Monday, May 5, 2025

THANH KHÊ - VƯƠNG DUY


Thanh Khê - Vương Duy

Ngôn nhập Hoàng Hoa xuyên,
Mỗi trục Thanh Khê thuỷ.
Tuỳ sơn tương vạn chuyển,
Thú đồ vô bách lý.
Thanh huyên loạn thạch trung,
Sắc tĩnh thâm tùng lý.
Dạng dạng phiếm lăng hạnh,
Trừng trừng ánh hà vĩ.
Ngã tâm tố dĩ nhàn,
Thanh xuyên đạm như thử.
Thỉnh lưu bàn thạch thượng,
Thuỳ điếu tương dĩ hỉ.

Thanh Khê là khe nước chảy vào sông Hoàng Hoa, khe lòng vòng chín khúc, dài mấy chục dặm.


青谿 - 王維

言入黃花川
每逐青溪水
隨山將萬轉
趣途無百里
聲喧亂石中
色靜深松裡
漾漾泛菱荇
澄澄映葭葦
我心素已閒
清川澹如此
請留盤石上
垂釣將已矣


Thanh Khê
(Dịch thơ:Chi Nguyen)

Hoàng Hoa mãi chảy một dòng.
Thanh Khê suối mát, xanh trong chốn này.
Nước vòng theo vực còn xoay.
Sườn non trăm dặm, nước bày còn theo.
Nươc tung vào đá như reo.
Bóng tùng còn đứng,cheo leo sắc rừng.
Lặng lờ lau lách lưng chừng.
Lung linh mặt nước,sáng bừng không gian.
Tính thời ưa thích vẻ nhàn.
Thanh Khê tươi đẹp, chứa chan bao tình.
Đá bàn khe suối thật xinh.
Lặng ngồi một chỗ, để mình buông câu.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Duy 王維 (699-759) tự là Ma Cật 摩詰, người huyện Kỳ (thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Cha mất sớm, mẹ là một tín đồ thờ Phật suốt ba mươi năm nên Vương Duy chịu ảnh hưởng tư tưởng của đạo Phật. Ông tài hoa từ nhỏ, đàn hay, vẽ giỏi, chữ đẹp, văn chương xuất chúng. Năm 19 tuổi, Vương Duy đến Trường An, được Kỳ vương Lý Phạm mến tài, đỗ đầu kỳ thi của phủ Kinh Triệu. Năm 21 tuổi, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm Ðại nhạc thừa rồi bị giáng làm Tham quân ở Tế Châu. Sau nhân Trương Cửu Linh làm Trung thư lệnh, ông được mời về làm Hữu thập di, Giám sát ngự sử, rồi thăng làm Lại bộ lang trung. Trong thời gian này, thanh danh của ông và em là Vương Tấn vang dậy Trường An. Sau đó đến lượt Trương Cửu Linh lại bị biếm, Vương Duy đi sứ ngoài biên ải và ở Lương Châu một thời gian.

Khi An Lộc Sơn chiếm kinh thành, Vương Duy bị bức bách làm chức Cấp sự trung, sau khi bị câu lưu tại chùa Bồ Ðề. Một hôm An Lộc Sơn mở đại yến tại ao Ngưng Bích, có các nhạc công của Lê viên tấu nhạc, khiến mọi người cảm xúc rơi lệ. Vương Duy nghe bài ấy cảm thương làm bài Ngưng Bích trì. Sau khi loạn yên, Vương Duy được tha tội và phục chức, chính nhờ bài thơ này, và nhờ có Vương Tấn, đang làm Hình bộ thượng lang, xin giải chức chuộc tội cho anh. Về sau, Vương Duy làm đến chức Thượng thư hữu thừa.

Nguồn: Thi Viện