LOÒNG BOONG XỨ QUẢNG
Ở Quảng Nam, loòng boong là một loại trái cây nổi tiếng từ cổ chí kim. Tuy dân dã, nhưng loòng boong có vị ngon lạ, đặc sắc và từng được dùng làm lễ vật tiến vua...
Ở Quảng Nam, trái loòng boong có rất nhiều tên gọi. Nào là bòn bon, phụng quân, nam trân...
Sự tích loòng boong
Loòng boong là loại cây trái mọc từ núi rừng. Tương truyền, chúa Định Vương bị tướng của chúa Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm Phú Xuân vào tháng Giêng năm ất Dậu, đã bỏ chạy vào đất Quảng Nam rồi đưa con là Hoàng Tôn Vương làm thế tử, xưng là Đông Cung để trấn giữ đất Quảng Nam; sau đó lại bị quân Tây Sơn đánh bại phải lánh vào rừng.
Giữa lúc đói mệt thì chúa Định Vương gặp được rừng cây loòng boong, bèn hái lấy trái, dùng móng tay bấm thử trước khi ăn. Thấy trái thơm ngọt lạ lùng và nhờ đó đã cứu được cơn đói, chúa bèn đặt tên cho trái là "nam trân", có nghĩa là món ăn quý ở phương nam.
Thật kỳ lạ là mãi cho đến ngày nay, trái loòng boong vẫn còn mang dấu bấm móng tay rất rõ ràng.
Ngoài ra, cũng có một truyền thuyết khác về trái loòng boong, rằng lúc công tử Nguyễn Phúc Ánh (thường gọi là Nguyễn Ánh) chạy theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam, bị quân Tây Sơn phát hiện, trốn lên thượng nguồn Ô Gia. Nhiều ngày lẩn trốn, lương thực cạn, giữa lúc đó gặp loại trái cây rất ngon ngọt, làm dịu cơn khát và đỡ đói.
Về sau, khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh ban tên cho loại trái cây rừng đã từng cứu ông và quân sĩ là nam trân. Theo chính sử triều Nguyễn, nam trân được tiến vua vào dịp Tết. Triều Minh Mạng, năm 1830, quy định khá rõ ràng là mỗi kỳ trái chín phải tiến cống 6 giỏ. Dưới thời nhà Nguyễn đã có quy chế riêng đối với các khu rừng loòng boong. Theo đó, nhà Nguyễn đã đặt chức sắc địa phương gọi là Quản nam trân để canh giữ vườn cây trái thiên nhiên này và có quyền huy động dân binh ba xã Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh (thuộc địa bàn phía tây huyện Đại Lộc ngày nay) canh giữ vườn...
Thời kháng chiến, khi lực lượng cách mạng đóng ở những vùng rừng núi Quảng Nam, vẫn thường ăn loòng boong thay cơm. Thứ trái cây kỳ lạ, có vị chua nhưng ăn không bao giờ xót dạ khi bụng đói. Vì thế mà có câu "Đói lòng ăn trái loòng boong". Nhiều người kể lại, vào thời ấy, đến mùa loòng boong, trái chín rụng xuống ngập đường đi, tha hồ ăn mà không phải vất vả leo trèo như bây giờ.
No ấm nhờ loòng boong
Không chỉ là loại trái cây mang đến cho thực khách một hương vị thơm ngon tuyệt vời, mà loòng boong còn là loại trái cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu vô cùng hữu hiệu ở vùng đất Quảng. Nếu có dịp đến xã Cà Dâng (huyện Đông Giang, Quảng Nam) vào mùa loòng boong, bạn sẽ thấy loại trái cây này đối với người dân ở đây quý giá như thế nào. Chính nhờ loòng boong, mà nhiều hộ dân tộc thiểu số có của ăn của để. Số tiền bán loòng boong đủ chi phí cho cả một gia đình ăn quanh năm.
Loòng boong xứ Quảng không có vị ngọt hoàn toàn như loòng boong Thái vẫn bày bán nhiều trên thị trường. Loại loòng boong đất Quảng chỉ nhỏ bằng ½ hoặc 2/3 trái loòng boong Thái, nhưng có hương vị đặc trưng rất lạ.
Trái đầu mùa lúc nào cũng chua gắt, nhưng đến khi vào mùa, thì trái loòng boong ngọt lịm, rất thanh, có vị chua nhẹ không gắt. Những múi loòng boong trong veo, ít hạt, bỏ vào miệng là nghe ngon lịm người. Chọn loòng boong, người ta thường không chọn trái quá to mà chọn trái vừa, đầu trái nhọn, trái chín căng là loại loòng boong ngon nhất.
Giá của loại loòng boong Quảng Nam cũng rất mềm so với của Thái, chỉ bằng ½ hoặc cao lắm là 2/3 so với loại của Thái. Thị trường tiêu thụ loại trái này ở đâu trên dải đất miền Trung hay 2 đầu đất nước, đều bán rất chạy. Có điều, đây là loại trái cây khá "nũng nịu", nếu chỉ cần chạm tay vào vỏ của loòng boong thì chỉ vài phút sau trái đã bị đen bầm, giống như trái cũ từ nhiều ngày trước. Vì vậy, người hái trái và buôn bán loại trái cây này phải rất cẩn thận khi chạm tay vào nó.
Và mỗi khi có dịp về Quảng Nam, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức loại trái cây lạ lùng này, bởi đấy chính là một món ăn rất đặc trưng và quá đỗi nổi tiếng của xứ Quảng. Loòng boong thường có bán rất nhiều tại các chợ vùng quê Quảng Nam vào các tháng 8, 9, 10 dương lịch.
Thông tin thêm:
Trái loòng boong tập trung nhiều nhất ở huyện Đại Lộc và huyện Tiên Phước của tỉnh Quảng Nam. Trái có vỏ màu vàng nhạt, ruột màu trắng gồm nhiều múi nhỏ và có vị ngọt lịm. Theo thư tịch cổ, vào thế kỷ XIII, dưới triều các vua Champa, tầng lớp quý tộc Brahman thường bắt người dân vùng tây Đại Lộc (kéo dài lên đến huyện núi Nam Giang ngày nay) cống nộp loòng boong. Vì là loại trái cây tiến vua nên loòng boong còn được gọi là trái ngọc của rừng.
Nguồn: thanhnienonline
No comments:
Post a Comment