“An ninh” là một từ Hán Việt, thời xưa nó chỉ được sử dụng như một tính từ để nói về nội tâm hoặc sức khỏe. Thi Kinh viết: “Tang loạn kí bình, Kí an thả ninh”, có nghĩa là “Việc tang tóc biến loạn đã lặng, Đã yên ổn thái bình rồi”. Trong bài thơ “Thục lộ thạch phụ”, Bạch Cư Dị viết: “Kì phu hữu phụ mẫu, Lão bệnh bất an ninh”, có nghĩa là “Chồng chị còn cha mẹ, Già yếu không yên lành”. Vấn đề bệnh tật ở đây tuy nói là về mặt sức khỏe, nhưng vẫn có hàm ý chỉ tới nội tâm con người.
Chữ An (安) trong tiếng Hán gồm có bộ Miên (宀 – mái nhà) ở bên trên và bộ Nữ (女 – phụ nữ) ở bên dưới. Đây là chữ hội ý, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Có người lý giải rằng người phụ nữ có ở trong nhà mới cảm thấy bình tâm, đó là an. Nhưng cũng có người sẽ giải thích rằng một mái nhà phải có người phụ nữ thì mới được yên ổn, đó là an vậy. Các tự điển cổ xưa cách đây 2.000 năm thì giải nghĩa rằng “An là định vậy” (sách Nhĩ Nhã) hay “An là tĩnh vậy” (Thuyết văn giải tự) (1). Điều này cho thấy rằng trạng thái an định hay an tĩnh như thế là sự bình an về mặt nội tâm, điều không mấy lúc người hiện đại có thể trải nghiệm được.
Chữ Ninh (寧) trong tiếng Hán phồn thể là sự kết hợp giữa trái tim (心) bày tỏ sự vững tâm, cái mâm (皿) hàm ý chỉ việc ăn uống bên dưới mái nhà (宀); còn thành tố (丁 – đinh) gợi ý âm đọc (2). Ở trong mâm cơm gia đình là lúc người ta cảm thấy bình an, yên ổn. Chữ Ninh này sẽ gợi cho người ta nhớ về mái ấm gia đình, từ điển Thiều Chửu có viết: “Con gái ở nhà chồng về thăm cha mẹ gọi là quy ninh”. Ngày nay, người ta có thể ăn ở bất cứ đâu, ăn cơm công sở, ăn fast food, về đến nhà lại mỗi người một giờ ăn, nhiều gia đình chẳng hề gặp mặt nhau nữa, có gặp nhau cùng ăn cũng không “cảm” được cái ý vị đó. Chính vì thế, chữ Ninh này người ta đã dần quên lãng…
Giải nghĩa tường tận đến vậy là để nói rằng An và Ninh ghép lại, cộng hưởng với nhau, người ta mới hiểu được hàm nghĩa đích thực của nó. “An ninh” xưa kia mang hàm nghĩa tĩnh lặng đến như vậy, bình hòa đến như vậy, mà thời hiện đại bây giờ, trong tiếng Việt, nó lại bị biến nghĩa tới mức đáng buồn.
Sự biến nghĩa đầu tiên trong tiếng Việt chính là khi “an ninh” được sử dụng để cho thấy sự bảo vệ đối với những yếu tố bên ngoài. Ví dụ như nó được sử dụng trong “tình hình an ninh trật tự”, “đội an ninh bảo vệ khách sạn”, v.v. Khi “an ninh” được sử dụng theo nghĩa này, nó đã biến hàm ý bình hòa xuất phát từ nội tâm thành hàm ý cảm thấy yên ổn vì được bảo vệ khỏi những điều gì đó. Thực chất người ta luôn cảm thấy bất an đối với chính những điều đó.
Sự biến nghĩa tiếp theo phải kể tới chính là khi “an ninh” được sử dụng để chỉ việc bảo vệ mang tính chất ngặt nghèo, hay để chỉ những đội cảnh sát, mật vụ vốn không lấy gì làm thân thiện. Sự bảo vệ mang tính ngặt nghèo đó, không chỉ không khiến người ta cảm thấy yên ổn, mà đôi khi còn làm người ta lo lắng không thôi. Như vậy chẳng phải “bất an” là gì?
Hiện tượng từ Hán bị biến nghĩa trong tiếng Hán (xem bài: Tình thương người và giá trị nhân văn bị đánh mất trong chữ Hán hiện đại) đã khiến người ta không khỏi âu lo, mà hiện tượng từ Hán Việt bị biến nghĩa trong tiếng Việt lại càng khiến người ta phải suy ngẫm. Người xưa có câu: Văn dĩ tải đạo. Thật ra văn tự không chỉ mang theo đạo lý, mà nó còn phản ánh cả tình trạng của xã hội. Tướng do tâm sinh, sự biến nghĩa của từ ngữ chính là ám thị của tâm cảnh con người trong xã hội. Tâm người bất an thì từ ngữ bình hòa nhất cũng trở nên thiếu yên ổn.
Nguyễn Vĩnh
(1), (2): Tham khảo trong “Vài nét về chữ An” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đăng trên tạp chí Phụ nữ mới số 18 (5/2018)
No comments:
Post a Comment