Tango trên khu phố San Telmo. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nói đến điệu nhảy Argentino Tango thì chúng ta cũng cần biết thoáng qua một chút lịch sử của đất nước Argentina. Đây là quốc gia mới dành được độc lập vào giữa thế kỷ 19 từ đế quốc Spain.
Trong thời gian đô hộ Argentina, Spain và Portugal đã cho “nhập cảng” nhân công nô lệ từ Châu Phi sang để làm trong các đồn điền, nhằm để thu lợi nhiều hơn trong các vùng thuộc địa. Những người nô lệ da đen ngày xưa ấy đã từng phải sống trong những khu tăm tối chật chội, có lẽ còn tệ hơn những khu ổ chuột ngày nay.
Cuối thế kỷ 18, người nô lệ da đen gọi Tango là nơi họp mặt để chơi âm nhạc và nhảy múa theo giai điệu Candombe để quên đi những nhọc nhằn khổ cực hằng ngày của họ. (Tango là ngôn ngữ nguyên thủy của Phi Châu với ý nghĩa là nơi gặp gỡ thân thiết). Mãi cho đến cuối thế kỷ 19, khi những di dân từ Italy bắt đầu nhập cảnh vào Buenos Aires thì mọi sự thay đổi.
Các điệu nhảy Argentino Tango chuyên nghiệp. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Người Ý rất thích hát hò và họ biết chơi nhiều loại nhạc khí khác nhau. Họ đã dùng giai điệu Candombe phối hợp với một số các giai điệu khác và dần dần thay đổi biến giai điệu này thành giai điệu Tango!
Đến Buenos Aires bạn sẽ phải đến thăm khu phố nghèo La Boca, một khu phố cảng ngày xưa của Buenos Aires nơi đón nhận di dân đến từ Âu Châu. Ngày nay khu phố La Boca tuy vẫn nghèo, nhưng người dân ở đây đã có sáng kiến là sơn phết lại tất cả các dãy nhà nghèo thành các ngôi nhà màu sắc rực rỡ và tạo dựng thành một khu phố du lịch nổi tiếng.
Nổi tiếng nhất là con phố Caminito, phố của Tango vỉa hè, phố của các quán café bên đường, phố của các hàng quán bán đồ lưu niệm. Bạn có thể vừa ngồi thưởng thức hương vị café expresso, vừa xem các nghệ nhân biểu diễn Tango. Bạn cũng có thể mời nghệ nhân chỉ dẫn một vài thế tango của Argentina cho bạn. Nhưng xin nhắc nhỏ bạn một chút, bạn nên “xin phép” người bạn đời trước khi tập nhảy Argentino Tango với các phụ nữ Argentina “nóng bỏng” vì điệu nhảy này rất “lả lơi” khêu gợi.
Khởi đầu vũ điệu Tango là điệu nhảy của giới mày râu, vì thế đôi khi du khách vẫn bắt gặp trên đường phố Buenos Aires hình ảnh hai người đàn ông nhảy Tango với nhau, bước nhảy của họ xem ra cũng rất lả lướt. Khi nhảy, hai vầng trán của họ luôn chạm vào nhau và những bước chân lả lướt xoay vần trên mặt đất làm say mê người xem.
Trải qua một thời gian dài, vũ điệu Tango được giới giang hồ nghèo tiếp nhận như là một cách giải trí cho họ. Những cô gái giang hồ, những ngưòi của các xóm nghèo đã “nhảy” vào đời sống Tango, họ đã gửi đời sống của họ vào điệu Tango bằng những bước chân lả lơi khêu gợi. Có lẽ vũ điệu Tango xuất phát từ đó và tự nó cũng đem theo những nỗi buồn thân phận của những cô gái giang hồ qua những nét gợi tình lả lơi.
Vũ điệu Argentino Tango của phái nam. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tình yêu thể hiện trong vũ điệu Tango thời đó thường là cô đơn, buồn và cuối cùng kết thúc là sự phản bội. Cứ xem một buổi trình diễn Tango cổ điển thì người xem sẽ nhận thấy được điều này (nếu xem một buổi trình diễn Tango theo kiểu concert, người ta chỉ xem nghệ thuật nhảy nhưng sẽ khó hiểu ý nghĩa đích thực của tango).
Vũ điệu tango ra đời, nhưng nó không được phổ biến vì biết bao nhiêu thành kiến của xã hội lúc đó, giới quý tộc, giới giàu sang, giới chính trị đã không đếm xỉa gì đến vũ điệu Tango. Họ cho đó là những vũ điệu dành cho các người nghèo thấp hèn trong xã hội. Vì thế điệu nhảy Tango cũng chỉ phát triển quanh vùng thủ đô Buenos Aires vào thời đó mà thôi.
Tuy nhiên, từ những năm 1914 trở đi, giai điệu Tango và vũ điệu Tango dần dần được mọi ngươì biết đến và ảnh hưởng đến các xứ Âu Châu như Ý, Anh, Đức, Pháp. Đó cũng là nhờ công lao của những nhà nghệ sĩ Argentina gốc Ý đã vun xới và giới thiệu Tango đến thế giới ngày nay.
Ca sĩ Carlos Gardel vào thập niên 1925-1935 với mái tóc mượt mà bóng láng đã tạo ra một phong cách riêng biệt cho Argentino Tango. Paris kinh đô ánh sáng của Âu Châu là thành phố đầu tiên đã cho vũ điệu Tango cơ hội phát triển đi khắp mọi nơi. Giới thượng lưu bắt đầu xem Tango như là một nghệ thuật khiêu vũ, không còn thành kiến với hai chữ Tango. Cuốn phim “The last Tango in Paris” cũng được trình chiếu khắp nơi.
Năm 1985, sự thành công của show Tango Argentino tại Broadway đã khởi đầu cho phong trào Tango fashion tại Hoa Kỳ. Ngày nay, vũ điệu Tango không chỉ riêng tại Argentina, mà đã lan truyền khắp mọi nơi trên thế giới từ Âu sang Á, từ Bắc bán cầu xuống Nam bán cầu. Mỗi nơi tự tạo cho điệu Tango của mình một phong cách riêng như Parisians Tango, Argentino Tango.
Tango trên phố Caminito La Boca. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Lối nhảy Argentino Tango tuy trông thật lả lướt và lơi lả, nhưng đòi hỏi người nhảy phải có sức khỏe vì bước chân hai người nhảy luôn luôn nhịp nhàng với nhau. Khi nhảy hai vòng chân nam nữ như ôm xoắn lấy nhau, ánh mắt thật lẳng lơ khêu gợi của người nữ, cái nhìn lạnh lùng tàn nhẫn của người nam.
Những thế đứng hay duỗi chân khêu gợi kèm theo âm thanh giai điệu tango đã tạo cho Argentino Tango một phong cách thật độc đáo và riêng biệt. Chính điều này làm cho người xem trình diễn vũ điệu Argentino Tango không quên được Buenos Aires.
Riêng tại Argentina, ngày 11 Tháng Mười Hai là ngày sinh nhật của ca sĩ Carlos Gardel, người được xem là biểu tượng Tango của Argentina, cũng đã được chọn là ngày Lễ Tango của Quốc Gia (National Day of Tango).
Tango là một nhịp điệu khiêu vũ cùng bước nhịp nhàng với nhau, không giống như nhịp điệu của Trịnh Công Sơn “Tôi đi bằng nhịp điệu 1, 2, 3, 4, 5. Em đi bằng nhịp điệu 6, 7, 8, 9, 10.” Nhảy Argentino Tango mà không đúng nhịp với nhau thì dễ đi nhà thương lắm, vì đôi chân của mình có rất nhiều nơi dễ bị đối tượng “đá nhầm.”
Nếu bạn đã đặt chân đến Argentina mà bạn chưa thưởng thức vũ điệu Argentino Tango, thì bạn sẽ tiếc hùi hụi khi rời Buenos Aires.
Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel