Monday, January 14, 2019

NƠI NGÔN NGỮ TRỞ NÊN THẤT TRUYỀN


"Ngôn ngữ như một thực thể sống, nó luôn luôn biến đổi," nhà ngôn ngữ học người Rapa Nui tên là Viki Haoa Cardinali nhận định.

Giọt nước giữa đại dương


Qua nhiều thế kỷ, những nhà thám hiểm can đảm người Polynesia đã vượt qua Thái Bình Dương để đi tìm thế giới mới.

Vào năm 1200 sau Công Nguyên, những người di cư đến Đảo Phục Sinh (Easter Island), còn được gọi là người Rapa Nui, đã mang theo nền nông nghiệp, phong tục và ngôn ngữ theo cùng.

Sự cô lập tuyệt đối của hòn đảo nằm 3.600km về phía tây lục địa Nam Mỹ này từ lâu đã lọt vào trí tưởng tượng của những nhà khảo cổ, học giả và nghệ sĩ.

Sự hiểu biết về xã hội phức tạp đã phát triển ở Rapa Nui có thể tìm thấy ở bất cứ đâu; cảnh quan tạo hình từ núi lửa trên hòn đảo đã tạo ra một trong những công trình kỳ quan bằng đá kỳ vĩ nhất ở Polynesia. Nhưng di sản văn hóa thú vị nhất của Rapa Nui chỉ còn lại dấu vết rất mờ nhạt: một loại chữ viết kỳ bí có tên gọi Rongorongo.

Cách đọc chữ Rongorongo


Chữ viết Rongorongo có lẽ là điều bí ẩn vĩ đại nhất trên Đảo Phục Sinh. Không ai biết chắc những ký tự này được sáng tạo ra từ khi nào, và chỉ còn khoảng chừng vài chục văn bản còn tồn tại trên thế giới, trong đó không có văn bản nào còn lại trên đảo.

Hầu hết văn bản loại chữ viết này đều được in trên những bảng gỗ nhỏ, với những ký tự tượng hình phức tạp khắc trên gỗ bằng răng cá mập hoặc đá nham thạch.

Bản thân các ký tự có xu hướng mô tả nhiều loại thảo mộc và động vật trên đảo, trong đó có có các loài chim di cư, loài cá và những biểu tượng giống người. Các chuyên gia tin rằng những văn bản này có mục đích sử dụng thiêng liêng nào đó, mặc dù ý nghĩa của chúng vẫn khuất sau bức màn bí ẩn.

Khi nhắc đến ký tự Rongorongo, luôn xuất hiện nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, nhưng lịch sử truyền miệng trên đảo kể lại rằng có những trường học được xây dựng để để huấn luyện các chàng trai trẻ viết và phiên dịch văn bản. Những người ghi chép sử dụng một hệ thống cách viết bất thường gọi là boustrophedon nghịch đảo, nghĩa là người đọc phải bắt đầu đọc từ cuối trang từ góc bên trái, sau đó đảo ngược văn bản lại từ trên xuống ở cuối mỗi hàng.

Hòn đảo non trẻ


Chỉ mới được hình thành khoảng một triệu năm trước, Đảo Phục Sinh là một trong những khu vực có người sinh sống trễ nhất trên thế giới.

Trải dài khoảng 163km2, hòn đảo chỉ lớn khoảng gấp ba lần khu Manhattan và trải rộng trên những ngọn đồi nhấp nhô với nhiều núi lửa ngủ yên. Không có bất cứ dòng sông hay suối cố định nào, những hồ nước lấp lánh nằm dưới ba miệng núi lửa lớn nhất là nguồn cung cấp nước ngọt thiết yếu cho người dân nơi đây.

Khi những người đầu tiên đặt chân đến hòn đảo, họ có lẽ đã tiếp cận với nhiều cánh rừng dày đặc trên đất núi lửa màu mỡ, nhưng cho đến khi người Châu Âu đầu tiên đến đảo vào thế kỷ 18, phần lớn đất đai mênh mông trên đảo chỉ còn lại là đồng cỏ.

Các học giả tranh luận về vai trò của người bản địa trong việc phá rừng, nhưng theo đài NPR, vài năm vừa qua nhiều chuyên gia đã thay đổi ý kiến, vốn từng cho rằng việc khai thác quá mức tài nguyên trên đảo là lý do duy nhất. Một số người còn cho rằng những con chuột Polynesia theo tàu tới đảo là thủ phạm, chúng sinh sản mất kiểm soát và xả ra đầy chất thải giữa những cây cọ khổng lồ bao phủ hòn đảo.

Dù nguyên nhân là gì, nguồn gỗ khan hiếm còn lại giờ đã trở thành tài sản quý giá, và dân đảo quay trở lại xây dựng những khu vườn bằng đá khéo léo để thu gom nước mưa cho trồng trọt.

Định mệnh của Đảo Phục Sinh


Người Châu Âu bắt đầu hiện diện tại đây từ mùa Lễ Phục Sinh năm 1722, khi nhà thám hiểm người Hà Lan tên là Jacob Roggeveen vô tình tìm thấy hòn đảo. Ông chỉ ở lại đây một thời gian ngắn, nhưng vô số cuộc thám hiểm của người ngoài đến vùng đất này trong hai thế kỷ kế tiếp sẽ để lại tác động tàn phá với người Rapa Nui.

Vào thập niên 1860, nô lệ từ Peru đã đem khoảng 1.000 người dân đảo vào lục địa. Một số ít người có thể trở lại đảo mang theo đã mang theo bệnh đậu mùa, khiến dân số bị thiệt hại nặng nề. Nhiều người sống sót khỏi đại dịch đã di tản đến Tahiti, bỏ lại chỉ còn khoảng hơn 100 người Rapa Nui vào năm 1888, khi hòn đảo được ghi tên vào lãnh thổ Chile. Rất nhiều bảng khắc gỗ chữ Rongorongo đã bị mất hoặc hủy diệt trong giai đoạn này, cùng với những người duy nhất biết cách đọc loại ngôn ngữ đó.

Bản thân ngôn ngữ này cũng dần bị thay thế bởi làn sóng ảnh hưởng từ nước ngoài, với những từ gốc tiếng Tahiti, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh xuất hiện trong bảng từ vựng. Nhà sử học người Rapa Nui tên là Cristián Moreno Pakarati nói kết quả là chúng ta rất khó có thể giải mã những văn bản tiếng Rongorongo còn sót lại.

"Tiếng Rapa Nui mà người ta nói ngày nay rất khác biệt. Đó là ngôn ngữ đã chuyển biến và thay đổi nhiều từ những gì xảy ra tại nơi này. Ngôn ngữ cổ xưa từ trước năm 1860 là những gì thể hiện trên các bảng chữ - Nếu chúng ta cố gắng dùng từ điển tiếng Rapa Nui hiện đại để tra các biểu tượng, cách này không giúp được gì," Pakarati cho biết.


"Tác động gây ra là sự thiệt hại vô cùng lớn về tri thức. Cứ như thể thế giới ngày nay có bảy tỉ người sinh sống, và chỉ có một triệu người còn sống sót. Vậy chúng ta sẽ mất đi bao nhiêu tri thức?" Pakarati cho biết.

Hòn đảo bị cô lập


Trước khi Không quân Chile mở kênh đài phát thanh Manukena vào năm 1967, Đảo Phục Sinh gần như bị cô lập hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài. Thời đó, phương tiện truyền thông duy nhất là qua truyền miệng, và tin tức từ thế giới bên ngoài có thể mất vài tuần để đến được Rapa Nui. Thị trưởng của hòn đảo, ông Pedro Edmunds Paoa, vẫn còn nhớ rõ thời đó. "Không có báo chí gì cả," ông nói. "Chúng tôi không biết bên ngoài thế giới đang xảy ra chuyện gì mãi cho đến một hoặc hai tháng sau đó… Chúng tôi sống trong thế giới của riêng mình."

Theo nhà báo Jocelyn Fuentes từ Đảo Phục Sinh, Đài phát thanh Manukena non trẻ nhanh chóng được mọi người đón nhận. Trong những ngày đầu tiên, rất ít dân đảo có đài radio, vì thế các gia đình sẽ tụ tập lại nhà nhau để cùng nghe. "Khi đài radio bắt đầu phát, đó là phương tiện truyền thông duy nhất," Edmunds Paoa nhớ lại.

Hơn 50 năm sau đó, các kênh truyền hình từ Chile và internet đã giúp dân đảo kết nối với thế giới bên ngoài tốt hơn, nhưng Đài phát thanh Manukena vẫn được dân địa phương yêu thích. Giờ đây, đài do hội đồng dân đảo vận hành, vẫn phát thanh hàng ngày từ một phòng thu nhỏ tại Hanga Roa, thị trấn duy nhất ở Rapa Nui.

Một hòn đảo, hai ngôn ngữ


Kết nối tốt hơn với thế giới bên ngoài đã giúp dân trên đảo có nhiều cơ hội hơn, nhưng nó cũng gây hại đến ngôn ngữ của người Rapa Nui. Trong vài thập niên gần đây, ngày càng có nhiều người Chile chuyển đến sống ở Đảo Phục Sinh, đưa tiếng Tây Ban Nha thành ngôn ngữ chiếm ưu thế trong đời sống hàng ngày. Ảnh hưởng về văn hóa ngày càng lớn của tiếng Tây Ban Nha, cộng với việc người trẻ có nhu cầu vào đất liền để học lên cao hơn, đã khiến rất nhiều người lớn lên và không còn nói thông thạo tiếng Rapa Nui nữa.

"Ngày nay, rất nhiều người trẻ nói tiếng Rapañol [là ngôn ngữ kết hợp giữa tiếng Rapa Nui và tiếng Tây Ban Nha], Rafael Hereveri Pakarati, phát thanh viên Đài Manukena, nói.

Unesco đã xác định tiếng Rapa Nui là ngôn ngữ "bị đe dọa nghiêm trọng", và một nghiên cứu năm 2016 cho thấy trong khi khoảng 70% người lớn tuổi trên đảo nói thông thạo ngôn ngữ này, thì chỉ có 16,7% trẻ em người Rapanui từ 8 -12 tuổi nói thành thạo. "Cháu tôi nói tiếng Rapa Nui," Cardinali cho biết. "Nhưng cháu nói với tôi ở trường chẳng ai nói chuyện bằng ngôn ngữ này với nó."

Gieo hạt


Cardinali là một trong những người ủng hộ tiếng Rapa Nui nổi tiếng nhất, và bà đã dành cả sự nghiệp để bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Lấy cảm hứng từ những dự án tương tự tại New Zealand và Hawaii, năm 2017 bà mở một trường mẫu giáo nơi trẻ em chỉ nói tiếng Rapa Nui. Giấc mơ của bà là ngày nào đó hòn đảo sẽ có hẳn môt ngôi trường dạy hoàn toàn bằng tiếng Rapa Nui.

Yêu cầu để trẻ có thể được nhận vào học là bà Cardinali yêu cầu ít nhất cha hoặc mẹ sẽ nói chuyện với con bằng tiếng Rapa Nui để đảm bảo bài học sẽ có tác dụng bên ngoài lớp học.

Với bà Cardinali, quan trọng nhất là thế hệ trẻ giữ gìn sự quan tâm tới ngôn ngữ này. "Những hạt giống chúng tôi gieo tại nhà trẻ sẽ trở thành người lớn trong tương lai và bảo tồn ngôn ngữ," bà cho biết.


"Nói bằng thứ tiếng của mình là cách bảo tồn danh tính của chúng tôi. Đó là cách thể hiện sâu sắc nhất trong tâm hồn của người Rapa Nui và người Polynesia," bà Cardinali nói.

Tương lai bất định


Quá khứ hỗn loạn của hòn đảo tiếp tục thể hiện qua mối quan hệ phức tạp và trắc trở với Chile hiện thời. Tuy nhiên, chính quyền có vẻ như sẵn lòng cho người dân đảo có thêm sự tự trị. Vào năm 2017, quyền kiểm soát công viên quốc gia trải dài gần nửa hòn đảo đã được trao lại cho người Rapa Nui, và chính quyền đã thiết lập một khu bảo tồn sinh vật biển quanh đảo, nơi chỉ cho phép người dân địa phương đánh bắt cá. Tuy tâm điểm trong các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái mong manh của Rapa Nui đã trở thành tâm điểm của nỗ lực bảo tồn thời gian gần đây, người già vẫn nói bảo tồn văn hóa cũng có tầm quan trọng tương tự.

Chắc chắn là hòn đảo sẽ không thể quay lại thời còn bị cô lập như trong quá khứ, nhưng thế hệ dân đảo đang tìm kiếm vị trí của họ trong thế giới hiện đại ngày nay. Edmunds Paoa có suy nghĩ tích cực về tương lai.

"Miễn là xã hội vẫn còn động lực và cảm hứng dành cho văn hóa nói chung thì ngôn ngữ sẽ không bị đe dọa. Ngôn ngữ sẽ bị đe dọa nếu xã hội không còn quan tâm đến văn hóa Rapa Nui nữa. Hiện thời, tôi vẫn còn thấy đam mê đó," ông nhận định.

Tom Garmeson
BBC Travel
Link tiếng Anh: