Những câu trả lời của vị thiền sư dưới đây sẽ giúp chúng ta tháo gỡ những “vướng mắc” thường gặp trên đời, chữa lành vết thương cho trái tim, thôi thúc chúng ta thay đổi tư duy, mở rộng tầm nhìn.
1. Mất một cái gì đó? Có nhất thiết phải lấy lại?
Trả lời: “Những thứ đã mất chưa bao giờ thực sự thuộc về bạn, vì thế, không cần phải tiếc nuối chứ đừng nói đến việc theo đuổi nó”.
Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami đã nói: “Cái gọi là cuộc sống, đơn giản chỉ là một quá trình không ngừng mất đi. Những điiều quý giá đối với cuộc đời bạn sẽ từng cái một, trượt khỏi tay bạn, giống như những chiếc răng lược. Thay vào đó, chúng sẽ rơi vào tay bạn, tất cả đều là những thứ giả tạo vô giá trị. Thể chất, hy vọng, lý tưởng, niềm tin, ý nghĩa, hay những người thân yêu, sẽ lần lượt lặng lẽ biến mất khỏi bạn và không dễ dàng để thay thế”.
Một số người sẽ cho rằng điều này quá bi quan và tàn nhẫn. Một mặt, đó là bởi vì bạn vẫn không dám đối mặt với cuộc sống thực. Những thứ bên ngoài không thực sự thuộc về bạn, giống như hoa nở và hoa tàn, tất cả đều có vị trí của nó. Thứ duy nhất thuộc về bạn chính là bản thân bạn, khi cảm thấy “mất mát” thì bạn phải học cách chấp nhận bài học này thay vì theo đuổi nó.
Mặt khác, Haruki Murakami chỉ nói về vẻ bề ngoài của cuộc sống, cuộc sống đúng là không ngừng mất đi, nhưng cũng không ngừng đạt được, và không thể bỏ qua sự tích lũy trong tâm hồn. Điều duy nhất không thể mất đi trong quá trình đó là “bản thân”.
2. Cuộc sống quá mệt mỏi, làm sao để thư giãn?
Trả lời: “Cuộc sống mệt mỏi, một phần đến từ sự sinh tồn, một phần đến từ ham muốn và so sánh”.
Dục vọng của con người chưa bao giờ dừng lại, và không thể dừng lại. Và trong thời đại truyền thông Internet, khoe khoang kích thích so sánh, so sánh kích thích khoe khoang, và việc theo đuổi sự phù phiếm đã phát triển đến vô tận. Hãy cố gắng duy trì một tâm thái bình thường để ít mệt mỏi hơn.
3. Thế nào là sống trong hiện tại?
Trả lời: “Đừng để ngày hôm qua chiếm giữ ngày hôm nay của bạn”.
Trong tâm trí con người luôn tồn tại hai loại: Một là tiếc nuối một điều gì đó trong quá khứ hoặc bị mất phương hướng trong hiện tại. Cuộc sống hiện tại đã bị mất phương hướng, sống trong vũng lầy, lại dành thời gian cho quá khứ, nên không thể giải thoát bản thân. Khi có chí hướng làm việc chăm chỉ, sẽ không có thời gian rảnh rỗi để nghĩ đến những kỷ niệm vô tận.
Hối tiếc một số điều, rồi cũng phải dừng lại. Tagore đã nói: “Nếu bạn khóc vì bạn đã mất mặt trời và mặt trăng, thì sau đó bạn sẽ mất những vì sao”.
Có người từng hỏi vị Đại Thiền sư: “Làm thế nào để thực hành?” Đại Thiền sư trả lời: “Đói thì ăn, buồn ngủ thì ngủ”. Ăn là ăn, ngủ là ngủ. Vì sự tập trung là nền tảng của mọi việc bạn làm. Để nắm bắt thời điểm hiện tại, chúng ta phải tập trung vào việc làm những gì chúng ta sẽ làm bây giờ.
4. Cách đối xử với bản thân và người khác?
Trả lời: “Hãy tốt với chính mình, vì đời người không dài; hãy tốt với những người xung quanh, bởi vì bạn có thể không gặp được họ trong kiếp sau”.
Đời người trăm năm thoáng qua, ta đã đối xử tử tế với chính mình chưa? Cơ thể vật lý này hỗ trợ chúng ta làm việc chăm chỉ mỗi ngày và hỗ trợ chúng ta vượt qua mưa gió cuộc đời. Vậy nên, đừng nên làm những việc có hại cho cơ thể như: Thức khuya, hút thuốc, ăn quá nhiều, ngồi lâu không vận động, ham mê nhục dục,… đó đều là những biểu hiện của việc không trân trọng cơ thể. Quá chán nản, đau buồn, phẫn nộ, suy nghĩ lung tung là coi thường sức khỏe tinh thần của bản thân. Hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình một cách lý trí sẽ tốt hơn cho bản thân về thể chất và tinh thần.
Đối với người khác đương nhiên cũng phải tử tế. Nhân duyên giữa những người thân yêu nên được trân trọng.
5. Làm thế nào để chữa lành những tổn thương của trái tim?
Trả lời: “Xin lỗi là một loại thành ý, không có quan hệ đến phong thái. Nếu bạn thành tâm phó xuất mà không nhận được ân huệ, thì chỉ có thể cho thấy sự thiếu hiểu biết và thô tục của đối phương”.
Nhiều khi nỗi buồn trong lòng bắt nguồn từ thái độ của người khác đối với ta. Con người theo bản năng đều mong người khác kính trọng yêu thương mình, nhưng cũng giống như gạo nuôi đủ loại người, làm sao có thể mọi người đều sống theo tiêu chuẩn trong suy nghĩ của mình. Xứng đáng với lương tâm của mình là đủ rồi, còn đối phương đối xử với chúng ta như thế nào, đó là việc của đối phương.
6. Cuộc sống có khi vui, có khi buồn?
Trả lời: “Con người chỉ có một trái tim nhưng có hai tâm nhĩ. Một sống trong hạnh phúc, một sống trong khổ đau; đừng cười quá to, nếu không sẽ đánh thức nỗi buồn bên cạnh”.
Người xưa nói: “Vật cực tất phản, bĩ cực thái lai”, “Quá do bất cập, lạc cực sinh bi”. Từ góc độ dưỡng sinh mà nói, quá vui, quá buồn đều có hại cho tim. Nếu một người quá chú ý đến danh lợi được mất, thì rất dễ quá vui hoặc quá buồn. Thế sự vô thường mới là bình thường, phúc và họa đều thay đổi. Vì vậy, tâm ổn định, ít xao động thì tuổi thọ sẽ kéo dài.
7. Làm sao để sống thật?
Trả lời: “Chừng nào chân còn đặt trên đất, đừng nhìn bản thân quá nhẹ; chừng nào còn sống trên trái đất, đừng nhìn quá nhiều về bản thân”.
Suy nghĩ giữa nhẹ và nặng của cuộc đời là một mệnh đề muôn thuở. Cân bằng tốt nặng nhẹ là vấn đề quan trọng nhất đối với tất cả mọi người.
8. Có người nói tình yêu sẽ phai nhạt theo thời gian, ngài nghĩ sao?
Trả lời: “Tình yêu làm người ta quên thời gian, thời gian làm người ta quên tình yêu”.
9. Hai người yêu nhau mà không thể ở bên nhau thì phải làm sao?
Trả lời: “Không ở bên nhau thì không ở bên nhau, kỳ thực cả đời cũng không dài như vậy”.
10. Mãi mãi là bao lâu?
Trả lời: “Ai cũng nghĩ rằng mãi mãi sẽ là mãi mãi, nhưng thực tế nó ngắn đến mức bạn không thể nhìn thấy nó”.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng mãi mãi là mơ mộng hão huyền, nhưng mọi người thường muốn gắn “mãi mãi” vào cuộc sống thực. Về mặt cảm xúc và mong muốn, cái “mãi mãi” mà bạn khao khát luôn là điều viển vông. Trong sự giác ngộ của tâm hồn, “mãi mãi” chỉ là một khoảnh khắc. Chỉ bằng cách trân trọng những cảm xúc của tâm hồn, nhận ra những khoảnh khắc quý giá của cuộc sống, và không đuổi theo những âm thanh của nhục dục, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của “mãi mãi”.
11. Ý nghĩa của cuộc sống?
Trả lời: “Nếu bạn biết bạn đi đâu, cả thế giới sẽ nhường đường cho bạn”.
Một người mất mục đích của cuộc sống, sẽ cảm thấy trống rỗng và bất lực. Khi cơ thể con người trở thành một khung xương trống rỗng, không có khí lực và linh khí, lúc này con người sẽ không cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, từ đó rơi vào tình trạng khó xử về tinh thần.
Vương Dương Minh nói: “Chí bất lập, thiên hạ vô khả thành chi sự”, đại ý là không có ý chí, tham vọng, không thể thực hiện được việc gì trong thiên hạ. Ý chí, tham vọng quyết định cách sống của một người. Có ý chí, có tham vọng là có sức mạnh, niềm tin, và phấn đấu vì nó. Khi một người không thể nghĩ ra một cái gì đó, rất có thể họ đã chôn vùi hoài bão của mình và sống trong thế giới của người khác. Hãy tìm lại chính mình, làm rõ điều mình mong muốn, “Trời sẽ giúp những ai biết tự giúp bản thân mình”, không khó khăn nào có thể cản bước chân vững chắc của bạn.
Bảo Châu biên dịch
Theo: vandieuhay
No comments:
Post a Comment