Theo ghi chép trong Hậu Hán thư – Đào Khiêm 后汉书 - 陶谦传 truyện, thời Đông Hán đã có “Lễ tắm Phật”. Tông Lẫm 宗懔 nhà Lương thời Nam Triều trong Kinh Sở tuế thời kí 荆楚岁时记 cũng có nói, các chùa vùng Kinh Sở vào ngày mồng 8 tháng 4 đều dùng nước thơm để tắm Phật, đồng thời tổ chức Hội Long Hoa 龙华华. Theo cách nói trong Di Lặc hạ sinh kinh 弥勒下生经, khi Di Lặc Phật sinh ra, ngồi dưới gốc cây Long Hoa 龙华 đắc đạo, cây nầy có hình dạng giống như một con rồng, cho nên nghi thức tế tự khi tắm Phật gọi là “Long Hoa hội” 龙华会. Còn như Lễ tắm Phật rốt cuộc là tắm cho Như Lai Phật hay là Di Lặc Phật, cách nói vẫn chưa thống nhất. Chu Mật 周密đời Tống trong Vũ Lâm cựu sự 武林旧事 có ghi chép tường tận tình huống Lễ tắm Phật ở Hàng Châu 杭州 thời Nam Tống:
Mồng 8 tháng 4 là ngày Đức Phật sinh ra, các tự viện đều tổ chức hội tắm Phật. Các tăng ni dùng chậu nhỏ đặt tượng đồng bên trong, ngâm với nước đường, bên trên che rạp hoa, đánh chũm choẹ nghinh đón, đi khắp các các phủ đệ cùng nhà giàu có, họ dùng một chiếc gáo nhỏ múc nước rưới lên để cầu phúc lợi, ngày đó ở Tây hồ có hội phóng sinh, thuyền bè tấp nập như ngày xuân, các thuyền nhỏ tranh mua rùa cá ốc trai phóng sinh.
Mạnh Nguyên Lão 孟元老 trong Đông Kinh mộng hoa lục 东京梦华录có chép:
- Ngày mồng 8 tháng 4 là ngày Đức Phật sinh ra. Mười thiền viện lớn, đều có tổ chức Lễ tắm Phật. Nấu nước đường pha hương liệu tặng nhau gọi là “Dục Phật thuỷ” 浴佛水 (nước tắm Phật)
- Tắm Phật xong, người xem cầu xin nước tắm Phật đó để súc miệng, để uống.
(Kim Doanh Chi 金盈之 “Tuý Ông đàm lục” 醉翁谈录)
Cung đình đời Minh không tắm Phật, trong dân gian:
Tục truyền ngày mồng 8 tháng 4 Nương Nương thần giáng sinh, phụ nữ khó sinh con thường cầu xin con vào ngày này, phụ nữ già trẻ lớn bé đều dạo chơi, mỗi người mang theo rượu, trái cây, âm nhạc, ngồi lẫn lộn hai bên bờ sông, trang điểm xanh hồng, thiên hình vạn trạng. Đến chiều tối mới thôi.
(Thẩm Bảng 沈榜 “Uyển thự tạp kí” 宛署杂记)
Đời Thanh do bởi quý tộc người Mãn thống trị coi trọng Phật giáo, hằng năm vào ngày mồng 8 tháng 4 không chỉ có tắm Phật, tế tự, mà còn cấm sát sinh. Tự viện rải đậu kết duyên, trong tập tục ăn uống có làm “ô phạn” 乌饭 tặng nhau. Theo Phan Vinh Bệ 潘荣陛 trong Đế Kinh tuế thời kỉ thắng 帝京岁时纪胜 có nói:
Tháng 4, “mồng 8 là hội tắm Phật, đường phố tự viện dựng lều, bày ra trà nước muối đậu, lấy vải vàng làm cờ treo, viết chữ “phổ kết lương duyên” 普结良缘. Cấm sát hại súc vật, người kinh thành đa phần đến chùa Mẫn Trung 悯忠, làm cơm chay cho các tăng, giảng kinh nơi giảng đường, người nghe rất đồng.
Phú Sát Đôn Sùng 富察敦崇 trong Yên Kinh tuế thời kí 燕京岁时记cũng có chép:
Ngày mồng 8 tháng 4, người ham làm việc thiện ở kinh thành lấy ra mấy thăng đậu xanh đậu nành, khi nhặt đậu niệm danh hiệu Phật, nhặt hết đem nấu chín rồi phân phát cho mọi người, gọi đó là “xả duyên đậu” 舍缘豆, mong được đời sau kết nhân duyên.
Trong Thanh bại loại sao 清稗类钞 thuật rằng, trong hoàng cung triều Thanh, hôm Lễ tắm Phật có tập tục “ngật duyên đậu” 吃缘豆 (ăn duyên đậu):
Mồng 8 tháng 4 là Lễ tắm Phật, trong cung nấu đậu xanh, ban cho cung nữ nội giám cùng đại thần nội đình, gọi đó là “ngật duyên đậu”, cho rằng người có duyên mới ăn được nó. Khoảng thời Quang Tự 光绪, quyến thuộc các sứ trú tại kinh thành định ngày mồng 9 tháng 4 yết kiến Hiếu Khâm Hậu 孝钦后tại cung Ninh Thọ 宁寿. Ngoại bộ Thị lang Liên Phương 联芳được phái làm phiên dịch, trước đó một ngày vào cung, xem xét cách trang trí có hợp với nghi lễ không. Hôm Lễ tắm Phật, Hiếu Khâm (tức Từ Hi Thái Hậu 慈禧太后) cùng các cung nữ đang chơi trò “đầu quỳnh” 投琼 (ném xúc xắc), ăn duyên đậu. Liên Phương đi rảo ngoài cung, cúi đầu bước nhanh. Hiếu Khâm từ xa trông thấy, lớn tiếng gọi tên. Liên Phương đi vào, được ban cho một dĩa nhỏ đậu, Liên Phương xuống thềm quỳ ăn, khấu đầu tạ ơn rồi lui.
Lễ tắm Phật ở khu vực phương nam, vào đời Thanh còn có phong tục làm “ô phạn” tặng cho nhau. Ô phạn còn được gọi là “thanh tinh phạn” 青精饭, dùng nước của lá cây đồng 桐chưng với cơm, khiến cho sắc của cơm đen mà bóng. Mỗi khi vào lễ này, nhiều nhà làm ô phạn để tặng cho nhau, ở chùa càng thịnh hành hơn nữa.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
DỤC PHẬT TIẾT
浴佛节
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Cách làm "Ô Phạn 乌饭" ở Đài Loan