Trước đây, có một thầy giáo nọ rất thích câu nói: “Khi thượng đế đóng một cánh cửa, ngài sẽ mở ra một cánh cửa khác”. Ông cho rằng câu nói này có thể tặng cho những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn những tia hi vọng cần thiết.
Thầy giáo đem câu nói này tặng cho học sinh của mình. Khi đó, cả thầy và trò đều cảm thấy câu nói vô cùng chuẩn xác. Các em học sinh cảm giác như nó giống như món súp cho tinh thần vậy.
Nhưng rồi, một chuyện xảy ra sau đó khiến thầy giáo nọ có nhận thức mới về câu nói mà ông rất yêu thích kia.
Chuyện là có một học sinh trong lớp ngày còn bé phải cắt cánh tay trái, vì thi đại học không đỗ nên người bố đã giúp cậu mở một cửa hàng nhỏ.
Cảm thấy việc một mình một tay giao hàng cho người ta quá cực, không lâu sau cậu học sinh nọ đóng cửa hàng và đến một phòng hát làm việc.
Chưa được bao lâu, cánh cửa sau mà Thượng đế đem đến cho cậu không tự động mở ra, lại cảm thấy không thỏa mãn, cậu ta liền bỏ việc.
4 năm sau đó, nhà giáo nọ gặp lại học sinh của mình và cậu ta lúc này cũng vẫn chưa tìm được một công việc thích hợp.
Sau khi chào hỏi, cậu học sinh hỏi thầy giáo của mình: “Thầy ơi, thầy từng nói với em rằng khi Thượng đế đóng một cánh cửa, ngài sẽ mở ra một cánh cửa khác. Thế nhưng bao năm qua, tại sao Thượng đế vẫn chưa mở ra cho em bất cứ một cánh cửa nào.”
Cho đến lúc này, thầy giáo nọ mới ý thức được rằng, việc mình giảng dạy và truyền cho học sinh câu nói tâm đắc trước kia thật nông cạn. Vì thế, ông đành ngượng ngùng nói đỡ vài câu rồi chia tay cậu học trò cũ.
Suy nghĩ kỹ hơn, sẽ thấy câu cách ngôn trên thật giống với một câu đố, người nào không nhìn thấu đáo, nhất định sẽ nhầm lẫn mà cho rằng Thượng đế nhân từ sẽ cân đối mọi việc, ở chỗ này thiếu của bạn nửa cân, vậy thì ở chỗ kia người sẽ tìm cách bù lại 8 lạng.
Nhưng thực tế không như vậy, Thượng đế đóng một cánh cửa nhưng không đồng thời mở ra một cánh cửa khác. Việc Người làm, chỉ là nói cho bạn biết có một cánh cửa mà thôi, những việc khác không phải việc của Người. Đây mới chính là lời giải chuẩn xác cho câu đố này.
Thực ra, phàm là người biết đáp án của câu đố này đều sẽ không cầu xin sự ban ơn của Thượng đế. Thay vào đó, họ sẽ tự mình cố gắng mở cánh cửa đã được Thượng đế mách ra.
Một tấm gương điển hình
Năm 21 tuổi, Thượng đế đã đóng cánh cửa sức khỏe của Stephen Hawking.
Căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên đã khiến các cơ thịt trên khắp cơ thể ông bị teo lại, chân không thể đi, miệng không thể nói, cả ngày bị nhốt trên chiếc xe lăn vô hồn lạnh lẽo. Vốn liếng duy nhất của ông khi đó là một khối óc và đôi bàn tay linh hoạt.
Stephen Hawking không thỉnh cầu Thượng đế rằng: “Hãy mở ra cho tôi một cánh cửa khác!” mà ông đã dựa vào nghị lực ngoan cường của bản thân và sự nỗ lực không mệt mỏi, tự mở ra một cánh cửa cho mình.
Năm 46 tuổi, ông đã xuất bản cuốn sách vĩ đại “Lược sử thời gian”. Ông cũng vinh dự được mệnh danh là “Nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới hiện đại”, “Một Albert Einstein khác” hay “Ông vua của vũ trụ”.
Cậu học sinh trong câu chuyện phía trên có thiệt thòi so với những người bình thường, nhưng bản thân việc bị mất đi một cách tay hoàn toàn không thể khiến cuộc đời cậu ta rơi vào bế tắc.
Vốn dĩ, cậu ta có đủ cơ hội để mở một cách cửa cho mình. Nhưng cậu ta đã không làm, vì sao? Vì cậu ta đang “đợi Thương đế ban ơn và mở cửa giúp mình”.
Chúng ta cần phải hiểu thật rõ rằng, bất luận là ai thì Thượng đế cũng không thiên vị. Người gợi mở hy vọng cho tất cả mọi người, còn có biến hy vọng thành hành động được hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi cá nhân.
Chỉ có bản thân tự tìm mở cánh cửa khác cho chính mình khi cánh cửa trước đó đã đóng lại, nỗ lực khắc phục, vượt qua khó khăn, chúng ta mới mong nhận được thành công.
Người kiên cường đấu tranh trong hy vọng, kẻ yếu đuối chờ đợi trong hy vọng, bạn sẽ chọn vế nào?
Nguyễn Nhung / Theo: Trí thức trẻ