Trẻ em Ấn Độ phân loại mica - Ảnh: Thomson Reuters
Mica là khoáng sản được sử dụng nhiều trong ngành chế biến sơn xe và mỹ phẩm. Do đặc tính phản xạ ánh sáng, mica là thành phần dễ tìm thấy trong các loại mỹ phẩm có độ lấp lánh như các loại phấn mắt có nhũ.
Mica là thành phần thường thấy trong các loại mỹ phẩm có nhũ - Ảnh: Reuters
Hãng tin Reuters vừa công bố điều tra về tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong ngành công nghiệp khai thác mica ở Ấn Độ. Nó cũng tàn nhẫn đến mức các nhà điều tra phải dùng cụm từ "mica máu" như kiểu "kim cương máu" từng bị thế giới lên án.
Người Anh phát hiện mica ở bang Jharkhand từ từ cuối thế kỷ 19, và từ đó ngành khai thác mica phát triển rầm rộ với hơn 700 khu mỏ và hơn 20.000 công nhân.
Đến năm 1980, khi chính quyền New Delhi ban hành luật hạn chế phá rừng và con người cũng tìm ra được nhiều vật liệu thay thế cho mica, thì hầu hết các khu mỏ ở Ấn phải đóng cửa.
Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng trăm khu mỏ lại hoạt động trái phép trở lại do cơn sốt ưa chuộng các loại mỹ phẩm có thành phần tự nhiên bùng nổ, tạo nên thị trường chợ đen béo bở cho các con buôn.
Giới chuyên gia ước tính khoảng 70% sản lượng mica ở Ấn Độ hiện nay là từ khai thác mỏ trái phép trong rừng và các khu mỏ bỏ hoang.
Những cái chết lặng lẽ
Luật Ấn Độ cấm trẻ em dưới 18 tuổi làm việc tại các khu mỏ và các ngành công nghiệp độc hại, nhưng nhiều gia đình nghèo vẫn phải đẩy con trẻ đi làm việc sớm để có thêm thu nhập.
Ba tháng tiến hành điều tra tại các địa phương sản xuất mica lớn ở Ấn Độ như Bihar, Jharkhand, Rajasthan và Andhra Pradesh, các nhà báo ghi nhận bảy trường hợp trẻ em tử vong trong vòng 2 tháng. Những nơi này sử dụng rất nhiều lao động trẻ em, thậm chí là chỉ từ 5 tuổi.
Tại ngôi làng nghèo Chandwara ở bang Bihar phía đông Ấn Độ, ông Vasdev Rai Pratap đau khổ vạch trần sự thật xấu xí đằng sau việc khai thác mỏ trái phép ở Ấn Độ. Madan, người con trai 16 tuổi của ông, vừa thiệt mạng trong một mỏ mica cùng hai công nhân khác ở bang Jharkhand hôm 23-6 vừa qua.
Ông Pratap nói trong nghẹn ngào: “Họ nói là mất gần một ngày để đào xác thằng nhỏ lên từ chỗ sập mỏ. Họ hỏa táng nó mà không hề báo cho tôi. Tôi thậm chí còn không được nhìn mặt con mình lần cuối”.
Tuy nhiên, ông Pratap, cũng như nhiều gia đình khác đều không trình báo về những cái chết đó. Thay vào đó, gia đình nạn nhân chấp nhận một khoản tiền đền bù, còn hơn là sự việc bị phanh phui để rồi các khu mỏ bị dẹp, tuyệt luôn đường thu nhập của người dân tại những khu vực nghèo nhất Ấn Độ này.
Ông Pratap nói chủ khu mỏ hứa sẽ đền bù 100.000 rupee (khoảng 33 triệu VNĐ) nhưng ông vẫn chưa nhận được.
Số ca tử vong trên là kết quả điều tra của Reuters và tổ chức bảo vệ trẻ em Bachpan Bachao Andolan (BBA). Nhóm này cũng ghi nhận hơn 20 ca tử vong liên quan đến mica trong tháng 6 - trong đó có Madan và hai trẻ em khác.
Nhân viên BBA cho rằng cái chết của Madan và sáu đứa trẻ khác trong 2 tháng qua là chỉ là đỉnh của tảng băng trôi, vì ước tính chỉ khoảng không tới 10% các ca tử vong tại mỏ mica được trình báo với cảnh sát.
“Thường thì trung bình mỗi tháng có khoảng 10 ca tử vong, nhưng chỉ trong tháng 6, chúng tôi ghi nhân tới 20 ca”, ông Raj Bhushan, điều phối viên BBA ở Jharkhand, cho biết.
Bé gái làm việc tại một mỏ mica ở Ấn Độ - Ảnh: Reuters
Biết hiểm nguy, nhưng...
Tổ chức phi lợi nhuận SOMO của Hà Lan cũng ước tính có khoảng 20.000 trẻ em liên quan đến ngành khai thác mica ở Jharkhand và Bihar.
Theo Reuters, hình ảnh những đứa trẻ từ 6 tuổi ngồi xổm dùng đôi tay trần cọ rửa những phiến đá lấp lánh có mica là cảnh thường thấy ở Jharkhand.
Ở quận Giridih, bà Basanti ngồi sàng đất để lọc lại những miếng mica trong khi Sandeep, cậu con trai 10 tuổi vác cuốc đi đào hố bên sườn đồi. Mẹ cậu bé cho biết Sandeep đã làm việc ở khu mỏ từ hồi 7 tuổi và gia đình có thêm được được khoảng 300 rupee (hơn 80.000VNĐ) mỗi ngày nhờ em.
“Tôi biết là nguy hiểm, tôi biết Sandeep không muốn làm nhưng biết sao bây giờ. Nếu thằng bé có thể đi học rồi thành đạt thì thật tốt, nhưng trước hết chúng tôi cần phải có cái ăn đã”, bà mẹ xót xa.
Sandeep, 10 tuổi, có 3 năm kinh nghiệm khai thác mica - Ảnh: Thomson Reuters
Trong khi đó ở Rajasthan, các bé trai từ 5 tuổi đã phải vác búa và đục trèo xuống những cái hố chật hẹp, đổ nát để cắt mica suốt 8 tiếng một ngày, còn các bé gái thì ngồi xổm trên chân trần để phân loại mica bằng tay không.
Họ phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp bao gồm chấn thương đầu, trầy xước, nhiễm trùng da và hô hấp như bệnh bụi phổi (silicosis), lao và hen suyễn, thậm chí tử vong... Thế nhưng những người lao động chân tay này lại chẳng biết gì về việc họ đang làm.
"Chúng tôi không biết mica là gì, người ta bán nó ở đâu, hay nó được sử dụng để làm gì. Những gì tôi biết là nếu tôi làm việc chăm chỉ, tôi sẽ có tiền", bà Sushila Devi, một bà mẹ 40 tuổi, cho biết. Bà Devi, có sáu đứa con ở quận Koderma, đã thu lượm mica để kiếm sống qua ngày trong suốt hơn chục năm qua.
Mỗi ngày Sushila Devi thu thập được khoảng 10 kg mica, kiếm được 80 rupee (khoảng hơn 22.000 VNĐ). “Họ trả cho tôi 8 rupee/kg, tôi không biết họ sẽ bán ra bao nhiêu”, bà Devi thật thà nói.
Theo các nhà hoạt động, mức chênh lệch là rất lớn. Mica được mua từ các thợ mỏ với giá tối đa là 25 rupee/kg, nhưng những tấm mica chất lượng hàng đầu được bán với giá lên đến 2.000 USD/kg (khoảng 44,8 triệu VNĐ).
Một câu bé phân loại mica - Ảnh: Thomson Reuters
Các nhà vận động quyền trẻ em cho biết nhà chức trách đã nhắm mắt lờ đi tình trạng lao động trẻ em trong nhiều năm qua, nhưng hy vọng tình trạng trẻ em tử vong tăng cao tại các mỏ mica những năm gần đây có thể khiến chính quyền New Delhi phải hành động.
NGỌC ĐÔNG