Thực tế: Từ Nam Mỹ cho tới Nam Phi, từ Anh tới Mỹ, ở đâu cũng có chúng. Bọ hung không chỉ là một họ côn trùng đa dạng và đa diện, mà chúng còn giúp làm màu mỡ đồng ruộng cho chúng ta, giúp tiêu diệt các loài bọ có hại và các loại ký sinh trùng, thậm chí còn giúp giảm khí thải nhà kính. Không phải tất cả các loài bọ hung đều ăn phân.
Bọ hung là một biểu tượng của Ai Cập cổ đại. Hình ảnh chúng được dùng để trang trí các đền thờ, đồ trang sức và được vẽ trong các văn bản. Chúng là biểu tượng của một vị thần được cho là cuộn Mặt trời lại ở đường chân trời mỗi ngày giống như một đống phân tròn khổng lồ.
Cho đến ngày nay, hình ảnh mà mọi người thường nghĩ đến bọ hung - hình ảnh đã trở nên nổi tiếng trong các bộ phim về thế giới tự nhiên - vẫn là một loại côn trùng tròn trịa màu đen đang lăn những viên phân bốc mùi.
Đa dạng các loài bọ hung
"Tôi nghe thấy điều đó rất nhiều," nhà sinh thái học chuyên nghiên cứu côn trùng Tomas Roslin thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển nói, "rồi sau đó phải tức tốc chỉ ra rằng các loài bọ cư trú trên phân cũng nhiều như các loài chim trên toàn thế giới vậy."
Loài bọ hung thiêng liêng của người Ai Cập cổ đại là một loài có thật, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ trong gia đình bọ hung.
Bọ hung có thể có kích thước to bé khác nhau, có màu sắc sặc sỡ hoặc có sừng để đánh nhau với kẻ thù, sống ở những vùng đồng cỏ lạnh lẽo hoặc rừng rậm nhiệt đới. Trong số hàng ngàn loài bọ hung, chỉ có một phần nhỏ thật sự cuộn phân thành viên và nhiều loài không hề ăn phân.
"Với quá nhiều loài bọ hung có mặt trên khắp thế giới, sự khác biệt trong lịch sử muôn loài là vô tận," Trond Larsen, một nhà sinh thái nhiệt đới và là Giám đốc Chương trình Đánh giá Nhanh của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế cho biết. "Trong số những loài bọ hung, thú vị nhất là những loài đã phát triển những chức năng đặc biệt."
Hầu hết những con bọ hung đều làm việc rất chăm chỉ để xứng với tên gọi. Để tìm phân, một số loài bọ hung có những trận đọ sức hào hùng trên đồng cỏ savan. Những loài khác thì cư trú nơi hậu môn của những con khỉ để khi có phân là chúng có thể nhảy lên bám theo - một ví dụ điển hình của khẩu hiệu "Ai đến trước được phục vụ trước."
Tuy nhiên, theo Larsen, thông thường ta có thể bắt gặp trên 150 loài bọ hung chỉ tại một địa điểm ở những vùng nhiệt đới.
Với mức độ cạnh tranh khốc liệt như thế trong khi số lượng phân có hạn thì không có gì ngạc nhiên khi một số loài bọ hung đã chuyển từ phân sang các loại thức ăn khác.
Bọ hung săn mồi
Những thức ăn này có lẽ nghe không hợp khẩu vị của bất kỳ giống loài nào. Dù đó có là xác thối rữa, trái cây hay nấm mốc hư thối hay động vật không xương sống đã chết thì bọ hung vẫn vui vẻ mà làm người hốt rác trong thế giới tự nhiên để thu gom những chất thải và chất vụn bẩn thỉu.
Có một loài bọ hung còn sống trên lưng những con ốc sên lớn để hút lấy chất nhớt của chúng trong khi còn được 'đi xe đò' miễn phí nữa.
Có lẽ loài bọ hung có chuyên môn thú vị nhất là những con đã chuyển từ ăn phân sang săn mồi.
Những loài bọ hung săn mồi từ lâu đã được đề cập đến trong sách vở khoa học. Một loài ở Brazil được ghi nhận là cắt đầu những con kiến lớn, bỏ đầu lại và cuộn phần thân to béo vào một chiếc hang dưới lòng đất như thể đó là những viên phân.
Tuy nhiên, thú vị hơn hết là một số con bọ hung có vẻ thích nhắm vào các con rết.
Được nghe thông tin về một số loài bọ hung tấn công rết còn sống, Larsen đã quyết định đi tìm sự thật. Sau khi nhận ra một loài bọ hung Peru có tên khoa học là Deltochilum valgum, ông bắt một số con về để quan sát tập tính của chúng. "Tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện chiến thuật tấn công rất chi tiết của những con bọ hung này," ông hào hứng kể. Một lần nữa, cắt đầu đối phương là cách tấn công ưa thích.
Tuy nhiên, do có lịch sử là giống loài ăn phân, những con bọ này không có những chiếc răng nhọn thường thấy ở thú ăn thịt. Thay vào đó, chúng phải sáng tạo ra cách khác.
"Muốn cắt được đầu các con rết thì bọ hung phải có một sự thay đổi hình thái chẳng hạn như hình dáng của chân sau, "răng" thăm dò ở phía trước đầu và cái đầu hẹp để có thể ngoạm vừa từng đoạn thân rết," Larsen giải thích. Về cơ bản, bọ hung từ từ chén từng phần cơ thể con mồi.
Rết rất dễ bắt gặp và chậm chạp, do đó chúng trở thành con mồi lý tưởng cho những con bọ hung mới tập săn mồi. Larsen đoán rằng việc chuyển biến từ ăn xác thối và động vật không xương sống đã chết sang tấn công rết sống không phải là bước nhảy tiến hóa to lớn. Ông dự đoán rằng các loài bọ hung khác cũng sẽ có sự chuyển hướng này.
Clarke Scholtz, một nhà côn trùng học đã nghỉ hưu thuộc Đại học Pretoria ở Nam Phi, biết ít nhiều về bọ hung. Ông nói rằng các con bọ ăn rết cũng có mặt trên khắp vùng Đại Tây Dương và đồng ý rằng sự thay đổi tập quán này thật ra không có gì phức tạp.
"Không ăn phân"
"Bọ hung trưởng thành thật ra không phải là động vật ăn phân theo đúng nghĩa của từ này," Scholtz phân tích. "Chúng ăn những phần nhỏ li ti của biểu mô ruột từ bất cứ thứ gì tạo ra phân, vi khuẩn hay nấm mốc."
Trong khi đó, những con bọ hung ăn xác thối và những con ăn xác động vật không xương sống thì mút những chất lỏng trên xác và bên trong để lọc ra những thành phần dinh dưỡng, hệt như khi chúng ăn phân.
Mặc dù có sự khám phá những loại thức ăn khác, nhiệm vụ chính của loài bọ hung vẫn là làm việc. Cho dù chúng có cuộn phân lại, chôn nó xuống hay sống bên trong, những con bọ hung này biết cách xử lý một đống phân và chúng đã làm như vậy kể từ thời khủng long.
Hơn nữa, mặc dù chúng không lăn Mặt Trời về phía chân trời nhưng bọ hung thực ra đang làm một công việc quan trọng.
Ấu trùng bọ hung nằm trong một viên phân
"Bọ hung là một phần quan trọng của hệ sinh thái," Bryony Sands thuộc Đại học Bristol, Anh quốc, nói. "Theo tôi, chúng cũng có vai trò quan trọng như những con ong nhưng chỉ vì tập tính không lấy gì làm vẻ vang của chúng mà giá trị của bọ hung hoàn toàn không được mọi người biết đến."
Vai trò quan trọng
Phân là điều bình thường trong cuộc sống và nếu không có một hệ thống xử lý chất thải hiệu quả thì thế giới này sẽ nhanh chóng trở thành một đầm lầy đầy những chất thải chưa xử lý. Bọ hung chính là hệ thống đó. "Những con bọ hung xử lý phân bằng cách đào hầm, chôn nó xuống hay rã nó ra," Sands nói. Chúng đẻ trứng trong đó, ấu trùng của chúng ăn phân mà lớn và chu kỳ này cứ thế tiếp diễn.
Scholtz đưa ra một bức tranh tổng thể: "Ở Nam Phi có 15 triệu con gia súc và thải ra 5.500 tấn phân mỗi ngày. Tất cả chúng ta đều ngập trong phân đến đầu gối hoặc đến cổ nếu không có những con bọ hung." Đó là còn chưa nói đến phân voi.
"Toàn bộ quá trình này không chỉ dọn phân trên bề mặt một cách nhanh chóng và hiệu quả mà nó còn đưa tất cả những dưỡng chất quan trọng trở vào đất khiến cho đất đai phì nhiêu và đồng cỏ xanh mướt hơn," Sands giải thích.
"Ở Anh quốc, vốn chỉ có 60 loài bọ hung so với 800 loài của Nam Phi, việc dọn dẹp hệ sinh thái của bọ hung giúp ngành chăn nuôi tiết kiệm được 367 triệu bảng mỗi năm. Bọ hung không chỉ làm tăng độ phì nhiêu của đồng cỏ mà chúng còn giúp phát tán hạt, cải thiện cấu trúc của đất và làm giảm mật độ sâu bệnh cũng như ký sinh trùng vốn có hại với con người và gia súc.
Trong một nghiên cứu hồi năm 2016, Sands chỉ ra rằng bọ hung giảm sự lan truyền của sán trong ruột gia súc.
Nhưng điều không may là các loại thuốc chống sán mà những nông dân cho gia súc của họ ăn bị thải ra ngoài qua đường phân và điều này không tốt cho bọ hung. "Những hóa chất mà nông dân sử dụng để trị sán thật ra lại giết chết bọ hung vốn giúp làm giảm sự lây lan của sán trên đồng cỏ. Về lâu dài, tình hình sán ruột ở gia súc sẽ trở nên trầm trọng hơn."
Thay đổi sinh thái
Thật ra, giá trị to lớn của bọ hung không hề bị bỏ qua. Một số khoa học gia tiên phong đã dùng chúng để thực hiện những thay đổi sinh thái quan trọng.
Ruồi vàng đậu trên đống phân bò
Trường hợp con người can thiệp vào bọ hung có tác dụng lớn nhất xảy ra ở Úc vào những năm 1960 khi nước này gặp thảm họa về phân. Các loài bọ hung bản địa được dùng để xử lý những đống phân khô cứng của những loài thú có túi chứ không phải những bãi phân ướt của gia súc. Điều này đã dẫn đến các trang trại đầy rẫy phân bò và lúc nhúc ruồi.
Trong một hành động táo bạo, Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Thịnh vượng chung (CSIRO) đã đưa ra Dự án Bọ hung Úc.
Trong vòng hai thập kỷ, dự án này đã đưa vào nước Úc 53 loài bọ hung từ khắp nơi trên thế giới. Những loài bọ hung nhập khẩu này đã đẩy lùi làn sóng phân và giúp làm giảm 90% lượng ruồi.
Ngoài ra, nhiều người đã cho rằng sự giảm đáng kể của lượng ruồi này cũng đã giúp cứu cho các quán cà phê ngoài trời của Úc khỏi biến mất.
"Hãy nhớ rằng, bọ hung không phải là những gì mà bạn thấy, chẳng hạn như những con bọ đang vất vả di chuyển những cục phân voi trên đồng cỏ savan châu Phi," Sands nói, "Chúng có mặt ở ngay trước cửa nhà chúng ta và chúng cần được đối xử tốt."
Josh Gabbatiss
BBC Earth
Link tiếng Anh:
No comments:
Post a Comment