Tuesday, June 18, 2019

XANH HAY ĐEN, TRÀ NÀO NÊN THUỐC?

Không kể đến hình thức trà thuốc, nghĩa là dùng dược liệu, hoặc rau quả phơi hay sấy khô rồi hãm bằng nước nóng và uống như… trà, chẳng hạn trà Khổ Qua, trà Lá Ổi…, muốn nói đến trà đúng nghĩa thì nguyên liệu phải là cây trà. Hai chủng loại phổ biến trong tập quán uống trà của tao nhân sành điệu là giống trà Camella assamica thường được dùng ở các quốc gia Trung Đông và dọc theo đường tơ lụa, và giống trà Camella sinensis phổ biến ở các nước chịu ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc.


Trên thực tế, lá trà đen, xanh hay thậm chí trắng bạc (nên được gọi là trà trắng) là do khác biệt về bào chế. Trà đen, khác với trà xanh và trà trắng ở tiến trình ủ cho lên men sau khi phơi khô. Chính nhờ phản ứng lên men mà trà đen có mùi thơm đặc biệt và lá trà có màu đậm, từ đỏ hung đến đen tuyền. Cũng nhờ hiện tượng lên men mà trà đen chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng oxy-hóa, nghĩa là chống tình trạng lão hóa tế bào.

Trái với trà đen, trà xanh và trà trắng, một thể dạng đắt tiền của trà xanh vì chỉ dùng búp trà non, là sản phẩm được chế biến chủ yếu qua quá trình phơi nắng và hóng gió. Thời gian chế biến càng lâu, nghĩa là càng nhiều ngày trong nắng dịu dàng, trong gió hiu hiu thì trà càng đắt giá, thì trà càng ngon. Lá trà nhờ đó còn giữ màu xanh hay khéo hơn nữa, có mặt dưới còn giữ lớp lông mịn và màu xám bạc.


Nếu xét về thành phần thì trà đen chứa nhiều chất chát, kalium và fluor hơn trà xanh. Trà xanh trái lại có nhiều sinh tố C, tiền sinh tố A và kẽm hơn trà đen. Nếu trà đen tốt cho răng và hữu ích cho mục tiêu chống lão hóa thì trà xanh đa dạng hơn về mặt tác dụng nhờ nhóm hoạt chất thông mạch và phòng ngừa ung thư. Thầy thuốc ở Nhật Bản, Trung Quốc đã từ lâu nhiều xếp trà xanh vào nhóm thuốc hạ huyết áp và chống ung thư. Không ít thầy thuốc ở châu Âu, dựa vào kết quả của nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây, đã áp dụng trà xanh như nhân tố quan trọng trong phác đồ điều trị rối loạn biến dưỡng chất mỡ trong máu cũng như cho người bị đe dọa vì bệnh mạch vành.


Nếu chấm điểm dựa vào khả năng hưng phấn thần kinh theo kiểu cà-phê thì hai loại trà đều ngang ngửa về tác dụng. Trà đen tuy chỉ chứa khoảng 70% lượng cafein, nếu so sánh với hàm lượng trong trà xanh, nhưng cường độ tác dụng lại mạnh hơn. Về tác dụng lợi tiểu thì, nói cách khác nho nhã hơn, uống trà nào cũng có tác dụng… thái đức! Nhiều hay ít tùy theo số chén trà trong lúc cao hứng. Theo các nhà nghiên cứu về trà ở Heidelberg. CHLB Đức, muốn loại bỏ tác dụng gây háo động của trà cần lưu ý:

– Đừng pha trà với nước nóng hơn 80 độ bách phân.
– Đừng dùng nước nhất.
– Đừng hãm trà lâu hơn 7 phút.

Điểm kẹt mà các nhà khoa học không lưu ý là nếu pha trà với nước quá nguội, pha trà quá nhanh, lại thêm bỏ nước đầu, thì trà không… ngon!


Nên chọn loại trà nào tất nhiên còn tùy mục đích và khẩu vị của người dùng trà, nhưng tại sao lại không thử cả 3 loạị một cách linh động, khi thì đen, lúc thì xanh, thỉnh thoảng lại trắng, tùy theo hứng thú, khả năng và phương tiện sẵn có. Việc gì phải gò bó trong khuôn khổ nào đó chỉ vì màu trà, vì bản tin y học, vì hai tiếng trà đạo. Đã gọi là đạo mà câu nệ thì còn gì là đạo. Nếu đạo là đường tại sao không chọn con đường theo kiểu của văn hào Lỗ Tấn? Cứ đi rồi sẽ thành đường!

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng