“Sài Gòn, ChợLớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn”…
Dù khắt khe thế nào thì Bùi Giáng vẫn là một thành tố thú vị của Sài Gòn. Cái điên và cái tỉnh, cái phiêu hốt và giác ngộ của ông đủ làm cho thành phố bề bộn này thêm phần hương sắc, thêm phần… “thập diện mai phục”.
Cũng như trong lịch sử thơ Việt Nam, việc thiếu vắng Bùi Giáng thì nền thơ ấy vẫn vậy, vì ông chẳng giữ một móc xích gì quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa thi ca ‒ ông chỉ làm kẻ đứng bên lề, là ngoại hạng. Thế nhưng, khi ông đã xuất hiện rồi thì không ai thay thế được nữa, ông làm cho thi ca thêm lung linh, phiêu bồng, dễ gần và cực kỳ đáng yêu.
Với Sài Gòn đông đúc này cũng vậy, chẳng có ông thì nó vẫn chật cứng, vẫn xô bồ và dửng dưng mà sống. Nhưng khi ông xuất hiện, múa gậy, rong ruổi ở vài vỉa hè, tự nhiên nó làm cho phố thị có phần chầm chậm, đáng để ý chút xíu. Bùi Giáng dân Quảng Nam, vào Sài Gòn từ rất sớm, ông gắn đời mình với nhiều cung bậc, từ thiền viện, đại học, kinh sách, xuất bản… cho tới giun dế, chai bao, say rượu, cỏ rác ở vỉa hè.
Chỉ cần hai câu thơ này thôi: “Sài Gòn, ChợLớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn”… thì đủ biết Bùi Giáng yêu và hiểu Sài Gòn cỡ nào.
Bởi không hiểu và không yêu Sài Gòn đến mức thân thuộc thì không thể chỉ ra được hai chữ “rong chơi” và “du côn” ấy ‒ nó như là thuộc tính của Sài Gòn.
Bởi từ xa xưa, Sài Gòn đã là đất của “dân đi đày và dân tứ chiếng”, đất của dân nhập cư ‒ những người vốn không chịu nổi cái gò bó của khung cảnh, lề luật và phong tục cũ nên mới đi tìm vùng đất mới, với hi vọng đó là nơi khoáng đạt và dễ thở hơn.
Người Sài Gòn ít cố chấp và ít câu nệ vào những thứ được xem là “niêm luật”, một phần vì phong thổ thoáng mát, gần sông, tầm nhìn của mắt khá xa; một phần vì xuất thân ‒ họ đã vượt qua gian khổ để đến đây, cau có, quạu quọ thêm để làm gì. Chính vậy, vì cái chất “du côn” theo nghĩa rộng và đẹp của từ này, nên Sài Gòn cũng dễ sống nhất Việt Nam.
Vì hoàn cảnh lịch sử nên mãi sau này, khoảng 15 năm gần đây thì miền Bắc mới biết đến Bùi Giáng nhiều hơn. Chứ từ Huế trở vào, trong hơn 50 năm qua, gần như trong giới văn nghệ, ai cũng biết đến cuộc đời kì dị, thơ dồi dào và giai thoại phong phú… gắn với Bùi Giáng. Thậm chí với người bình dân ở Sài Gòn, họ đồng nghĩa hình ảnh nhà thơ với hình ảnh và cái chất điên điên của Bùi Giáng. Có thể nói Bùi Giáng là nhà thơ bình dân ‒ theo nghĩa sống gần gũi, dân dã ‒ nhất của Việt Nam.
Trước tác của ông để lại khoảng 60 đầu sách và hàng vài chục tập di cảo, tất cả đang lần lượt xuất bản và tái bản. Thậm chí một tuyển tập như Đười ươi chân kinh vừa xuất bản tại Hà Nội đã trở thành hiện tượng “thơ bán chạy” của cả nước, trong bối cảnh mà thơ chỉ in ra để biếu trọn.
Giai thoại kể rằng: Đầu thập niên 70 ông được đưa vào nhà thương Biên Hòa chữa bệnh “đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy”. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh, bạn bè hỏi một câu thường tình: “Nhà thương điên Biên Hòa trị cái tầu hỏa hay hỉ!”, ông trả lời tỉnh queo: “Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp: trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động… thôi điên”.
Với Bùi Giáng, thơ hoàn toàn đi vào đời và đời hoàn toàn đi vào thơ, nên Sài Gòn với ông là một bài thơ dài và rộng, chẳng hơn chẳng kém. Và chính cuộc đời ngao du và “du côn” (ông tự nhận) cũng tô vẽ cho Sài Gòn thêm phần lãng đãng ‒ một cái chất bề sâu, mà phải ở thật lâu, nhìn thật kĩ, lắng nghe thật nhiều thì mới nhận ra được.
Ông nhiều lần làm thơ để tán tỉnh nghệ sĩ Kim Cương, ca sĩ Hà Thanh hay Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, Phùng Khánh… là chuyện thường tình, ông còn làm thơ để ghi sổ nợ; làm để “chửi lộn” với xích lô, giang hồ, gái điếm, tu sĩ, cảnh sát giao thông… Có lần ông bị chủ xe hủ tíu đánh chảy máu đầu, một anh xích lô biết ông là “học giả ‒ thi sĩ” nên chở đi bệnh viện khâu vá, sau đó mới quay lại “dạy cho” tay hủ tíu gõ một bài học để biết trên biết dưới. Từ đó về sau, cứ thấy Bùi Giáng đi qua thì anh hủ tíu lại mời một tô, có buổi khuya còn làm vài cục xí quách với hai xị rượu.
Vì vô chấp và vô cố mà Bùi Giáng dễ dàng được hòa vào dòng người của Sài Gòn và dễ được người Sài Sòn (từ bình dân cho tới giới trí thức, nghệ sĩ, giới tu hành, đạo hạnh…) mến mộ, xem như “thân hữu” của mình. Bùi Giáng tinh thông vài ngoại ngữ, am hiểu vài lĩnh vực tư tưởng, thi ca, triết lý… nhưng không hề cao ngạo, ông biết mình biết người và luôn đủ sự bao dung, từ tốn ‒ những tính cách đặc trưng của người Sài Gòn.
Trong sách Đi vào cõi thơ (1969), Bùi Giáng tự bình về thơ của mình như sau thì đủ thấy ông là ai:
“Những bài thơ ‘chuồn chuồn châu chấu’ của ông quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹvi vu, quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiều mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu xuân, quả thật là tha thướt. Đôi phen mất cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ởchốn phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn. […] Tuy nhiên vì Bùi Giáng là chỗ quen biết với tôi nên không tiện bàn luận chi nhiều. Chê thì mất lòng nhau. Mà khen thì mang tiếng ‘mẹhát, con vỗ tay”.
“Ra đi ngủ bụi nằm đường
Đường truông xuôi ngược đường trường ngược xuôi
Ra đi tỉnh giấc bùi ngùi
Ra về bắt gặp con người thanh niên
Ra đời quờ quạng lên yên
Oe oe tiếng giục người tiên cho người
Lên trời động vỡ miệng cười
Nụ hàm tiếu, thánh nữ lười biếng ghi”.
Nhưng khi hỏi ông có phải người Sài Gòn không? Ông thường chỉ cười, và câu trả lời của ông là thế này: “Hỏi rằng người ở quê đâu?/ Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”. Bởi với ông: “Đi là đi ở đi đi/ Đi là đi biệt từ khi đi về”.
Theo HIỀN HOÀ/DANSAIGON.COM
No comments:
Post a Comment