Sunday, July 31, 2022

KINH NGHIỆM DU LỊCH TIỆP KHẮC

Không sở hữu những bãi biển trong xanh đẹp tựa thiên đường như những quốc gia Trung Âu khác. Dẫu vậy, Tiệp Khắc (Cộng Hòa Séc) vẫn là điểm đến tuyệt vời được nhiều du khách quốc tế yêu thích lựa chọn bởi những nét đẹp rất riêng của những cánh đồng nho bạt ngàn, thẳng tắp; là cảnh núi non trùng điệp xanh ngắt một màu; hay của các công trình kiến trúc độc đáo,…


Cùng Euro Travel khám phá Séc trong bộ kinh nghiệm du lịch Tiệp Khắc dưới đây để hiểu hơn về đất nước xinh đẹp và ấn tượng này!

Đôi nét về Tiệp Khắc

Năm 1993 Tiệp Khắc phân chia trong hòa bình và tách thành hai quốc gia là Cộng Hòa Séc và Slovakia. Tuy nhiên, cho đến hiện tại thì Cộng hòa Séc được kế thừa Tiệp Khắc tính về mặt pháp lý!

Là quốc gia thuộc Trung Âu, không giáp với biển. Tiệp Khắc phía bắc giáp Ba Lan, tây giáp Đức, Nam giáp Áo và phía đông giáp với Slovakia.

Một quốc gia có diện tích khá nhỏ, với tổng diện tích đất liền là 78.886 km2. Đây được biết đến như là nơi bắt nguồn của các con sông lớn như: Elbe, Vltava ở xứ Bohemia hay con sông Morava của Moravia.

Quốc gia nhỏ bé với xếp hạng thứ 115 thế giới. Dẫu vậy, cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, các công trình kiến trúc vĩ đại cùng nét đẹp rất riêng đã giúp nơi đây thu hút sự yêu thích của khách du lịch thế giới ghé thăm mỗi năm.


Du lịch Tiệp Khắc khi nào đẹp nhất?

Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc) có khí hậu mát mẻ và dễ chịu quanh năm với sự phân hóa rõ rệt theo 4 mùa cụ thể:

Kinh nghiệm du lịch Tiệp Khắc mùa đông

Mùa đông nơi đây bắt đầu từ giữa tháng 11 – giữa tháng 3. Nhiệt độ lúc này có thể xuống đến -5oC thấp nhất vào các ngày tháng 1, thời tiết lạnh và ẩm ướt; bầu trời âm u. Tuyết đầu mùa sẽ bắt đầu rơi từ giữa tháng 11 và kéo dài đến tháng 3. Đây chính là mùa du lịch thấp điểm tại Séc!

Vậy nên để có một chuyến du lịch thoải mái nhất tại Séc vào mùa đông. Du khách nên mặc nhiều quần áo, luôn giữ đôi tay khô ráo và ấm áp. Giày cũng nên chuẩn bị loại chống thấm nước, cách nhiệt hoặc lựa chọn ủng mùa đông để tiện di chuyển và tham quan.


Du lịch mùa xuân

Bắt đầu từ tháng 3 – tháng 5. Nhiệt độ lúc này sẽ tăng dần và tuyết bắt đầu tan ở nhiều thành phố. Thời tiết mát mẻ nhưng ẩm ướt và khó có thể đoán trước. Thường thì đầu mùa xuân, trời sẽ nhiều gió, ẩm ướt. Nhưng đến những ngày cuối của tháng 5 thời tiết sẽ bắt đầu ấm dần lên.

Theo kinh nghiệm du lịch Tiệp Khắc mùa xuân bạn nên lựa chọn quần áo nhiều lớp, áo len, áo khoác chống nước cũng rất cần thiết. Đây là thời điểm tuyệt vời để tham gia các hoạt động như đi bộ trên những lối mòn. Vậy nên đừng quên chuẩn bị những đôi giày leo núi, giày bệt đi bộ, giày thể thao dễ chịu khi du lịch Tiệp Khắc mùa xuân.

Du lịch mùa hè

Mùa hè sẽ bắt đầu từ tháng 6 – tháng 9, thời tiết ấm áp và khá ẩm. Nhiệt độ ban ngày thường dao động từ 20 – 27oC, tuy nhiên có khi lên đến 30oC, thường có mưa và dông xuất hiện. Đây cũng là mùa du lịch cao điểm tại Séc, đặc biệt là các ngày từ tháng 7 – tháng 8.

Trang phục mùa hè nên chọn khi du lịch Tiệp Khắc là áo thun/sơ mi – quần sooc thỏa mái. Nên mang theo ô hoặc áo khoác chống nước nếu bắt gặp phải những cơn mưa bất chợt trong hành trình du lịch của mình!


Kinh nghiệm du lịch Tiệp Khắc mùa thu

Mùa thu Tiệp Khắc là giữa tháng 9 – giữa tháng 11. Có thể nói từ giữa tháng 9 đến đầu đầu tháng 10 chính là thời điểm cuối cùng trong năm để du khách có thể tận hưởng thời tiết ấm áp tại đây.

Vào những ngày mùa thu, thời tiết Tiệp Khắc khá dễ chịu; bầu trời trong xanh và nắng ấm ấm áp. Bắt đầu từ giữa tháng 10, khí hậu sẽ lạnh và mưa cũng nhiều hơn nữa. Nhiều nơi nhiệt độ sẽ rơi xuống dưới 0oC.

Lượng khách du lịch lúc này cũng giảm nhiều hơn so với mùa hè. Và khi đến dần cuối thu thì lượng khách càng giảm dần.

Du lịch mùa này bạn nên mang cả áo mưa, áo khoác chống nước dạng mỏng, áo khoác mùa đông. Nên mặc quần áo nhiều lớp, hoặc áo len nhẹ kết hợp với áo khoác ngoài là chuẩn nhất!

Vậy du lịch Tiệp Khắc mùa nào tuyệt nhất? Câu trả lời là cuối mùa xuân và đầu mùa thu, tức là các ngày của tháng 5 hoặc tháng 9!

Thời tiết 2 tháng này khá dễ chịu, lượng khách du lịch cũng không quá đông. Rất lý tưởng để bạn khám phá và thu về những trải nghiệm tuyệt vời khi đến với quốc gia Trung Âu nhỏ bé, xinh xắn này!

Phương tiện di chuyển khi du lịch Tiệp Khắc

Cộng Hòa Séc là quốc gia có hệ thống giao thông hiện đại bậc nhất tại Châu Âu. Với đầy đủ các loại phương tiện từ xe bus, tàu điện ngầm, taxi, xe khách loại nhỏ,…Tiện lợi để bạn có thể lựa chọn tham quan và di chuyển đến các điểm du lịch.

Trong đó, xe bus và tàu điện ngầm là 2 loại phương tiện phổ biến nhất tại đây. Vì chúng khá tiện lợi trong việc di chuyển cũng như giúp du khách tiết kiệm chi phí trong chuyến hành trình du lịch của mình.

Không chỉ thế, các tuyến mà xe bus và tàu điện ngầm chạy qua đều là những cung đường với những cảnh quan xinh đẹp. Từ đây bạn có thể dễ dàng nhìn ngắm trọn vẹn những khung cảnh đẹp tươi và ấn tượng của quốc gia nhỏ bé này.


So với 2 phương tiện công cộng kể trên. Taxi là loại phương tiện dành cho những ai có điều kiện kinh tế. Bởi một lần đi taxi, số tiền bạn bỏ ra có thể bằng với 1 đêm nghỉ ngơi tại khách sạn hạng trung tại đây. Vì thế hãy cân nhắc về việc có nên lựa chọn taxi hay không.

Ngoài ra, một lựa chọn hoàn hảo không mất chi phí và tốt cho sức khỏe là đi bộ để khám phá và ngắm cảnh. Tuy nhiên, đây chỉ là lựa chọn tuyệt vời khi du khách tham quan các điểm du lịch trong một thành phố và các điểm có khoảng cách gần nhau.

Du lịch Tiệp Khắc và những điểm đến nổi tiếng

Có vô số lựa chọn hấp dẫn dành cho chuyến tham quan khám phá của bạn. Tuy nhiên, Euro Travel sẽ tổng hợp 5 điểm đến mà bạn không thể bỏ lỡ trong thành phố Praha – thủ đô nổi tiếng của Tiệp Khắc!

Cầu Charles

Hay còn được gọi với cái tên lãng mạn khác là cầu tình yêu – cây cầu tuyệt đẹp và lãng mạn bật nhất tại đất nước Tiệp Khắc.

Được xây dựng vào 1357, cầu Charles có lối kiến trúc cổ, nối liền với khu phố Old Town và khu Mala Strana bên kia sông Vltava. Đây cũng chính là đường giao thông quan trọng và duy nhất để nối liền hai miền đông – tây Praha trong nhiều thế kỷ.

Ghé thăm cây cầu tình yên Charles vào ban ngày, du khách sẽ cảm nhận được sự nhộn nhịp của nơi đây và tha hồ mua vài món ngon từ những người bán hàng rong trên cầu.


Quảng Trường Phố Cổ – Old Town Square

Khu phố nằm ngay tại trung tâm thành phố Praha. Xung quanh con phố là những ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc baroque, Gothic và Rococo vô cùng duyên dáng và ấn tượng.

Tại OId Town Square tập hợp rất nhiều nghệ nhân đường phố – những người thường phô diễn nhiều màn biểu diễn ngẫu hứng. Bạn sẽ tận hưởng một chuyến vui chơi vô cùng thú vị trên những chiếc xe ngựa hay các chiếc xe địa phương để tham quan thành phố và ngắm nhìn những khung cảnh chỉ thuộc về Cộng Hòa Séc!


Lâu đài Praha

Đây được xem là lâu đài thời Trung Cổ lớn bậc nhất của thế giới. Bên trong lâu đài được trưng bày một bộ sưu tập lịch sử của đất nước Tiệp Khắc theo phong cách Bohemian.

Kiến trúc của nơi đây chính là sự kết hợp tuyệt vời của nhiều tòa nhà và khu vườn tạo để nên một tổng thể hoàn hảo. Bạn có thể lựa chọn khám phá lâu đài praha làm địa điểm tham quan của mình mà không cần lo sợ về chi phí. Bởi lâu đài Praha miễn phí vé tham quan cho du khách!


Khu chợ Sapa

Tìm đến một góc Việt ngay tại chợ Sapa – Czech. Đây là nơi tham quan được nhiều du khách quốc tế yêu thích ghé đến. Một Việt Nam thu nhỏ – nơi cho bạn cảm giác giống như đang ở trên chính quê nhà của mình.

Khu chợ được thành lập từ năm 1999, trải qua hơn 21 năm đi vào hoạt động với hơn 3.000 người Việt đang kinh doanh buôn bán. Nơi đây là đầu mối buôn bán sỉ – lẻ cung cấp sản phẩm trên phạm vi toàn lãnh thổ của Tiệp Khắc và thậm chí là các nước lân cận.

Bạn có thể mua sắm, ăn uống tại khu chợ với những món ngon quen thuộc như bún bò, xôi gấc, phở, bánh mì pate,…


Du lịch Tiệp Khắc ăn gì ngon?

Trong bộ kinh nghiệm du lịch Tiệp Khắc hôm nay, Euro Travel sẽ gửi đến bạn những món ngon làm nên thương hiệu ẩm thực Cộng Hòa Séc mà bạn nhất định không thể bỏ qua khi du lịch đến đây!

Svickova na smetane: món ngon được làm từ thịt bò thăn kết hợp với các loại nước sốt. Bạn có thể ăn kèm Svickova na smetane cùng với bánh mì, bánh bao, quất và các loại mứt.


Chlebicky: món ăn địa phương được làm từ những miếng bánh mì nhỏ bên trên được phủ một lớp rau với sự kết hợp của nhiều nguyên liệu như: như măng tây, ớt, hẹ …Ăn kèm với thịt nguội, phomai, trứng.

Tại Cộng Hòa Séc người dân thường lựa chọn món ăn này cho bữa trưa và bữa sáng của mình!


Kulajda: đây là tên gọi của một loại súp. Tại Tiệp Khắc súp là món ăn khá phố biển. Nguyên liệu chính bao gồm: khoai tây, kem, nấm rừng, rau thì là, trứng trần,…Một món ngon có hàm lượng dinh dưỡng cao được nhiều du khách lựa chọn khi du lịch đến với nơi đây.


Bia Tiệp: Ghé thăm đất nước xinh đẹp này, đến với những điểm du lịch cổ kính và ăn những món ngon hấp dẫn tại đất nước thuộc vùng Trung Âu này mà không thưởng thức những loại bia thơm ngon của Tiệp Khắc thì quả là thiếu sót vô cùng lớn. Tại đây có rất nhiều loại bia để bạn có thể lựa chọn như: bia staropramen, Pilsner, Budweiser Budvar,…


Trên đây là trọn bộ kinh nghiệm du lịch Tiệp Khắc mà Euro Travel đã tổng hợp và kết luận sau nhiều chuyến du lịch Châu Âu của đoàn cùng du khách. Mong rằng bạn sẽ có được những thông tin hữu ích khi đến với bài viết hôm nay của chúng tôi.

Theo: eurotravel



DI TÍCH MINH ĐỨC CUNG (CHÙA ÔNG BỔN)

Di tích Minh Đức Cung còn gọi là chùa Ông Bổn tọa lạc cách thị trấn Cầu Kè khoảng 2,5km về hướng đông bắc, cách thành phố Trà Vinh khoảng 40km về hướng tây nam thuộc ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.


Minh Đức Cung được xây dựng cách nay hơn 200 năm. Lúc mới xây dựng ngôi chùa đơn sơ, đến năm 1885 thì tiến hành tu bổ quy mô, kiên cố và có kiểu dáng kiến trúc được giữ nguyên đến nay. 

Minh Đức Cung có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” (trong chữ công ngoài chữ quốc). Mặt bằng tổng thể gồm ba tòa nhà nằm ngang song song tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện. Dọc hai bên là hai dãy nhà tả đạt, hữu thông hướng vào ba tòa nhà này tạo thành một công trình khép kín như hình chữ “khẩu”. Trước chùa có nhà thảo bạc, ngoài sân có bàn thờ Thiên Công, bên phải có miếu thờ Thụ thần.

Mặt chính của chùa có ba cửa ra vào, một cửa ra vào điện thờ, hai cửa hai bên ra vào tả đạt hữu thông. Bên trong trung điện có hai cửa hông đối diện nhau thông ra tả đạt và hữu thông tạo thành ngũ môn kín. Mái chùa thiết kế tầng bậc, lợp ngói âm dương tiểu đại tráng men mặt trên, ngói lợp và ngói bịt đầu mái đều tráng men màu xanh ngọc. Khung sườn chịu lực làm bằng gỗ quý, nền chùa lát gạch tàu, vách tường gạch. 


Bàn thờ Thiên Công xây dựng trước sân đây là dạng bàn thờ Ông Thiên của cư dân Nam Bộ. Nhà thảo bạc theo kiểu một căn hai cháy trên các cột trang trí các câu liễn đối gắn với tên chùa. 

Tiền điện phía ngoài được trang trí rất kỳ công. Thân cột thì chạm khắc câu đối, đầu cột, chân cột chạm nổi long, lân, dơi ẩn trong mây. Toàn bộ vách sảnh trang trí các tranh vẽ hoặc tranh vẽ kết hợp phù điêu khảm sành sứ với các đề tài như: bách sự cát tường, niên niên phong thụ, gia quan tấn tước, chiêu tài tiến bảo, phúc hải thọ sơn, ngọa băng đắc lý, tùng lộc đồng xuân,…cùng các tranh vẽ cảnh sơn thủy, hoa điểu… Các đầu xà thì chạm trỗ mô típ đầu rồng cách điệu. Phần thân xà cũng như các mảng ghép phía dưới và giữa hai cây xà thì chạm thủng nhiều lớp các tích truyện có hình người, ngựa, xe, nhà hoặc chạm hoa lá, muông thú. Tại góc giao giữa xà và cột ghép tiểu tượng lân, trên các xà đội chạm khắc và ghép các mảng chạm khắc đề tài tứ linh, tích truyện, hoa lá, muông thú. Tất cả các mảng chạm trổ đều thếp vàng. Cửa chùa gồm hai cánh được làm bằng gỗ quý, trên cửa vẽ hai môn thần Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung đứng cầm đao búa, mặc giáp trụ để bảo vệ bình yên cho chùa.


Trung điện ở các cột đều trang trí các câu liễn đối viết bằng chữ Hán. Hai bên trung điện là sân Thiên tỉnh. Thiên tỉnh bên trái có bàn thờ Thần Long bên phải là bàn thờ Thần Hổ cùng bốn bức tranh với chủ đề canh, tiều, ngư, mục.

Các đầu xà, trụ đội của trung điện đều được chạm khắc và ghép những mảng chạm khắc chủ đề tứ linh, tôm cua, các tích truyện. Đây là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được tạo tác từ khi xây dựng ngôi chùa (1885).

Chính điện gian giữa thờ Đại Bổn Đầu Công, gian trái thờ Thần Nông Đại Đế, gian phải thờ Tiền Hiền – Hậu Hiền, vách hông bên trái thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, vách hông bên phải thờ Cố Chức. Chính điện có các hoành phi Thánh đức như thiên, Cộng đăng nhân thọ, Vạn cổ mông hưu, Trạch biến phụng sơn. 


Từ ngày xây dựng đến nay, hệ thống thờ tự ở Minh Đức Cung không thay đổi, gồm các vị thần thánh như: Bổn Đầu Công (Ông Bổn), Néak – ta, Thần Nông Đại Đế, Quan Âm Bồ Tát, Bổn Cung Cố Viên Chi Vị, Tiền Hiền – Hậu Hiền, Thần Long, Thần Hổ, Thiên Công (Ông Thiên), Thụ Thần (Thần Cây). 

Ngày 29/01/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 410/QĐBVHTTDL xếp hạng Minh Đức Cung là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.

Nguồn: Di Tích Tỉnh Trà Vinh



"TÌNH LỠ" CÁI TÊN ÁM VÀO SỐ PHẬN NHẠC SĨ THANH BÌNH

Trong làng văn nghệ, có những tên tuổi khá đình đám, được nhiều người biết đến vì nhắc đến họ, rất nhiều người không lạ. Nhưng lại không đi liền với sức thuyết phục của tác phẩm họ viết nên, thậm chí không có được tác phẩm nào có sức lan tỏa trong công chúng. Ngược lại, có những tác phẩm được nhiều người rất ngưỡng mộ, mê đắm nhưng tác giả thì có vẻ như xa lạ với số đông công chúng. Có người còn có cuộc đời thật khốn khó, cơ cực để rồi từ biệt cõi đời một cách quá âm thầm, lặng lẽ. Thật là bất công. Song, đó là cuộc đời, là số phận, không thể khác!


Người nhạc sỹ tôi muốn nói đến trong bài viết này ở vào trường hợp thứ hai nói trên. Ông là Thanh Bình, có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Minh (1932 – 2014), quê gốc ở Bắc Ninh nhưng sau năm 1954, cư trú ở Sài Gòn. Đúng là nhắc đến tên ông, ngay cả giới nhạc sỹ cũng có nhiều người không biết. Nhưng nhắc đến bài hát “Tình lỡ” thì từ Nam ra Bắc, lứa ca sỹ ra đời trước năm 1975 (và một số người trẻ hơn) thì nhiều người biết: “Thôi rồi còn đâu chi anh ơi/ Có còn lại chăng dư âm thôi/ Trong cơn thương đau men đắng môi…” và: “Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau/ Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau…”.

Bài hát này đặc biệt nổi tiếng với công chúng Sài Gòn và lan ra nước ngoài, được hầu hết ca sỹ Việt nổi tiếng nhất trình diễn trong các đại nhạc hội. Sức lan tỏa càng mạnh hơn sau khi được đạo diễn Lê Mộng Hoàng đưa vào bộ phim truyện có tên “Nàng” nổi tiếng với diễn xuất của hai tài tử điện ảnh lừng danh của Sài Gòn trước ngày giải phóng là Thẩm Thúy Hằng và Trần Quang. Bài hát do Khánh Ly thể hiện.

Bài Tình Lỡ trong phim Nàng với minh tinh Thẩm Thúy Hằng

Thanh Bình còn có nhiều ca khúc dạt dào tình yêu lứa đôi, tình cảm quê hương, chứa chất nhiều thương nhớ của người con xa nơi chôn nhau cắt rốn như: “Còn nhớ hay quên”, “Gặp gỡ duyên nhau”, “Đừng đến rồi đi”, “Những nẻo đường Việt Nam”, “Lá thư về làng”, “Chiều vàng trên sông”, “Mưa qua sông”, “Bông súng đồng quê”, “Thương nhau hát lý qua cầu”… Đặc điểm những ca khúc của Thanh Bình là giản dị, dễ hát, ngắn gọn, súc tích, có âm điệu sâu lắng, truyền cảm, dễ vào lòng người.

Nhìn người nhạc sỹ thời trẻ hào hoa phong nhã, rất điển trai, lại viết nên những ca khúc có giai điệu đẹp, mượt mà, thật khó hình dung ông có cuộc sống quá bĩ cực, đến phút từ giã cõi đời vẫn không gặp thái lai. Lên 10 tuổi, ông đã mồ côi mẹ. Người cha cũng qua đời vài năm sau, đẩy ông vào cuộc sống vất vưởng phải làm đủ nghề kiếm sống. Ông từng viết văn, viết báo kiếm tiền. Nhuận bút không đủ sống, phải đi bán phở dạo (gọi là phở gánh). Lớn lên, bập vào mối tình đầu với một cô gái tên Hằng ở Hà Nội thì bị gia đình cô tẩy chay, ép gả cho người khác. Thanh Bình đau khổ, bỏ vào Sài Gòn sinh sống và viết nên ca khúc nổi tiếng “Tình lỡ” với những lời lẽ khổ đau, tiếc nuối đã dẫn ở trên.

Nhạc sĩ Thanh Bình thời trẻ.

Tại “Hòn ngọc của Viễn Đông” này, mãi tới năm 1973, khi đã ở tuổi 41, ông mới lấy vợ - một cô gái xinh đẹp. Họ mở một quán cơm bình dân ở quận 1 để kiếm sống. Nhưng rồi sau khi cô ta sinh được cho ông đứa con gái tên Mộng Ngọc, đã bỏ đi theo tiếng gọi của kẻ giàu có khác lúc Ngọc mới lên 3. Thế là ông trở thành gà trống nuôi con nhưng đến khi nó lớn lên không báo đáp được gì, còn gây cho ông buồn phiền, đau khổ.

Nó có hai đời chồng. Chồng đầu có cưới xin hợp pháp nhưng không bền, sớm ly hôn. Đời chồng thứ hai không hôn thú. Gắn bó được ít ngày thì Ngọc lao vào con đường làm ăn, huy động vốn của nhiều người nhưng đổ bể, không trả được nợ nên phải vào tù. May mà sau đó có đứa cháu gái gọi bằng cậu tên là Phượng đưa ông về, cưu mang.

Nhà Phượng cũng nghèo. Trong căn phòng đơn sơ chật hẹp, ông ốm đau, buồn bã, cô đơn, suốt ngày nghĩ về đứa con gái đang ở tù. Nhiều lần Phượng thấy ông khóc, hỏi thì ông nói thương nhớ Mộng Ngọc, không biết đến khi ông ra đi có còn gặp được đứa con gái duy nhất hay không. Phượng phải “dỗ” cậu mình: “Cậu ơi! Đừng khóc. Cháu sẽ cố thu xếp công việc đưa cậu đến thăm em nó”. Nhưng đứa cháu chưa kịp thực hiện lời hứa thì ông qua đời. Đó là hồi 4h10 phút sáng 23/5/2014. Hôm đó, người nhạc sỹ tội nghiệp trở dậy đi vệ sinh, không may bị ngã. Thế là ông “đi” luôn, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhạc sỹ Thanh Bình có hoàn cảnh quá nghèo, lại cô đơn, đứa con gái duy nhất ở tù, còn một người em gái sống ở Pháp nhưng từ rất lâu không có liên hệ gì nên đám tang của ông chỉ lèo tèo khoảng chục người có mặt.

Thanh Bình vốn dĩ đã không phải “típ” người sống sôi nổi mà hướng nội. Sau cuộc tình đầu đổ vỡ rồi cuộc hôn nhân cũng không trọn vẹn, bị người vợ phản bội, ông trở nên trầm lặng, sống khép kín, hầu như không bộc lộ với ai. Cũng từ sau khi người vợ bỏ đi, phải bươn chải mưu sinh để kiếm tiền nuôi con gái, ông không sáng tác ca khúc nữa mà kiếm sống bằng các nghề dạy tiếng Anh và Pháp.

Tuy sống khép kín nhưng Thanh Bình có nhiều ca sỹ và công chúng ngưỡng mộ, cảm thương. Có người là Việt kiều từng yêu thích bài “Tình lỡ” đã gửi tiền về nước tặng ông. Tiêu biểu nhất cho giới ca sỹ là Ánh Tuyết. Chị là người luôn gần gũi, động viên an ủi và mỗi khi có dịp là lại giúp đỡ ông về vật chất. Đi diễn ở Vũng Tàu về, chị đến biếu ông tiền. Cảm thương người nhạc sỹ tài hoa nhưng có cuộc sống quá bi đát, chị đã tổ chức một đêm nhạc gồm toàn những bài hát của ông. Số tiền thu được cộng thêm với khoản quyên góp của nhiều người khác được 230 triệu đồng, chị làm sổ tiết kiệm tặng ông.

Nhạc sỹ Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết.

Với ông, tiền cũng rất quý. Nhưng cái quý hơn là được nghe lại những sáng tác của mình sau rất nhiều năm bị bỏ bẵng. Ông nói với Ánh Tuyết trong rưng rưng nước mắt: “Cả đời tôi chưa bao giờ được xem đêm nhạc của mình như thế. Bây giờ nếu có chết, tôi cũng mãn nguyện”. Đêm nhạc này diễn ra vào đầu tháng 1/2014 thì chỉ hơn 4 tháng sau, vào ngày 23/5/2014, Thanh Bình qua đời, không kịp gặp lại đứa con gái vẫn đang ở trong tù.

Tôi có hai lần may mắn được tiếp xúc với nhạc sỹ Thanh Bình. Lần thứ nhất là cuối năm 1975. Đây là lần đầu tiên tôi vào đây. Lúc này, Sài Gòn vừa được giải phóng mấy tháng. Mọi thứ vẫn còn bề bộn, còn mang nhiều dấu ấn của xã hội trước đó. Nhiều nhạc sỹ chuyên nghiệp tên tuổi ở ngoài Bắc chưa kịp trở lại quê hương mình. Tôi nói với một người bạn mới quen biết là hãy đưa tôi đến chơi với một nhạc sỹ nào đó sống ở Sài Gòn từ trước.

Nghĩ một lúc, người bạn nói với tôi: “Tôi sẽ dẫn anh đến thăm một nhạc sỹ khá đặc biệt có bài hát ai cũng biết và ưa thích. Ông này là người Bắc. Anh biết nhạc sỹ Thanh Bình chứ?”. Tôi nói chưa nghe tên này ở trong Nam bao giờ. Người bạn lại hỏi: “Vậy anh có biết bài hát “Tình lỡ” không?”. Tôi nói có biết và hát luôn mấy câu cho bạn nghe rồi nói với bạn: “Thanh Bình là tác giả bài này à? Mình biết và thuộc nhiều bài của các nhạc sỹ ở trong này, nhưng không biết hết tên các tác giả. Bài này thì quá nổi tiếng rồi”.

Thế là chúng tôi đến thăm Thanh Bình. Lúc này ông ở tuổi 43, còn rất điển trai, phong độ vì mới sinh cô con gái Mộng Ngọc, bên cạnh người vợ xinh đẹp. Ông đang hạnh phúc nên vui vẻ, thấy tôi là người Bắc, lại càng vui hơn. Ông nói chuyện chân tình, cởi mở. Ông sẵn sàng hát cho tôi nghe mấy bài sáng tác sau khi quen người vợ nhưng chưa cưới. Tôi hỏi chuyện về duyên cớ ra đời bài “Tình lỡ”, ông kể lại kỷ niệm buổn trong quá khứ rồi hoàn chỉnh bài này vào năm 1956. Lần gặp gỡ đầu tiên này để lại trong tôi ấn tượng về một nhạc sỹ hào hoa nhưng bình dị, chân tình, có cuộc sống bình yên.

Cố nhạc sỹ Thanh Bình và bản nhạc “Tình lỡ”.

Lần thứ hai là năm 2010 trước khi ông qua đời 4 năm. Lúc này ông đã rất ốm, đang ở nhà đứa cháu gái tên Phượng trong cảnh cô đơn sau khi vợ bỏ đi, con gái đang ở tù. Tôi không thể nhận ra ông từ một chàng đẹp trai, hào hoa biến thành một ông già quá dặt dẹo và thiểu não. Ông cũng không nhận ra tôi và quá trầm lặng, có vẻ như không muốn nói bất cứ chuyện gì gợi lại quá khứ.

Người nhạc sỹ tài hoa chẳng những đã lỡ trong tình duyên mà là cả một đời vì số lượng bài hát ông để lại không tương xứng với tài năng và nhiệt huyết thuở ban đầu. Nhưng “Tình lỡ ” thì đã sống mãi trong lòng nhiều thế hệ công chúng.

Nguyễn Đình San / Theo: cand



VỊT XIÊM NƯỚNG LÁ BẠC HÀ

Cũng chỉ là món ăn dân dã chế biến từ vịt nhưng món vịt xiêm nướng lá bạc hà được xem là khám phá mới mẻ, sáng tạo và không kém phần tinh tế cho ẩm thực vùng đất Tây Nam bộ.

Cho thịt vịt đã ướp gia vị vào lá bạc hà và gói lại - Ảnh: Hoài Vũ

Trong vòng sơ khảo đầu tiên cuộc thi Chiếc thìa vàng 2015 với chủ đề “Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt” diễn ra tại TP Cần Thơ, đội quán Nhi ở Q.Ô Môn, TP Cần Thơ đã đoạt giải nhì với món vịt xiêm nướng lá bạc hà.

Vịt xiêm không là nguyên liệu xa lạ với dân đồng bằng, nhưng chính tên gọi món ăn đã khiến nhiều người tò mò tìm đến tận nơi thưởng thức và học hỏi cách chế biến.

Muốn làm món này trước hết phải chọn vịt xiêm tơ nặng 3-4kg. Sau khi làm sạch chọn ức vịt, thái lát mỏng vừa ăn rồi ướp với rượu trắng, củ hành tím, tiêu, tương hột, lá chúc, lá bạc hà non, hạt nêm, bột ngọt cho thấm đều trước khi gói.

Dùng dây buộc trước khi đem nướng - Ảnh: Hoài Vũ

Trước khi gói chọn 5-6 tấm lá bạc hà còn tươi xanh chồng lên nhau thành nhiều lớp rồi cho thịt đã ướp vào gói lại theo hình vuông, buộc lại bằng dây giống như gói bánh chưng. Tiếp theo đem nướng trên bếp than hồng độ 25 phút.

Đợi đến khi nào các lớp lá bạc hà bên ngoài cháy sém, khói bốc lên thơm phức là thịt đã chín.

Cách nướng vịt xiêm gói lá bạc hà hoàn toàn dựa vào cách nướng thời hoang sơ mà ông cha ta đã từng trải nghiệm. Làn khói từ những tấm lá bạc hà cháy sém quyện vào nhau lan tỏa, quấn quít như ẩn chứa bao điều thú vị.

Nướng thịt vịt trên bếp than hồng - Ảnh: Hoài Vũ

Khi ăn gỡ bỏ các lớp lá cháy, chỉ giữ lại những lá còn nguyên và đặt lên đĩa. Mùi thịt vịt nướng hòa quyện với mùi lá chúc và các loại gia vị đi kèm tạo thành một cảm giác lâng lâng khó tả. Hương lẫn vị của món ăn đều phảng phất chất hào sảng của ẩm thực phương Nam.

Theo các đầu bếp, đây là món ăn được lưu truyền từ đời ông cha, và không chỉ là món ăn mà còn là bài thuốc chống nhức mỏi. Tinh tế trong việc chế biến nhưng không màu mè, kiểu cọ, không sử dụng hóa chất và màu công nghệ nên thịt vịt nướng có vị ngọt đậm đà, tự nhiên, ngon và lành.

Vịt xiêm gói lá bạc hà đã nướng chín - Ảnh: Hoài Vũ

Khi dọn lên bàn vẫn giữ nguyên lớp lá bên trong để thực khách vừa ăn vừa khám phá mùi thơm dìu dịu, không cay, không đắng, quyến rũ tỏa ra từ thứ “hương đồng cỏ nội” và cả cái nồng nàn ngất ngây của làn khói mỏng bốc lên từ chiếc "bánh" thịt vừa mở ra.

Vịt nướng ăn với nước chấm đặc biệt do quán ăn tự chế bằng nước trái chúc hòa chung với lá chúc xắt nhuyễn, ớt hiểm xanh bằm nát và nước mắm nguyên chất. Nếu ăn chung với cơm nấu bằng gạo lúa thơm thì càng đúng điệu.

Nước chấm đặc biệt dùng chấm thịt vịt nướng lá bạc hà - Ảnh: Hoài Vũ

Khách ăn không chỉ bằng miệng mà còn bằng mắt và mũi vì thịt thơm thơm mùi lá chúc, ngòn ngọt vị bạc hà rất dễ kích thích vị giác.

Không đơn thuần là vấn đề ăn uống mà còn là văn hóa, chính những món ăn phối hợp với nhiều nguyên liệu xanh, sạch từ “cây nhà lá vườn” ngày càng có sức lan tỏa mạnh và cuốn hút nhiều du khách trên cả nước. Đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn đã mạnh dạn khai thác và nâng lên thành “món ăn vị thuốc” vượt hẳn nhiều món nướng khác.

HOÀI VŨ
Theo: Tuổi trẻ online

Saturday, July 30, 2022

LỄ HỘI KỲ YÊN ĐÌNH BÌNH THỦY - CẦN THƠ

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Ðình Bình Thủy (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) hằng năm có hai lễ lớn: Kỳ yên Thượng điền (vào tháng 4 âm lịch) và Kỳ yên Hạ điền (vào tháng Chạp). 

Chánh tế trong Lễ Kỳ yên Đình Bình Thủy. Ảnh: DUY KHÔI

Nhân vật phụng thờ

Cũng như những ngôi đình khác ở Nam Bộ, nhân vật phụng thờ ở đình Bình Thủy là Thành Hoàng. Theo Nguyễn Duy Hinh: “Thành Hoàng là một phạm trù thần linh bảo hộ thành trì của phong kiến Trung Quốc được du nhập vào nước ta từ thời Ðường rồi tiếp tục phát triển trong các triều đại độc lập của nước ta”(1). Khi đến Việt Nam, Thành Hoàng đã hòa nhập vào tín ngưỡng bản địa, được dân chúng thờ cúng như vị thần bảo vệ cuộc sống cho người dân. Về sau, Thành Hoàng được dân chúng thờ có thêm những người có công, nhằm nhớ ơn bậc tiền nhân khai mở đất, anh hùng chống ngoại xâm. Cho nên: “... nội dung của tín ngưỡng này có nhiều điểm khác với Trung Quốc (...) tín ngưỡng Thành Hoàng của người Việt được hình thành và phát triển trên cơ sở trân trọng, biết ơn tiền nhân, những người có công với làng, với nước, với dân trong việc chống giặc giữ nước, bảo vệ, giúp dân khi bị dịch, tai biến”(2).

Vì vậy, thờ phụng Thành Hoàng ở Việt Nam là sự: “Tượng trưng cho làng xã và sự trường tồn của thôn ấp. Thành Hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp luật cùng hy vọng của cả làng; đồng thời là một quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho làng xóm trở thành một cộng đồng có tổ chức chặt chẽ”(3). Thành Hoàng ở Ðình Bình Thủy là vị thần trong ý niệm, với danh hiệu “Quảng hậu chính trực hựu thiện đôn ngưng chi thần”. Trong tâm thức dân gian, “là vị thần bảo hộ của cộng đồng, dân cư ở thôn làng mình. Ngài ngự trị tại đình làng, chứng kiến đời sống, sinh hoạt của toàn dân trong làng, bảo vệ mọi người, phù hộ cho dân làng được an khang, thịnh vượng”(4).

Lễ Xây chầu trong Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy.

Không gian lễ hội

Ðình Bình Thủy còn có tên gọi Long Tuyền cổ miếu. Sở dĩ có hai cách gọi là do người dân Cần Thơ gọi tên đình theo tên làng, mà trước khi có tên làng Long Tuyền thì địa danh Bình Thủy đã tồn tại. Nơi đây trước kia thuộc phủ Trấn Giang, là một trong những làng cổ của vùng ÐBSCL và là cái nôi văn hóa, vùng địa linh nhân kiệt của Trấn Giang xưa.

Sử ghi: Vào năm Mậu Thân 1908, đời Vua Duy Tân thứ 2, Tri phủ Nguyễn Ðức Nhuận (ở Ngã Tư Lớn) và Cai tổng Lê Văn Noãn (ở Ngã Tư Bé), trong phiên họp với các Hương chức, Hội tề và các lão làng tại công sở, hai ông đề xuất đổi tên làng Bình Thủy thành làng Long Tuyền với lời luận giải rằng: Sông Bình Thủy chảy qua làng uốn lượn như rồng. Miệng rồng mở lớn, có ngậm trái châu đó là cồn Linh (cồn Sơn) án trước vàm. Hai chi trước là rạch Ngã Tư Lớn và rạch Ngã Tư Bé đối nhau. Xa hơn nữa là hai rạch Miễu Ông và Cái Tắc cũng đối diện với nhau như là hai chi sau. Trong đó có nhiều chi lưu của 4 rạch rẽ rua tủa ra hai bên như các móng rồng vậy. Mình rồng uốn khúc mềm mại, đuôi thon thon vắt tận tới mãi làng Giai Xuân. Mắt rồng là đình thần Bình Thủy và chùa Nam Nhã đối nhau qua vàm. Nước sông bốn mùa lăn tăn gợn sóng bạc dưới ánh nắng trời tựa hồ muôn vàn vẫy rồng lấp lánh giữa rừng cây xum xuê xanh biếc. Nghe có lý mọi người đều tán đồng. Từ đó, làng được đổi tên thành làng Long Tuyền. Và ngôi đình thần làng Bình Thủy cũng được đổi tên thành đình thần làng Long Tuyền. Còn các tên gọi khác vẫn giữ nguyên như cũ(5).

Cung thỉnh Sắc Thần chuẩn bị lên long xa du ngoạn. Ảnh: DUY KHÔI

Ðình nằm bên bờ sông Hậu, cách trung tâm TP Cần Thơ 5km về phía Tây Bắc. Bên dốc cầu Bình Thủy, có một cổng tam quan và hàng chữ Long Tuyền cổ miếu. Dẫn vào đình có hai cổng, giữa có bức phù điêu, mặt ngoài chạm nổi hình rồng, mặt trong chạm nổi hình kỳ lân. Khuôn viên rộng trên 4000m2. Ðình được xây theo hình chữ nhất, mặt hướng phía Ðông. Mái lợp ngói được nâng đỡ bởi 6 hàng cột tròn vững chãi. Các vì kèo được kết cấu chặt chẽ theo kỹ thuật phân chia mái đình thành năm hệ thống mái liên tiếp nhau theo lối “thượng lầu, hạ hiên” tương ứng với năm gian điện thờ bên dưới và hai dãy hành lang nội bộ hai bên.

Dọc trên bờ nóc, tượng một đôi rồng đang uốn lượn tranh lấy quả châu. Quanh các gác mái, các vị thần tiên, kỳ lân, các vật linh, hoa lá muôn màu muôn vẻ rất sinh động, nổi bật lên nền trời xanh. Ðình được cất cao ráo, thoáng mát. Trên các thanh xà ngang dưới mái đình, một loạt hoành phi, câu đối, võng rèm dàn trải từ tiền đến hậu đình. Các dạng hoa văn chi tiết, nét khắc tinh vi, sắc vàng lấp lánh nổi bật trên nền đen hoặc đỏ thẫm của sơn son làm cho ngôi đình cực kỳ trang nghiêm, lộng lẫy.

Nơi gian chính điện, hai pho tượng thần Ông Thiện, Ông Ác uy nghi đứng giữa hai hàng binh khí cổ. Trước bệ thờ, một bộ đỉnh đồng to, rất đẹp đã có trên 100 năm, được đặt trang trọng giữa đôi hạc đồng đứng thẳng. Trên đôi cột hai bên chánh điện, những cánh hoa mẫu đơn được chạm trổ duyên dáng, mềm mại uốn quanh. Hai cột sau là đôi rồng to uốn lượn. Các mảng đề tài trang trí trong ngoài ngôi đình rất đa dạng, phong phú bởi các màu sắc, đường nét, hình khối tinh tế, cân xứng, hài hòa.

Ðình còn thờ các vị anh hùng, danh nhân của quê hương đất nước như: Trần Hưng Ðạo, Phan Bội Châu, Bùi Hữu Nghĩa...(6). Với những giá trị văn hóa cổ kính còn được bảo lưu, ngày 5-9-1989, Ðình Bình Thủy được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Lễ "Thay khăn Sắc Thần" là một trong 9 nghi thức cúng tế truyền thống của lễ Kỳ yên Thượng Điền

Nghi thức tế lễ

Mặc dù lễ tế Kỳ yên Thượng điền chính thức bắt đầu từ ngày 12-4 âm lịch nhưng ngày 11 Ban quý tế đã có mặt ở đình để sắp đặt công việc, thực hiện các nghi thức mở đầu, như: Lễ Mở cửa tam quan, Lễ Tế đất, Cúng Tiên thường, Lễ Trình sanh. Ông Từ có trách nhiệm mở đúng giờ, lần lượt các cửa từ trái qua phải, cửa phụ, cửa bên hông, cửa nhà bổn thôn và lục ấp để mong các Thần phù hộ cho lễ hội được diễn ra suôn sẻ. Lễ Tế đất được thực hiện ở nhà bổn thôn để thông báo với Thần cai quản đất đai tại đình về nghi lễ sắp diễn ra, mong Thần Ðất chứng giám và phù hộ. Cúng Tiên thường do dân làng dâng lễ vật, để báo cáo về việc tổ chức lễ hội. Lễ Trình sanh ở Miếu Thần Nông trong khuôn viên đình, với lễ vật là bộ tam sanh, để cầu 3 điều lợi: lợi quốc gia, lợi thôn xã, lợi nhân dân.

Từ 2 giờ sáng ngày 12, nghi lễ đầu tiên là Lễ thỉnh Sắc Thần du ngoạn bằng long xa phụng tán. 5 giờ sáng là Lễ tế Thần Nông tại miếu. Buổi trưa 12 giờ là Lễ thay khăn Sắc Thần. Nghi thức này vừa để kiểm tra tình trạng hiện tại của sắc, vừa để bà con được chứng kiến Sắc Thần mà vua Tự Ðức đã phong cho đình. Sau đó là Lễ Xây chầu - Ðại bội. Lễ Xây chầu được thực hành kết hợp hài hòa, cân đối giữa xây chầu văn và xây chầu võ. Lễ Ðại bội do các đào kép trong gánh hát trình diễn, cụ thể hóa Lễ Xây chầu bằng hình tượng nhân vật kết hợp phục trang, điệu múa và lời hát qua các nghi tiết.

Sáng ngày 13 là Lễ tế Bàn soạn tại gian chánh điện để các thành viên chủ trì tập trung bàn về lễ vật dâng cúng thần và phân công nhiệm vụ. Lễ Túc yết vào 2 giờ sáng ngày 14 để nghinh thần với sự chủ trì của Ban chủ lễ, văn tế khi đọc xong được mang đi hóa. Lúc 2 giờ sáng ngày 15 diễn ra Lễ Chánh tế, nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng đình, để tạ ơn Thần, cúng Tiền hiền, Hậu hiền, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Sau Lễ Chánh tế là Lễ Tôn vương. Khi vở tuồng ngoài sân đang diễn, Ban trị sự bưng lễ vật xuống rạp hát bội làm lễ và thỉnh Tổ hát bội lên đình thực hiện lễ Tôn vương trước chính điện. Tiếp theo là Lễ tế Sơn Quân tại Miếu Sơn Quân, hay còn gọi là Miếu Ông Hổ, cầu mong Thần chứng cho tấm lòng thành kính của dân làng mà ban cho họ cuộc sống bình yên.

Các lễ vật dâng cúng tại mỗi nghi lễ đều được tuân thủ theo cổ lệ, với những ý nghĩa riêng được truyền đời. Ngoài nghi lễ, trình diễn hát bội, Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy còn tổ chức thi nữ công gia chánh (đồ xôi), trình diễn ẩm thực địa phương, các trò chơi dân gian thu hút nhiều người tham gia.

Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy là một trong những hội đình lớn nhất của Miền Tây

Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy là minh chứng quan trọng về lịch sử định cư trên vùng đất này của người Việt; thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân lúa nước và truyền thống uống nước nhớ nguồn; góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa; đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của người dân, gắn kết cộng đồng(7).

Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018.

Trần Phỏng Diều / Theo: Báo Cần Thơ online

(1) Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng Thành Hoàng Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.60.
(2) Nguyễn Hữu Hiếu (2004), Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ, NXB Trẻ, tr.33.
(3) Nhiều tác giả (1998), Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.128.
(4) Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường - Hồ Tường (1993), Đình Nam Bộ tín ngưỡng và nghi lễ, NXB thành phố Hồ Chí Minh, tr.61.
(5) Dẫn theo Phạm Văn Thúy (2003), Làng Long Tuyền Cần Thơ, Báo Văn nghệ số 25, ngày 21.6.
(6) Tư liệu của Bảo Tàng Cần Thơ.
(7) Theo Dương Anh, Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, http://dsvh.gov.vn/le-hoi-ky-yen-dinh-binh-thuy-3141. Ngày truy cập: 10/5/2021.




HÔN NHÂN THỰC SỰ HẠNH PHÚC LÀ PHẢI HỌC ĐƯỢC CÁCH IM LẶNG

Người xưa có câu rằng: "Chuyện xấu trong nhà chớ mang ra ngoài ngõ", đây chính là phép tắc cực kỳ quan trọng trong cuộc sống vợ chồng, và càng có ý nghĩa hơn trong thời hiện đại, thời mà thông tin bùng nổ, và con người thích 'buôn dưa', 'tán chuyện' như ngày nay.


Khi hai con người chung sống cùng nhau thì không tránh khỏi có lúc tranh cãi, xung đột. Nếu hễ cứ có mâu thuẫn lại đem ra nói với người ngoài thì không những không giúp ích được gì, trái lại dễ trở thành trò cười cho thiên hạ. Cứ như thế thì cùng với thời gian, sự tín nhiệm giữa hai vợ chồng không còn nữa, tình cảm cũng không thể tránh được kết cục càng ngày càng tàn phai.

Trên thực tế, bất kể là nghèo khó hay giàu sang thì cuộc sống đều là của tự mình, người ngoài thuyết nói khuyên can thì trái lại thường càng dễ gây ra tai họa. Nhất là những "chuyện nhỏ" giữa hai vợ chồng, nếu muốn giữ tình cảm lâu bền thì chớ động một chút là đem chuyện nhà ra 'giãi bày tâm sự' với người ngoài.

Chớ nói chuyện mâu thuẫn gia đình với người ngoài

"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", nhà nào cũng có những chuyện khó bày tỏ cùng ai, nhưng người thông minh biết "chuyện gia đình thì đóng cửa bảo nhau", chỉ có kẻ ngốc mới để "việc nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường", gặp ai cũng toang toác kể lể. Nếu trong nhà có xung đột thì tốt nhất là bình tâm lại rồi "đóng cửa bảo nhau", hoàn toàn không cần người ngoài can thiệp chuyện gia đình.

Nhất là bị một số người có dụng tâm khác nghe được, có thể chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng khi bị họ thêm mắm thêm muối lan truyền, rồi đổ dầu vào lửa, và 'hảo tâm' khuyên bảo 'tùy tiện' thì sự tình lại trở nên phức tạp và truyền rộng ai ai cũng biết. Cuối cùng người ta chỉ chỉ trỏ trỏ, nói chuyện sau lưng, khiến cuộc sống càng không thoải mái, áp lực càng lớn.

Vì vậy bất kể là oan ức lớn nhường nào, bất kể là người ngoài có mối quan hệ tốt đến đâu, thì cũng không được nói với người ngoài, vì rất dễ bị người ta chê cười và tính toán. Trên thế giới này không nhiều người có lòng cảm thông, mỗi người đều chẳng qua là "nóng lạnh tự mình biết".

Trong phần lớn thời gian cuộc sống, nếu chúng ta học được "im lặng" thì mới là người trí tuệ thực sự trong cuộc sống.

Nếu trong nhà có xung đột thì tốt nhất là bình tâm lại rồi "đóng cửa bảo nhau", hoàn toàn không cần người ngoài can thiệp chuyện gia đình. (Ảnh: piqsels)

Chớ nói thu nhập kinh tế của mình với người ngoài

Đối với một gia đình mà nói, thu nhập kinh tế là phần quan trọng nhất, cũng là nơi có nhiều riêng tư nhất, nó quyết định hạnh phúc tương lai của cả gia đình. Nếu tiết lộ cho người ngoài biết thì sẽ dẫn đến tai họa có thể xảy ra.

Ví như bạn gặp những người thu nhập thấp hơn bạn, khi bạn nói về thu nhập của mình thì họ sẽ cảm thấy bạn đang khoe khoang, rất dễ nảy sinh lòng đố kỵ. Nếu gặp những người có thu nhập cao hơn, khi bạn nói về thu nhập của mình thì rất có thể họ sẽ coi thường bạn, thậm chí chê cười bạn.

Đại đa số con người thời nay đều có cái tâm ghen ghét đố kỵ với người hơn mình, và kiêu căng cao ngạo với người kém mình. Thế nên bất kể là nghèo khó hay giàu sang, chỉ có nỗ lực sống mới là đúng đắn nhất. Nếu bạn không có tiền thì nhất định không được kể khổ oán thán khắp nơi. Còn nếu bạn có tiền thì cũng nhất định chớ khoe khoang.

Nếu bạn muốn sống cuộc sống an toàn thì ắt phải học cách im lặng, đồng thời giữ được đồng tiền của bạn. Bởi vì dẫu có người biểu hiện ra là hiểu và cảm thông với bạn thì trong nội tâm họ thế nào hoàn toàn không ai có thể đoán được. Thế nên chớ để những lời 'thẳng ruột ngựa' của bạn hủy hoại gia đình bạn.

Chớ nói khuyết điểm của vợ hoặc chồng với người ngoài

Hôn nhân là gì? Hôn nhân là sự nhẫn chịu những khuyết điểm của nhau. Sau khi kết hôn, rất nhiều người đều thích nói câu này: "không biết sao lúc đó lại thích anh/ em mới lạ chứ". Họ nào có hay đây chính là hôn nhân chân chính.

Không có người nào là hoàn mỹ, việc bộc lộ khuyết điểm là biểu hiện đã có đủ tín nhiệm, hơn nữa còn nguyện ý thể hiện rõ con người chân thực của họ trước mặt bạn. Cũng chính vì như vậy, giữa vợ chồng mới cần khoan dung và thấu hiểu.

Nếu ở nơi công cộng mà bạn luôn nói ra những khuyết điểm của bạn đời, như thế chỉ khiến người ngoài coi thường người bạn đời của bạn, thậm chí còn chê trách, khiến bạn đời của bạn ra ngoài không ngẩng đầu lên được.

Nếu bạn chê trách hoặc hạ thấp đối phương thì trên thực tế bạn đang hạ thấp chính mình. (Ảnh: Shutterstock)

Bạn nên biết rằng, một cuộc hôn nhân tốt đẹp được quyết định bởi sự nỗ lực gây dựng vun trồng của hai vợ chồng. Một hôn nhân thực sự tốt đẹp là người này biết tất cả những khuyết điểm của người kia, nhưng chấp nhận hoàn toàn mà không hề oán trách.

Xét cho cùng thì giữa vợ chồng là quan hệ đồng cam cộng khổ, chung vinh nhục, cùng khổ nạn, vui buồn có nhau. Nếu bạn chê trách hoặc hạ thấp đối phương thì trên thực tế bạn đang hạ thấp chính mình.

Đôi điều tâm sự

Trong cuộc sống, làm vợ chồng của nhau trong một khoảng thời gian thì rất đơn giản, nhưng nếu làm vợ làm chồng cả cuộc đời thì lại rất khó. Khi hôn nhân chắt lọc gạt bỏ tất cả những tình cảm kích động, phấn khích, say đắm đi, thì điều mà chúng ta cần phải làm là Tôn trọng, Khoan dung và Nhẫn nại.

Trong cuộc sống gia đình với những vụn vặt tương cà mắm muối, hãy nỗ lực tìm kiếm chút ngọt ngào của hạnh phúc. Mà hôn nhân hạnh phúc cần hai vợ chồng cùng nhau nỗ lực bồi đắp, cuộc sống hạnh phúc cần hai vợ chồng cùng nhau gây dựng.

Chỉ khi hai người thực tâm chân thành yêu thương nhau thì gia đình mới là bến cảng an toàn tránh giông tố cuộc đời, để con thuyền sự nghiệp vững vàng vươn khơi xa.

Hoàng Mai
Theo Apollo

BA MÓN NGON TỪ TRÁI QUÁCH TRÀ VINH

Trái ngược với vẻ ngoài sần sùi, cơm quách chua thanh, ngọt mát nên dễ được lòng thực khách. Trái quách có hình dáng hơi giống trái bóng nhỏ, da thô nhám màu xám trắng. Cơm quách màu đen đặc sệt.


Khi chín trái tự rụng xuống chứ không cần hái, người dân mang trái về để vài hôm cho chín hẳn rồi dùng vật cứng đập nhẹ là vỏ tự nứt ra. Ba cách làm dưới đây sẽ giúp cơm quách phát huy tác dụng độc đáo của nó trong ẩm thực:

Quách ghém cùng mắm

Mắm cá sặc, cá chốt hay cá trẽn trộn đường tỏi, ớt là loại thức chấm hấp dẫn được dùng với các loại rau sống như xà lách, cải thảo, bông súng... kèm thêm vài lát khế chua hoặc chuối chát để đậm vị. Thêm vào đó, người ta còn nạo cơm quách ra làm nhân cuốn chung trong rau và chấm mắm.

Vị nồng của mắm hòa cùng vị chua ngọt của từng miếng cơm quách đặc sệt. Cái giòn giòn của lát khế chua, mùi thơm của những cọng rau tươi thấm dần qua đầu lưỡi. Trái quách khi ăn không làm thực khách ngán vì không béo, lại có vị chua thanh, rất thích hợp để đổi vị cho bữa cơm hàng ngày.

Cơm quách ăn như rau sống khi kèm với mắm. Ảnh: nguoidothi

Quách dầm sinh tố

Dùng quách dầm sinh tố có thể nói là rất mới lạ đối với nhiều người phương xa, nhưng riêng tại Trà Vinh thì khá phổ biến. Món nước này được ưa dùng vào những ngày hè nóng bức, giúp giải nhiệt rất tốt.

Dùng muỗng múc ruột quách cho vào ly, thêm đường, sữa cùng nước đá, ta sẽ có một thứ nước giải khát lạ miệng. Nếm thử một muỗng quách, mùi thơm lập tức phảng phất lên cánh mũi, vị chua thanh làm vị giác tê mê. Đường ngọt và sữa béo hòa vào nhau trong từng miếng quách sền sệt trông như kem tươi thơm béo.

Một ly sinh tố quách giúp giải nhiệt rất hữu hiệu. Ảnh: Hữu Tưởng

Rượu quách

Hầu như nhà nào trồng quách cũng sở hữu vài ba chai rượu trong nhà để thết đãi khách hoặc dùng thường xuyên giúp cường gân cốt, bổ thận, nhuận tràng, dễ tiêu. Muốn có rượu thuốc này, người ta dùng muỗng cạo lấy cơm trái quách ngâm trong hũ rượu nếp hoặc rượu gạo. Để rượu ngon hơn, người ta bổ trái ra làm vài ba mảnh ngâm rượu. Nhưng theo một số người thì đục vài lỗ trên trái bỏ ngâm sẽ giúp nước rượu trong hơn hai cách làm trên.

Rượu ngâm quách được cho là có khả năng bồi bổ cơ thể, trị một số bệnh. Ảnh: Youtube 

Lan Thoa
VnExpress Du lịch



VÌ SAO BAO CÁT LẠI CHẶN ĐƯỢC VIÊN ĐẠN ĐANG BAY?

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao viên đạn có thể phá được bê tông, đá, thép lại không đâm được qua bao cát? Vì sao khi ta dùng ngón tay ấn vào cát thì thấy rất dễ dàng, còn viên đạn đâm vào thì lại chẳng thể xuyên qua?

Cát là vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền và vô cùng hữu dụng trong quân sự. (Ảnh: Internet)

Bao cát là một trong những thành phần thiết yếu phải có khi xây dựng công sự, hầm hào quân sự hoặc làm những bức tường ngăn nước, chống sạt lở. Những bao cát khi được xếp hợp lý, đúng kỹ thuật sẽ tạo thành nơi trú ẩn rất vững chắc, thậm chí có thể bảo vệ con người khỏi bức xạ.

Từ trước thế kỷ thứ 18, lịch sử quân sự thế giới đã ghi nhận về việc sử dụng bao cát trong công sự để chắn đạn, thế nhưng thật ngạc nhiên là tới nay lại có không nhiều thông tin giải thích về khả năng chống đạn kỳ diệu của bao cát.

Có lẽ mọi người đều thấy việc dùng bao cát để chắn đạn là điều quá ư hiển nhiên, chẳng có gì lạ cả. Thế nhưng một lần khi mình đang xem tivi thì vợ hỏi: “Tại sao viên đạn có thể phá được bê tông, đá, thép mà lại không đâm được qua bao cát? Vì sao khi dùng ngón tay ấn vào cát thì thấy rất dễ dàng, còn viên đạn đâm vào cát thì lại chẳng thể xuyên nổi?”.

Ừ, quả thật ngay lúc đó mình cũng chưa thể nào trả lời ngay để làm cho vợ thấy thuyết phục được, vì xưa nay vốn chẳng bao giờ thắc mắc “vì sao cát nó lại giỏi thế”.

Và bây giờ thì hy vọng lời giải thích như thế này sẽ là hợp lý:

Cát là một loại vật liệu đặc biệt mà người ta vẫn gọi là “phi Newton” (Non-Newtonian fluid). Thuộc tính của nó thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm của lực tác dụng lên nó. Khi ta tác động một lực nhỏ, ví dụ như ấn ngón tay vào cát thì cát lúc này sẽ giống như một chất rắn có mật độ thấp (hoặc chất lỏng) và từng hạt cát nhỏ bé sẽ từ từ nhích ra để “nhường đường” cho ngón tay đi qua.

Thế nhưng nếu lực tác động có độ lớn và gia tốc đáng kể (viên đạn đang bay) thì các hạt cát không xô nhau ra kịp khiến cát bị nén lại. Khi đó cát lại phản ứng như một chất rắn – cản trở chuyển động của viên đạn và giữ nó lại.

Các phân tử sẽ liên kết chặt với nhau khi có lực tác động, và tách nhau ra khi ở trạng thái bình thường. (Ảnh: Internet)

Một thí nghiệm đơn giản mà các bạn có thể tự làm tại nhà: đổ bột ngô vào nước và khuấy lên. Nếu chỉ khuấy nhẹ, bột ngô và nước sẽ chuyển động giống như chất lỏng bình thường, nhưng khi khuấy mạnh lên thì chất lỏng ấy sẽ đặc sệt lại và mất nhiều sức hơn để khuấy. Thậm chí bạn còn có thể nặn khối dung dịch ấy thành một quả bóng bột ngô nếu tay bạn xoay đủ nhanh.

Chắc hẳn các bạn đã từng nghe qua về áo giáp chống đạn bằng chất lỏng STF – Shear Thickening Fluid? Bản chất của nó cũng giống như cát và dung dịch bột ngô vậy: Trong điều kiện thường STF có trạng thái lỏng, thế nhưng khi bị khuấy động hay có lực tác dụng vào thì nó sẽ lập tức trở nên cứng lại chỉ trong vài mili giây.

Shear Thickening Fluid (STF) body armor. Photo Credit: ep.yimg.com

Vật lý cấp 3 có nhiều bài về viên đạn bắn bao cát nhưng toàn chỉ hỏi về va chạm mềm như góc lệch, khi nào đứt dây,… còn không thấy lý giải vụ vì sao bao cát chắn được đạn. Hãy cùng nhau nhớ lại định luật 3 Newton: Đối với mỗi lực tác động bao giờ cũng có một phản lực cùng độ lớn, nói cách khác, các lực tương tác giữa hai vật bao giờ cũng là những cặp lực cùng độ lớn, cùng phương, ngược chiều và khác điểm đặt.giây.

Hiểu một cách nôm na thì khi hai vật, A và B, tương tác, thì lực do A tác dụng lên B bằng về độ lớn với lực do B tác dụng lên A, nhưng hai lực tác dụng ngược chiều nhau. Suy rộng ra: Trong tương tác, A làm thay đổi động lượng của B bao nhiêu thì động lượng của A cũng bị thay đổi bấy nhiêu theo chiều ngược lại.

Thí nghiệm bắn đạn vào bao cát. (Ảnh: Internet)

Viên đạn bắn trúng bao cát, và bao cát cũng sinh ra một lực tương đương tác động lên viên đạn để ngăn nó lại. Nếu không có bao bên ngoài thì cát sẽ bay theo mọi hướng. Chính chiếc bao có tác dụng giữ cho cát không bị rời nhau ra, và mỗi khi một viên đạn xuyên vào thì lập tức cát lại lấp luôn lỗ đạn, khiến cho hàng rào bao cát tồn tại được lâu. Và cát đã biến cơ năng của viên đạn gần như hoàn toàn thành nhiệt, đó là lý do tại sao chúng ta thấy những chỗ trúng đạn trên bao cát lại nóng lên.

Ngón tay ta có thể đâm qua cát là bởi vì chuyển động của ngón tay không sinh ra nhiều năng lượng, do đó lực phản hồi do cát sinh ra cũng không lớn. Giả thử bạn luyện được thần công Nhất Dương Chỉ như Nhất Đăng Đại Sư chẳng hạn, khi đó hãy thử chọc ngón tay vào bao cát ở vận tốc 300 m/s – lúc này ngón tay của bạn sẽ chẳng thể xuyên qua bao cát được nữa đâu.

Còn nếu ta dùng tay ấn một viên đạn vào bao cát thì liệu nó có xuyên qua không? Có, chắc chắn là có. Bởi vì lực ấn của tay ta cũng không khác nhiều so với khi ta ấn ngón tay, và do đó cát cũng ít gây ra lực cản hơn.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với nước. Bạn nhảy xuống nước từ con thuyền hoặc trên thành bể bơi thì cả người sẽ chìm trong nước dễ dàng, và nước sẽ bắn tung tóe lên. Mọi việc sẽ tồi tệ hơn rất nhiều khi bạn rơi xuống nước từ độ cao lớn: nước không kịp xô nhau ra để “tránh” bạn, và bạn sẽ bị thương không khác gì bị rơi lên mặt bê tông cứng.

Từ từ đi mới được, còn chạy thì không thể thoát khỏi đám đông này. (Ảnh: Internet)

Còn nếu tới đây mà vợ vẫn còn thấy lăn tăn thì xin mạn phép lấy ví dụ: Nếu ai đã từng đi xe buýt giờ cao điểm hay ở trong biển người đêm Noel nơi Bờ Hồ Hoàn Kiếm thì cũng dễ hình dung ra: Bạn có thể chầm chậm len lỏi, lách người này, tránh người kia để thoát khỏi đám đông chứ không thể cứ hùng hùng hổ hổ cắm đầu cắm cổ mà chạy.

Theo Tri Thức Trẻ

Friday, July 29, 2022

MÓN ĂN KIỂU ĐỒNG QUÊ VỚI BÔNG, NỤ

Bông mướp, nụ bí luộc chấm nước cá kho hay xào tép bạc kiểu nào cũng ngọt lịm.


Nhà văn Phan Trung Nghĩa (Bạc Liêu) đã đúc kết rằng, từ mùa gió chướng (khoảng cuối tháng 10 âm lịch) đến ra giêng là “mùa no ấm” của dân tây Nam bộ. Khi đó con cá, con tôm qua tuổi “vị thành niên” và rau cỏ thì “ê hề”. Nhất là có nhiều loại bông dân dã khoe sắc, ăn hoài không ngán.

Sáng sớm ra thăm vườn, ra ruộng đã thấy cảnh ong bướm rập rờn “ve vãn” mấy bông mướp, nụ bí... còn e ấp sương đêm.

Ngắt vào một mớ, luộc chấm cá lóc kho hay xào với mớ tép bạc tươi kiểu nào cũng ngọt lịm.

“Tắm rửa” bông súng trước khi mang đi bán

Dư thời gian thì “bóc lột” một trứng gà so hòa vào ít bột bắp, nhúng từng bông bí, nụ mướp vàng rực vào, rồi thả vô chảo dầu đang sôi. Đợi chúng nổi lên, vớt nhanh ra, để ráo, đã có một món ăn nhanh kiểu đồng quê thật hấp dẫn.

Khi nước lũ “chụp” đồng, không chỉ họ cá cua hớn hở mà vạt bông súng, bông sen cũng “nhổ giò” (cao) hơn. Thuở nhỏ, khi ăn mắm kho cá đồng, anh em chúng tôi không dùng muỗng chan mà dùng những cọng bông súng, chột sen làm vòi hút thẳng vào miệng. Dẫu bị người lớn cốc đầu đau điếng, kiểu ăn uống “dị hợm” mang lại niềm vui.

Bông điên điển thường được chuộng từ chợ quê đến chợ phố

Nói về mùa lũ, không thể kể đến bông điên điển - những chùm bông lấm tấm vàng, viền một chấm xanh trên đầu cuốn - như nụ cười hàm tiếu của thôn nữ đồng bằng, giữa bốn bề sông nước hiền hòa.

Bông này, đem rắc lên chiếc bánh xèo tròn vành vành của mẹ lúc chuẩn bị nhắc xuống hoặc nhẹ tay bóp xổi với giấm đường, chấm cá rô mề, lóc nái nướng trui dầm nước mắm nhĩ thì ngon nhất trần đời!

Cùng họ điên điển có anh so đũa thân xù xì, cao lớn hơn. Mấy “sư phụ” dê rất mê lá so đũa. Còn người, thích hưởng sái... bông. Phần đầu bông này có một túi nhỏ, thường chứa ít mật ngọt vào sáng sớm, đó cũng là món ăn vặt của trẻ con nhà nghèo. Đứa nào hấp tấp, không chịu thổi kiến lửa ra mà húp mật vội, sẽ bị chúng cắn sưng môi.

Mát mắt bánh xèo hoa

Bông so đũa dùng nấu canh chua hoặc nhúng lẩu, sẽ toát lên một mùi thơm nồng nàn. Có điều, mớ bông trắng tinh này rất “nhát lửa”, chỉ cần nhúng vào nước sôi là nhanh tay vớt ra nếu không chúng sẽ mềm rục, mất giòn.

Như con sáo sang sông, tôi rời đồng quê len chân vào phố thị, vẫn may mắn nếm thêm nhiều rau hoa mới. Nào là bông kim châm ngòn ngọt, bông atiso đắng thanh - giải nhiệt của Đà Lạt mộng mơ, hầm với chân giò heo cỏ thật khoái khẩu. Còn món bông thiên lý chúm chím cười duyên cùng thịt bò tơ thơm phức. Cả những cánh hoa, nhị sen trang nhã, đem nhúng bột chay rồi chiên giòn tạo hương vị rất thanh thoát...

Nhiều loại bông giúp thanh nhiệt, nâng “thành tích” phái mạnh

Cũng có người cắc cớ hỏi rằng, vậy khách đào hoa nên ăn hoa gì cho vợ con an tâm? - Xin thưa gỏi hoa sầu đâu!

Tạ Trí / Theo: Ihay

NHỮNG PHỤ NỮ ĐEO MẶT NẠ BÍ ẨN Ở TRUNG ĐÔNG

Những chiếc mặt nạ mà phụ nữ người Bandari đeo có lẽ nổi bật nhất trong những trang phục khác thường của họ.


Giao thoa văn hóa


Dân ở tỉnh Hormozagan ở vùng biển miền nam Iran thường được gọi là Người Bandari (nghĩa là dân vùng cảng). Nơi đây từng là một trong những điểm dừng quan trọng trên Con đường Gia vị, và từng là trung tâm giao thương từ 2000 năm trước Công Nguyên, dẫn dến sự giao thoa về sắc tộc và văn hóa của người Châu Phi, người Ả Rập, người Ấn Độ và Ba Tư. Đa số cư dân địa phương mặc trang phục khác với nhiều tỉnh khác ở Iran: phụ nữ thường mặc màu sắc sặc sỡ thay vì áo chùng đen quen thuộc, và đàn ông mặc trang phục kiểu Ả Rập. Nhưng boregheh (mặt nạ) mà các phụ nữ người Bandari này đeo, cho dù là những người phụ nữ theo Hồi giáo Sunni hay Hồi giáo Shia, có lẽ là ấn tượng hơn cả.

Truyền thống cổ xưa


Phụ nữ Bandari đã mang mặt nạ từ nhiều thế kỷ trước. Nguồn gốc của truyền thống này vẫn chưa được biết đến, dù một số người nói nó bắt nguồn từ luật lệ của người Bồ Đào Nha, khi phụ nữ cố gắng tránh bị chủ nô lệ nhận diện khi họ cố truy tìm các cô gái xinh đẹp.


Mùa hè vùng Vịnh nóng bỏng

Cũng là một phần trong tôn giáo và văn hóa, mặt nạ giúp bảo vệ mắt và da họ tránh khỏi ánh nắng mặt trời rất nóng của Vịnh Ba Tư. Trong thực tế, người ta có thể thấy các loại mặt nạ tương tự xung quanh khu vực này, như tại Oman, Kuwait và các quốc gia khác trong khu vực Bán đảo Ả Rập.


Thiết kế đa dạng

Ta có thể bắt gặp rất nhiều loại mặt nạ trong tỉnh này. Một số che gần kín gương mặt, trong khi một số khác nhỏ hơn và có khe hở rộng hơn ở mắt. Một số mặt nạ làm bằng da, một số làm bằng vải thêu dày. Tất cả các loại mặt nạ ít nhất đều che phủ phần trán và mũi, và khăn lụa thường được sử dụng để che phần miệng và đầu. Dân địa phương có thể nhận diện tên làng, địa vị hoặc xuất thân của người phụ nữ dựa vào hình dáng và màu sắc của mặt nạ người đó đeo.


Mặt nạ chiến tranh

Loại mặt nạ ấn tượng có hình bộ ria mép, thường được phụ nữ trong làng trên đảo Qeshm đeo, được cho là đã được thiết kế nhiều thế kỷ trước để khiến phụ nữ địa phương trông có vẻ thô lỗ và nguy hiểm hơn. Vị trí chiến lược của hòn đảo khiến nơi này dễ bị xâm lăng, khi kẻ thù thấy những người đeo mặt nạ ria mép, họ có thể nghĩ đó là các chiến binh nam giới.


Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ bỏ truyền thống này, họ chỉ còn đeo khăn choàng.


Truyền thống phai nhạt

Dù cô gái trẻ này không thường đeo mặt nạ, nhưng khi tôi đề nghị chụp ảnh cô không đeo mặt nạ, cô từ chối. Trong nền văn hóa bảo thủ, phụ nữ không nên nói chuyện với người lạ, đặc biệt là đàn ông - và chụp ảnh mà không đeo mặt nạ là điều càng không nên.


Cuộc sống sau chiếc mặt nạ

Vì những chiếc mặt nạ bí ẩn, cộng đồng người Bandari nổi tiếng vì sự đóng kín và không giao lưu. Tuy nhiên, sau vài ngày ở khu vực này, tôi nhận thấy rất nhiều phụ nữ rất vui vẻ làm dáng để chụp ảnh và sẵn sàng chia sẻ văn hóa độc đáo và cách sống của họ.

Bài và ảnh: Rodolfo Contreras
BBC Travel
Link tiếng Anh: