũng hài lòng, sau cả đời cống hiến cho gia đình chồng từ khi còn trong tuổi thanh xuân.
Giờ gần sáu mươi tuổi, nghĩ lại bao nhiêu chuyện đã qua, Thạnh mới hiểu nhiều hơn tấm lòng người mẹ Triều Châu hiền hậu, mà từ lâu, trong thâm tâm anh luôn coi như là mẹ ruột của mình.
Phạm Công Luận