Sự khác biệt giữa "BẠN" vs "BÈ"
"BÈ"
- Họ thích nói về các vấn đề giới tính một cách bất lịch sự.
- Họ thích nói xấu người khác.
- Họ hay phàn nàn về cuộc sống của mình.
- Họ không quan tâm đến tương lai của mình.
- Họ thích lôi kéo tôi vào các buổi nhậu, những trò chơi game online triền miên.
"BẠN"
- Họ luôn cho tôi những lời khuyên trong cuộc sống?
- Họ luôn nhắc nhở tôi về mục tiêu trong công việc?
- Họ luôn cổ vũ tôi đứng lên sau mỗi lần thất bại?
- Họ thích trò chuyện với tôi về những ước mơ và lí tưởng?
Hãy có thật nhiều "bạn", và ít "bè" lại.
Vì "bè" không giúp bạn tốt hơn trong cuộc sống, thúc đẩy mục tiêu cá nhân. Bạn sẽ thấy, tình bạn ấy thực chất là dựa trên sự ích kỉ, chỉ muốn thỏa mãn mục đích cá nhân.
Rồi sẽ có ngày, bạn không tiền, bạn vấp ngã. Lúc đó, đừng mong họ nâng đỡ, đừng mong họ gọi điện thoại hằng đêm để lôi kéo bạn vào cuộc chơi. Trong mắt họ lúc này, bạn không khác gì một số không tròn trĩnh.
Đừng tự chìm vào cô độc khi tóc xanh còn rất rất xanh
Không chỉ cần biết chọn bạn thân mà chơi, bạn cũng nên nhớ "Đừng bao giờ đi ăn một mình", như tựa đề của một cuốn sách nổi tiếng về xây dựng mối quan hệ.
Bạn là người khéo léo trong việc lấy lòng người khác? Một người ăn nói khôn ngoan? Biết giữ các mối quan hệ và có thể làm nó sâu sắc hơn theo mục đích của mình?
Bạn sẽ cần nhiều năm trời cố gắng để trả lời: CÓ.
Dù bạn là người trầm tính hay sôi nổi, việc tạo dựng các mối quan hệ luôn cần thiết. Nó giúp bạn hòa nhập, cởi mở hơn, đem lại cho bạn những hỗ trợ cần thiết trong tương lai.
Tất nhiên đừng chỉ tạo mối quan hệ với những người "có vẻ sẽ mang lại lợi ích cho mình".
Cuộc sống rất dài rộng, bạn không thể biết ai rồi sẽ là gì và làm gì, cũng như liệu mình có cần đến họ hay không. Kết bạn với những người giỏi, tử tế và mạnh mẽ, đó mới là tiêu chí bạn nên hướng đến.
Tuy nhiên, việc bạn được người ta chào đón hay không lại là một câu chuyện nữa.
Trò chuyện không phải là lúc bạn bắt đầu "bật đài phát thanh" của mình, nói luyên thuyên suốt buổi từ đầu đến cuối, cũng không phải là lúc bạn gật gà gật gù nghe người ta nói mà không thể chia sẻ với người nói về những câu chuyện họ đang kể ra.
Nói huyên thuyên và không biết nói gì đó là hai căn bệnh giao tiếp của người trẻ, đủ để đẩy họ vào thế "cô độc bắt buộc". Bạn không muốn thế chứ?
Vì vậy, hãy nhớ tìm người để cùng nhau trưởng thành! Bạn cần người hỗ trợ, cần người để trao đổi, xin ý kiến giải pháp cho cuộc sống được tốt hơn, bạn sẽ khó mà nhận được nó từ những người bất cần đời và sống không mục đích.
Và cũng hãy nhớ chọn bạn mà chơi! Vì còn cả cuộc đời phía sau bạn sẽ cần đến những người BẠN ĐÍCH THỰC.
*Bài viết được trích lược từ cuốn "Tuổi trẻ đích đáng" và thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả cuốn sách.
Nguyễn Sơn
Theo Trí Thức Trẻ