Văn hóa này đôi khi thể hiện ngay từ tên gọi của món ăn và đồ uống. Ví dụ như ở Trung Quốc có món thịt trâu Trương Phi. Đây là món thịt trâu hong gió, ngoài đen trong đỏ – bên ngoài thiết diện vô tư, bên trong lòng son trung nghĩa – thật giống như Trương Phi. Như vậy đây là món ăn vinh danh người anh hùng.
Tại Hàn Quốc thì ngược lại. Chuyện kể rằng Triều Tiên Đoan Tông Lý Hoằng Vỹ bị người chú của mình là Triều Tiên Thế Tổ Lý Nhu lật đổ, lưu đày và bức tử. Trọng thần Thân Thúc Chu rất nhanh chóng quy phục vị vua mới, khiến dân gian cho rằng ông bất trung bất nghĩa. Người ta nhận thấy giá đỗ là một loại thực phẩm không cất giữ được lâu, nên họ gọi nó là “rau Thúc Chu”, ý rằng nó thay đổi biến chất nhanh như ông Thúc Chu vậy. Vậy là tên món ăn lại dùng để chê cười người tội lỗi. Thực ra Triều Tiên Thế Tổ Lý Nhu và Thân Thúc Chu cũng là những người có công lớn sáng tạo ra bộ chữ cái Hàn Quốc, nên công tội của họ là không thể đánh giá hết trong vài câu được.
Nói chung trên thế giới có rất nhiều món ăn được đặt tên theo các nhân vật lịch sử, mà nếu tìm hiểu ra thì đều là một câu chuyện thú vị. Có thể kể đến trứng Benedict, sốt Caruso, củ cải muối Takuan, kẹo viên Mozart, kẹo lập phương Bach… và nền ẩm thực Trung Quốc thì đặc biệt nhiều những món ăn kiểu như vậy: cá Bao Công, thịt kho Tô Đông Pha, gà Công Bảo, canh Lý Hồng Chương, đậu hũ Ma bà, canh cá Tống tẩu, gà Tả Tông Đường…
Tên đồ ăn, thức uống đôi khi cũng gắn liền công dụng thú vị của nó. Nổi bật như “Toái Đồng Trà” – loại trà được ca tụng là “kỳ trà” của Trung Quốc.
Toái Đồng Trà mọc trên Quan Tinh Sơn thuộc Phúc Kiến. Sở dĩ loại trà này có tên như vậy vì nó có khả năng phân hủy kim loại rất nhanh. Tương truyền khi Trương Tam Phong vân du qua núi này, thấy một đứa nhỏ nuốt đồng xu vào bụng, đau đớn khóc lóc, ông đã nhai nát vài lá trà rồi đút cho đứa nhỏ, không lâu sau đồng xu vỡ nát và bị tống ra ngoài. Trà này cũng đặc biệt thơm ngon và giàu dưỡng chất. Trên Quan Tinh Sơn có rất nhiều hòa thượng các đời. Sách thời nhà Thanh ghi nhận kỷ lục có vị sống đến 150 tuổi, các vị đến 90 tuổi mà đi lại trên núi như thanh niên không hiếm.
Ngoài ra có những câu chuyện rất cảm động, ý nghĩa đằng sau tên gọi một món ăn. “Bún qua cầu” – đặc sản Vân Nam – là một món ăn như vậy. Chuyện xưa về một đôi vợ chồng trẻ kể rằng, người chồng vì muốn tu chí dùi mài kinh sử nên đã tìm đến một hòn đảo biệt lập tu tâm học tập. Hàng ngày người vợ phải mang cơm cho chồng, để đến được chỗ chồng nàng phải đi qua một cây cầu rất dài, cũng chính vì vậy nên khi đến nơi cơm canh đã nguội ngắt, khi ăn không còn ngon miệng nữa nên người chồng ngày một gầy đi. Người vợ nhìn thấy rất thương xót luôn tìm mọi cách nghĩ nhiều món ăn ngon nhưng đều không thành công.
(Ảnh qua Kknews.cc)
Trong một lần nhìn thấy đứa con nhỏ gắp thịt nhúng vào bát canh nóng, thịt trở nên mềm và ăn rất ngon, người vợ đã nảy ra ý tưởng cho từng nguyên liệu riêng lẻ như thịt, bún, rau, nấm, trứng… sau đó mang qua cho người chồng. Món sau cùng chính là bát nước dùng nóng hổi, người vợ cũng phát hiện ra rằng nước sẽ nóng lâu hơn nếu có một lớp váng mỡ ở bên trên. Món bún qua cầu cũng ra đời từ đó, được lan truyền rộng rãi mang theo ý nghĩa đậm tình vợ chồng sắt son.
Hay như một câu chuyện khác là món “三杯” (Sān Bēi – Tam Bôi). Tam Bôi hay Ba Chén là một kiểu nêm gia vị, một cách thức nấu ăn có nguồn gốc từ Giang Tây. Món ăn này có giai thoại như sau:
Văn Thiên Tường là nhà thơ đời Nam Tống, tác giả của hai câu thơ nổi tiếng : “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử – Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Xưa nay hỏi có ai không chết? – Hãy để lòng son chiếu sử xanh). Sau khi chống quân Nguyên Mông không thành, ông bị đày đi giam ở Giang Tây, rồi bị kết án tử.
Có một bà lão biết ngày mai ông bị hành hình, bèn nhờ cậy viên coi ngục là đồng hương cho vào tiễn đưa người anh hùng. Bà lão chỉ có con gà với vò rượu. Vào đến nơi thấy Văn Thiên Tường đã yếu lắm do tuyệt thực lâu ngày, bà lão bèn chặt nhỏ gà, rồi cho 3 chén rượu vào, ninh nhỏ lửa. Đó chính là bữa ăn cuối của người anh hùng.
Chuyện này truyền ra ngoài, có người đầu bếp cảm động, bèn thay 3 chén rượu bằng 3 chén khác: 1 chén rượu ngọt, 1 chén mỡ lợn, 1 chén tương. Từ ấy cứ đến ngày giỗ của Văn Thiên Tường là dân gian nấu món gà Tam Bôi để cúng. Ngoài ra thì lưỡi vịt và mực ống là hai loại thực phẩm cũng rất hợp khi được nấu Tam Bôi. Về sau này để món ăn đẹp mắt và cho vị độc đáo, người ta đã bổ sung thêm các nguyên liệu khác vào, nhưng ý nghĩa món ăn thì vẫn không thay đổi. Trên thế giới cũng có rất nhiều những món ăn dùng trong các dịp Lễ Thánh, hoặc để tưởng nhớ cổ nhân như món “gà tam bôi” vậy.
(Ảnh: Shutterstock)
Ví dụ món bánh vua (king cake) phổ biến ở châu Âu được dùng trong Lễ Hiển Linh, nhắc lại sự kiện ba vị vua hay ba nhà thông thái từ phương Đông theo một vì sao sáng đến đón Chúa Jesus ra đời. Hoặc bánh mì không men Matzo – một món ăn rất đạm bạc – là tâm điểm của ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái. Lễ Vượt Qua kỷ niệm sự kiện Thần linh giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của đế chế Ai Cập cổ. Người Do Thái ăn Matzo để nhắc nhở bản thân luôn khiêm nhường, kính Chúa, và không được quên những năm tháng khổ đau.
Như vậy, chúng ta thấy ẩm thực quả thật cũng là một mắt xích, một thước đo chiều sâu lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của địa phương và con người.
Lê Quang