Chùa Asakusa, hoa anh đào, Sky Tower cao 634 mét tại Tokyo. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Aki là tên của một người con gái Nhật mà vô tình tôi được quen qua sự giới thiệu của người bạn, khi cô có dịp sang Mỹ để trình bày về đề tài “Tự Lực Văn Đoàn” trong văn học Việt Nam đến cộng đồng người Việt tại Nam California.Tôi ở xa, không có mặt trong buổi giới thiệu chương trình này để nghe Aki nói chuyện, và tôi nghĩ là cô Aki này phải là một người phụ nữ “can đảm” lắm khi cô dám chọn một đề tài nói chuyện về văn học Việt Nam không dễ dàng gì. (Ở thời điểm bây giờ, ngay tại Việt Nam, tôi không hiểu có bao nhiêu học sinh sinh viên biết gì về “Tự Lực Văn Đoàn” trong nền văn học Việt Nam. Tôi có nghe nhiều câu chuyện vui, nói mỉa mai về trình độ hiểu biết của thầy cô giáo và học sinh khi nói đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn).
Hẹn Aki gặp nhau ở Đông Kinh, tôi ngỡ ngàng khi thấy Aki trẻ hơn tôi tưởng rất nhiều. Cô có khuôn mặt và đôi mắt một mí rất Nhật, tôi đùa gọi Aki là “búp bê Nhật Bản.” Aki nói tiếng Việt chậm rãi nhẹ nhàng và cô có giọng phát âm theo miền Nam nhiều hơn là miền Trung hay Bắc. Cô cho biết đã học tiếng Việt từ lâu và lý do chọn học tiếng Việt chỉ vì “Tôi muốn sống thử ở nước ngoài, nhưng không có tiền đi Châu Âu-Mỹ nên chọn nước nào có thể sống được với chi phí khá rẻ,” ngày ấy giá sinh hoạt bên Việt Nam còn rất rẻ.
Chùa Vàng Kinkakuji. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Cô đã đến Việt Nam lần đầu tiên từ năm 1997. Sau đó cô đã ở lại Việt Nam làm việc hơn 12 năm, có một thời gian cô làm trong ngành du lịch. Thảo nào, khi gặp tour leader Nguyễn Hải Thành của ATNT Tours tại Tokyo, Aki đã reo lên mừng rỡ vì hai người đã từng làm việc với nhau ở Sài Gòn ngày xưa. Aki là một mẫu người rất thích đi du lịch, cô đã từng đến rất nhiều quốc gia như Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Czech, Hungary, Áo, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Cuba, Mỹ, Morocco, Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Lào, Thái Lan, Cambodia, Indonesia, Ấn Độ, Nepal, Việt Nam.
Tôi vẫn biết người Nhật, nhất là giới trẻ sau này, họ rất thích đi du lịch thế giới. Tôi đã từng gặp rất nhiều người trẻ Nhật Bản, họ đi du lịch một mình mà không lấy đó làm sự đơn độc trong chuyến đi. Sau khi chiến tranh thế giới kết thúc (1945), hình như người Nhật khao khát được đi du lịch khắp mọi nơi để hiểu biết thêm về những chân trời mới. Nhưng ít ai có dịp đi được nhiều nơi trên thế giới như cô.
Trong một buổi nói chuyện, vô tình tôi hỏi Aki đã có dịp du ngoạn nhiều nơi trên nước Nhật chưa! Ngập ngừng cô cho biết không nhiều lắm. Sự ngập ngừng của Aki khiến tôi chợt nghĩ ngay đến mình. Như tôi, tuy có nhiều cơ hội để đi rất nhiều nơi trên thế giới. Nhưng tôi lại chưa biết gì về các thành phố ngay trên quê hương mình như Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn ở miền Trung; chưa biết gì về Cà Mau, Rạch Giá ở miền Nam và hoàn toàn thiếu sót khi chưa đến Thác Bản Giốc, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa miền Bắc. Lúc nào cũng nhủ lòng “bây giờ quá bận rộn, thôi để sang năm.” Điều nhủ lòng ấy nối tiếp nhau năm này qua năm khác và mãi cho đến hôm nay vẫn chỉ là “sự nhủ lòng” mà thôi! Đời sống có quá nhiều lo toan, thời giờ và tài chánh nên không phải ai cũng có nhiều cơ hội để đi hết các nẻo đường đất nước mà mình muốn. Aki cũng như tôi còn thiếu sót rất nhiều nơi ngay trên quê hương mình mà chưa có dịp đến du ngoạn. Vì thế, tôi đã có nhã ý mời Aki tham dự một chuyến tour du lịch một vòng đảo Honshu Nhật Bản vào dịp mùa hoa anh đào nở. Cô nhận lời tham dự.
Sau chuyến đi, tôi có đề nghị Aki viết về cảm nhận của mình trong cuộc hành trình du ngoạn trên chính quê hương của cô. Dĩ nhiên Aki viết bằng tiếng Việt, có lẽ cô còn có nhiều ý tưởng muốn viết dài hơn nữa nhưng thời gian là một điều trở ngại cho cô. Dưới đây là bài viết của Aki viết về cảm nghĩ sau một chuyến đi ngắn trên quê hương cô. Tôi có giúp Aki sửa lại một vài câu văn để độc giả Việt Nam chúng ta dễ hiểu hơn, nhưng vẫn đúng theo ý cô viết.
“Nhìn lại quê hương tôi, Nhật Bản”/Aki Tanaka
Sau một thời gian làm việc ở Việt Nam hơn 12 năm, có lẽ đây là một khoảng thời gian khá dài trong đời sống xa nhà của tôi, tôi chỉ mới về lại Nhật hai năm nay. Trong khoảng thời gian hai năm này, vô tình tôi chợt tìm lại được nhiều nét đẹp của quê hương Nhật Bản mà suýt nữa tôi đã quên mất vì sự vắng mặt quá lâu của mình.
Núi Phú Sĩ, hồ Kawaguchi, hoa anh đào. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhiều điều vô tình xảy đến như là một cơ duyên làm tôi chợt nhận ra lại chính bản thân mình đối với quê hương. Chẳng hạn như tôi lúc nào cũng cho mình là tôi không theo tôn giáo nào, nhưng tôi đã lầm. Có lần khi tôi đi qua một dãy núi cao ở miền cao nguyên trên đảo Honshu, thì rõ ràng tôi cảm nhận được dường như có linh hồn của núi hiện diện đâu đó trong tâm tư tôi. Tôi nhớ lại trong ký ức mình, trong một chuyến du lịch đến đảo Bali bên Indonesia, khi dạo qua khu rừng Ubud bên đó, không hiểu tại sao tôi cũng chợt cảm nhận được như có một sự “yêu quái” kỳ lạ hiện diện đâu đó quanh rừng Ubud. Mãi cho đến hôm nay tôi mới tự nhận ra rằng nền tảng Shinto (*) hình như đã nằm sẵn trong tâm hồn mình, dù tôi không để ý đến điều này từ khi tôi sinh ra. Người nước ngoài, ai cũng nói đến Thần Đạo Shinto của người Nhật và xem đây là một tôn giáo đặc trưng cho dân tộc Nhật. Phải chăng vì tôi là người Nhật, nên tôi đã có sẵn tiềm thức Shinto trong người.
Mùa Xuân năm nay, tôi tham dự chuyến du ngoạn hoa anh đào với anh Trần Nguyên Thắng (ATNT Tours). Đã lâu lắm tôi mới có dịp đi thăm lại một số thành phố Nhật để ngắm hoa anh đào. Thắng cảnh Sakura (hoa anh đào) mang ý nghĩa thật đặc biệt trong tinh thần người Nhật. Với người Nhật, việc xem hoa Sakura nở là giống như việc nạp thêm năng lượng cho cơ thể mình để lấy lại tinh thần. Tập tục “Hanami” ngắm hoa anh đào nở đã có từ lâu, nhìn ngắm hoa nở người Nhật cảm nhận được sinh khí đời sống như bừng lên, đẹp và mạnh mẽ. Thực sự là như thế. Vì vậy, tôi nghĩ người Nhật nào ở nước ngoài lâu, và đã lâu lắm không có dịp xem Sakura nở thì hãy nên cố gắng thu xếp về lại Nhật vào dịp hoa anh đào nở, để tìm lại linh hồn Nhật Bản mà vô tình mình đã quên đi. Nhìn hoa anh đào từ khi chớm nụ đến lúc các cánh hoa lìa cành tung bay trong gió, tôi tin chắc không người Nhật nào mà không rung động vì nét đẹp quê hương của mình. Tuy nhiên, thời gian Sakura nở thì chỉ ông Trời biết mà thôi, cho nên người Nhật xa nhà rất khó chuẩn bị cho chương trình về nước đúng vào dịp Sakura nở. Mà Sakura chỉ nở trong vòng khoảng hơn một tuần mà thôi. Vì thế, ở Nhật vào mùa Xuân luôn luôn có dự báo ngày Sakura nở trong tiết mục dự báo thời tiết.
Chuyến đi giúp tôi nhớ lại những cái nét đẹp của quê hương tôi, ví dụ như trong buổi tối ăn buffet, có một món tôi ăn thử thấy rất mặn nên tôi ngại ăn và để lại phần thừa, không ăn hết. Thế mà người ăn chung bàn với tôi, nhìn tôi và nói “Cô không ăn nữa à? Người Nhật thì không để lại thức ăn thừa mà” Anh Thắng nói như thế! Lời nói đó rất bất ngờ đối với tôi, đúng là người Nhật thì như vậy. Chắc vì tôi ở Việt Nam lâu nên tôi bị lây cái tật để thừa phần ăn… như vậy. Thêm vào đó, tôi thấy sự lễ phép trong bữa ăn là thói quen và cũng là một tập tục thật đẹp của Nhật Bản.
Lần khác, khi chúng tôi đến thăm thành cổ Osaka, người khách đi cùng với tôi khen rằng, “Ở Nhật rất sạch, tôi rất ngưỡng mộ người Nhật ở điểm này.” Nhưng mà thật đáng cười, lúc đó tôi nhìn xuống quảng trường trước thành Osaka thì thấy có nhiều rác giấy bị vứt bỏ, trông rất xấu và tôi cảm thấy khó chịu. Tôi giọng buồn mà nói, “Cô khen như thế, nhưng thực trạng là có sạch gì đâu!” Cô ấy trả lời, “Nhiều người nước ngoài đến du lịch nơi này, chắc họ vất bỏ rác đó! Tôi không tin là người Nhật làm như vậy.”
Xin lỗi người bạn đồng hành, tôi cũng nghĩ như vậy nhưng không dám nói, nếu là người Nhật thì họ không thể bỏ rác như thế được – lương tâm họ không cho phép. Và tôi sợ những đứa trẻ Nhật nhìn thấy mà bắt chước thì… còn đâu xã hội Nhật!
Kyoto’s Sakura, cô Aki Tanaka, và ông Trần Nguyên Thắng. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Còn nữa, một hình ảnh cũng làm tôi lấy làm tiếc về sự thay đổi ít nhiều trong xã hội Nhật bây giờ. Gần đây ngành du lịch Nhật Bản hay quảng bá một câu “Omotenashi,” có nghĩa là tinh thần Hospitality – “lòng mến khách của người dân Nhật” nhằm để thu hút du khách nước ngoài cho tới năm 2020 – đây là năm Nhật Bản được tổ chức Olympic. Tuy nhiên, tôi thấy có một số tiệm ăn và tiệm bán đồ lưu niệm, nhân viên ở đó hình như không thấy “Omotenashi dễ mến” chút nào. Vì sao? Nếu tôi suy đoán không lầm thì hiện nay các đoàn du khách ngoại quốc đến Nhật Bản cũng rất đông. Du khách phần lớn đều dễ chịu và thích thú khi đến Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng có một số đoàn du khách xử sự, ăn uống thiếu hẳn sự lịch sự văn minh, hay mua bán thì chen lấn một cách thiếu trật tự. Có lẽ để tránh làm phiền tới những du khách khác thì người bán hàng hay người làm dịch vụ phải biểu hiện thái độ và lời nói mạnh mẽ hơn, phải không thua kém người du khách ngoại quốc mới được. Vì thế, họ đã không còn biểu lộ thái độ lịch sự, lễ phép và ăn nói mềm mại đối với khách hàng nữa. Thực sự ra, tôi là người Nhật nên tôi cũng cảm thấy khó chịu khi tôi phải nhìn thấy các thái độ của nhân viên người Nhật kiểu như thế, nhưng tôi cũng hiểu lòng họ khi mỗi ngày đều có những chuyện như thế xảy ra…
Theo một số báo chí Nhật Bản, ở Nhật bắt đầu có một số cửa hàng – nhà hàng treo biển “Japanese only.” Chỉ mong du khách Việt Nam thông cảm cho người Nhật. Nhật Bản là một đảo quốc, chưa quen tiếp xúc và ứng xử với người ngoại quốc khác tập tục và văn hóa với nước Nhật. Tuy nhiên, thời đại này là thời đại toàn cầu hóa, du khách toàn thế giới đến Nhật sẽ chung đụng với nhau, cần học hỏi những điều hay và đào thải đi những điều dở. Bây giờ là thời điểm thách thức của ngành du lịch Nhật Bản nói riêng, và cho tất cả mọi người Nhật nói chung về vấn đề toàn cầu hóa của tất cả các ngành nghề trên thế giới.
Chú thích: (*) Shinto (tiếng Việt là Thần Đạo) là một tôn giáo của Nhật Bản. Tôn giáo Shinto cho rằng thần ngự trị ở khắp mọi nơi trên thế gian. Dân tộc Nhật tin rằng từ hòn đá cây cối núi non… đến các sinh vật trên trái đất này đều có thần.
Trần Nguyên Thắng & Aki Tanaka/ATNT Tours & Travel
No comments:
Post a Comment