Friday, November 15, 2019

CÂU CHUYỆN CÁ RÔ VÀ THẰN LẰN

Một con thằn lằn đang bò trên trần nhà buông mình rơi xuống một bể nước khá sâu, trong bể nước có hai con cá rô không lớn bằng hai ngón tay người. Một trong hai con cá rô nhảy lên mặt nước, táp gọn và lôi con thằn lằn chìm sâu xuống bể. Tưởng như con thằn lằn đã đi hoá kiếp chợt một phút sau từ đáy bể nước, thằn lằn ta bơi chối chết lên và trèo vội ra ngoài, bỏ lại sau lưng… chiếc đuôi nằm trong bụng cá.


Con thằn lằn kia luôn ở trên cao nên không bận tâm đến những kẻ ở dưới thấp và cũng không bao giờ nghĩ rằng có ngày bị rình rập và “làm mồi”. Có lẽ chúng chỉ là những con vật nhỏ bé nên chúng không hiểu rằng khi “bần cùng” thì người ta có thể làm mọi thứ…

Thế nhưng ở một khía cạnh khác, nếu hai con cá cùng tham gia vào cuộc săn mồi thì có lẽ cả hai đã no nê và nếu con thằn lằn kia không cố “chiến đấu đến cùng” thì có lẽ cái mà nó mất đi không chỉ là một chiếc đuôi. Thiết nghĩ, những quy luật sinh tồn này cũng có khác gì trong xã hội loài người, có những người khi ở vị trí cao hơn người khác thì hay xem thường những kẻ thấp kém hơn mình, những kẻ trông có vẻ chẳng có chút mối đe doạ hay ảnh hưởng nhưng họ không biết rằng những kẻ bên dưới ấy chỉ đang im lặng để chờ đợi cơ hội, chờ đến một ngày cái kẻ ở trên cao sa cơ lỡ vận, thì chính cái kẻ dưới khù khờ nhút nhát kia lại có thể trở thành kẻ lôi ta xuống nước. Chính vì vậy, trong cuộc sống này, để không giẫm phải gai thì bạn phải biết nhìn xuống dưới chân mình, để không phải rơi vào những hoàn cảnh khiến bạn phải hối hận cả đời thì ngoài việc vượt qua những đối thủ, bạn còn phải biết đề phòng những kẻ thù, đặc biệt là những kẻ mà bạn không ngờ tới nhất.


Bài học thứ hai tôi rút ra được từ câu chuyện cá rô và thằn lằn là một khi ta ở trong trường hợp của con thằn lằn kia, ở trong một tình thế bất lợi cho ta và có lợi hơn cho kẻ thù thì chỉ có chính bản thân ta mới có thể cứu được ta, chỉ có niềm tin, nghị lực và khát vọng sống, khát vọng vươn lên mãnh liệt mới có thể giúp ta tìm ra lối thoát. Ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, nếu ta chấp nhận buông tay và đầu hàng số phận thì ta sẽ làm mồi cho những kẻ cơ hội. Khi không một ai có thể giúp được bạn, không có bạn bè, người thân hay một bàn tay nào đưa ra để bạn nắm lấy, khi đó bạn chỉ có thể dùng bàn tay, đôi chân, trí óc, trái tim và chính con người bạn để giành lại sự sống từ tay tử thần. Vượt qua nghịch cảnh và một lần vấp ngã bạn có thể bị thương tích, bị mất đi cái gì đó nhưng vết thương nào rồi cũng sẽ lành, những vết sẹo sẽ giúp bạn nhắc nhở chính mình trước khi bạn phạm một sai lầm khác. Nếu bạn phải đánh đổi thứ gì đó để cứu lấy bản thân mình thì hãy làm như con thằn lằn kia, chấp nhận bỏ lại chiếc đuôi của mình; tiền bạc, vật chất là những thứ như chiếc đuôi kia, những thứ mất đi rồi có thể kiếm lại được, chỉ cần ta giữ lại được bản thân mình, giữ lại niềm tin, hy vọng, những giá trị tốt đẹp nhất của chính mình thì ta có thể gây dựng và tìm lại những gì đã mất. Mỗi khó khăn, thử thách mà ta đi qua trong cuộc đời sẽ giúp ta mạnh mẽ và kiên nhẫn hơn để đối đầu với sóng gió, vượt qua thác ghềnh; sẽ giúp ta đến được đại dương bao la và khám phá ra những chân trời mới. Chỉ cần ta nhớ rằng trên đường đi ta phải cẩn thận để không bị nhấn chìm và nếu bị nhấn chìm thì ta cũng phải tìm cách để ngoi lên, chiến đấu đến cùng và đừng bao giờ từ bỏ.


Con người thông minh là vậy, giỏi giang là vậy nhưng có những lúc con người phải học hỏi theo những con vật khi ở trong những hoàn cảnh mà không có trí thông minh nào hay công nghệ hiện đại nào có thể giúp được, khi ở trong cái khoảnh khắc quyết định hoặc sống hoặc chết, khi đó chỉ có bản năng sinh tồn mới quyết định tất cả. Câu chuyện của cá rô và thằn lằn chỉ diễn ra trong vài phút ngắn ngủi nhưng tôi đã học được rất nhiều thứ và còn một điều tôi nhận ra sau khi theo dõi câu chuyện trên, một điều mà tôi phải bắt tay thực hiện ngay, tôi nhận ra mình cần phải… cho cá ăn!

Diễm Thanh

No comments: