Saturday, January 12, 2019

BA QUE XỎ LÁ

Bạn có biết thằng ba que xỏ lá là ai không ? Không biết... thằng phải gió, thằng mắc dịch này à ? Nếu vậy thì mời bạn cùng đi... đào mả, bới gia phả nhà nó, xem nó là con cái nhà ai mà đốn mạt thế !


Ngược dòng thời gian, chúng ta tìm được dấu vết xa xưa của ba que trong bài Phú tổ tôm của Trần Văn Nghĩa, một người sống dưới thời Minh Mạng (1820-1840). Tác giả kể tên nhiều trò cờ bạc, trong đó có ba que :

"Lạt nước ốc trò chơi vô vị : tam cúc, đố mười, đấu lình, bẩy kiệu, thấy đâu là vẻ thanh tao;
Ngang càng cua lối ở bất bình : xa quay, chẵn lẻ, dồi mỏ, ba que, hết thẩy những tuồng thô suất."

(Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Phú Việt Nam cổ và kim, Văn Hóa, 1960, tr. 215).

Thời Tự Đức, Trần Tấn (tức Cố Bang) nổi lên chống Pháp. Ông bị ốm và chết năm 1874. Có người làm bài Vè Cố Bang đánh Tây : 

(...)
Lính Tây, triều mang súng,
Kèn thổi " toét tò loe ",
Dưới cơn (cây) cờ ba que,
Quan Hồ Oai cưỡi ngựa
(...)
(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ 19, Văn Học, 1970, tr. 406).

Ít lâu sau xỏ lá mới xuất hiện. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) đưa ra một trò chơi :

- Xỏ lá là cuộc chơi gian lận, cuộc gạt gẫm. Một người lấy giấy, lá dài xấp lại cùng vấn tròn, đố người khác lấy chiếc đũa cắm vào giữa khoanh tròn, như chiếc đũa không mắc trong cuốn giấy thì phải thua tiền (nếu mắc thì ăn tiền). Quân xỏ lá là quân điếm đàng, lận mạt.

Xỏ lá gian lận, gạt gẫm ở chỗ nào ? Trò chơi như vậy mà đã bị xem là điếm đàng, lận mạt rồi à ? Chết ! Chết ! Nếu vậy thì Đầu hồ của vua quan là... điếm đàng hạng sang hay sao ?

Tự điển Génibrel (1898) gọi thằng xỏ lá là thằng mưu mẹo, lừa dối.


Tương truyền năm 1906, Nguyễn Khuyến bị loà mắt, bị Chu Mạnh Trinh chơi xỏ, tặng cho một chậu hoa trà, thứ hoa có sắc nhưng không có hương. Nguyễn Khuyến " Tạ lại người cho hoa trà " bằng bài thơ " Sơn trà " trong đó có câu : 

Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp
Tiêu sắt thần phong oán lạc dà

(Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá
Gió to luống sợ lúc rơi dà)

Hai câu thơ ý nói : Những trận gió to làm cho đài hoa rụng, ai cũng có thể biết được ; còn những hạt mưa nhỏ làm cho lá thủng, ít ai có thể trông thấy được, nên lại nguy hiểm hơn. (Thơ văn Nguyễn Khuyến, Văn Học, 1971, tr. 138 và 408).

Sở Khanh, Bạc Hạnh bị Tản Đà vạch mặt: 

Bộ xỏ lá trông đà lộn ruột,
Sức thơ đào nghĩ lại non gan.


Năm 1914, Phan Kế Bính biên soạn Việt Nam phong tục. Trong chương bàn về tính tình người Việt, ông chia đàn bà và đàn ông nước ta thành các hạng người: hiền phụ, lệnh phụ, xuẩn phụ và quân tử, thường nhân, tiểu nhân. Tiểu nhân là bọn tính tình gian giảo, phản trắc, (...), ăn trộm ăn cướp, xỏ lá ba que, đàng điếm, hoang toàng v.v.

Phan Kế Bính khai sinh thành ngữ Xỏ lá ba que, mở đường cho văn học sau này.

"Trời đất ôi ! Ngờ đâu con người thế, mà xỏ lá ba que !..." (Phạm Duy Tốn, Con người Sở Khanh, Nam Phong, 1919).

***
Ngày nay, thành ngữ "Xỏ lá ba que" hay "Ba que xỏ lá" thường được dùng để chỉ chung bọn vô lại chuyên đi lừa người khác để kiếm lời (Nguyễn Lân), bọn xảo trá, đểu giả (Hoàng Phê), tụi gian lận (tricheurs), bất lương (malhonnêtes) (Gustave Hue), v.v....

Nguyễn Lân đi xa hơn, giải thích chi tiết :

- Ba que xỏ lá là một trò chơi ăn tiền trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Nhưng kẻ chủ trò vẫn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng ba que xỏ lá, hoặc thằng ba que, hoặc thằng xỏ lá. (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989).

Tuy nhiên, trò chơi của Nguyễn Lân không đơn giản, không phải ai cũng hiểu được cách chơi. Nhà cái nắm trong tay một cái que xỏ vào lá, và hai cái que không. Nhà cái chìa 3 đầu que ra cho người chơi rút. Nếu chỉ có vậy thì mưu mẹo bằng cách nào ? Nhà cái có tài thánh cũng không thể vừa nắm tay vừa tráo được cái que xỏ lá trước mặt người chơi. Thế mà người chơi bao giờ cũng thua thì... ma quái thật !

Không biết Phan Kế Bính, tác giả của Xỏ lá ba que, có biết trò chơi này không ?

Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) định nghĩa:

- Ba que là một cuộc đánh tiền bằng ba cái que của bọn keo hèn bày ra đánh ở đường ở chợ. Nghĩa bóng chỉ những người dối dá điên đảo.

- Xỏ lá là trò làm ra để lừa người ta mà kiếm tiền. Thường nói tắt là " xỏ " để trỏ người gian giảo lừa gạt, bợm bãi.

Ba que và Xỏ lá dối dá, lừa gạt bằng cách nào ? Không biết.

Gốc gác hai thằng ba que và xỏ lá sao mà mù mờ thế. Hôm nay được ngày trời tạnh mây quang, mời bạn đi tìm cho ra hai thằng này.


Ba que

Génibrel(1898), Gustave Hue (1937) nói trống không đánh ba que hay ba ngoe là jeu de baguettes (trò chơi bằng que).

Trò chơi bằng que của ta thì có đánh khăng và đánh chuyền của trẻ con. Cả hai trò chơi đều không phải là" ba que ".

Người lớn có trò chơi dùng ba cái que. Đó là trò Chạy que của hội làng. Người ta dùng ba chiếc que xếp thành hình chữ H. Người tham dự trò chơi cầm hai chiếc que đặt song song của chữ H, cùng chạy đến đích. Ai đến trước mà chiếc que nằm ngang không rơi là thắng cuộc.

Chạy que vui nhộn. Người chơi phải nhanh chân, khéo tay. Người giật giải hoàn toàn không gạt gẫm, lừa dối gì ai. Giở trò " ba que " ở sân đình thì trời đánh thánh vật cho chết không kịp ngáp. Chạy que chắc chắn không dính dáng gì với Ba que.

Pierre Huard, Maurice Durand (Connaissance du Vietnam, EFEO, 1954, tr. 248) cho biết Ba que giống Courte paille (que ngắn) của Pháp.

Courte paille là trò chơi rút thăm. Lấy một bó que có số que bằng số người chơi. Bẻ một que cho ngắn hơn các que khác. Người chủ trò trộn lẫn các que, nắm một đầu bó que, chìa đầu kia ra cho mọi người rút thăm. Ai rút trúng cái que ngắn là thắng cuộc.

Số que của Courte paille tuỳ thuộc vào số người chơi, không bắt buộc phải là " ba que ". Dù sao thì Courte paille cũng không gian lận, không mang nghĩa xấu.

Ba quan

Năm 1884, bác sĩ Hocquard than phiền về đám bồi người Việt :

Ces boys au service des Européens sont, pour la plupart, de petits vauriens sur qui il faut avoir en tout temps l'oeil ouvert. Ils ne couchent pas à la maison, mais en ville, et leur plus grande occupation, une fois leur service fini, est de jouer aux cartes ou au bacouën.

(Hầu hết đám bồi của người Âu là bọn chẳng ra gì, cần phải cảnh giác, đề phòng chúng. Bọn chúng không ngủ ở nhà, chỉ ngủ ngoài đường. Mối bận tâm lớn nhất của chúng là chờ hết công việc để rủ nhau chơi bài, hay chơi ba quen).

Philippe Papin ghi chú rằng bacouën là ba quan (trois ligatures, ba quan tiền). (Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 55)

Ba quan (Ba quan tiền) chơi như sau :

- Ce jeu populaire consiste à renverser sur une natte, où sont tracées trois cases numérotées sur lesquelles les joueurs ont misé, un bol plein de haricots que l'on compte ensuite quatre par quatre à l'aide d'une baguette ; si, à la fin du décompte, il n'en reste plus un seul, le croupier gagne ; s'il en reste un, deux ou trois, c'est le nombre de haricots restant qui indique la case gagnante (qui rapporte trois fois la mise) (Pierre Huard, Maurice Durand, sđd).

(Ba quan là trò cờ bạc bình dân. Chiếu bạc có ba ô để các con bạc đặt tiền. Nhà cái đổ một bát đầy đậu xuống chiếu, rồi dùng một chiếc đũa đếm từng bốn hạt đậu một. Cuối cùng, nếu không còn hạt nào, thì nhà cái được. Nếu còn lại một, hai hay ba hạt thì ô số một, số hai hay số ba được. Tiền được gấp ba lần tiền đặt).

Giải thích như vậy chưa thoả đáng. Bởi vì :

1) Trò chơi không bắt buộc phải đặt một quan tiền để được ăn thành ba quan.

2) Một quan tiền ngày xưa to lắm (Một quan là sáu trăm đồng, Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi...). Mấy đứa nhỏ làm bồi cho Tây (năm 1884-1886) chắc chắn trong túi không có sẵn một (hay nhiều) quan tiền để đi đánh bạc.

3) Nhà cái đổ bát đậu xuống chiếu, rồi đếm. Như vậy thì kết quả các lần chơi sẽ giống nhau sao? Vô lí. Đúng ra thì nhà cái có một bát đậu để bên cạnh, mỗi lần chơi thì bốc ra một nắm để đếm.

Báo L'Illustration (1884) có một bài phóng sự ngắn về một sòng bạc bakouan (ba quan) tại Bắc kì. Emile Nolly gọi trò cờ bạc của đám lính tập là bacouan (ba quan) (Hiên le maboul, Calmann-Lévy, 1925).

Bộ bưu ảnh của Dieulefils (khoảng đầu thế kỉ 20) có tấm " Trẻ con chơi bakouan " (Do-Lam Chi Lan, Chants et jeux traditionnels de l'enfance au Viêt Nam, L'Harmattan, 2002, tr. 305). Tấm ảnh cho thấy ba quan chơi bằng mấy đồng tiền, gần giống như xóc đĩa. Trò chơi không có đậu, không dùng que để đếm. Ba quan của Dieulefils khác ba quan của Huard, Durand và Papin.

Ba quan không phải là ba quan tiền (trois ligatures). Nếu trò chơi có 3 cửa để đặt tiền thì Ba quan nên được hiểu là 3 cửa (quan nghĩa là cửa) chăng ?

Ba quan là trò cờ bạc may rủi. Nhà cái không cần gian lận, cuối cùng vẫn được vì cách chơi có lợi cho nhà cái. Ba quan không phải là ba que. Tuy nhiên :

" Chưa bao giờ ở nước ta, chế độ học tập và khảo thí lại đẻ ra nhiều bọn người vô tài vô hạnh đến thế. Đã dốt nát, chúng lại hay khoe chữ, đề thơ bừa bãi trên tường các đền chùa và Phạm Thái rất khinh ghét chúng ". Lại Ngọc Cang gọi bọn này là bọn sinh đồ ba quan (Lại Ngọc Cang, Sơ kính tân trang, Văn Hoá, 1960, tr. 37).

Ba quan là vô tài vô hạnh, dốt nát, khoe khoang. Ba quan có nghĩa xấu. Tiếc rằng các từ điển của ta không có từ này.

Bakouan của Dieulefils, hay ba quan của Huard, Durand khá cồng kềnh, lích kích (bát, đĩa, đũa, đậu). Mấy bác lính tập của Nolly không thể mang theo trong mình được. Trò cờ bạc bacouan của các bác có thể là trò ba quân.


Ba quân

Người Pháp đưa bộ bài tây (bài ít xì) vào nước ta. Một số trò cờ bạc mới bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt là trò Ba quân, có nơi gọi là Ba lá.

Ba lá là một cuộc đánh tiền, lấy ba quân bài tây đảo đi đảo lại, ai đặt tiền vào trúng quân ông lão thì được. Nghĩa bóng chỉ những đứa hèn hạ ( Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức). Ba quân hay Ba lá là Bonneteau của Pháp.

Ba quân hoàn toàn nhờ vào tài tráo bài của nhà cái và tài lừa phỉnh của cò mồi. Ai đã sống tại Sài gòn vào những năm 60 của thế kỉ trước chắc còn nhớ lề đường Lê Lợi, thứ bảy, chủ nhật nhan nhản tụi tráo bài. Ngô Tất Tố cho biết vào khoảng 1930 tại phố Hàng Ngang ngoài Hà Nội có cả đàn bà ngồi tráo bài. Ba quân là cờ gian bạc lận của bọn đầu đường xó chợ. Ba quân hội đủ những tính xấu như gian lận, xảo trá, bất lương, đi lừa người khác để kiếm lời. Nghĩa là... ba quân là ba que.

Người xưa tránh không chửi thằng ba quân vì ba quân là quân đội của triều đình (Tam quân : Trung quân, Tả quân và Hữu quân). Ba quân được nói trại thành ba que. Tương tự như tụ tam nói trại thành tổ tôm, tam kết thành tam cúc...

Nói tóm lại, thằng Ba que có gốc gác là trò cờ bạc Ba quân (bonneteau) của Pháp.

Lá cờ tam tài (ba màu xanh, trắng, đỏ) của Pháp bị gọi là cờ ba que. Cờ của bọn gian lận, tráo trở. Dùng trò cờ bạc của Pháp để chửi Pháp. Chơi chữ khá tế nhị.

(Bacouën của Hocquard có phải là Ba quân không?).

Xỏ lá

Nguyễn Khuyến muốn " Tạ lại người cho hoa trà " bằng câu chửi phường xỏ lá. Có lẽ vì vậy mà trong bài " Sơn trà " ông phải gò ép cho những hạt mưa nhỏ xuyên diệp. Mưa nhỏ làm sao đâm thủng (xuyên) được lá cây (diệp) ? Xét về nghĩa thì xuyên diệp không xấu xa, đểu cáng như phường xỏ lá của tiếng Việt. Hai bài thơ của Nguyễn Khuyến không giúp chúng ta tìm hiểu được thằng xỏ lá.

Vào khoảng năm 1945, Huỳnh Thúc Kháng viết về Cuộc khởi nghĩa Duy Tân (1916), có đoạn :

- Thế mà trừ một số ít - rất ít - đã hấp thụ học thuyết mới, xem cái ngôi " bù nhìn " đó không có giá trị gì (...).


Thường xuyên xưa nay mối lợi khiến cho người ta mờ trí khôn (lợi linh trí hôn), bọn thực dân Pháp mà các tay chính trị " xỏ lá " tự phụ là cao xảo cũng không khỏi vấp phải chỗ lầm to, ấy là tấn kịch " Đày vua cha Thành Thái mà lập con là vua Duy Tân lên thay "(...). (Vương Đình Quang, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Văn Học, 1965, tr. 173).

Huỳnh Thúc Kháng dùng kí hiệu " nháy nháy " để nhấn mạnh hai từ bù nhìn và xỏ lá. Bù nhìn là tiếng Pháp épouvantail được Việt hoá. Do đó, có thể suy đoán rằng xỏ lá có nhiều khả năng là tiếng Pháp được Việt hoá.

Từ điển Robert và Larousse của Pháp gọi tụi đáng khinh (méprisable), đáng ghê tởm (répugnant) ; bất chính (déloyal), bọn bất lương, gian dối (malhonnête) là salaud (xa lô). Thằng xỏ lá của ta có đủ mọi tính xấu của thằng salaud của Pháp.

Xỏ lá vừa có nghĩa vừa có âm của salaud. Rốt cuộc, thằng salaud sang thuộc địa kiếm chác, bị Việt hoá thành thằng xỏ lá.

Thời trước, mấy ông lính tẩy, mấy bà me tây, nói tiếng tây... như gió. Thỉnh thoảng lại đem ra khoe " mẹc (merde), xà lù (salaud), cô xoong (cochon) ". Xà lù là em ruột xỏ lá.

Hoá ra Ba que xỏ lá là hai thằng..." người Việt, gốc Pháp ".

Nguyễn Dư 
(Lyon, 2/2008)