Tuesday, June 25, 2019

NGƯỜI VIỆT ĐÃ NÓI DỐI NHƯ THẾ NÀO?

Có người nói rằng, trong xã hội Việt Nam ngày nay, người ta “đồng lòng nói dối”…

Tất nhiên, có thể có người sẽ không đồng ý với quan điểm đó. Nhưng chúng ta hãy thử ngẫm xem, người Việt đã nói dối như thế nào?

(Ảnh minh họa)

Trẻ con được giáo dục nói dối nhờ…

Những câu nói kiểu như: “Ăn nhanh lên không là bị ông ba bị bắt đó”.

Những câu chuyện dân gian kiểu “Nói dối như cuội”, ác độc và gian trá.

Những quan niệm kiểu như “thông minh” là khôn lỏi, biết gian dối.

Những bài thủ công, những tờ bích báo “của phụ huynh”.

Những giờ giảng mẫu, những bài thi giáo viên dạy giỏi được dàn dựng.

Những bài tập làm văn kiểu như “tả con mèo mà nhà em không nuôi”.

Những sách giải bài tập, sách làm văn mẫu.

Những giờ kiểm tra “thả cho chép”.

Những màn coi cóp không bị phát hiện.

Những lần phụ huynh đi thầy, đi cô, hay thậm chí là đi hiệu trưởng.

Những kỳ thi tốt nghiệp “không sợ giám thị, chỉ sợ thanh tra sở đến”.

Sinh viên tiếp nhận nói dối nhờ…

Những giờ trốn học, điểm danh hộ.

Những bài tập lớn, đề thi cóp từ khóa trên.

Những lần học hộ, thi hộ.

Những đồ án thuê.

(Ảnh minh họa)

Những “nghiên cứu khoa học” vô thưởng vô phạt.

Những lần sinh viên đi thầy, đi cô.

Rồi những thạc sĩ, tiến sĩ giấy.

Người đi làm chủ động nói dối nhờ…

Những trăm triệu bỏ ra để xin một chân nhà nước.

Những đi cửa sau, những mua quan bán chức.

Những hô khẩu hiệu, những làm báo cáo.

(Ảnh minh họa)

Những thủ đoạn tranh đấu hơn thua.

Những vụ đấu thầu quân xanh quân đỏ.

Những lợi ích mà người ta nói là phải “trả giá”.

Người có trách nhiệm đã buông lời nói dối qua…

Những vấn đề nhạy cảm nhưng bức thiết với người dân.

Những bài viết dẫn hướng dư luận.

Những thảm họa môi sinh.

Những sự kiện lịch sử đau lòng.

Những khuôn từ sáo rỗng về cái sự “đúng đắn”, “sát sao”.

Người ta buông xuôi, chấp nhận và chai lì với những lời nói dối…

Rồi người ta sinh con, trở thành phụ huynh.

Và những đứa trẻ lại được giáo dục như thế…

Nói đến đây, người ta không khỏi nhớ tới chi tiết “cái lò gạch cũ” lởn vởn như một thứ âm hồn bất tán trong tác phẩm Chí Phèo. Phải chăng cũng tương tự như thế, căn bệnh nói dối đã trở thành một cái vòng luẩn quẩn không có hồi kết trong xã hội ta?

Tất nhiên, ở đây chúng ta sẽ không vơ đũa cả nắm, rằng toàn bộ người Việt đều nói dối. Nhưng chúng ta cũng không thể lại dùng những câu chữ nói giảm nói tránh kiểu như “một số”, “thiểu số”, hay “một bộ phận nhỏ” được nữa. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta đều có thể thấy bản thân mình lờ đờ bên trong cái vòng luẩn quẩn đó, dù ít dù nhiều.

Làm thế nào để người Việt sửa mình đây? Đó quả là một câu hỏi khó. Nhưng xin được thiển đàm rằng, vấn đề đạo đức chỉ có thể được giải quyết nhờ giá trị đạo đức. Làm sao để chữ Chân trong văn hóa truyền thống quay trở lại với người Việt đã là một câu hỏi mà chúng ta cần phải suy ngẫm thật sự.

Quang Minh


No comments: