Sau ít nhất 3 năm theo đuổi công lý từ khi khởi kiện, cuối cùng, vào ngày 2/6/2022, Johnny Depp đã chiến thắng, rửa được nỗi oan ức kéo dài và đòi lại được công bằng cùng với 15 triệu đô tiền bồi thường.
Đáng chú ý, ở một phương trời khác, Đông phương, một vị Lat-ma đã không những im lặng sau khi bị “tố” là sàm sỡ, mà còn nhiều lần cúi đầu nhận lỗi. Nhà sư bị cảnh sát bắt. Trong đồn, một lần nữa ông ta đã chính thức xin lỗi người phụ nữ này. Nhưng bất ngờ, một video được tung lên, nhà sư không hề là thủ phạm của sự quấy rối kia, mà là một người đàn ông khác. Một làn sóng dữ dội trong dư luận nổi lên, phản đối cô diễn viên và đòi công bằng cho nhà sư.
Hai sự ấy có thể tiêu biểu cho hai lối hành xử của con người trước những oan ức, bất công mà họ phải gánh chịu: một là tranh đấu công khai để đòi lại công bằng, hai là nhẫn chịu tất cả.
Tôi là một người Phật giáo, tôi không giận Nietszche, thậm chí tôi yêu mến ông. Không phải vì ông đã phỉ báng, mà vì ông rất gần Phật giáo. Chỉ là ông hiểu lầm.
Cái con người mà Nietszch muốn xây dựng mà ông gọi là “người hùng” là “siêu nhân” chính là con người tự do siêu việt. Đó cũng chính là lý tưởng của Phật giáo. Đạp đổ những tín điều, vượt lên trên thiện ác, và lừng lững đi tới.
Nhưng Nietszche chỉ nhìn thấy hình tướng mà không nhận diện được bản chất của sự nhẫn nhục của Phật giáo. Đó hoàn toàn không phải là sự chịu đựng hay hèn yếu bạc nhược. Hành xử của những người Phật giáo là đứng trên một nền tảng khác, một nhân sinh quan khác. Vì thế, họ chủ động sự kham nhẫn, bình thản đón nhận như một liệu pháp để đạt tới sự tĩnh lặng. Khi sự tĩnh lặng hiện hữu thì trí tuệ phát sinh, con người đạt tới tự do viên mãn.
Cùng là lý tưởng xây dựng con người tự do nhưng con đường khác nhau. Cũng giống Tây phương, Phật giáo không chấp nhận bất công và sự sa đọa. Họ muốn cải tạo xã hội nhưng là khởi động từ chính mình. Trong cái nhìn của nhà Phật, thế giới là nhất thể và liên đới không thể tách rời. Nghĩa là họ hiểu rằng, mỗi sự thành tựu của chính mình cũng là thành tựu của thế giới. Trong Phật giáo, phương tiện và mục đích không thể tách rời, mà hợp thành một thể.
Những sự nhẫn chịu như của nhà sư trên kia thường rất dễ bị lợi dụng hoặc diễn dịch sai. Nguy hiểm nhất là bị biến thành sự cam chịu và hay bị các tập đoàn cai trị xuyên tạc rồi nâng lên thành một thứ đạo đức đúng như cách Nietszche đã hiểu. Đáng buồn là ngày nay xu hướng này không những đang thắng thế mà còn thống trị đầu óc dân chúng. Tệ hơn, không ít người đã tự đầu độc mình bằng cách dùng nó để ngụy tín nhằm che đậy sự hèn nhát và bạc nhược của bản thân.
Vậy, làm thế nào để không sa vào những “ma đạo” ấy? Trung thực. Con người phải trung thực với chính mình. Khi nhẫn chịu, anh phải tự nhìn thấu tâm can mình, xem mình thật sự đang chấp nhận oan trái vì lý do gì, để tránh phiền phức, để che giấu sự sợ hãi, hay bình thản bao dung và thấu suốt lý nhân quả…
Nếu không có được chiếc chìa khóa là sự trung thực này, thì không những con đường giáo dục Phật giáo tất yếu thất bại, mà ngay cả lối tranh đấu kiểu Tây phương cũng mất đi nền tảng nhân văn của nó.
Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, cá nhân tôi không khuyến khích cách hành xử như của nhà sư, không phải vì nó không tốt, mà vì nó dễ bị lợi dụng; thậm chí bị chính chủ thể của nó xuyên tạc để che đậy và dung túng cho sự hèn kém của bản thân. Hành động ấy là một lựa chọn cá nhân và không nên được cổ xúy như một quy tắc ứng xử phổ quát. Vì để làm được việc đó, con người phải có một trí tuệ lớn, một lòng uy dũng vô song và một đức khoan dung rộng lớn – bằng không đó sẽ luôn có nguy cơ trở thành một cú lừa dối.
Thái Hạo
Theo: phattuvietnam
No comments:
Post a Comment