"Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông"
(thơ Nguyên Sa)
Lụa Hà Đông như thế nào thì tôi chưa được biết nhưng khi thấy lụa Tô Châu thì quả thật là đẹp choáng ngời. Tôi tìm được trên mạng ít hàng nói về lụa Tô Châu:
Nghề nuôi tằm để lấy tơ dệt lụa đã có ở Trung Hoa đã có cách đây 3000 năm trước Công Nguyên. Ðến đời Ðường và Tống (618-1279), lụa được xem như đơn vị tiền tệ để bán buôn trao đổi giữa các nước. Đồng thời đây cũng là món hàng quý để các nước chư hầu triều cống cho những nước lớn.
Sự phát triển lụa mãi cho đến đời vua Vạn Lịch (Wanli) nhà Minh (1573-1620), vùng ngoại ô Tô Châu toàn là ruộng dâu, trồng để lấy lá nuôi tằm. Lụa Tô Châu đẹp bền lại mềm mát và mịn. Chính vì đặc trưng này, người La Mã Ai Cập Ba Tư Ấn Ðộ biết tiếng và họ đã sang mua. Con Ðường Tơ Lụa (Silk Road) bắt đầu hình thành từ những điều này ở thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên, rất nhộn nhịp những thương buôn.
Lụa Tô Châu mang tính chất mềm mại, mát mẽ (ngay cả ngày hè oi bức), góp phần tôn thêm cho vẻ đẹp quý phái của nữ tính. Đấy là những đặc điểm riêng chỉ có ở lụa Tô Châu, tạo nên nét đặc trưng riêng và quyến rũ đối với khách thương từ các nước trên khắp dọc con đường tơ lụa đi qua. Hiện có tới 179 nhà máy tơ lụa đang hoạt động trong đó ở nhà máy tơ lụa số 1 có bảo tàng về nghề tơ lụa với lịch sử hơn 5000 năm. Các nhà máy tơ lụa bán rất nhiều sản phẩm tơ lụa đẹp và bền như chăn tơ tằm áo tơ tằm lụa tơ tằm mỏng mảnh và sang trọng.
TÔ CHÂU (蘇州) - THƯỢNG HẢI (上海)
Sáng sớm hôm nay chúng tôi được đưa đến một trung tâm buôn bán tơ lụa nổi tiếng nhất Tô Châu, vào cửa là choáng ngợp với cái long bào của nhà vua làm vật "trấn tiệm chi bửu" mà cô hướng dẫn nói là vô giá và không bao giờ bán. Chúng tôi được giới thiệu các công đoạn lấy tơ, se chỉ, rồi chùng nhau kéo cái kén ra và không biết bao nhiêu cái kén mới bệt thành một tấm mền, tơ dệt thành lụa.
Công ty không giới thiệu về vãi lụa mà muốn chúng tôi mua mền, mua ga giường, áo gối trong những package rất mắc tiền. Đẹp thì có đẹp, mát thì có mát, nhẹ thì có nhẹ nhưng giá cả thì nặng quá, mắc quá. Lại kỳ kèo trả giá rồi cũng có người mua. Xong xuôi chưa hết chúng tôi lại qua trung tâm bán lẻ áo quần, khăn, vớ, đồ lót...toàn bằng lụa làm "hầu bao" lại chảy máu. Gần như trong đây là một trung tâm mua sắm và ăn uống. Sau tất cả chúng tôi qua nhà hàng bên cạnh ăn trưa lúc mới 11 giờ. Sau đó ra xe mà trong lòng vừa không biết phải hay không khi những người bán hàng rong chào mời chúng tôi mua khăn, bên trong mấy trăm tệ một cái, cón bán rong 100 tệ 10 cái. Cô bạn đi chung nói chơi 100 tệ 20 cái? Ngần ngừ đôi chút anh bán rong gật đầu. Lụa thật giả không biết nhưng nhìn vào cũng đẹp, đóng bao bì y như trong tiệm.
Chúng tôi lại được đưa vào một trung tâm bán ngọc nữa nhung lần này người dẫn đoàn nói tùy ý vì đây là cửa hàng tư nhân có đóng góp cho công ty của cô nhưng không áp lực bằng những cửa hàng quốc doanh nên thích thì mua, không thích thì thôi.
Vào bên trong cũng trang trí rất sang trọng, dường như có nội ứng nên cửa tiệm cho một cô chào hàng biết nói tiếng Việt Nam, tự giới thiệu cô tên Mỹ người Hoa nhưng có học tiếng Việt và phát âm rặc giọng miền Bắc. Một hồi cô nói có người chủ cửa hàng nghe nói chúng tôi gốc Việt nên muốn đến chào làm bạn. Anh chàng ra sổ tiếng Việt y như người Việt, nói là gốc Hải Phòng qua Hong Kong tị nạn, làm cu li trong xưởng cắt ngọc, sau đó qua Miến Điện làm, dành dụm rồi phát triển từ, anh ta cho chúng tôi vào phòng riêng xem những món mà anh sẽ mang sang triển lãm ở Đài Loan trong một hội nghị quốc tế. Anh ta vừa nói tiếng Việt, vừa nói tiếng Quảng nên ai cũng thích. anh kêu các cô người làm đem tặng cho mỗi người một mặt dây chuyền cẩm thạch mà anh ta nói là loại A (?). Rồi đặc biệt giảm giá các mặt hàng bán cho đồng hương. Lại bị dụ và tuôn thêm một mớ máu "hầu bao".
Trời Tô Châu hôm nay sáng sớm đã 26 độ, bây giờ là 36 độ nóng, từ trong công ty này bước ra chổ để xe mà ai cũng mồ hôi ra như tắm. Lên xe về lại Thượng Hải. Mấy ngày nay một vòng Giang Nam mà nhiệt độ chẳng có ngày nào dưới 26 độ.
Vào đến Thượng Hải chặn đầu tiên là vào một công ty dược phẩm trị theo lối Tây Tạng ngâm và xoa bóp chân tại Trung Sơn Dưỡng Sinh Đường do các em thực tập sinh đến làm. Thấy chân tôi xưng to quá một em đề nghị mời thầy đến khám nhưng tôi từ chối nói là có bác sĩ gia đình ở Úc khám và tôi chỉ theo Tây y. Tôi mua giúp em mấy hộp thuốc dán vì đã dùng qua rất tốt và tip cho em 50 tệ.
Chiều đến chúng tôi ra "the bund" tức bãi Thượng Hải, một nơi nổi tiếng trong phim tập Hong Kong, khi đi ngang qua Peace Hotel (tôi đã ở đây 3 ngày trong tour Thượng Hải đầu tiên mấy mươi năm trước) cô dẫn đoàn nói đây là nơi mà Hứa Văn Cường bị bắn chết trong phim "Máu nhuộm bãi Thượng Hải". Xe đến công viên Hoàng Phố (Huangpu Park) nơi mà trong phim Hoắc Nguyên Giáp, một tấm bảng treo trước công viên ghi "nơi đây cấm người Tàu và chó". Chúng tôi ăn tối ở nhà hàng trong công viên này mà người dẫn đoàn nói rất đắt đỏ khi vào đây.
Đêm nay là một đêm đặc biệt, đêm cuối cùng ở Thượng Hải, đêm kết thúc chuyến du lịch "Cảnh đẹp Giang Nam", chúng tôi được một chuyến thuyền du trên sông Hoàng Phố (Huangpu river 黃浦河).
Phải nói là quá đẹp, cảnh sắc rực rỡ của những ánh đèn màu nhấp nháy theo kỹ thuật 3D, không khí mát hơn một chút nếu ra boong tàu (bên trong tàu có máy lạnh và bar nước & rượu). 45 phút trôi qua thật nhanh, tàu từ từ về bến. Trong các chuyến thuyền du về đêm mà tôi có dịp dạo qua như ở Quảng Châu, Hong Kong thì bến Thượng Hải làm tôi có ấn tượng nhất.
Lên xe về đến khách sạn, mang hành lý lên đến phòng thì cũng gần 12 giở rồi, mệt lã người. Mai không cần thức sớm.
LKH
(còn tiếp - ngày 8)