Một buổi tối tháng 5, năm 1929, khách sạn Hollywood Roosevelt, Los Angeles tập trung những nhân vật tiếng tăm trong làng điện ảnh Mỹ. Giữa tiếng lanh canh của ly rượu vang, 15 bức tượng vàng lần lượt được Giám đốc Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ trao tặng cho những nhân vật với thành tựu xuất sắc trong năm 1927 và 1928. Đó chính là lễ trao giải Oscar đầu tiên trong lịch sử. Ở thời điểm bắt đầu, khán giả muốn đến xem Oscar chỉ cần trả 5 đô-la Mỹ cho một tấm vé.
Thứ danh giá nhất về giải thưởng Oscar không nằm ở giá trị vật chất của bức tượng vàng
Grace Kelly and Marlon Brando, 27th Academy Awards, Hollywood
Thật ra, nó cũng không làm bằng vàng khối mà từ kim loại britannium, sau đó được đem mạ đồng, bạc nickel và vàng 24 carat. Bức tượng có hình dáng của một hiệp sĩ cầm gươm và đứng trên cuộn phim có năm cánh, được điêu khắc theo phong cách Art Deco. Năm cánh tượng trưng cho năm nhánh của bộ môn nghệ thuật thứ 7: bao gồm diễn viên – biên kịch – đạo diễn – nhà sản xuất – kỹ thuật viên.
Năm 1971, danh hài nổi tiếng Charlie Chaplin, 82 tuổi, nhận giải Oscar đặc biệt cho những cống hiến trọn đời. Khán giả đã đứng lên vỗ tay liên tục suốt 12 phút, trở thành màn vỗ tay dài nhất lịch sử Oscar. Sự kiện này cũng đánh dấu sự trở lại của Charlie Chaplin, sau khi bị trục xuất khỏi Mỹ suốt một thời gian dài từ thập niên 1950.
Jennifer Lawrence là diễn viên trẻ nhất nhận được bốn đề cử trong lịch sử Oscar
Một số những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử giải Oscar
Năm 2009, người đứng đằng sau chiếc mặt nạ Joker – huyền thoại Heath Ledger nhận giải Oscar Diễn viên phụ xuất sắc nhất, cũng là lúc ông vừa qua đời.
Oscar năm 2014 chính là một trong những lễ trao giải được yêu thích nhất với sự dẫn dắt đầy hài hước của host Ellen DeGeneres. Tấm hình selfie Ellen chụp cùng Bradley Cooper, Jennifer Lawrence, Meryl Streep, Angelina Jolie… đã “đánh sập” Twitter và có giá trị khoảng 1 tỷ đô-la Mỹ.
Năm 2020, phim Hàn Quốc Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho đã thắng 4 giải tại Oscar 2020, trong đó có giải Phim điện ảnh xuất sắc nhất. Đây là lần đầu tiên một phim từ châu Á chiến thắng lớn đến như vậy tại trong lịch sử giải Oscar.
Tấm ảnh selfie gây bão mạng xã hội của Ellen Degeneres và các diễn viên. Ảnh: Twitter
Những vụ lùm xùm vẫn chưa ngã ngũ
Tuy nhiên, giải Oscar cũng nhận không ít gạch đá từ phía truyền thông, vì đôi khi thiếu bình đẳng sắc tộc, giới tính và không đuổi kịp công nghệ.
Oscar năm 2016 không có một diễn viên da màu nào lọt vào top 20 đề cử quan trọng nhất. Cụm từ “Oscar So White” (Oscar da trắng) xuất hiện rầm rộ trên khắp các mặt báo và gây một vụ lùm xùm lớn, thể hiện sự bất bình của công chúng và cả giới nghệ sỹ. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ thắng giải Oscar cho những hạng mục ngoài Nữ diễn viên chính, Nữ diễn viên phụ và Phục trang cũng vô cùng hiếm thấy.
Từ năm 2019, Oscar đối mặt với sự hưng thịnh của các công ty phân phối phim qua mạng (streaming). Có thể kể đến Amazon, Netflix, Apple TV… Lắm phim điện ảnh được công chiếu trực tiếp qua các nền tảng này, thay vì những rạp chiếu bóng thông thường. Chưa bao giờ giới làm phim lại đôi co gay gắt như vậy về danh sách phim đề cử. Cuối cùng, sự thỏa hiệp từ phía nhà tổ chức Oscar là: Để được tham gia tranh cử, phim bắt buộc phải có công chiếu tại các rạp, nhưng với thời gian tối thiểu nhất có thể.
Để rồi, năm 2020, đại dịch COVID-19 toàn cầu “quật ngã” các rạp chiếu bóng. Các bộ phim hoặc đẩy lùi ngày chiếu, hoặc được công chiếu hoàn toàn qua mạng. Lúc này, lễ trao giải Oscar không thể không nhượng bộ. Danh sách công bố các phim tranh giải bao gồm rất nhiều đầu phim chỉ được trình chiếu qua mạng, một cái lý thú mới trong lịch sử Oscar.
Lễ trao giải Oscar chưa và sẽ không bao giờ là hoàn hảo. Nhưng đó là một cái tên bảo chứng cho doanh thu, cơ hội, quyền lực. Đồng thời cũng chính là sự công nhận cao nhất cho những cống hiến của các nghệ sỹ.
NHỮNG CON SỐ VUI VUI VỀ LỊCH SỬ OSCAR
1. Cái tên Oscar đến đâu? Người ta cho rằng đến từ Margaret Herrick – thư ký của Viện Hàn Lâm. Khi nhìn thấy tượng vàng, bà đã nói nó “trông giống ông chú Oscar” của mình.
2. Những người thắng giải không hoàn toàn “sở hữu” tượng vàng Oscar. Họ phải ký bản cam kết rằng nếu có ý định bán tượng Oscar thì phải bán lại cho Viện Hàn Lâm đầu tiên với giá tượng trưng 1 đô-la Mỹ.
3. Năm 1939, phim hoạt hình “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn” nhận giải Oscar đặc biệt với 1 tượng vàng kích cỡ bình thường và 7 bức tượng nhỏ dành riêng cho các chú lùn.
4. Walt Disney là người nhận được nhiều tượng vàng nhất với con số 26 giải.
5. Khi công bố giải thưởng, các nghệ sỹ không nói “Và người chiến thắng là…” mà phải nói “Và giải Oscar thuộc về…”. Câu nói này để giúp người thua cuộc không cảm thấy quá nặng nề.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam