Có câu nói rằng: “Bách niên giai lão thực ra chẳng liên quan gì đến tình yêu, chỉ đơn giản là nhẫn nại… Thế nhưng, nhẫn nại cũng chính là một loại tình yêu. Vì thế, người thực sự yêu bạn, thực chất chính là người luôn tỏ ra nhẫn nại với bạn”.
Ông nội tôi sinh thời rất thích ăn bánh bao, ông có thể ăn bánh bao liền tù tì một tháng mà không chán. Mỗi lần ông hỏi bà nội tôi:
– Hôm nay ăn bánh bao có được không bà?
Là bà tôi lại tủm tỉm cười, đáp:
– Được. Hôm nay ông thích ăn bánh bao nhân thịt hay bánh bao chay?
Và ông nội tôi sẽ vui vẻ trả lời:
– Bánh bao nhân gì tôi cũng thích, tuỳ bà lựa chọn đấy!
Tôi biết bà nội không đặc biệt thích bánh bao, nhưng sống cùng ông bao năm, bánh bao đã trở thành món ăn quen thuộc của bà. Bà học cách làm nhiều loại nhân bánh khác nhau, lại nặn cỡ to nhỏ khác nhau, khi thì hấp, khi thì rán, nên bánh bao bà làm ông ăn hoài không chán.
Tôi biết bà nội không đặc biệt thích bánh bao, nhưng sống cùng ông bao năm, bánh bao đã trở thành món ăn quen thuộc của bà. (Ảnh minh họa: savourydays.com)
Bố tôi lớn lên trong “tình yêu bánh bao” của ông bà, nên từ nhỏ đã thích ăn bánh bao. Đến khi kết hôn với mẹ, bố cũng nhiều lần hỏi mẹ:
– Hôm nay ăn bánh bao em nhé?
Ban đầu, mẹ tôi cũng vui vẻ chiều ý bố tôi, cặm cụi làm bánh rồi cả nhà cùng ăn. Lâu dần, thấy bố đòi ăn bánh bao hoài, mẹ ra ngoài ngõ mua cho bố bánh người ta làm sẵn, còn mẹ thì nấu cơm ăn bình thường.
Một ngày, bố tôi lại hỏi:
– Hôm nay ăn bánh bao em nhé?
Mẹ tôi không nhịn được nữa, đáp:
– Bánh bao, lại bánh bao! Bộ anh không còn món nào khác nữa hay sao?!
Bố tôi đột nhiên bị mẹ phản ứng thì cũng “ăn miếng, trả miếng”:
– Bánh bao ngon nên anh muốn ăn chứ sao? Nếu không thì em thích ăn món gì?
Mẹ tôi thở dài cái sượt, giận dỗi đáp:
– Sống với nhau bao nhiêu năm rồi mà vợ thích ăn cái gì cũng chẳng biết, chồng tốt đến thế là cùng!
Thế là, mẹ bỏ đi, bố thì ở đó làu bàu cái gì tôi nghe không rõ nữa.
Bố tôi không biết rằng, mẹ vốn rất thích ăn cơm trắng với canh chua. Nhất là mùa hè, đi ngoài đường về mướt mát mồ hôi, được ăn bát canh chua là mẹ mát ruột lắm. Mẹ đã nhường nhịn bố nhiều lần, mà bố chưa hiểu tâm ý mẹ, cuối cùng thì mẹ cũng không nhẫn nại được nữa.
Tôi hỏi ông nội:
– Ông ơi, ông thích ăn bánh bao lắm phải không ạ?
Ông cười xoà, xoa xoa đầu tôi rồi đáp:
– Ông thích ăn bánh bao lắm, nhưng lần nào ông cũng hỏi ý kiến bà trước; nếu bà nói hôm nay bà muốn làm món khác, ông sẽ vui vẻ thuận theo, vì ông biết bà đã vì ông làm bánh bao nhiều lần rồi!
Tôi chợt vỡ lẽ: Thì ra ông làm gì trước tiên đều thương lượng với bà, trong tâm ưu ái và sẵn lòng thuận theo bà; thế nên đổi lại, bà cũng thường vui vẻ chiều ý ông, nhẫn nại cả cuộc đời.
Còn bố tôi, vì thích ăn bánh bao nên thường đưa ra yêu cầu với mẹ mà không hỏi han xem mẹ tôi hôm ấy muốn ăn gì. Mẹ tôi là người hiền lành, nhẫn nại, nhưng trong cuộc sống có đôi khi tâm trạng không tốt, lại cảm thấy bị áp đặt, phớt lờ như vậy, nên cuối cùng không nhẫn nại được với bố tôi!
Nhẫn nại cũng chính là một loại tình yêu. (Ảnh: ivsky.com)
Có câu nói rằng: “Bách niên giai lão thực ra chẳng liên quan gì đến tình yêu, chỉ đơn giản là nhẫn nại… Thế nhưng, nhẫn nại cũng chính là một loại tình yêu. Vì thế, người thực sự yêu bạn, thực chất chính là người luôn tỏ ra nhẫn nại với bạn”.
Nhưng theo tôi, cần thêm một vế: Chúng ta không thể đòi hỏi sự nhẫn nại của người bạn đời, khi bản thân chúng ta chưa nhẫn nại được sở thích riêng của bản thân mình. Là vợ chồng, điều gì cũng nên bàn bạc thương lượng một chút, thấu hiểu lẫn nhau, tin tưởng và tôn trọng đối phương.
Chỉ là chuyện ăn bánh bao, mà dạy cho tôi cái đạo vợ chồng, đạo làm người. Hôn nhân thực ra không phải là điều gì to tát; thành hay bại đôi khi chỉ ở chuyện hôm nay ăn gì, ai dọn nhà ai đón con, về nhà lúc mấy giờ, v.v. Và sự tu dưỡng cũng không phải là thấu hiểu những đạo lý cao siêu, vĩ đại, mà thể hiện ngay trong những thói quen sinh hoạt thường ngày.
Thanh Ngọc