Bạn có thể đổ lỗi việc bạn ăn quá ít hay quá nhiều cho tập quán xã hội. Vài thập niên nghiên cứu cho thấy chúng ta ăn nhiều hơn nếu có người ăn cùng và chúng ta gọi theo món và ăn theo cách của người khác.
Nhưng chính xác là người đi cùng ảnh hưởng đến bữa ăn của chúng ta như thế nào, và liệu chúng ta có thể tận dụng những ảnh hưởng xã hội này để cắt giảm lượng đường và mỡ tiêu thụ và thậm chí là giảm cân được không?
Ăn nhiều hơn do ăn lâu hơn?
Một loạt những nghiên cứu nhật ký của nhà tâm lý học sức khỏe John de Castro vào những năm 1980 đã giúp chúng ta ý thức được ảnh hưởng xã hội đối với thói quen ăn uống.
Cho đến năm 1994, de Castro đã thu thập được nhật ký của trên 500 người ghi chép lại về bữa ăn của họ và bối cảnh xã hội mà họ có bữa ăn đó - ăn cùng bạn bè, hay ăn một mình.
Điều khiến ông ngạc nhiên là mọi người sẽ ăn nhiều hơn khi đi cùng người khác so với khi ăn một mình. Thí nghiệm của các nhà khoa học khác cũng phát hiện được rằng mọi người ăn thêm 40% kem và ăn thêm 10% mì ống và thịt bò khi có người ăn cùng so với khi họ ăn một mình.
De Castro gọi đây là 'sự thúc đẩy xã hội' và cho rằng đó là "ảnh hưởng đơn nhất quan trọng nhất và lan tỏa nhất đối với thói quen ăn uống mà vẫn chưa được nhận ra".
Điều gì giúp tăng khẩu vị của chúng ta khi chúng ta ăn cùng ai đó? Đói bụng, tâm trạng hay giao tiếp xã hội gây lơ đễnh đều bị De Castro và các nhà khoa học khác loại trừ. Các nghiên cứu cho thấy bữa ăn của chúng ta thường kéo dài nếu chúng ta ăn trong cùng một nhóm và chúng ta ăn nhiều hơn trong thời gian kéo dài hơn này.
Những quan sát cẩn thận ở một loạt các nhà hàng khác nhau cho thấy những nhóm đi ăn đông hơn thường có bữa ăn lâu hơn. Và khi thời gian bữa ăn là cố định, thì những nhóm lớn không còn ăn nhiều hơn những nhóm nhỏ nữa.
Trong một thí nghiệm vào năm 2006, các nhà khoa học đã tập hợp 132 người và cho họ hoặc là 12 phút hoặc là 36 phút để ăn bánh quy hoặc pizza.
Những người tham gia thí nghiệm có thể ăn một mình, ăn theo cặp hay theo nhóm bốn người. Trong mỗi thời gian bữa ăn cụ thể, những người tham gia đều có lượng ăn giống nhau bất kể nhóm họ có bao nhiêu người.
Thí nghiệm này đã đưa ra một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy thời gian ăn lâu hơn là yếu tố quyết định dẫn đến thực khách ăn nhiều hơn trong các bữa ăn giao tiếp xã hội.
Dường như là cách giải thích hợp lý khi cho rằng khi chúng ta ăn uống với bạn bè, chúng ta sẽ nấn ná lâu hơn và do đó là ăn thêm một miếng bánh phó mát nữa.
Buông thả trong bữa tiệc
Khi chúng ta biết mình sẽ ăn trong nhóm đông người, mỗi cá nhân chúng ta thậm chí còn gọi nhiều thức ăn hơn nữa. Điều này được chứng minh từ những quan sát ở một nhà hàng Ý: nhóm thực khách càng đông, thì mỗi thực khách càng gọi nhiều mì ống và tráng miệng.
Các bữa ăn giao tiếp xã hội dường như khiến chúng ta trở nên đói hơn, và dường như chúng ta quyết định rằng chúng ta sẽ buông thả thậm chí ngay trước khi gọi món.
Những suy nghiệm như thế này đã đưa C Peter Herman, một nhà khoa học ẩm thực, đến chỗ đề xuất 'giả thiết bữa tiệc': sự buông thả là một phần tất yếu của các bữa ăn giao tiếp xã hội, và rằng chúng ta giao tiếp một phần là để tất cả chúng ta đều có thể ăn nhiều hơn mà không có cảm giác tội lỗi là buông thả quá mức.
Hơn nữa, chúng ta cũng cảm thấy niềm vui của việc ăn cùng nhau ngay cả khi người ăn cùng không có thật.
Trong một nghiên cứu ở Nhật, những người tham gia được yêu cầu ăn bỏng ngô một mình trước một tấm gương hoặc trước một bức tường. Những ai ăn trước tấm gương ăn ngon lành hơn. Bạn có bao giờ để ý có bao nhiêu nhà hàng đặt những tấm gương ở những vị trí nổi bật?
Nhưng đôi khi chúng ta ăn ít hơn khi ăn cùng bạn bè. Mong muốn buông thả của chúng ta có thể được điều chỉnh bởi nhu cầu cần phải biết điều. Chúng ta có thể kiểm soát ấn tượng của mình bằng cách ăn uống tuân theo quy ước xã hội, hay chúng ta có thể quan sát cách người khác ăn như thế nào và làm theo họ, một hành vi được gọi khuôn mẫu xã hội.
Có rất nhiều dẫn chứng.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em béo phì ăn ít hơn khi ăn trong nhóm so với khi chúng ăn một mình. Những thanh niên thừa cân ăn nhiều khoai tây chiên và bánh quy khi ăn cùng với một người bạn thừa cân khác nhưng họ sẽ không ăn như vậy nếu bên cạnh họ là một người có cân nặng bình thường.
Tại các căng tin trong trường đại học, nữ giới ăn ít hơn khi bên cạnh họ có nam giới ăn cùng, nhưng họ sẽ ăn nhiều hơn nếu xung quanh đều là bạn bè nữ giới. Trên khắp nước Mỹ, các thực khách sẽ gọi nhiều tráng miệng hơn khi phục vụ họ là những người bồi bàn nặng cân.
Ăn như người khác
Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy những hành vi như thế được phát hiện là có tác động vừa phải đối với việc tiêu thụ thức ăn.
Nữ giới có xu hướng phản ứng mạnh mẽ hơn nam giới và chúng ta cũng có xu hướng làm theo những dấu hiệu gợi ý từ những người giống chúng ta hơn. Những xu hướng này phù hợp với quan niệm cho rằng chúng ta nắm bắt những gợi ý về làm sao ứng xử cho phù hợp và ăn uống theo cách đó.
Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu tìm hiểu tại sao chúng ta lại trở nên ăn uống phù hợp với bối cảnh xã hội. Có lẽ việc lưu tâm đến những quy ước xã hội và không ăn nhiều hơn những người khác đã thúc đẩy những tổ tiên săn bắt - hái lượm của chúng ta chia sẻ thức ăn. Và ăn uống như người khác có thể khiến cho trẻ em phát triển thói quen ăn uống những thực phẩm an toàn và giàu dinh dưỡng, và do đó có khả năng tránh được những thực phẩm nguy hiểm.
"Chúng ta có thể học kinh nghiệm bằng cách làm thử và làm sai nhưng cách làm như vậy thì rủi ro và khiến chúng ta bị bệnh. Tôi cho rằng việc quan sát người khác ăn như thế nào và ăn như họ từ khi còn nhỏ là rất quan trọng, nhất là đối với những người sống thọ bởi vì lựa chọn ăn uống của họ chính xác và phù hợp," Suzanne Higgs, giáo sư tâm sinh lý ăn uống tại Đại học Birmingham, cho biết.
Nên kiểm soát có ý thức
Không may là các loại thức ăn chiên giòn và thức ăn ngọt dễ dàng tìm thấy đến nỗi những chuẩn mực ăn uống hiện thời của chúng ta có thể trượt dài trong dầu mỡ. Chúng ta có xu hướng ăn giống như nhóm xã hội của mình, và chúng ta ít quan tâm đến việc ăn quá mức nếu mọi người ai cũng ăn nhiều và cũng tăng cân như nhau. Trong những nhóm xã hội như thế, "chúng ta có thể sẽ không nhận ra sự béo phì bởi vì nó đã thành số đông," bà Sarah-Jeanne Salvy, phó Giáo sư về Y tế dự phòng tại Đại học Alabama, nói.
"Khi được cho biết kết quả đo của họ trên thang bậc BMI, một số người đã ngạc nhiên và cho rằng thang bậc này đã không đúng khi đưa ra những tiêu chuẩn không thể đạt được như thế," Salvy cho biết.
Một sự dịch chuyển trong quan niệm xã hội về phía trọng lượng cao hơn có thể giải thích một phần tại sao nhiều người đang dần dần ăn uống đến béo phì. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có đến một tỷ người trên khắp thế giới bị béo phì, trong đó có 340 triệu trẻ em.
May mắn là thói quen ăn uống lành mạnh không cần chúng ta phải từ bỏ những người bạn có thân hình mập mạp hơn chúng ta.
Thay vào đó, trước hết chúng ta cần nhìn nhận rằng thói quen ăn uống của chúng được định hình rất lớn bởi các ảnh hưởng xã hội. Từ đó, chúng có thể ý thức hơn về cách ứng xử của mình trong tình huống này và kiểm soát bữa ăn của mình một cách có ý thức - có lẽ bỏ qua món qua món khai vị hay tráng miệng chẳng hạn.
Nhưng nếu Herman nói đúng rằng chúng ta có ý định buông thả qua mức trong các bữa ăn giao tiếp xã hội và xem đó như là những bữa tiệc thịnh soạn, thì kiểm soát cơn thèm ăn của mình một cách có ý thức có thể đi ngược lại bản chất chúng ta.
Và sự kiềm chế thiếu tự nhiên đó có thể gần như là không thể nếu người ngồi đối diện với chúng ta trên bàn ăn muốn gọi bánh phô mai…
Yao-Hua Law
BBC Future
Link tiếng Anh:
No comments:
Post a Comment