Sau một ngày vui chơi và sinh hoạt với đại chúng trong thiền viện, buổi tối khi sửa soạn cho các cháu đi ngủ, chúng chợt hỏi anh :
“Ba ơi, Thiền là gì?” ?
Anh im lặng suy nghĩ một lúc, rồi nói với các cháu:
“Sáng mai hai con hãy đi hỏi các thầy cô ở đây câu hỏi ấy đi, và rồi kể cho ba nghe!”
Và đây là những câu trả lời mà các em nhận được từ các thầy cô ở thiền viện Tassajara.
Thiền là gì?
Thiền là thấy và hiểu được điều tự nhiên của mọi vật
Thiền chỉ đơn giản là lắng nghe tiếng chim hót mỗi sáng
Thiền là chú ý
Thiền là luôn luôn tử tế với chính mình và mọi người chung quanh
Thiền là khám phá chính ta
Thiền là có mặt trong mỗi giây phút, và làm hết sức mình với một con tim thương yêu
Thiền là một đóa hoa ăn ánh mặt trời
Thiền là tìm một sự an lạc và đồng nhất trong tâm
Thiền là suy nghĩ sáng tỏ
Thiền là không có một cái tôi
Thiền là xây dựng
Thiền là có đôi lúc vui thích và có những lúc không mấy vui thích
Thiền là biết thương yêu những gì đang có mặt
Câu chuyện về chữ NHẪN
Có một nhà sư chọn tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật, sau nhiều năm tháng nỗ lực tu tập thì sư cũng thành tựu được rất nhiều công hạnh, trụ vững như kim cương khi bình an trước mọi nghịch cảnh, bị người khách ganh ghét, lăng nhục, mưu hại sư vẫn luôn nở nụ cười trên môi thản nhiên như không.
Rất nhiều người tán thán sư và thường xuyên đến chỗ sư để đàm đào và thực tập hạnh tu này, sư luôn vui vẻ tiếp đón và chia sẻ những kinh nghiệm thực tập được cho họ.
Một hôm có một thanh niên đến tham quan chùa, anh ngưỡng mộ hạnh tu của sư nhưng vì mới tìm hiểu đạo nên không biết chuyện gì để tham vấn, nhìn quanh thấy trên tường treo tấm bảng gỗ có một chữ sư viết rất bay bướm, anh liền hỏi:
<Thưa Thầy, đây là chữ gì ạ?>
Sư trả lời đầy vẻ tự hào:
- Chữ Nhẫn viết theo lối thư pháp, ta phải tập viết hàng trăm lần mới được như ý đấy con à.
Anh gật gù vẻ tán thưởng, sau khi đi lòng vòng ngó nghiêng đây đó anh đứng trước tấm bảng gỗ gãi đầu gãi tai:
<Thưa Thầy chữ gì đây ạ?>
Nhà sư tươi cười trả lời:
- Ta tu hạnh nhẫn nhục nên viết chữ Nhẫn đó mà
< Thưa Thầy, thầy viết chữ gì đây ạ ?>
- Chữ NHẪN!
<Thưa Thầy, chữ gì đây ạ?>
Nhà sư không chịu nổi nữa , nộ khí xung thiên:
- Chữ nhẫn! nhẫn ! nhẫn! Đồ ngu , ngu gia truyền ! Có một chữ mà nãy giờ hỏi hoài, hỏi hoài! Cút ngay!
( Chữ nhẫn được ghép từ hai chữ : Đao ở trên , Tâm ở dưới . Tâm , tức trái tim, mà không chịu nằm yên thì Đao, tức con dao, sẽ phập xuống tức thì, Vậy đấy, tự mình mà nhẫn nhịn được thì đao kề cổ vẫn bình yên vô sự, bằng không thì tai họa sẽ giáng xuống đầu mình trước tiên.)
Tách trà
Nan-in, một thiền sư thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến để hỏi về Thiền.
Nan-in rót trà. Thiền sư rót đầy tách của giáo sư, và cứ tiếp tục rót.
Vị giáo sư nhìn trà tràn ra ngoài cho đến lúc ông không nhịn được nữa, “Tràn ra ngoài rồi, không thêm được nữa!”
“Như là tách trà này,” Nan-in nói, “ông đầy ý kiến và phỏng đoán. Làm sao tôi có thể chỉ Thiền cho ông nếu ông không đổ sạch tách của ông trước?”
Bình:
Câu chuyện này không nhất thiết chỉ đúng cho học Thiền. Muốn tìm hiểu bất kỳ điều gì ờ đời–một tôn giáo, một người, một nhóm người, một nền văn hóa, một dân tộc, một lịch sử, một vụ kiện, v.v… chúng ta phải đổ sạch tách thành kiến, giả định, phỏng đoán và kết luận trong đầu–một cái tách trống rỗng, một tờ giấy trắng tinh–thì chúng ta mới có thể học hỏi được.
Bạn đang bắt đầu vào cuộc hành trình qua 101 Truyện Thiền để tim hiểu Thiền là gì. Đây là truyện đầu tiên. Bạn cần đổ sạch tách của bạn, để bước vào và đi qua cuộc hành trình này.
Bạn đã nghe, đọc, biết và hiểu gì về Thiền trước kia? Xin bạn đổ sạch. Để tâm và trí trống rỗng cho cuộc hành trình.
Tâm rỗng lặng, nhớ nhé.
Trần Đình Hoành dịch và bình
No comments:
Post a Comment