Ẩm thực vốn là nhu cầu cơ bản cho sự tồn tại của con người, tuy nhiên, người Trung Quốc cổ đại thường liên hệ ẩm thực với cuộc sống tinh thần, họ trải nghiệm cuộc sống thông qua ẩm thực, tìm hiểu về hiện tượng tự nhiên và xã hội cũng thông qua ẩm thực.
Ảnh: pinterest.com
Nghệ thuật ẩm thực hàm chứa nguyên lý của Đạo gia: âm dương ngũ hành
Từ xa xưa người Trung Quốc đã vận dụng tư tưởng nguyên lý “Âm dương ngũ hành” vào ẩm thực và đã thiết kế một hệ thống lý luận hoàn chỉnh.
Các nhà triết gia cổ đại cho rằng, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều cấu thành, tồn tại và phát triển dưới sự thống nhất và cân bằng âm dương,
“Ngũ hành” chính là nhận thức của người Trung Quốc cổ đại về năm yếu tố cơ bản hình thành những quy luật trong vụ trụ.
Trong ẩm thực truyền thống của Trung Quốc, nguyên lý âm dương ngũ hành được xem là nền tảng của mọi vật trong tự nhiên, có câu “Vạn vật trong tự nhiên, có sự điều hòa âm dương, thì là quân bình”. Con người chính là một trong “Tam tài”, nếu như con người không có sự cân bằng về âm dương, tất sẽ sinh bệnh.
Vì vậy trong quyển “Hoàng đế nội kinh tố vấn, âm dương ứng tượng đại luận” có nói: “Dương thắng tắc âm bệnh, âm thắng tắc dương bệnh. Dương thắng tắc nhiệt, âm thắng tắc hàn.Trọng hàn tắc nhiệt, trọng nhiệt tắc hàn”.
Có nghĩa là trong cơ thể con người nếu dương khí quá mạnh thì âm khí sẽ yếu, ngược lại nếu âm khí quá mạnh thì dương khí cũng yếu. Dương khí mạnh sẽ sinh bệnh về nhiệt, âm khí mạnh sẽ sinh chứng bệnh về hàn, hàn đến cực điểm sẽ sinh bệnh về nội nhiệt, nhiệt đến cực điểm cũng sinh chứng nội hàn.
Âm dương ngũ hành (Ảnh: phongthuy)
Ẩm thực là hoạt động không thể thiếu để duy trì sự sống cho con người, vì vậy chế độ ăn uống cũng phải tuân theo nguyên lý “âm dương ngũ hành”.Do đó, văn hóa ẩm thực của Trung Quốc không chỉ đơn giản là chia thành năm hương vị, còn gọi là “ngũ vị”, mà còn phân chia các loại thực phẩm, rau , thịt, củ, quả thành “ ngũ cốc”; “ ngũ nhục”; “ngũ thái”; “ngũ quả”. “Ngũ khí” thuộc dương gồm có các mùi như mùi khai, mùi khét, mùi thơm, mùi tanh, mùi thối; “ngũ vị” thuộc âm gồm các vị như ngọt, chua, cay, đắng, mặn.
Thuốc và thực phẩm cùng có nguồn gốc từ “ngũ khí” và “ngũ vị”, hàng ngày con người hấp thụ “ngũ vị” chính là để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của mình, nhưng cũng đồng thời là để dung hòa sự cân bằng âm dương,thuận theo triết lý “âm dương ngũ hành”, mục đích là để cân bằng âm dương trong ngũ tạng của cơ thể con người.
Chính vì thế, trong cuộc sống hàng ngày, người Trung Quốc luôn tuân theo nguyên lý “âm dương ngũ hành” trong việc phân chia thực phẩm thành hai loại là âm và dương để định vị chức năng sử dụng của thực phẩm.
Chứng bệnh thuộc về “âm” như “thiếu máu” cần phải dùng thực phẩm thuộc “dương” để bổ sung. Những thực phẩm loại này gồm có gan, trứng, đường nâu hoặc đỏ, táo tàu…có tác dụng tiêu hàn bổ khí. Chứng bệnh thuộc “dương” như huyết áp cao, viêm nhiễm, cần bổ sung thực phẩm có tính “âm” như dưa hấu, đậu xanh, hạt sen, dưa chuột… các loại thực phẩm này có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, hạ hỏa.
Tất cả các loại nguyên liệu thực phẩm có chức năng điều hòa sự cân bằng âm dương trong cơ thể được chia thành “nhiệt, ôn, lương, hàn”, nhiều loại thảo dược Trung Quốc cũng được xếp vào bốn loại thuộc tính như chức năng của các loại thực phẩm này.
Trong cuộc sống hàng ngày, người Trung Quốc luôn tuân theo nguyên lý “âm dương ngũ hành” trong việc phân chia thực phẩm (ảnh: elle.vn)
Chế độ ăn uống cần dựa trên tình trạng sức khỏe “hàn giả nhiệt chi”, “nhiệt giả hàn chi”, “hư tắc bổ chi”, “thực tắc tả chi”.
Ví dụ, da vàng nhợt nhạt phản ánh có bệnh về lá lách và dạ dày (chứng hư và hàn), nên ăn các loại thực phẩm có tính “ôn và nhiệt” như gừng, sả; mặt đỏ miệng khô nóng là chứng “thượng hỏa” (bốc hỏa, nóng) cần ăn thực phẩm có tính “hàn” như dưa hấu để giải nhiệt, ngược lại, nếu ăn những thực phẩm có tính “nóng” như ớt thì sẽ làm cho bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.
Những nguyên tắc về chế độ ăn uống này, có thể được tạm hiểu là “âm suy” cần bổ sung những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, nhiều chất dinh dưỡng và có tính “dương”; “dương thịnh” hay còn được gọi là chứng “bốc hỏa” cần phải ăn một số loại thực phẩm có hàm lượng calo thấp, chất xơ và có tính “âm”.
Lý Thời Trân cũng đưa ra một số loại thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh gan, bệnh tim, lá lách, bệnh phổi, bệnh thận, trong đó ông đã vận dụng tư tưởng nguyên lý âm dương ngũ hành để nói rõ những ảnh hưởng và tác dụng của các loại thực phẩm đối với cơ thể con người.
Không chỉ có Lý Thời Trân, các thầy thuốc đông y, những nhà dưỡng sinh học, y dược học trong lịch sử y học Trung Hoa đều căn cứ vào triết lý âm dương ngũ hành để giải thích quan điểm chữa bệnh của mình.
Lý Thời Trân (Ảnh: pinterest.com)
Nguyên lý ‘’thiên nhân hợp nhất’’ thể hiện qua nghệ thuật ẩm thực
Văn hóa truyền thống Trung Quốc cho rằng con người và thiên nhiên là một tổng thể hợp nhất, con người muốn sinh tồn và phát triển thì phải dung hòa được mối quan hệ này, vì vậy mới có câu “Thiên nhân hợp nhất” ” và “dân dĩ thực vi thiên”.
Người xưa đặt con người trong môi trường tự nhiên để tìm hiểu về cuộc sống, yêu cầu con người phải dung hòa với thiên nhiên, con người và thiên nhiên phải là một thể thống nhất. “Hoàng Đế nội kinh” đã nói rõ: “Nhân dĩ thiên địa chi khí sinh, tứ thời chi pháp thành”. Lão Tử cũng nói “Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên”. Vì vậy, chế độ ăn uống của con người cũng phải hòa hợp với thiên nhiên, tuân theo nguyên lý “thiên nhân hợp nhất”.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; căn cứ vào thời khắc ngày và đêm, sáng, trưa, chiều, tối sẽ có những món ăn khác nhau, thậm chí cả phương thức nấu nướng cũng phải dựa theo các yếu tố về thời tiết khí hậu để chọn lựa những loại thực phẩm có tính chất và công dụng khác nhau.
Khổng Tử nói “Bất thực bất thời” hàm chứa hai ý nghĩa: thứ nhất là ăn uống phải tuân theo thời tiết, thứ hai là không ăn những thực phẩm trái mùa.
Khổng Tử nói “Bất thực bất thời”. (Ảnh: pinterest.com)
Tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” là dấu hiệu thăng hoa trong nghệ thuật ẩm thực Trung Quốc, chỉ ra rằng ăn uống không chỉ đơn giản có chức năng giảm đói hoặc duy trì sự sống, mà còn có chức năng phù hợp với sự chuyển động tuần hoàn của cuộc sống tự nhiên trong vũ trụ.
Nguyên lý “thiên nhân hợp nhất” trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc cổ đại có tính khoa học nhất định. Chúng ta biết rằng “Các chất dinh dưỡng cơ bản để duy trì sự sống của con người gồm bảy loại chính là protein,chất béo, carbohydrate (đường), khoáng chất (muối vô cơ), vitamin, xenlulo,nước và điện giải. Những chất này (thường được gọi là các chất dinh dưỡng) đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, chủ yếu có trong các loại thực phẩm mà con người sử dụng hàng ngày.
Các chất dinh dưỡng mà con người hấp thu thông qua ẩm thực, sẽ qua quá trình vật lý, hóa học và sinh học mà tác động lên cơ thể con người, có tác dụng bồi bổ chất dinh dưỡng, duy trì và bảo vệ sức khỏe”.
Vì thế có thể nói một cách khoa học rằng, tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” không chỉ phản ánh ý nghĩa nội hàm triết học trong ẩm thực Trung Quốc, mà còn có tính khoa học.
Nguyên lý “Thiên nhân hợp nhất” (Ảnh: pinterest.com)
Nguyên lý “trung hòa vi mỹ” trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa
“Trung hòa vi mỹ” là nguyên lý có giá trị cao nhất trong nghệ thuật ẩm thực truyền thống Trung Hoa. “Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã, hòa dã giả, thiên hạ chi đạt giả dã. Chí trung hòa, thiên hạ vị yên, vạn vật dục yên”.
Vậy “trung” là gì? Không thể chỉ đơn giản là hiểu theo nghĩa “trung gian” mà phải được hiểu theo nghĩa “vừa vặn”; “mức độ phù hợp”; “không thiếu không thừa”. “Hòa” cũng là một khái niệm trong nghệ thuật nấu nướng.
“Tả truyện- Thiệu công nhị thập niên” đã mượn chữ “Hòa” trong tư tưởng triết học để giải thích rất rõ ràng về nghệ thuật ẩm thực Trung Quốc: “Hòa như canh yên, thủy, hỏa, hê, hải, diêm, mai, dĩ phanh ngư nhục. Chước chi dĩ tân, tể phu hòa chi, tề chi dĩ vị, tế kỳ bất cập, dĩ tả kỳ quá, quân tử thực chi, dĩ bình kỳ tâm. Quân thần diệc nhiên….nhược dĩ thủy tế thủy, thùy năng thực chi? Nhược tì bà chi chuyên nhất, thùy năng thính chi? Nhân chi bất khả dã như thị” (Ví như nấu món canh, phải điều chỉnh nước, lửa, dấm, muối, vị mặn, vị chua cho điều hòa vừa vặn, con người ăn vào sẽ rất tốt, làm quân bình cơ thể. Trong mối quan hệ vua tôi cũng giống như vậy).
Yến Anh thời Xuân Thu đã từng giải thích theo tư tưởng triết học một cách sâu sắc về ý nghĩa của chữ “hòa” trong nghệ thuật ẩm thực, đó là không nồng quá cũng không nhạt quá, không mặn quá cũng không chua quá, không đơn giản cũng không phức tạp quá mà tất cả đều vừa phải, cân bằng, hài hòa và thống nhất với nhau.
Yến Anh (Ảnh: Wikipedia)
Những người quen thuộc với việc nấu nướng đều biết, điểm đặc biệt nhất của người đầu bếp xuất sắc là ở chỗ họ biết cách sử dụng nhiều loại nguyên liệu, gia vị, có nhiều phương pháp nấu ăn khác nhau và tiến hành các bước một cách tinh tế thể hiện trong cùng một món ăn, từ đó tạo ra những món ăn với khẩu vị đặc biệt khác nhau.
Cần lưu ý rằng “hòa” các loại thực phẩm và gia vị với nhau nhưng không có nghĩa là “tạp”, mà là “tập hợp các hương vị lại với nhau và lấy ra cái chung nhất, tinh túy nhất”, do đó tạo ra một món có hương vị mới thể hiện nghệ thuật nấu nướng tuyệt vời.
Sự “trung hòa” ngoài việc giúp cho món ăn có vị ngon đặc biệt ra, còn có vai trò quan trọng trong điều tiết chức năng và chăm sóc sức khỏe con người.
Lý luận y học Trung Hoa cho rằng vị cay có tác dụng điều trị cảm lạnh, đau nhức gân cốt, bệnh về thận; vị ngọt (mật ong, táo tàu) có tác dụng bổ ích, cải thiện tâm trạng, giúp cho người bệnh suy nhược phục hồi sức khỏe nhanh chóng hơn; vị chua, giải khát, phòng ngừa cảm lạnh, dùng dấm chua luộc trứng gà cho người bệnh ăn có thể trị được bệnh ho là phương thuốc bí truyền trong dân gian và đã được y học hiện đại chứng minh rằng kết quả rất tốt; vị đắng có tác dụng giải nhiệt, tăng cường thị lực, giải độc.
“Trung hòa chi mỹ” (cái đẹp của sự trung hòa) của ngũ vị là điều kiện quan trọng để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Mặc dù trong thực tế có một số người thích ăn quá mặn, quá chua, quá cay nhưng nếu ăn với chế độ như vậy trong thời gian dài sẽ có hại cho sức khỏe, điều đó càng chứng minh rằng triết lý “trung hòa chi mỹ” trong văn hóa ẩm thực truyền thống Trung Quốc là đúng đắn.
Tư tưởng triết học “trung hòa vi mỹ” nhấn mạnh rằng vạn vật trong tự nhiên đều tuân theo trạng thái “trung hòa” mà tìm được vị trí phù hợp của mình để sinh sôi phát triển.
Nguyên lý “dĩ thực liệu bệnh” trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc
‘‘Dĩ thực liệu bệnh” còn gọi là “thực trị”, có nghĩa là lợi dụng những chức năng đặc thù của thực phẩm đối với cơ thể con người để đưa ra phương pháp phòng bệnh hoặc chữa bệnh phù hợp.
Chúng ta biết rằng thực phẩm chính là nguồn dinh dưỡng cần thiết giúp cho cơ thể mạnh khỏe và phát triển toàn diện. Nói cách khác, thực phẩm có vai trò cung cấp dinh dưỡng quan trọng nhất.
Trong thực tế, từ xa xưa người Trung Quốc đã nhận thức được rằng thực phẩm không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng mà còn có tác dụng phòng chữa bệnh rất hiệu quả.
Tư tưởng “dĩ thực liệu bệnh” là một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực truyền thống Trung Hoa, là “quốc hồn quốc túy Trung Hoa”. Thời Xuân thu Chiến quốc, quyển “Hoàng đế nội kinh”- là bộ sách trung y đầu tiên đã tổng kết toàn bộ những tri thức về y học cổ truyền, được coi là kinh điển y học – đã ghi chép một cách vô cùng khoa học rằng “ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung” mà gạo, trái cây và rau là những thức ăn có nguồn gốc thực vật.
Danh y Biển Thước (Ảnh: .pinterest.com)
Danh y đương thời Biển Thước cho rằng “Quân tử hữu bệnh, kỳ tiên thực dĩ liệu chi, thực liệu bất dũ, nhiên hậu dụng dược” (Người có bệnh, trước tiên cần phải lấy thức ăn để chữa trị, nếu điều trị bằng thức ăn mà không khỏi, sau đó mới dùng thuốc để điều trị).
Danh y đời Đông Hán Trương Trọng Cảnh cũng đã từng nói: “Nhân thể bình hòa, duy tu hảo tương dưỡng, vật vọng phục dược, dược thế thiên hữu sở trợ, lệnh nhân tạng khí bất bình, dị thụ ngoại hoạn”( Cơ thể con người đã được cân bằng, chỉ cần nghỉ ngơi thoải mái, không cần dùng thuốc, thuốc tất nhiên là có tác dụng rất mạnh, khiến cho các cơ quan bộ phận trong cơ thể mất cân bằng, từ đó dễ dàng bị nhiễm bệnh).
Triều đại Tùy Đường xuất hiện rất nhiều những triết lý chuyên đề về tư tưởng triết học “dĩ thực liệu bệnh”, chẳng hạn như Tôn Tư Mạo với “ Thiên kim yếu phương” nói về “Thực trị”, ông chủ trương “Vi y giả, đương hiểu bệnh nguyên, tri kỳ sở phạm, dĩ thực trị trị chi, thực liệu bất dũ, nhiên hậu dụng dược” (Người có bệnh, trước tiên cần phải biết được nguồn gốc của bệnh, lấy thức ăn để chữa trị, nếu điều trị bằng thức ăn mà không khỏi, sau đó mới dùng thuốc để điều trị), điều này phản ánh quy tắc điều trị thuốc không tốt bằng thực phẩm.
Ảnh: .pinterest.com
Có thể thấy, tư tưởng triết học “dĩ thực liệu bệnh”là quan điểm truyền thống trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc. Thần Nông nếm thử một trăm loại thảo mộc để tìm ra thuốc, thực chất là để tìm dược liệu trong thực phẩm. Trong tài liệu y học cổ đại Trung Quốc, nhiều loại thuốc cũng đồng thời là thực phẩm.
Tìm hiểu về nghệ thuật ẩm thực của người Trung Hoa cổ xưa, dường như là cả một kho tàng kiến thức ẩn sâu bên trong công việc tưởng chừng rất bình dị và thường nhật này. Điều đó minh chứng cho sự thâm sâu trong cảnh giới tư tưởng của người Trung Hoa xưa.
Có thể nói rằng Trung Hoa cổ xưa luôn chứa đựng hàm ý trong mọi việc, điều đó làm nên một nền văn minh chứa đầy sự thần bí và huyền kì mà trải qua hàng năm lịch sự, nó vẫn không ngừng là chủ đề khám phá của con người hiện đại.
Tịnh Tâm