Wednesday, October 3, 2018

LÝ DO GÌ TỪ HY THÁI HẬU ĐƯỢC GỌI LÀ "LÃO PHẬT GIA" ?

Chữ ‘gia’ được dùng để gọi nam nhân, ‘lão phật gia’ nên được dùng để gọi hoàng đế, thế nhưng danh xưng này lại được dùng cho Từ Hy thái hậu.


Nhắc đến Từ Hy, nhiều người thắc mắc tuy bà là hoàng thái hậu của nhà Thanh, nhưng vốn dĩ xuất thân là thường dân sao lại được người trên kẻ dưới tôn sùng là “lão phật gia”. Các nhà sử học gần đây đã đưa ra bốn cách giải thích nguyên do có tên gọi này.
Đóng giả phật
Trong “Đại quan dã sử triều Thanh” có ghi lại, Từ Hy trong lúc nhàn rỗi đã hóa trang thành quan âm, bên cạnh có Lý Liên Anh đóng Thiện Tài, Lý Tỉ giả Long nữ, rồi dùng máy ảnh phương Tây để chụp một bức ảnh lớn treo ở tẩm cung. Người trong cung từ đó gọi bà là “lão phật gia”.
Nịnh thần tung hô
Tên gọi “lão phật gia” xuất hiện đầu tiên do Lý Liên Anh tung hô chủ nhân. Từ Hy thái hậu vô cùng thành kính trước phật tổ, tụng kinh niệm phật rất chuyên tâm, cho dù nhà vua ngự giá cũng không thể làm gián đoạn buổi đọc kinh của bà.
Có một năm Bắc Kinh hạn hán, mùa màng vùng Hoa Bắc chịu nhiều tổn hại. Theo như phong tục tập quán ngày ấy, thái hậu sẽ cùng các quan lại triều đình thành tâm hướng đến Phật tổ Như Lai cầu mưa mỗi ngày, cầu đến khi nào có mưa mới ngừng. Lần đó chỉ cần cầu xin ba ngày là trời đổ mưa, Lý Liên Anh quá phấn khích, nhân cơ hội đó lấy lòng Từ Hy, nói rằng thái hậu quả thật lợi hại, cũng giống như một vị phật gia dưới hạ giới vậy.
Lời tâng bốc này khiến Từ Hy rất vui, thế là từ đó về sau Từ Hy trở thành “lão phật gia” của Lý Liên Anh, mỗi lời nói ra đều không quên nhắc đến tên gọi này.



Không lâu sau đó, danh “lão phật gia” lan truyền trong ngoài cung một cách nhanh chóng, không những toàn kinh thành mà cả nước đều biết tới tên gọi “lão phật gia”.
Lan truyền rộng rãi
Nhà văn nổi tiếng họ Vương sáng lập ra “Thần Châu nhật báo” có nói trong “Thuật am mật sử” rằng, ở trong cung gọi tên “lão phật gia”, người Mông Cổ cũng dùng tên gọi đó để gọi Từ Hy thái hậu.
Tự tăng uy thế
Nhà văn cận đại nổi tiếng Thái Đông Phiên có nói trong “Từ Hy thái hậu diễn nghĩa”, vào dịp mừng thọ 60 tuổi của Từ Hy bà đã cho người gọi mình với tên “lão phật gia” hoặc gọi “lão tổ tông” để gia tăng vị thế của mình.
Hoàng đế trong các triều đại lịch sử vẫn thường có miếu hiệu, thụy hiệu, tôn hiệu. Hoàng đế của một số triều đại còn có danh xưng đặc biệt khác như vua triều Tống tự xưng “quan gia”, vua triều Minh xưng là “lão gia”. Do vương triều nhà Thanh được người tộc Nữ Chân lập nên, vị thủ lĩnh đầu tiên của tộc Nữ Chân tự xưng là “Mãn trụ”, mà “Mãn trụ” lại là chuyển âm của phật gia “án chu”, mang nghĩa phật gia “cát tường”. Sau khi lập nên nhà Thanh, triều đình đã dịch “Mãn trụ” trong tiếng Mãn thành “phật gia”, và trở thành một trong những danh xưng của triều Thanh.
Dụng ý của Từ Hy thái hậu khi cho người gọi mình là “lão phật gia” chính là để bản thân ngang hàng với các vị hoàng đế, nắm quyền lực tối cao, thỏa mãn tham vọng “dưới một người mà trên vạn người” của bà từ ngày trẻ.
My Nguyễn 
lady.fengone
(theo Phụ Nữ Việt Nam)



Có một bài khác được anh Huỳnh Chương Hưng dịch từ sách TQ:

TẠI SAO LÍ LIÊN ANH XƯNG TỪ HI THÁI HẬU
LÀ “LÃO PHẬT GIA” 

.
Cuối đời Thanh, Từ Hi Thái hậu 慈禧太后 từng trường kì chủ tể chính đàn Trung Quốc, được xưng là “Lão Phật Gia” 老佛爷.Người ta cho rằng, cách xưng hô này được bắt đầu gọi sớm nhất là do Lí Liên Anh 李莲英. Nhưng “Lão Phật Gia” có đúng là chuyên xưng chỉ Từ Hi Thái Hậu không?
Theo truyền thuyết, từ “Lão Phật Gia” lúc ban đầu do Lí Liên Anh xu nịnh mà có. Những năm đầu thời Quang Tự 光绪, Từ Hi Thái Hậu vừa mới 40 tuổi, do bởi các lão thần trong triều phản đối việc bà muốn buông rèm thính chính, cho nên trong lòng u uất không vui. Lí Liên Anh nhìn thấy tâm tư của Từ Hi, thế là sai người đắp một tượng Phật tại chùa Vạn Thọ 万寿, rồi nói với Từ Hi:
- Nghe nói Đại Hùng bảo điện ở chùa Vạn Thọ thường có hai tượng Phật toả hào quang. Đây là điềm đại cát đại lợi, nô tài muốn thỉnh Thái Hậu giá lâm xem qua.


Lúc bấy giờ chính phủ triều Thanh hủ bại vô năng, khắp nơi bị liệt cường đế quốc chủ nghĩa áp bức. Từ Hi nghe nói Đại Phật hiển Thánh, trong lòng vui mừng, liền khởi giá xuất cung, cùng Lí Liên Anh trực chỉ Đại Hùng bảo điện. Đến nơi, nhìn thấy vẫn là Phật Tam Thế vốn có, Từ Hi liền mắng Lí Liên Anh:
- Rõ ràng là Phật Tam Thế vốn có, ở đâu mà hai tượng Phật toả hào quang?
Lí Liên Anh chậm rãi thỉnh Từ Hi đến phía sau Phật Tam Thế, quả nhiên thấy giữa điện có một pho tượng Quan Âm mặt mày phúc hậu. Phương trượng trụ trì chùa này cùng văn võ đại thần theo sau Từ Hi. Lúc bấy giờ Lí Liên Anh hô lên:
- Lão Phật Gia đến.
Mọi người lập tức quỳ xuống hô to:
- Cung nghinh Lão Phật Gia!
Và như thế Từ Hi trở thành “Lão Phật Gia”. Cũng có người nói, cách xưng hô này bắt đầu sau khi Từ Hi đại thọ 50 tuổi, do bởi đương thời một viên quan bộ Lễ đề xuất trước tiên để chúc mừng bà trong lễ mừng thọ. Lí do là Từ Hi đã có cống hiến to lớn cho “Đại Thanh trung hưng”, có “công lớn cho hoàng triều”, lại có “uy thanh vang đến thái tây”, nhân đó, “đáng gọi là nhân chủ đương thế”. Về sau, vị quan thị lang tứ phẩm này đã được thăng lên nhị phẩm làm Sơn Đông học chính.



Nhưng “Lão Phật Gia” không phải chuyên dành riêng cho Từ Hi, các hoàng đế triều Thanh đều có thể được gọi là “Lão Phật Gia”, nhưng trong số hoàng hậu, thái hậu hoặc thái hoàng thái hậu, chỉ có một mình Từ Hi được xưng “Lão Phật Gia”. Cách xưng hô “Lão Phật Gia” của triều Thanh là từ tộc Nữ Chân – tổ tiên của tộc Mãn mà ra. Thủ lĩnh Nữ Chân lúc ban đầu xưng là “Mãn Trụ” 满柱, “Mãn Trụ” là chuyển âm từ Phật hiệu “Mạn Thù” 曼殊, ý nghĩa là “Phật Gia” 佛爷, “cát tường” 吉祥. Quân Thanh sau khi tiến vào trung nguyên, đem “Mãn Trụ” dịch sang tiếng Hán là “Phật Gia”, đồng thời lấy đó làm đặc xưng chỉ hoàng đế.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: