Saturday, July 31, 2021

VÌ ĐÂU TỬ CẤM THÀNH CHƯA TỪNG BỊ NGẬP ÚNG TRONG SUỐT 600 NĂM QUA?

Trong những năm gần đây, nhiều nơi ở Trung Quốc Đại lục gặp mưa lớn nên bị ngập lụt nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả kinh đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều khu vực của đô thị chìm trong biển nước, hiếm khi nghe thấy “thảm họa” xảy ra ở Tử Cấm Thành.

Loại hình thiết kế nào có thể khiến Tử Cấm Thành bình yên vô sự tránh được lũ lụt?. (Ảnh qua Pinterest)

Tử Cấm Thành may mắn vượt qua đại nạn nhờ vào hệ thống thoát nước hoàn hảo được xây dựng cách đây 600 năm, điều này đã minh chứng cho trí tuệ phi thường của người xưa. Vậy, loại hình thiết kế nào có thể khiến Tử Cấm Thành bình yên vô sự tránh được lũ lụt?

Hệ thống thoát nước hài hòa phù hợp với địa hình

Tử Cấm Thành được xây dựng bởi Minh Thành Tổ Chu Lệ. Theo sử sách ghi chép, số lần Tử Cấm Thành bị ngập gần như bằng không.

Mặt bằng của Tử Cấm Thành hài hòa với địa hình của Bắc Kinh, cao ở phía Tây Bắc và thấp ở phía Đông Nam, xu hướng tổng thể là Bắc cao Nam thấp, ở giữa cao hai bên thấp, hơn nữa có độ dốc nhẹ.

Khi xây dựng Tử Cấm Thành, trước tiên những người thợ đã lợi dụng đặc điểm địa hình Bắc Nam của Bắc Kinh để làm cho mặt ngang nước so với mực nước ở hai phía Bắc Nam của Tử Cấm Thành chênh lệch hai mét.

Cuối cùng, họ sử dụng nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng” để dẫn hết nước mưa và nước đọng trong Tử Cấm Thành chảy vào sông Nội Kim Thủy. Sông Nội Kim Thủy chảy qua hầu hết khu vực trong Cố Cung từ Tây Bắc sang Đông Nam, sau đó hòa vào sông Hộ Thành.

Những người thợ sử dụng nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng” dẫn hết nước đọng trong Tử Cấm Thành chảy vào sông Nội Kim Thủy. (Ảnh qua Pinterest)

Ngoài ra, những nơi mà rãnh thoát nước gặp chướng ngại vật, Tử Cấm Thành có các cửa thoát nước để nước tích tụ ở các nơi được thoát ra một cách thuận lợi. Trong số các cửa thoát nước này, nổi tiếng nhất là 1142 lỗ thoát nước hình đầu rồng trên nền móng của ba cung điện của Cố Cung là Thái Hòa điện, Trung Hòa điện, Bảo Hòa điện.

Các lỗ thoát hình đầu rồng này còn được gọi là “Ly Thủ” (tức đầu con Ly, gần giống con Rồng). Những chiếc đầu rồng này không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc tinh xảo mà còn có những lỗ tròn trên miệng. Một khi mưa lớn xảy ra, cảnh tượng ngoạn mục “hàng ngàn con rồng phun nước” sẽ hiện ra từ các lỗ “Ly Thủ”.

Hệ thống kênh mương và cống ngầm chằng chịt

Bí quyết không bị ngập úng của Tử Cấm Thành nằm ở những con mương chằng chịt và những cống ngầm được thiết kế thông thoáng. Mỗi khi trời mưa, nước mưa chảy vào máng đá lộ thiên dưới móng nhà, nước từ mặt đất và mương lộ thiên chảy vào cống ngầm qua cửa dẫn nước. Nước từ mương lộ thiên và cống ngầm trong mỗi sân chảy vào các nhánh và dòng chính của kênh mương, và cuối cùng tất cả nước mưa sẽ chảy vào sông Nội Kim Thủy.

Dù đã gần 600 năm trôi qua nhưng phần lớn mạng lưới thoát nước ngầm trong Tử Cấm Thành vẫn đóng một vai trò quan trọng. Thông qua các mương lộ thiên và cống ngầm này, nước mưa có thể thoát đi nhanh chóng.

Cảnh tượng “hàng ngàn con rồng phun nước” hiện ra từ các lỗ “Ly Thủ” khi mưa lớn. (Ảnh qua Twitter)

Ngoài ra, có ba tuyến phòng thủ bên ngoài Tử Cấm Thành: Phòng tuyến số 1 là sông Hộ Thành và sông Đại Minh Hào, hồ Thái Bình. Phòng tuyến số 2 là ao Thái Dịch Tây Uyển và Hậu Hải. Phòng tuyến thứ 3 là sông Kim Thuỷ và sông Đồng Tử của Tử Cấm Thành (sông Hộ Thành). Ba tuyến phòng thủ này hòa nhập với sông Nội Kim Thủy, chúng không chỉ là nguồn cung cấp nước cho thành phố, mà còn có chức năng tiêu thoát nước và đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Nước mưa trong Tử Cấm Thành thông qua 3 con đường thoát nước là từ mái nhà chảy xuống mặt đất, từ mặt đất chảy vào mương ngầm, từ mương ngầm chảy vào sông Nội Kim Thuỷ, từ sông Nội Kim Thuỷ chảy vào sông Đồng Tử, cuối cùng thông ra sông Huệ Hà. Vài trăm năm qua, dẫu lượng mưa lớn cỡ nào, Tử Cấm Thành cũng chưa một lần gặp nạn nước lớn. Từ đó có thể thấy được tài năng của cổ nhân khi thiết kế hệ thống thoát nước tinh tế, thuận theo dòng chảy tự nhiên này.

Gia Hưng (Theo Kannewyork)