Friday, July 1, 2022

ĐỊNH LUẬT 3 PHÚT THAY ĐỔI RẤT NHIỀU NGƯỜI

Thời gian là liều thuốc chữa lành cho mọi thứ. Lời nói, việc làm và đối xử với mọi người đều cần có thời gian để ‘lên men’. “Định luật 3 phút”, giúp chúng ta chào đón một bản thân tốt hơn.


1. Cân nhắc lời nói trong 3 phút

Người xưa có câu: “Nước sâu thì chảy chậm, người sang thì nói từ tốn”.

Lời đã nói ra giống như bát nước đổ đi, không thể lấy lại được. Nói là một nghệ thuật, một câu nói có thể khiến người khác mỉm cười, và một câu nói cũng có thể khiến người ta giật mình.

Một số người dễ dàng buột miệng nói ra những lời thiếu suy nghĩ, cân nhắc. Dù không có ác ý nhưng cũng dễ làm tổn thương người khác và gây tai họa cho chính mình.

Dòng họ Vương ở Lang Gia là một trong những gia tộc hiển hách nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong gia tộc có truyền 6 chữ gia huấn là: “Nói cần chậm, tâm cần thiện”.

Vương Cát, tổ tiên đầu tiên của dòng họ Vương, nhờ tuân thủ ba chữ đầu tiên, mới có thể vượt qua tất cả các loại họa hoạn nơi quan trường hiểm ác. Từ một vị quan nhỏ, ông trở thành một trọng thần của triều đình.

Trước khi nói, nhất định trong đầu cần suy nghĩ và chọn lọc một lượt. Hãy suy nghĩ rõ ràng, lời khi nói ra sẽ mang tới cho bản thân và những người khác hậu quả như thế nào.

Những gì cần phải nói thì nên nói như thế nào, cũng phải chú ý đến phương thức, phương pháp: Nếu có thể nói ít, thì đừng bao giờ nói nhiều; nếu có thể nói chậm, thì đừng bao giờ nói nhanh; nếu có thể nói nhẹ nhàng, thì đừng bao giờ nói cứng rắn.

Người biết giữ miệng sẽ nắm phần thắng.

Người biết giữ miệng sẽ nắm phần thắng. (Ảnh: Pixabay)

2. Khi tức giận, hãy trầm tĩnh trong 3 phút

Trong cuộc sống, không thể tránh khỏi xảy ra những việc không vừa ý. Học cách kiểm soát cảm xúc và đừng để cơn tức giận nổi lên. Khi con người tức giận, hành sự rất dễ trở nên manh động. Khi đó những lời nói ra, những việc làm, chỉ có thể làm tổn thương người khác và tổn hại chính bản thân mình.

Trước khi Vương Dương Minh bình định cuộc nổi loạn của Ninh Vương, rất nhiều lão tướng không phục ông. Ông thường bị bao vây bên ngoài doanh trại, bị chửi rủa, gây hấn. Vương Dương Minh ngồi yên trong lều, không hề có chút động tâm.

Ông nói: “Làm sao có thể không có những cảm xúc thiên lệch như tức giận trong tâm? Nhưng nếu không kiềm chế được tức giận, thì hành động sẽ vượt quá mức độ”.

Cách tốt nhất để kiểm soát cơn giận là thả lỏng. Thay vì nóng vội và phải hối tiếc sau đó, thì hãy lại tĩnh trong ba phút, sau khi cảm xúc đã nguôi ngoai rồi mới đưa ra quyết định.

Trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày, hãy cố gắng hết sức rèn luyện bản thân và học cách kiềm chế cảm xúc của mình. Sau một thời gian dài, sẽ không nhìn vấn đề đến mức cực đoan.

Học cách xử lý và đối mặt với sự việc một cách điềm tĩnh, chúng ta sẽ nhận ra rằng, những điều bản thân không thể hiểu ra trước đây cũng chẳng đáng phải tức giận chút nào.

Trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày, hãy cố gắng hết sức rèn luyện bản thân và học cách kiềm chế cảm xúc của mình. (Ảnh: Pixabay)

3. Gặp phải việc, dự phòng trước 3 phút

Trong “Lễ ký” có câu: “Phàm sự dự tắc lập, bất dự tắc phế” (Bất kỳ việc gì, có dự tính dự phòng trước thì sẽ thành, không có dự tính dự phòng trước thì sẽ hỏng). Làm bất kỳ việc gì cũng nhất định cần có tính toán, dự phòng trước. Việc được chuẩn bị tốt từ trước thì thành công, không chuẩn bị trước thì dễ thất bại.

Một khi hình thành thói quen chậm trễ, cuối cùng bản thân sẽ là người chịu thiệt thòi. Khi Trương Lương ở Hạ Bi, ông gặp một ông lão có lời nói không tầm thường. Ông lão nói với Trương Lương rằng: “Năm ngày sau vào buổi sáng, hãy đến gặp ta trên cầu”. Trương Lương lập tức đồng ý và năm ngày sau đến đúng hẹn. Nhưng ông không ngờ rằng ông lão đến sớm hơn và đã đợi ông từ lâu.

Ông lão nhìn thấy Trương Lương thì trách: “Giao hẹn với trưởng lão, còn dám đến muộn? Năm ngày nữa đến gặp ta sớm!”

Nói xong, ông lão bỏ đi không ngoảnh lại. Năm ngày sau, Trương Lương vừa nghe tiếng gà trống gáy, liền vội vàng đến điểm hẹn.

Lần này, thấy Trương Lương đã đến sớm như vậy, ông lão hài lòng gật đầu. Ông lão lấy ra một cuốn sách và đưa cho Trương Lương, chính là cuốn “Thái Công binh pháp” nổi tiếng. Trương Lương đã nghiên cứu kỹ cuốn sách này và cuối cùng đã thành tựu được sự nghiệp.

Trương Lương đã nghiên cứu kỹ cuốn sách này và cuối cùng đã thành tựu được sự nghiệp. (Tạo hình Trương Lương trong phim "Hán Sở tranh hùng" 2012.)

Với mọi việc, tới trước ba phút chính là một sự tôn trọng người khác. Hãy tạo ấn tượng tốt, và để mọi người thấy được sự chân thành của bạn. Những người như vậy được chào đón ở bất cứ nơi nào họ đến. Chuẩn bị trước ba phút cho mọi việc cũng là một loại trách nhiệm đối với bản thân. Dành thời gian hoà hoãn cho bản thân, để không bị luống cuống, lúng túng, quên trước quên sau. Dù gặp bất cứ tình huống bất ngờ nào, cũng đều có thể bình tĩnh giải quyết.

4. Đối xử với người khác, tự xem xét nội tâm 3 phút

Lão Tử nói: “Đại Đạo chi hành, bất trách ư nhân” (Thực hành đại Đạo thì không trách người). Một trong những điểm yếu của bản chất con người là thói quen dùng hai mắt nhìn hướng ra ngoài. Luôn nhìn chằm chằm vào lỗi của người khác, nhưng duy chỉ có không nhìn thấy bản thân.

Trong “Thế thuyết tân ngữ” ghi lại rằng khi còn trẻ tướng Chu Xử rất kiêu ngạo và vô lý. Ông tự phô trương mình là một người hào hiệp, lập chí tiêu trừ “tam ác” cho dân làng. Dân làng kể với ông rằng, hai cái ác đầu tiên là hổ trên núi và rồng ở biển. Chu Xử liền lên núi bắn hổ, xuống biển giết rồng, ba ngày không về.

Dân làng tưởng Chu Xử đã chết và chúc tụng nhau. Chu Xử nghe đến đây mới biết mình là cái ác thứ ba, cùng với hổ và rồng ác. Kể từ đó, ông đã ăn năn sửa sai, bỏ ác, hướng thiện, cuối cùng trở thành một đại danh tướng.

Khi đối xử với mọi người, hãy học cách nhìn thế giới bằng một con mắt và xem xét kỹ lại bản thân bằng con mắt kia. Chỉ trích người khác sẽ chỉ khiến bản thân vô cùng thấp kém. Nếu có thời gian để phàn nàn về người khác, tốt hơn là nên cố gắng hết sức để thay đổi bản thân.

Mạnh Tử nói: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (Hành động mà chẳng đạt, đều phải quay lại tìm nguyên nhân ở mình). Khi gặp vấn đề, trước hết cần phải tìm ra nguyên nhân từ chính bản thân mình. Không đùn đẩy, không trốn tránh, mỗi thất bại là một cơ hội để trưởng thành.

Minh An
Theo Aboluowang