“Bản sắc văn hóa” là từ khóa xuất hiện dày đặc trong các công trình văn hóa Việt Nam rồi đi vào cửa miệng của các quan văn hóa. Cái gì cũng nhân danh bản sắc nên mới để lại một thứ văn hóa hoặc rất hoang dã hoặc tạp pí lù cho đời sống tinh thần Việt Nam.
Bản sắc, từ tương đương tiếng Anh là Identity, nghĩa gốc là nhân thân, căn cước của một cá nhân hoặc một chủng tộc. Bản thân khái niệm này không có giới hạn bởi sự nhận dạng đặc điểm cá nhân và chủng tộc luôn rất tương đối. Có các lý do: 1) cá nhân và cộng đồng của nó luôn có sự tương tác, cá nhân thành hình mẫu của cộng đồng nếu là người uy tín hoặc đứng đầu, hoặc ngược lại, sức mạnh của cộng đồng gây áp lực dẫn đến đồng hóa các cá nhân, 2) các chủng tộc luôn bị lai tạp trong lịch sử hôn nhân ngoài huyết thống, kéo theo lai tạp văn hóa dẫn đến mất gốc. Cả hai lý do này tưởng là tiêu cực nhưng đều là động lực của tiến bộ và phát triển.
Việc các nhà nghiên cứu văn hóa, các quan văn hóa kêu gọi “tìm về bản sắc văn hóa dân tộc” hoặc là thiếu hiểu biết văn hóa, hoặc là bịp bợm, thậm chí phản động.
Một là, người ta lấy một lát cắt trong chuỗi vô hạn của lịch sử, xem ngàn năm phong kiến dưới sự thống trị của Nho, Phật, Lão, trong đó chủ yếu là Nho giáo, làm bản sắc. Các lễ nghi, phép tắc của Nho giáo được mang ra làm hình mẫu cho cái gọi là bản sắc và kêu gọi giữ gìn. Hậu quả là kẻ có quyền lực tìm cách duy trì thứ đẳng cấp tôn ti của một thứ nhà tù vô hình để thống trị. Trong gia đình thì đàn ông thống trị đàn bà, người lớn thống trị trẻ em.
Trong nhà trường thì thầy thống trị trò. Trong xã hội thì quan thành cha mẹ, thậm chí là ông cố nội của dân. Phật, Lão tưởng đối lập với Nho giáo, nhưng kết cục thành công cụ hỗ trợ cho Nho giáo, vì trong hai thứ tôn giáo ấy cũng dày đặc các phép tắc, nhưng nghiêm trọng hơn, ở những tôn giáo ngày một đồng bóng ấy đã thành thứ bùa mê thuốc lú ru ngủ con người trong thứ định mệnh mà quyền lực đã dàn dựng sẵn. Sự khuất phục quyền lực, cả thần quyền lẫn cường quyền, là đặc điểm của thứ “bản sắc” này.
Hai là, đẩy xa hơn về nguyên thủy, người ta lấy kinh nghiệm dân gian, các lễ hội, phong tục tập quán và huyền thoại xa xưa làm bản sắc. Kinh nghiệm dân gian là xưa bày nay làm, sống sao chết vậy, ở đó có vô số các hủ tục mê tín dị đoan, các thần tượng đồng bóng được mang ra không chỉ để bảo tồn mà còn hiện thực hóa thành các hoạt động văn hóa.
Hậu quả là người Việt văn minh không ra văn minh, hoang dã không ra hoang dã, đúng ra là lối sống hoang dã được nền văn minh thực dụng gia công làm cho nó không chỉ hoang dã mà còn man rợ hơn. Thật nực cười khi ông quan thời đại công nghiệp xuống ruộng đi sau đít con trâu để dạy dân cày như vua Nghiêu vua Thuấn thời nguyên thủy. Không tưởng tượng nổi sang thế kỷ 21 mà đa số người Việt vẫn duy trì cái bản sắc khom lưng cúi đầu sì sụp lạy các thần tượng đồng bóng, kể cả tôn vinh đến con heo, con chuột thành thần thánh.
Cõi âm rõ ràng phản chiếu cõi dương trong cái triết lý sống sao chết vậy. Tranh cướp ấn, lộc, đâm trâu, chém heo là bạo lực; các câu thần chú, kinh kệ được tụng niệm trước thần linh là lời nịnh hót và cổ vũ tham nhũng; cúng tế mâm cao cỗ đầy với đủ các hiện vật từ tiền giả tiền thật đến hình nhân gái gú là lo lót, biếu xén, hối lộ của tính cách thường ngày phản chiếu vào trong hoạt động đồng bóng. Dân gian là một thứ hỗn tạp của cuộc sống hoang dã, nổi bật là sự tranh cướp để sinh tồn.
Chung quy, bản sắc Việt là chính đạo/tà đạo bất phân. Tìm về bản sắc văn hóa rốt cuộc là đưa cả dân tộc hành hương về một cái đền thiêng mà ở đó yêu quái có sức mạnh chinh phục lớn hơn thần thánh đúng nghĩa. Trong nghĩa nghiêm ngặt, bản sắc là bản lĩnh, nhưng một dân tộc không có bản lĩnh thì chỉ có thể biến yêu quái thành thần tượng để tôn thờ.
Tội ác này thuộc các nhà nghiên cứu văn hóa và quản lý văn hóa. Không phủ nhận trong những gì thuộc về cội nguồn của một dân tộc có cái đẹp lẫn cái xấu. Nhưng trong các công trình văn hóa được truyền bá và mang ra giảng dạy cho con người, không thấy hoặc ít thấy người ta chỉ ra cái xấu của người Việt một cách nghiêm khắc. Tất cả những gì thuộc về bản sắc khi đưa vào sách vở đều được cho là tốt đẹp, và hậu quả là, dân tộc này như đứa trẻ con, tiếp thu cái xấu thì rất nhanh, trong khi cái đẹp thì chẳng mấy ai quan tâm.
Người làm văn hóa chỉ có tự hào và ngợi ca mà không biết phê phán chính là thủ phạm triệt tiêu khả năng phản tỉnh của một dân tộc. Đến lúc này cần nói thẳng rằng, không có khác biệt giữa các nền văn hóa mà chỉ có chênh lệch giữa các trình độ văn hóa, chênh lệch giữa chậm tiến và tiến bộ, giữa hoang dã-cổ hũ và văn minh-hiện đại.
Đã thế thì phải nhổ sạch gốc cái gọi là “bản sắc” may ra dân tộc này mới tiến bộ và phát triển văn minh!
Các người có tiền, có quyền đi giày da, mặc veston cavat, di chuyển bằng ô tô, máy bay, sao không cổ vũ dân học tập và tiếp thu văn minh của các dân tộc ưu tú mà lại kêu gọi dân “tìm về bản sắc” u mê? Điều đó khác nào dân nhà giàu thủ đô nghìn năm ôn vật hàng ngày vứt rác ra đường hoặc ném sang nhà người khác để giữ sạch cho nhà mình?
Chu Mộng Long