Thursday, January 17, 2019

TỪ "KHÚC GỖ CONG QUEO CỦA CON NGƯỜI"

Cụ Khổng có lẽ là người đầu tiên dùng hình ảnh này khi chê trách môn đệ là chàng Tể Dư có tật ngủ ngày: “Tể Dư ngủ ngày, cây gỗ mục không thể chạm trổ gì được” (宰予晝寢腐木不可彫也 Tể Dư trú tẩm, hủ mộc bất khả điêu dã)! Kant không phải là người mơ mộng, ông nhìn nhận thực tế đáng buồn ấy nơi mọi con người chứ không chỉ cá nhân nào.


“Từ khúc gỗ cong queo tạo nên con người, không thể đẽo gọt ra cái gì thẳng thớm cả!” - Ông viết tiếp - “Ta chỉ có thể tiệm cận ý niệm về một xã hội công dân tự do và công bằng mà thôi”. Chỉ có thể tiệm cận, vì sinh vật có lý trí như ta bao giờ cũng mang theo mình “xu hướng vị kỷ của động vật”, vì thế, cần có kẻ “cầm đầu” để ước thúc. Thế nhưng, kẻ “cầm đầu” này - dù là một tập thể hoặc một cá nhân - ở đâu ra? Cũng phải từ những con người cụ thể (từ thế giới được phân đôi) mà ra, và, giống như mọi sinh vật trần tục, có nhu cầu khác, sớm hay muộn, sẽ lạm dụng sự tự do của họ.
Vì thế, cần phải có “mệnh lệnh nhất quyết” hay quy luật đạo đức để định hướng cho con người. May thay, quy luật này không phải do quyền uy xa lạ nào ban bố mà do chính con người tự đặt ra cho mình.
Ba “công thức” của mệnh lệnh nhất quyết
Như đã thấy, mệnh lệnh nhất quyết hay quy luật đạo đức do con người tự đặt ra cho chính mình, được thể hiện bằng những “châm ngôn” chủ quan, nói lên “động cơ của ta mỗi khi hành động đạo đức. Kant lần lượt phát biểu thành ba công thức nổi tiếng:
Công thức cơ bản: “Hãy chỉ hành động theo châm ngôn, qua đó bạn đồng thời có thể muốn rằng nó trở thành một quy luật phổ quát!”.
Công thức quy luật tự nhiên: “Hãy chỉ hành động như thể châm ngôn cho hành động của bạn phải trở thành quy luật tự nhiên phổ quát thông qua ý chí của bạn!”.
Công thức cứu cánh tự thân: “Hãy hành động sao cho lúc nào bạn cũng xem con người nơi bản thân bạn và nơi người khác như mục đích (tự thân) chứ không đơn thuần như phương tiện”.
Hàng ngày hàng giờ ta vẫn sử dụng bản thân ta như là phương tiện (để gánh, vác...) và người khác (thuê mướn nhân công...). Kích thước đạo lý, theo Kant, chính là ở chỗ không chỉ “đơn thuần” như thế! Quy luật đạo đức không xa lạ, nó chỉ cao cả. Nó là thước đo để trắc nghiệm xem một châm ngôn có giá trị phổ quát, xứng danh là mệnh lệnh đạo đức hoặc chỉ là một mệnh lệnh giả thiết, có điều kiện trong phạm vi thực dụng. Nó không gì khác hơn là “trung đạo vàng” (“điều ta không muốn thì đừng làm cho người khác”) được nâng lên cấp độ hoàn chỉnh hơn.


“Tự trị” là mục tiêu hay tiền đề của giáo dục?
Vấn đề khó khăn nhất của giáo dục là gì? Kant viết: “Một trong những vấn đề khó khăn nhất của giáo dục là làm sao hợp nhất việc con người vừa phải phục tùng sự cưỡng chế của quy luật, vừa có năng lực sử dụng sự tự do của mình? Cưỡng chế là cần thiết! Vậy làm sao tôi vun bồi sự tự do khi bị cưỡng chế? Tôi phải làm sao cho học sinh vừa chấp nhận sự cưỡng chế, đồng thời hướng dẫn học sinh sử dụng thật tốt sự tự do. Không làm được điều này, tất cả sẽ trở nên “máy móc”, và người học ra trường không biết cách dùng sự tự do của mình”.
Tự trị, theo nghĩa của Kant, là năng lực tự ban bố quy luật và quy tắc hành động cho chính mình, dựa vào nhận thức của chính mình, độc lập với mọi sự quy định từ bên ngoài, dù đến từ đâu. Tức là, phải giả định như là điều kiện tiên quyết rằng ta có năng lực tra hỏi và đặt lại mọi vấn đề vốn đã được xã hội chấp nhận.
Nói gọn, giáo dục nhằm trở nên tự do và tự trị phải chăng tự nó là một sự mâu thuẫn? Bởi thế có khác gì dùng người học như một phương tiện (thông qua kỷ luật, cưỡng chế) để phục vụ cho mục đích dù cao cả đến đâu (đạo đức hoá), trong khi “mệnh lệnh đạo đức” đòi phải xem con người như “cứu cánh tự thân”?
Có thể phó mặc cho đứa trẻ được “tự trị” trong mọi lĩnh vực? Tất nhiên là không! Đứa trẻ tự nó chưa đủ sức phán đoán và chọn lựa hành động, trong khi không một xã hội, cộng đồng hay tập thể nào không có những luật lệ, quy tắc ứng xử buộc nó phải tôn trọng và tuân thủ. Chính vì thế, trong truyền thống giáo dục xem trọng sự tự trị của cá nhân, người ta mặc nhiên xem sự tự trị (hay quyền tự do quyết định theo lý trí của mình) là mục tiêu cần hướng đến của giáo dục chứ không phải là tiền đề hay điểm xuất phát. So với mục tiêu ấy, đứa trẻ được xem là còn “bất cập”. Nó cần và sẽ trở nên “tự trị” trong tương lai, chứ hiện tại chưa phải là tự trị.
Kant có cách nhìn khác về sự tự trị. Tự trị, theo nghĩa của Kant, là năng lực tự ban bố quy luật và quy tắc hành động cho chính mình, dựa vào nhận thức của chính mình, độc lập với mọi sự quy định từ bên ngoài, dù đến từ đâu. Tức là, phải giả định như là điều kiện tiên quyết rằng ta có năng lực tra hỏi và đặt lại mọi vấn đề vốn đã được xã hội chấp nhận.
Trong thực tế, năng lực ấy phải chăng chỉ là ảo tưởng? Vâng, có thể là ảo tưởng, nhưng, như nhiều người hiểu Kant đã nhận định, đó là “ảo tưởng tích cực và cần thiết”. Chính tiền đề này mới góp phần làm cho cuộc đời đáng sống và làm cho cuộc sống chung của con người có thể tiến hoá và “đạo đức hoá”. Kant thừa nhận rằng thời đại của ông chưa đạt tới được cấp độ đạo đức hoá. Thế nhưng, hãy “làm như thể” rằng cấp độ ấy là có thật và con người hãy sống và hành động theo phương hướng ấy. “Làm như thể” là khái niệm cực kỳ hệ trọng và sâu sắc nơi Kant. Nó là viễn tượng khai phóng, mở rộng chân trời cho kiếp nhân sinh và cho sự xứng đáng làm người, không phân biệt tuổi tác và học vấn.
Ba châm ngôn của tâm hồn lành mạnh
Trong Phê phán năng lực phán đoán, Kant nêu ba châm ngôn cho “tâm hồn lành mạnh”: “suy nghĩ bằng đầu óc của mình”, tức cung cách tư duy không bảo thủ, giáo điều, định kiến; “suy nghĩ trong vị trí của người khác”, tức cung cách tư duy khoáng đạt, rộng mở, thông cảm và sẵn sàng đối thoại; “suy nghĩ nhất quán với chính mình”, tức cung cách tư duy chặt chẽ, trung thực và thấu đáo.


Qua ba châm ngôn, ta thấy Kant không đặt nặng việc giáo dục đạo đức suông cho bằng làm cho con người mạnh mẽ lên, với “tâm hồn lành mạnh”. Ưu tiên hàng đầu không phải ở chỗ giả tưởng rằng ta có thể trở nên hoàn toàn trong sáng, chỉ hành động theo lý trí sáng suốt cho bằng vun bồi năng lực để có thể có ý kiến, quan điểm riêng và đủ dũng cảm thể hiện ý kiến, quan điểm riêng ấy trong cộng đồng xã hội chứ không tách rời với nó.
Nói cách khác, tự do, tự trị, trong triết thuyết giáo dục của Kant, không phải là một phẩm chất vốn có của con người, trái lại, là một nghĩa vụ phải phấn đấu thực hiện.Vì thế, thật hữu lý khi nên đọc triết thuyết giáo dục của Kant không phải bằng cặp mắt của nhà đạo đức hoặc của kẻ bi quan, trái lại, của nhà hiền triết biết rằng sự nghiệp giáo dục có thể thất bại, rằng mục tiêu tối hậu có thể không bao giờ đạt được trọn vẹn, đồng thời biết phải làm gì để lội ngược dòng, trong sự kiên nhẫn và tỉnh thức.
Bùi Văn Nam Sơn
(Sưu tầm trên mạng)
*Ghi chú: tôi xin thêm vào phần sơ lược tiều sử Immanuel Kant để các bạn nào chưa biết thì sẽ hiều thêm:
Immanuel Kant sinh ngày 22 tháng 4 năm 1724 tại Königsberg; mất ngày 12 tháng 2 năm 1804 tại Königsberg, được xem là một trong những triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực nhân văn khác. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn: "tiền phê phán" và sau năm 1770 là "phê phán". Học thuyết "Triết học siêu nghiệm" (Transzendentalphilosophie) của Kant đã đưa triết học Đức bước vào một kỉ nguyên mới. "Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và toả sáng lên trên những gì đi sau", như nhận xét của triết sử gia J. Hirschberger.
"Der Charakter eines wahren Philosophen ist der, daß er nichts thut, als die Natürlichen Kräfte und Fähigkeiten zu exercieren, und zwar durch die nachforschende Untersuchung der Kritik".—J.Hirschberger
Tạm dịch:
Đặc điểm của một triết gia chân chính là ở chỗ ông ta không làm gì ngoài việc vận dụng sức mạnh và khả năng tự nhiên, cụ thể là qua việc nghiên cứu sự phê phán.
(theo Wikipedia)


No comments: