Sunday, January 27, 2019

KHÁM PHÁ VÙNG ĐẤT ĐẶC BIỆT CỦA DÂN TỘC NGƯỜI KINH Ở TRUNG QUỐC

Có thể nhiều người không biết tại trấn Giang Bình thuộc thành phố Đông Hưng, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây có ba hòn đảo Sơn Tâm, Vu Đầu và Vạn Vĩ là nơi trú ngụ của hơn hai vạn người dân thuộc dân tộc Kinh Trung Quốc.


Mong mỏi từ lâu, cuối cùng tôi cũng xuất cảnh sang Đông Hưng để bắt đầu cuộc hành trình khám phá vùng đất của cộng đồng người Kinh đang sinh sống và làm ăn tại Trung Quốc. Chiếc xe buýt số 05 tuyến Đông Hưng - Kim Than với chi phí 6 nhân dân tệ (khoảng 20.000 VNĐ) nhanh chóng đưa tôi rời xa sự phồn hoa ồn ào của đô thị biên giới để đến nơi được mệnh danh là “Kinh Tộc Tam Đảo”.

Hình ảnh thiếu nữ Việt trên tấm pano quảng cáo du lịch tỉnh Quảng Tây

Nguồn gốc cộng đồng

Con đường dẫn tôi xuống Đông Hưng được trải nhựa với hai hàng cây xanh xung quanh đều tăm tắp. Giữa cái nắng oi ả của tháng 9, tôi vẫn nhận ra những dòng chữ tiếng Việt và chiếc nón lá quen thuộc thấp thoáng trên một vài ngôi nhà ven đường. Trong tôi hiện lên nhiều cảm xúc kỳ lạ với các câu hỏi khác nhau mà chắc chắn tôi sẽ phải tìm lời giải đáp trong chuyến đi này.

Áo dài và nón lá của dân tộc Kinh trên bãi biển Kim Than

Như một số sách báo trước đây tôi đã từng nghiên cứu, thì cộng đồng dân tộc Kinh có gốc gác từ Đồ Sơn, Hải Phòng di cư lên vùng đất phía Bắc Móng Cái từ thế kỷ thứ 16. Tại thời điểm đó, ba hòn đảo Sơn Tâm, Vu Đầu, Vạn Vĩ cũng như khu vực xung quanh vẫn thuộc Đại Việt với tên gọi Trường Bình. Họ vẫn làm ăn, buôn bán và mang dòng dõi Việt như thế cho đến khi Công ước Pháp - Thanh năm 1887 (thế kỷ 19) đã chuyển nhượng toàn bộ vùng đất này sang quyền quản lý của nhà Thanh.


Bản đồ nơi cư trú của dân tộc Kinh Quảng Tây

Cũng vì cộng đồng cư trú chủ yếu trên ba hòn đảo Sơn Tâm, Vu Đầu, Vạn Vĩ nên được gọi tắt thành “Kinh Tộc Tam Đảo” tức là ba hòn đảo của dân tộc Kinh. Trước kia các hòn đảo tách rời nhau, sau này phù sa bồi đắp và con người xây dựng, ba nơi này đã nối với nhau bằng những con đường nhựa. Việc đi lại, lưu thông hàng hóa với đất liền trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.

Cuộc sống của bà con tại làng chài Vạn Vĩ

Lập nghiệp trên xứ người

Kể từ ngày được Chính phủ Trung Quốc công nhận là một trong 56 dân tộc của đất nước, cộng đồng người Kinh tại đây nhận được nhiều sự hỗ trợ trong việc phát triển kinh tế và duy trì truyền thống văn hóa riêng của mình. Dân tộc Kinh cũng là dân tộc thiểu số duy nhất sống gần biển và làm nghề chài lưới, thả lưới từ ngàn đời nay.


Làng chài Vạn Vĩ

Đến đây, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cuộc sống nhộn nhịp, sôi động của cư dân vạn chài và các hoạt động du lịch biển. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, đường bờ biển với cát vàng của Vạn Vĩ từ chỗ vốn chỉ để khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản nay trở thành một điểm tham quan, nghỉ mát của thành phố Đông Hưng. Nhiều nhà hàng, khách sạn, quầy bán đồ lưu niệm mọc lên không chỉ đón khách trong nước mà còn thu hút được nhiều khách du lịch từ Việt Nam sang tham quan và du lịch. Cuộc sống của bà con được cải thiện rõ rệt.


Bãi biển Kim Than là điểm nghỉ mát của đông đảo du khách

Chị Tô Lý Nhân, một người dân Vạn Vĩ cho biết, dòng tộc chị đã ở đây từ lâu và quen với cuộc sống chài lưới, trước đây khi chưa có đường nhựa nối các đảo và đất liền thì rất ít khi bà con lên bờ, hoạt động thương mại không phát triển, chủ yếu là tự cung tự cấp hoặc bán cho các thương lái từ đất liền ra. Ngày nay mọi thứ đã khá giả hơn, ngoài đánh bắt hải sản và khai thác du lịch, nhiều hộ gia đình đã đầu tư đóng tàu, thuyền với công nghệ cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong thôn và từng bước xóa đói giảm nghèo.

Người Kinh tại Quảng Tây vươn lên làm giàu

Khi đã ổn định được miếng cơm manh áo, cộng đồng bắt đầu gìn giữ và duy trì phong tục tập quán truyền thống của dân tộc. Mặc dù văn hóa Hán ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư tại đây khá nhiều nhưng các phong tục, lễ nghi vào ngày lễ Tết vẫn được các cụ cao nhiên trong thôn tổ chức. Nhiều người nói sõi được tiếng Việt, dù có pha trộn chút tiếng Hán và âm Việt cổ. Chữ Nôm được sử dụng rộng rãi trong các thư tịch và văn bản của thôn.

Tiếng Việt được sử dụng rộng rãi bên cạnh tiếng Hán

Điều gây ấn tượng và xúc động mạnh với tôi là được dạo bước dưới tán cây đa cổ thụ và ngồi dưới mái đình quen thuộc. Hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình đã trở nên gần gũi với biết bao thế hệ người Việt. Giờ đây được tận mắt trải nghiệm cảm giác ấy trên đất khách quả thật không biết diễn tả sao cho phù hợp. Dưới gốc đa hơn 200 tuổi là tấm bia đá có khắc dòng chữ:“Cây đa tương tư Nam Quốc” bằng ba thứ tiếng Anh – Hoa – Việt ngụ ý nhắc nhớ dù sinh sống và lập nghiệp tại đây nhưng đã là “Con Rồng, cháu Tiên” thì luôn hướng về quê nhà, về đất Mẹ.

Đình làng Vạn Vĩ với cây đa trăm tuổi “Tương tư Nam Quốc”

Bên cạnh đó, cộng đồng người Kinh tại Quảng Tây vẫn duy trì tổ chức ngày hội đình tại Đình Hát của thôn nhằm tạ ơn các vị thần đã bao bọc, che chở cho mọi người làm ăn sinh sống. Vào ngày Rằm hoặc mùng Một, bà con vẫn lên đình thắp hương, làm lễ khấn cầu an và tảo mộ ông bà tổ tiên… Nơi đây cũng lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng bằng chữ Nôm của 12 dòng họ đầu tiên từ Đồ Sơn lên đây lập nghiệp, từ đó đến nay đã hơn 10 đời.


Một góc bảo tàng dân tộc Kinh tại Vạn Vĩ

Rời Vạn Vĩ, trong lòng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động trước tình cảm và nỗ lực mà người Kinh Quảng Tây dành cho văn hóa dân tộc. Đã gần năm thế kỷ trôi qua nhưng những nét truyền thống vẫn được duy trì và phát huy mạnh mẽ. Dù không ở gần đất Mẹ, nhưng tôi tin rằng với dòng dõi con cháu Lạc Hồng thì bất cứ nơi đâu thì vẫn hướng về quê hương, về với nguồn cội dân Việt thân yêu.

Huy Tùng


No comments: