Chúng ta nhìn vào mọi thứ, từ tôn giáo, các hành tinh, công nghệ trữ đông xác chết để chờ hồi sinh (cryogenics), và thậm chí cả những suối nguồn tươi trẻ hoang đường.
Trong khi chúng ta mải mê đi tìm kiếm từ chín tầng mây cho tới trong khoa học và ở mọi ngóc ngách trên Trái Đất, thì bí mật về sự bất tử có lẽ lại đang dập dềnh trôi nổi trong đại dương - trong hình dạng sứa.
Khi nghĩ tới sứa, hầu hết chúng ta đều mường tượng ra đó là một "giai đoạn Medusa", tức giai đoạn thứ hai của cuộc đời con sứa. Chúng trải qua giai đoạn này của cuộc đời trong hình hài như những trái bóng bay trong suốt, trôi dạt trong làn nước với những xúc tu dài dập dềnh.
Nếu sứa khởi đầu cuộc đời một cách đầy ly kỳ thì cái chết của nó còn kỳ lạ hơn
Cuộc đời sứa khởi đầu là ấu trùng, có hình như điếu xì gà nhỏ xíu xoay xoắn trong làn nước, tìm kiếm một tảng đá hay một thứ gì đó để bám dính vào.
Một khi đã tìm được nơi chốn, ấu trùng biến thành polyp, khá giống với con hải quỳ tí xíu. Đám lớn các polyp này được hình thành khi poly tự nhân mình ra, khiến một cụm dày đặc có thể phủ kín cả một bãi neo đậu tàu chỉ trong vài ngày.
Có một số loại polyp tạo thành những vùng trông như những bụi cây khổng lồ.
Khi gặp điều kiện thích hợp, các polyp này nở bung về số lượng; khi nở, các nụ polyp trở thành những con sứa non.
Sự khởi đầu cuộc đời sứa đã kỳ lạ như vậy, nhưng cái chết của nó thậm chí còn ly kỳ hơn. Khi 'sứa bất tử' (tên khoa học là Turritopsis dohrnii) chết, nó chìm xuống đáy biển và bắt đầu phân huỷ.
Đáng ngạc nhiên là các phân tử của nó sau đó lại tái hợp, không phải là để tạo thành một con sứa mới, mà là thành các polyp, và từ những polyp đó sinh ra những con sứa mới. Sứa bỏ qua một giai đoạn đầu đời để bắt đầu đời sống 'kiếp sau'.
"Điều này khiến tất cả chúng tôi thật là phải vò đầu bứt tai," Tiến sỹ Lisa-ann Gershwin, người chuyên nghiên cứu sứa, làm việc tại Tasmania và là giám đốc trung tâm tư vấn về đời sống sinh vật biển, Marine Stinger Advisory Service, nói. "Đây là một trong những phát hiện kỳ diệu nhất trong thời đại chúng ta."
Sứa trăng rất đẹp đẽ được đặt tên theo hình dáng vỏ chuông trong nhờ nhờ của nó. Chúng có phần tua rua ngắn thay vì các xúc tu dài như ở hầu hết các loài sứa khác
Không chỉ có sứa bất tử mới từ tro tàn của chính nó sống lại.
Hồi 2011, một sinh viên theo học về ngành sinh vật biển ở Trung Quốc giữ một con sứa trăng (aurelia aurita) trong một cái bể. Khi con sứa này chết, người sinh viên đã giữ xác nó trong một cái bể khác. Ba tháng sau, một polyp mới, tí xíu, đã mọc lên từ phía trên của con sứa trăng. Tiến trình tái sinh này cho tới nay đã được phát hiện ra là có ở khoảng năm loài sứa khác nhau.
Vậy bên cạnh việc có cuộc sống trường sinh bất tử, bản thân sứa được lợi gì từ tiến trình này? Tại sao nó lại làm vậy? Vấn đề là khi nó trở nên yếu đi, vì lý do tuổi tác hoặc do bệnh tật, hoặc khi nó đối diện với những hiểm nguy, sứa có thể dùng khả năng sinh tồn đáng kinh ngạc này để thoát hiểm rồi hồi sinh.
Một khi tiến trình diễn ra, phần cơ thể giống như cái chuông hay cái dù, là phần nằm trên đầu sứa, và các xúc tu bắt đầu suy yếu. Nó trở lại thành một polyp, tìm cách tự gắn mình vào một bề mặt nào đó và bắt đầu phát triển thành con sứa, và tiến trình này có thể lặp đi lặp lại mãi mãi.
Một phần của những gì thực sự xảy ra với sứa trong tiến trình tái sinh được gọi là sự chuyển biệt hoá, hoặc sự tách biệt hoá (transdifferentiation). Các phân tử của sứa thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác, tạo ra một cơ thể hoàn toàn khác.
Dẫu Tiến sỹ Gershwin nói rằng bà không nhìn thấy bất kỳ mối liên hệ nào hiện nay giữa sự bất tử của sứa với con người, nhưng điều đó không có nghĩa là việc cắt chia một số loại gene nào đó sẽ là bất khả thi trong tương lai. Ai mà biết chắc được chuyện sau này chứ?
Với một số ít gene của sứa là chúng ta đều có thể giống như Doctor Who, tự tái tạo bản thân bất cứ khi nào ta cảm thấy tự chán bản thân.
BBC Earth
Link tiếng Anh:https://www.bbcearth.com/blog/?article=the-jellyfish-that-never-dies