Dân tộc Dong là một trong 56 nhóm dân tộc thiểu số cư ngụ tại Trung Quốc. Cư dân Dong sống trong các ngôi làng nằm rải rác ở các tỉnh như Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu, Quảng Tây. Đây là những nơi nổi tiếng với loại gạo ngọt truyền thống và đặc biệt là kỹ năng có một không hai về nghề mộc, được thể hiện qua kiến trúc độc đáo của những chiếc cầu gỗ vượt thời gian.
Những chiếc cầu này được gọi là “Cầu mưa gió” bởi lẽ trên những chiếc cầu này có các mái chòi, đó là nơi nghỉ ngơi tránh mưa tránh gió của người dân Dong. Ngoài tên gọi trên, những chiếc cầu này còn được gọi với cái tên khác là “Cầu hoa” do kiến trúc tinh xảo của chúng. Vào những ngày mưa gió, các mái chòi trên cầu trở thành nơi lý tưởng cho người dân gặp gỡ chuyện trò, nghỉ ngơi thư giãn, tán gẫu, trao đổi ý kiến và là nơi biểu diễn các trò văn nghệ giải trí.
“Cầu mưa gió” là sự kết hợp giữa cầu, tháp và chòi với vật liệu chính chủ yếu là gỗ. Trên cả hai mặt của cầu có các rào chắn và được bố trí các hàng ghế, tạo thành một khu vực nghỉ ngơi cho khách qua đường, bên trong hành lang có mái che. Mái hiên của cầu có kiến trúc vuốt ngược lên, bên trong các chòi và tháp được trang trí bằng hoa văn rồng phượng, trên các cột chống được khắc với các họa tiết đẹp mắt.
Một trong số những chiếc cầu nổi tiếng này phải kể đến là cầu Chengyang (程陽 Trình Dương) ở Sanjiang (三江縣 huyện Tam Giang), tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Chiếc cầu này được xây dựng vào năm 1916, đó cũng được xem là chiếc cầu mưa gió lớn nhất ở Trung Quốc. Cầu Chengyang có 2 bệ móng, 3 cột chống, 3 nhịp cầu, 5 gác chòi, 19 hành lang và 3 tầng. Chiếc cầu có chiều dài 64.4 mét, chiều rộng 3.4 mét và chiều cao 10.6 mét. Các cột chống được xây dựng bằng đá, kiến trúc phần trên được làm chủ yếu bằng gỗ, mái chòi được lợp bằng ngói. Ở hai bên cầu được bố trí các hàng ghế tựa để dành cho người dân nghỉ ngơi mỗi lúc đi qua.
Từ những hàng ghế, người dân có thể ngồi ngắm nhìn dòng sông Linxi chảy phía dưới hoặc lia tầm mắt ra xa ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên. Hai bên bờ sông là cánh rừng chè xanh ngát, và dọc theo sườn đồi là những cánh rừng tươi tốt. Hàng ngày, chiếc cầu đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan chiêm ngưỡng.
Một số hình ảnh về "Cầu mưa gió" ở Trung Quốc:
Trình Dương Phong Vũ Kiều (程陽風雨橋) ở Tam Giang Động Tộc Tự Trị Huyện (三江侗族自治縣)
Theo Amusingplanet