Tuesday, February 1, 2022

PHẬT PHÁP VÀ NHỮNG VÒNG TRÒN Ở KATHMANDU

Hình tròn không được coi trọng lắm. Chúng là hạng cùng đinh trong hình học, là kẻ lạc lõng trong thế giới của những hình vuông.

Ảnh: Getty Images

Văn hóa phương Tây không mấy ca tụng hình tròn. Nếu chúng ta mắc kẹt trong một dự án, chúng ta sẽ được khuyên là hãy ngừng đi lòng vòng.

Những lời phê bình như vậy khiến đầu óc của chúng ta quay cuồng, do đó chúng ta phản ứng, như cách nói của người Mỹ, bằng cách kết thành một vòng tròn để tự vệ.

"Đất Phật"

Đường thẳng và góc vuông thì tốt.

Chúng ta được dạy rằng hãy cứ thẳng một đường mà đi, hãy đứng thẳng và hãy đứng bắn thẳng hay có lẽ là một mũi tên thẳng. Dù là cách nào đi nữa, điều thiết yếu là chúng ta phải suy nghĩ ngay thẳng.

Trong một thời gian dài, tôi cũng bị mắc vào thành kiến đối với hình tròn.

Mặc dù tôi thường đứng thẳng, bắn thẳng, nhưng tôi lại đổ lỗi là mình đã đi đường vòng cho nên mới có những khiếm khuyết cá nhân. Không bao giờ trong đầu tôi có ý nghĩ rằng hình tròn là tốt.

Thế rồi tôi phát hiện ra Boudhanath.

Có nghĩa là 'đất Phật', Boudhanath (hay gọi tắt là Boudha), là một ngôi làng nép mình vào bên trong thành phố Kathmandu trải rộng của Nepal.

Boudhanath là trái tim Phật giáo ở Kathmandu. Ảnh: Getty Images

Nơi đây là trái tim Phật giáo rộng lớn và hào phóng của thành phố, nơi cư trú của hàng chục ngàn người dân Tây Tạng và hàng trăm người phương Tây thực tập tâm linh.

Tuy nay đã trở thành một phần của Kathmandu nhưng làng Boudha vẫn giữ được nét phóng khoáng vốn có của một ngôi làng.

Khi lần đầu tôi đặt chân đến đây và kéo va li trên vỉa hè đá sỏi (bánh xe của va li quay vòng vòng), tôi ngay lập tức bị ấn tượng trước mức độ hiện diện của hình tròn ở nơi này.

Ở bất cứ nơi nào tôi cũng thấy hình tròn. Cuộc sống ở đây quay xung quanh một viên kẹo dẻo khổng lồ theo đúng nghĩa đen. Vâng, đối với tôi nó trông giống như thế.

Thật ra, đó là một chiếc tháp stupa, một khối ụ màu trắng khổng lồ mà trên đỉnh có một ngọn tháp vàng lấp lánh và cặp mắt nhìn thấu nhân gian của Đức Phật được vẽ bằng những màu sáng.

Hình tròn trong Phật giáo

Tất cả các tháp stupa đều tượng trưng cho Tuệ giác của Đức Phật, và đi vòng quanh tháp được tin là sẽ đưa chúng ta đến gần hơn đến sự Giác ngộ.

Vào bất cứ thời khắc nào trong ngày cũng có hàng trăm người đi vòng quanh tháp stupa, vừa đi vừa tụng kinh vừa lần chuỗi hạt mala và xoay bánh xe chuyển pháp luân, những bánh xe hình trụ làm bằng gỗ và kim loại có khắc những bản kinh Phật.

Sau mỗi lần gảy tay, bánh xe chuyển pháp luân lại quay vòng trong khi các tín đồ đi vòng quanh.

Các Phật tử chuộng các thứ hình tròn, gồm mạn đà la, tức hình vẽ vũ trụ theo hình tròn, bánh xe chuyển pháp luân, tháp stupa.

Có lẽ đó là lý do vì sao mà, theo lời một tín đồ người Mỹ cải sang đạo Phật nói với tôi, các vị lạt ma ở làng Boudha nổi tiếng là hay chậm trễ. Nếu mọi thứ đều là hình tròn, kể cả thời gian thì việc đúng giờ chỉ là vấn đề của cách chúng ta nhìn nhận. Anh có thể rất trễ hoặc rất sớm. Tất cả tùy vào cách anh nhìn nhận nó.

Trong suốt cả ngày, dòng người cứ đi vòng quanh stupa Boudhanath, lầm rầm tụng kinh và lần tràng hạt.  Ảnh: Getty Images

Một thuyết trung tâm của đạo Phật, cũng như của đạo Hindu, là samsara, tức là luân hồi, một chuỗi dài gần như vô hạn các kiếp sinh và tái sinh mà con người chỉ có thể thoát khỏi vòng luân hồi đó nếu đạt đến cảnh giới Niết bàn.

Các tôn giáo khác cũng có các triết lý liên quan đến hình tròn. Chẳng hạn như các giáo sỹ uốn mình của dòng Hồi giáo Sufi, khi họ uốn người qua lại họ được cho là đến gần hơn với Thánh Allah.

Bánh xe lịch sử

Cũng giống như nhiều người Tây phương khác, tôi quan niệm thời gian và lịch sử theo đường thẳng. Tôi hình dung dòng thời gian là kiểu đường thẳng có các sự kiện mà tôi phải học trong giờ lịch sử ở trung học: một đường thẳng bắt đầu ở điểm A và kết thúc ở điểm B.

Tuy nhiên, nhiều nền văn hóa lại không nghĩ như vậy. Họ xem thời gian, và vũ trụ, là hình tròn. Nó được gọi là Bánh xe Thời gian, hay Bánh xe lịch sử, và bánh xe này xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa đa dạng đến ngạc nhiên, từ người da đỏ Q'ero ở Peru cho đến người da đỏ Hopi ở Arizona và triết lý của Friedrich Nietzsche, người đưa ra khái niệm 'lặp đi lặp lại mãi mãi'. Nietzsche tin rằng cuộc đời của chúng ta sẽ lặp lại một cách y hệt như vậy với số lần vô hạn.

Khi mỗi ngày và mỗi tuần ở Boudha trôi qua, suy nghĩ theo đường thẳng của tôi đã bắt đầu thay đổi và uốn cong. Nó không hề dễ dàng, nhưng may mắn là tôi có được sự giúp đỡ từ người bạn, James Hopkins - người từng làm cho ngân hàng đầu tư sau trở thành một Phật tử và đã cư trú lâu năm ở làng Boudha.

Mỗi lần lắc cổ tay là luân xa cầu nguyện lại quay quay trong lúc người cầu nguyện cứ đi vòng vòng. Ảnh: Getty Images

Một ngày nọ, trong bữa ăn sáng, tôi thú nhận với Hopkins rằng tôi gặp khó khăn trong việc đi theo vòng tròn. Tôi mới vừa mua vòng theo dõi sức khỏe Fibit và tâm trí tôi chỉ nghĩ đến tiến triển và năng suất.

Vô vi

"Rốt cuộc sẽ không còn nơi nào để đi và không còn việc gì để làm," anh nói với tôi và để cho những lời đầy mê hoặc lơ lửng trong không gian của buổi sáng mát lạnh.

Tôi nhận thấy quan niệm này vừa cuốn hút vừa đáng sợ. Nếu không còn gì để làm thì làm sao tôi biết được rằng tôi đang thực tập sự vô vi này đúng cách?

Tôi cũng thấy điều này xuất phát từ Hopkins là lạ lùng vì anh ấy không có chút gì là ở không cả.

Anh thức dậy vào lúc bình minh, ngồi thiền, rồi sau đó đi vòng quanh tháp stupa, xong rồi lại làm việc cho dự án phi lợi nhuận của anh ấy nhằm mua chăn ấm cho trẻ em.

Làm sao mà anh ấy bận rộn, năng động đến vậy mà lại bảo tôi rằng "rốt cuộc không còn việc gì để làm". Chẳng phải điều đó mâu thuẫn hay sao?

Không hề, Hopkins nói. Có một sự khác biệt giữa hành động hướng ngoại và sự tĩnh lặng nội tại. Năng động là điều tốt, anh giải thích, nhất là những hoạt động giúp ích cho các loài hữu tình khác.

Cuộc sống của tôi ở Boudha bắt đầu có tính chất xoay tròn của riêng nó. Hằng ngày, tôi thức dậy vào lúc 05:30 sáng, vẩy nước vào mặt, sau đó bước vội xuống cầu thang và bước ra cửa trước để hòa vào dòng người đang đi vòng quanh stupa. Vào giờ này không hề có du khách. Chỉ có tôi và vài trăm người Tây Tạng đang đi vòng quanh.

Bước đi, cảm nhận mặt đất dưới chân mình, nhận lấy những gì tinh túy của ngôi làng đem lại cảm giác dễ chịu. Ánh sáng quánh đặc và mềm mại, mặt trời chỉ bắt đầu ló dạng phía trên đường chân trời.

Không đi đến đâu

Tôi nghe thấy tiếng leng keng của những bánh xe cầu nguyện, tiếng lầm rầm tụng kinh, tiếng chim bồ câu vỗ cánh, tiếng kéo cửa lạch cạch của cửa hàng vừa mở cửa, tiếng nói khụt khịt của tiếng Tạng.

Án ma ni bát mê hồng là câu thần chú nổi tiếng nhất trong các câu tụng kinh của người Tạng, có nghĩa là "tôn kính ngọc trong sen". Ảnh: Getty Images

Và lúc nào cũng vậy, âm thanh đặc trưng của làng Boudha luôn luôn lách qua từng khe cửa hàng bán đồ trang sức và các quầy sữa hay được những người đang đi vòng tụng niệm: "Án ma ni bát mê hồng" (Om Mani Padme Hum).

Đây là câu thần chú nổi tiếng nhất trong các câu tụng kinh của người Tạng. Về nghĩa đen, nó có nghĩa là "tôn kính ngọc trong sen". Hoa sen mọc trong bùn nhơ nhưng lại nở hoa trong sạch và đẹp đẽ. Đó là một cảm giác rất dễ chịu, nhưng điều mà tôi thích nhất về câu thần chú này là âm thanh của nó trong tiếng Tạng - nghe như có sự rung rung.

Câu thần chú len lỏi vào đầu tôi và tôi cũng bắt đầu niệm nó mà không hề ý thức rằng mình đang niệm.

Tôi bước tiếp cho đến khi đôi chân trở nên mỏi và tâm tôi định lại. Quá trình đi vòng quanh là quá trình không có kết thúc và bước đi tự do. Không có quy định bắt buộc về số vòng. Nó hoàn toàn tự do và đáng sợ. Làm sao bạn biết rằng bao nhiêu vòng là đủ?

"Anh sẽ biết thôi." Hopkins đã từng nói với tôi với một nụ cười ranh mãnh.

Nhưng tôi không hề biết. Đó chính là vấn đề. Tôi không thể nào ném khỏi đầu suy nghĩ theo đường thẳng.

 Ảnh: Getty Images

Khi tôi đi vòng quanh tháp stupa, tôi cứ lâu lâu lại vặn cổ tay để xem vòng Fitbit. Trên lý thuyết, thiết bị này sẽ theo dõi những 'tiến triển' của tôi. Nó sẽ ghi nhận kỹ lưỡng những bước đi (3.635 bước), khoảng cách đi được (1,68 dặm), và lượng calorie bị đốt cháy (879) của tôi.

Tuy nhiên trên thực tế, nó không giúp tôi biết được gì cả. Tôi chỉ đang đi vòng quanh và không đi đến đâu hết.

Việc đi vòng quanh đã cho thấy sự dối trá trong cái gọi là 'tiến triển'. Theo dõi sự tiến triển trong một vòng tròn không chỉ vô ích mà còn vô nghĩa. Không có đường thẳng nào cả. Câu hỏi mà một nơi như Boudha và một tôn giáo như Phật giáo đặt ra là: liệu bạn có thừa nhận sự vô ích này hay không? Hơn thế nữa, liệu bạn có chấp nhận sự vô lý của vòng tròn?

Trong vài năm qua, tôi đã luôn trở lại Boudha vào mỗi mùa thu. Đầu tiên, tôi nhận ra những khác biệt nho nhỏ: một cửa hàng bán bánh pizza nướng bằng bếp củi mới mở, thứ khiến tôi thấy khó chịu (vì nếu muốn ăn pizza nướng bằng bếp củi thì tôi thà ở nhà cho xong), và một biển báo ghi rằng 'cấm tuyệt đối việc sử dụng camera bay drone'.

Nhưng có khá nhiều những thứ khác ở Boudha không hề thay đổi: một cửa hàng nhỏ bán hàng liên quan tới Phật cười, và có người bạn tôi, James Hopkins ở đó.

Việc tôi cứ quay trở lại hàng năm có phải là điều cho thấy sự tiến triển không? Cách đây ít lâu thì có lẽ tôi đã cho là vậy, nhưng bây giờ thì không. Tôi đơn giản chỉ là tới thăm lại một góc nhỏ, một chốn nhỏ bé trên hành tinh, nơi đã dạy tôi một bài học quý giá về môn hình học. Tôi dã đi hết trọn vòng tròn tại Kathmandu.

Eric Weiner
Nguồn: BBC Travel
Link tiếng Anh: