Friday, July 1, 2022

VÌ SAO LỤC TỔ HUỆ NĂNG KHÔNG TRUYỀN LẠI Y BÁT?

Lục Tổ Huệ Năng, thân thể qua nghìn năm vẫn không hư hoại, dựa vào 8 chữ mà thoát nạn, nhưng không truyền y bát của đời thứ 6, hóa ra là nguyên nhân này.

Lục Tổ Huệ Năng Thân Xác trên 1000 năm bất hoại

Sau khi Ngũ tổ đại sư Hoằng Nhẫn lặng lẽ bí mật bảo Huệ Năng tới phòng của mình, và mang y bát của ông truyền lại cho Huệ Năng, nhưng trong tâm đại sư biết rõ rằng các đệ tử khác rất coi trọng vị trí lục tổ này nên e rằng sẽ xảy ra tranh chấp. Ông lo lắng cho sự an toàn của Huệ Năng cũng như y bát của mình rơi vào tay người khác, ông đã dặn dò Huệ Năng: “Năm đó, Tổ sư Đạt Ma truyền thụ y bát này làm tín vật, kế tục qua các đời, tới con là đời thứ 6. Thực ra, tu luyện Phật Pháp lấy tâm truyền tâm, quan trọng hơn ở tự chứng tự ngộ. Chung quy thì y bát này là vật ngoài tâm, chỉ truyền tới con, không cần phải truyền tiếp xuống nữa. Nếu như lại truyền tiếp, ta lo rằng sẽ xảy ra đại họa. Con hãy mau rời đi!”

Huệ Năng nghe sư phụ nói vậy trong lòng thầm nghĩ, tính mạng bản thân là chuyện nhỏ, còn bình bát mới là đại sự, liền vội hỏi Ngũ Tổ: “Đệ tử nên đi về đâu? Xin Sư tôn khai thị”.

Ngũ Tổ nói: “Phùng Hoài tắc chỉ, ngộ Hội tắc tàng” (nghĩa là: gặp ‘Hoài’ thì dừng lại, gặp ‘Hội’ thì ẩn mình).

Nói rồi Ngũ Tổ giúp Huệ Năng thu dọn hành trang, bọc lại y bát và trong đêm tối tiễn Huệ Năng tới bến đò Cửu Giang. Huệ Năng vượt sông Trường Giang, đi về phía Nam xa xôi.

Ngũ Tổ và Huệ Năng lên thuyền, Huệ Năng cầm cây sào đẩy thuyền đi. Ngũ Tổ thử người đệ tử và hỏi: “Phải là ta ‘độ’ (chở) con mới đúng!”

Huệ Năng đáp: “Lúc mê thì Sư độ, sau khi ngộ rồi thì tự độ”.

Huệ Năng vừa nói vừa gắng sức chèo, con thuyền nhỏ chở hai thầy trò nhanh chóng tới bờ bên kia.

Ngũ Tổ nghe Huệ Năng trả lời, biết rằng cậu tu luyện đã thành thục, trong lòng ông cũng thấy an tâm.

Huệ Năng sang tới bên sông, rơi lệ từ biệt Ngũ tổ đại sư Hoằng Nhẫn rồi rời thuyền lên bờ, sau đó ông vội vàng đi về phương Nam. Thấy bóng dáng Huệ Năng đi xa khuất, Ngũ tổ đại sư Hoằng Nhẫn thở nhẹ và cũng quay trở về chùa Đông Thiền.

Sau khi tiễn Huệ Năng đi, vài ngày liên tiếp, đại sư Hoằng Nhẫn đều không lên điện đường giảng kinh. Các đệ tử bàn luận xôn xao liệu có phải sư phụ bị ốm hay không, và họ lần lượt tới vấn an thầy. Đại sư Hoằng Nhẫn phỏng đoán Huệ Năng đã đi được rất xa rồi, liền nói với các đệ tử: “Ta không bị bệnh, ta đã truyền y bát và pháp mật của Sư tổ về phương Nam rồi”.

Các đệ tử nghe vậy, vô cùng kinh ngạc, liền vội vàng hỏi: “Không biết là vị cao tăng nào có thể lọt vào Pháp nhãn của Sư tôn, nhận được y bát?”

Ngũ tổ chỉ ôn tồn nói: "Năng giả đắc chi" (Người có khả năng thì đắc được)

Ngũ tổ chỉ ôn tồn nói: "Năng giả đắc chi" rồi quay người rời đi (Ảnh chụp màn hình video)

Các đệ tử nghe xong, mới bỗng tỉnh ngộ, hóa ra là cậu ta!

Tin tức về việc Huệ Năng mang theo y bát đi về phương Nam đã lan truyền trong chùa Đông Thiền, lúc này các đệ tử trong chùa náo loạn, nhiều người cảm thấy bất bình, rất không phục. Họ cho rằng: “Một tên Nam man mới tới chùa vài ngày, dựa vào cái gì có thể nhận được y bát của Tổ sư? Chẳng lẽ đại sư đã nhất thời hồ đồ, có thể đại sư ngại nói ra, chắc chắn là tên tiểu tử Huệ năng đã trộm y bát chạy đi. Chúng ta cần phải đuổi theo hắn!”

Hàng trăm đệ tử lòng đầy phẫn nộ đuổi theo về phía Nam, hòng muốn chiếm đoạt lại y bát của Tổ sư. Trong đám đệ tử đuổi theo, có một vị tăng nhân tên là Huệ Minh, họ tục là Trần, nguyên là cháu trai của Trần Tuyên Đế thời Nam Bắc triều, trước khi xuất gia là tướng quân tứ phẩm. Anh ta tính tình thô lỗ, phóng khoáng, võ nghệ cao cường, cực kỳ khỏe mạnh. Huệ Minh dựa vào thân thủ khỏe mạnh, trèo đèo vượt núi, đi nhanh thần tốc về phương Nam, là người đi nhanh nhất trong các đệ tử đã đuổi kịp Huệ Năng tại đường cổ Mai Quan, tại Đại Dữu Lĩnh.

Huệ Minh dựa vào thân thủ khỏe mạnh, trèo đèo vượt núi, đi nhanh thần tốc về phương Nam đuổi theo Huệ Năng (Ảnh chụp màn hình video)

Lục tổ Huệ Năng từ xa thấy Huệ Minh đuổi theo, biết không thể tránh khỏi sự truy đuổi, liền để y bát trên hòn đá lớn ở bụi gai bên cạnh và nói với Huệ Minh: “Y bát là tượng trưng của Phật Pháp, yên tĩnh và bình hòa, làm sao có thể dùng bạo lực để tranh đoạt chứ? Nếu anh thực sự muốn y bát này thì xin mời hãy tự mình lấy mang đi”.

Huệ Minh đưa tay ra lấy y bát, nhưng cầm không nổi. Anh ta thầm nghĩ “ta xuất thân là võ tướng, có sức mạnh, chẳng lẽ không cầm nổi bọc áo cà sa nhỏ này”. Vậy là anh ta vận đủ lực khí, thoáng chốc hai cánh tay cuồn cuộn lên trông đầy sức mạnh, và đưa tay ra kéo y bát. Nhưng thế nào y bát vẫn nằm yên trên tảng đá, không thể nhấc lên được. Lúc này Huệ Minh lập tức tỉnh ngộ ra, y bát này không phải chỉ là một bộ áo cà sa giản đơn, mà là đại biểu của một tầng Phật Pháp, nhất định phải là người có đại căn cơ, đại trí huệ, mới có thể có được. Còn phải xem duyên phận, chứ không phải ai muốn cũng tùy tiện có được.

Huệ Minh vội dập đầu bái lạy và nói với Huệ Năng: “Đệ tử vì cầu Pháp mà tới, không phải là vì y bát này”.

Lục tổ Huệ Năng ngồi xếp bằng bên tảng đá và hỏi: “Bất tư thiện, bất tư ác, diện mạo thực của thượng tọa Huệ Minh ở đâu?”

Huệ Minh nghe câu hỏi mà vô cùng xấu hổ, chợt toàn thân toát hết mồ hôi, lệ rơi khắp mặt nói: “Đệ tử ngu muội, dù tu trì khắc khổ bao năm nhưng trước nay không thể ngộ được diện mạo nguyên lai của mình là gì”.

Vậy là Huệ Minh bái Lục tổ Huệ Năng làm thầy, và trở thành đệ tử đầu tiên của Lục tổ Huệ Năng. Huệ Minh mở lời hỏi Lục tổ Huệ Năng: “Xin Sư phụ chỉ bảo bước tiếp theo đệ tử nên đi thế nào, sẽ đi về phương nào”.

Lục Tổ chỉ nói: “Phùng viên tắc chỉ, ngộ mông tắc cư” (Gặp Viên thì dừng, gặp Mông thì ở).

Huệ Minh trong lòng dù không hiểu ý nghĩa lời thầy cũng chỉ gật gật đầu: “Đệ tử xin ghi nhớ lời dạy”.

Nói rồi, Huệ Minh cảm tạ Sư phụ Lục tổ Huệ Năng và chia tay, một mình đi xuống núi.
Đi xuống sườn núi, Huệ Minh thấy khoảng chục vị tăng nhân, những người từ chùa Đông Thiền đang truy đuổi Huệ Năng để lấy lại y bát, chạy tới, trên đường họ vừa đuổi theo vừa dò tìm tung tích của Huệ Năng.

Huệ Minh gặp một tăng nhân đang dừng chân và nói chuyện: “Sư huynh à, tôi vừa từ trên đỉnh núi xuống, trên đó tôi nhìn qua chẳng có một bóng người. Sư huynh à, chúng ta nên tiết kiệm sức lực, tiếp tục truy đuổi về phía trước đi”.

Thế là Huệ Minh đã bảo vệ an toàn cho Lục tổ Huệ Năng. Sau đó Huệ Minh đi chu du vài năm, chẳng mấy chốc tới quận Viên Châu, thành phố Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây. Nơi đây có một ngọn núi là Mông Sơn, là một nơi non xanh nước biếc, chim hót hoa thơm. Ông ở lại Mông Sơn, Viên Châu dựng lều độc tu. Đúng như lời Lục tổ đã nói “Phùng viên tắc chỉ, ngộ mông tắc cư”.

Đúng như lời Lục tổ đã nói “Phùng viên tắc chỉ, ngộ mông tắc cư”, Huệ Minh đã ở lại Viên Châu dựng lều độc tu (Ảnh minh họa: Jiawei Cui via pexels)

Về phần Lục tổ Huệ Năng, khi từ biệt đệ tử Huệ Minh, ông cũng rời Đại Dữu Lĩnh, theo đường Mai Quan tiếp tục đi về phía Nam đi, đến thành phố Tứ Hội tỉnh Quảng Đông. Huệ Năng ghi nhớ lời dặn dò của Ngũ tổ đại sư Hoằng Nhẫn “Phùng hoài tắc chỉ, ngộ hội tắc tàng”, ông bèn trà trộn cùng với nhóm những người thợ săn để ẩn mình. Nhìn những người thợ săn hàng ngày nấu những con vật săn bắt được, ông cũng đành phải ăn những món ăn và món canh có thịt. Cứ như vậy, ông trải qua 15 năm.

Sau đó ông quay lại Tào Khê hoằng dương Pháp, gặp phải ác nhân và bị truy sát, trong tâm khắc ghi lời dặn của Sư phụ, ông ẩn mình ở Hoài Tập và Tứ Hội lánh nạn. Chớp mắt hơn 10 năm qua đi, Huệ Năng phải trốn đông núp tây thoát nạn. Một hôm ông tới chùa Pháp Tính, ở quận Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, Quảng Châu. Trước chùa có cái phướn, dưới phướn có hai tăng nhân đang biện luận.

Người thì nói: - Gió làm cái phướn động.

Người kia lại nói: - Là cái phướn động.

- Không có gió thì cái phướn làm sao động được, nên nói là gió động mới đúng.

- Không có cái phướn động thì sao biết gió động nên phải nói là phướn động.


Hai người họ cứ đôi co, mỗi người một ý, tranh cãi tới mặt đỏ tía tai không ai chịu ai.

Huệ Năng đi qua thấy hai tăng nhân cứ tranh luận không ngớt, bèn nói: “Hai vị à, tôi nói không phải là gió động cũng không phải là cái phướn động, mà là tâm của hai vị đang động đó”.

Hai người họ cứ đôi co, mỗi người một ý, tranh cãi tới mặt đỏ tía tai không ai chịu ai (Ảnh chụp màn hình video)

Hai người nghe xong không nói câu nào, họ vội chạy đến thiền phòng kể sự việc với Pháp sư Ấn Tông. Pháp sư Ấn Tông nghe nói có cao tăng tới viếng thăm, liền đích thân ra đón tiếp và mời Huệ Năng vào chùa.

Pháp sư Ấn Tông nói: “Tôi nghe nói người ở phương Nam được đại sư Hoằng Nhẫn truyền Thiền Pháp tới, có phải đó là Ngài?”

Huệ Năng gật đầu và đưa y bát của Ngũ tổ truyền từ trong ngực ra. Các tăng nhân thấy Pháp vật của Ngũ tổ, tất cả đều lễ bái và cầu xin Huệ Năng thuyết Thiền.

Pháp sư Ấn Tông tập hợp các đệ tử dưới cây bồ đề ở chùa Pháp Tính cắt tóc cho Huệ Năng và còn thỉnh đại Pháp sư thọ cụ túc giới cho ông. Pháp sư Ấn Tông vô cùng khiêm tốn, nguyện ý bái đại sư Huệ Năng làm thầy. Như vậy, Pháp sư Ấn Tông là người cạo tóc quy y cho Huệ Năng và cũng là đệ tử của Huệ Năng. Và từ đó Huệ Năng bắt đầu hồng truyền pháp đốn ngộ Đông Sơn.

Vùng Trung Nguyên có một tăng nhân tên là Hoài Nhượng nghe nói Lục tổ Huệ Năng hồng truyền pháp môn đốn ngộ, không quản ngàn dặm đường xa, trèo đèo lội suối tới bái Lục tổ làm thầy.

Huệ Năng hỏi: “Cậu từ nơi nào tới?”

Hoài Nhượng đáp: “Đệ tử từ Núi Tung tới”

Huệ Năng hỏi tiếp: “Cậu thử nói xem Núi Tung lớn như thế nào?”

Hoài Nhượng nghe vậy từ tốn trả lời: “Theo đệ tử thấy, Núi Tung không có hình tượng, nếu có thể nói ra hình tượng, thì đó ắt không phải là diện mạo chân chính của Núi Tung”.

Theo như Hoài Nhượng thì Núi Tung chỉ có thể tâm lĩnh thần hội. Lục Tổ Huệ Năng lắng nghe và gật đầu khen ngợi. Cứ vậy hai người đàm luận rất lâu, quả thực là hợp ý. Vậy là Huệ Năng thu nhận Hoài Nhượng, đi theo ông 15 năm, thành cao đồ trong pháp môn của ông. Cả đời Huệ Năng nhấn mạnh tâm chính là Phật, tự gọi là Pháp môn đốn ngộ, cũng gọi là đốn môn. Tuy Hoài Nhượng kế thừa hình thức đốn ngộ của Huệ Năng. Nhưng ngay từ đầu Ngũ tổ đã từng nói “Phùng hoài tắc chỉ” (Gặp Hoài thì dừng) nên Huệ Năng không đem y bát của mình truyền cho người đệ tử đắc ý của ông.

Lục Tổ Huệ Năng tại chùa Bảo Lâm, Tào Khê, chùa Nam Hoa, Quảng Đông hồng dương Thiền tông 37 năm, chủ trương đốn ngộ, mọi người gọi là Nam Tông. Thời đó, sư huynh đồng môn của ông là Thần Tú chủ trương tiệm ngộ, hiệu gọi là Bắc Tông.

Võ Tắc Thiên và Đường Trung Tông đã nhiều lần triệu mời Huệ Năng vào kinh. Huệ Năng không muốn cạnh tranh với sư huynh, lấy lý do ở nơi rừng núi xa, tuổi già, sức yếu từ chối. Năm 76 tuổi, Huệ Năng làm một bài kệ:

Ngột ngột bất tu thiện
Đằng đằng bất tạo ác
Tịch tịch đoạn kiến văn
Đãng đãng tâm vô trước

Tạm dịch:

Chót vót chẳng tu thiện
Bừng bừng chẳng làm ác
Tịch mịch hết kiến văn
Thản đãng không chấp trước

Đọc xong bài kệ ông ngồi lặng thêm 3 phút rồi nhẹ nhàng nói với các đệ tử: “Ta đi đây” và ra đi.

Sau khi Lục tổ Huệ Năng viên tịch, nhục thân được thờ cúng tại chùa Nam Hoa, Tào Khê, cho tới nay trải qua hơn ngàn năm, thân thể của ông vẫn không bị hư hoại, trở thành một truyền kỳ nơi nhân gian. Nhưng 20 năm sau khi Huệ Năng viên tịch, pháp môn đốn ngộ của Huệ Năng dần dần tàn lụi, còn pháp môn tiệm ngộ của của Thần Tú Bắc Phái bắt đầu hưng khởi.

Cho tới khi một cao đồ khác của Huệ Năng là Thần Hội lập ra Hoa Đài Đại Hội để chấn hưng lại pháp môn đốn ngộ, và đã giành phần thắng trong cuộc tranh luận với phái tiệm ngộ của Thần Tú. Như vậy đã thiết lập nên sự chính thống của Nam Tông Huệ Năng với Thiền Tông. Lục Tổ Huệ Năng sáng lập Pháp đốn ngộ trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, phổ cập nhận thức về Phật Pháp và đóng vai trò lịch sử quan trọng trong sự phát triển của triết học Thiền tông.

Minh An / Theo SOH



No comments: