Wednesday, April 30, 2025

CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ XUNG ĐỘT TRONG GIA ĐÌNH McNAMARA QUA LỜI KỂ CỦA NGƯỜI CON TRAI

"Thật tiếc rằng cha tôi đã không có được sự tự tin hoặc sự bình yên trong lòng để chia sẻ với tôi một vài tấn bi kịch mà ông đã đối mặt," ông Craig McNamara nhớ lại mối quan hệ giữa ông và cha.

Chiến tranh Việt Nam đã gây ra những sứt mẻ trong gia đình của "Kiến trúc sư chiến tranh" Robert McNamara

Khi đọc cuốn sách Because Our Father Lied (Tạm dịch: Vì cha chúng tôi đã nói dối, xuất bản năm 2022) của ông Craig McNamara, có thể cảm nhận thấy sự tiếc nuối của tác giả về việc không thể nói về Chiến tranh Việt Nam với cha mình, ông Robert S. McNamara – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giai đoạn 1961-1968, dưới thời các tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson.

Cuốn sách cũng là lời phê bình của người con trai đối với cha mình, về việc dù đã biết Mỹ không thể thắng trong Chiến tranh Việt Nam nhưng không chịu nói ra.

"Việc một người con công khai chỉ trích cha mình không hề phổ biến trong xã hội Mỹ. Vậy nên trường hợp của tôi có lẽ cũng khá khác biệt," ông Craig chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào ngày 16/4.

Ông Craig ước rằng cha ông có cơ hội đọc cuốn sách của ông.

"Giá như cha tôi còn sống ngày hôm nay để tôi có thể chia sẻ cuốn sách này với ông. Tôi nghĩ nó sẽ khiến ông ấy rất buồn. Qua nỗi buồn ấy, tôi nghĩ chúng tôi có thể có một cuộc trò chuyện."

"Tận sâu trong lòng, tôi cảm thấy rằng cha tôi hẳn đã mang trong mình một nỗi xấu hổ rất lớn vì những quyết định của bản thân. Và cách duy nhất để đối diện với nỗi xấu hổ ấy là giải tỏa nó - bằng việc trò chuyện, thấu hiểu và nhận lỗi cho những quyết định mà ta cảm thấy đã sai."

"Tôi ước gì cha tôi có được cơ hội ấy."

Ông Robert McNamara được mệnh danh là "Kiến trúc sư chiến tranh Việt Nam". Thượng Nghị sĩ Dân chủ Wayne Morse của bang Oregon vào tháng 4/1964 đã gọi Chiến tranh Việt Nam là "McNamara's War," tức Cuộc chiến của McNamara.

Trong khi đó, ông Craig luôn phản đối cuộc chiến này. Trong sách, ông Craig đã kể về cách mình nổi loạn:

"Tôi không thể hiện gì ở trường nội trú. Nhưng vào mùa hè, trong phòng ngủ của tôi ở nhà - nơi cha tôi có thể nhìn thấy - tôi đã bắt đầu có những hành động phản kháng đầu tiên. Trên tầng ba ở nhà chúng tôi tại phố Tracy Place, tôi treo ngược quốc kỳ Mỹ trên bức tường phía đầu giường."

Sau này, khi đã vào đại học, ông Craig thường xuyên tham gia biểu tình phản đối chiến tranh. Lúc bấy giờ, ông Robert đã rời Lầu Năm Góc.

Ông Robert McNamara (giữa) cùng con trai Craig McNamara (phải) và con gái Cathy McNamara vào năm 1966. Ảnh: Getty Images.

Hiện tại, ông Craig và vợ đang là chủ một trang trại lớn, chủ yếu sản xuất quả óc chó hữu cơ, ở thành phố Winters, bang California.

Ông Craig chia sẻ rằng thoạt tiên ông định viết về tương lai của ngành nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu, nhưng khi đặt bút viết thì ông mới nhận ra rằng mọi thứ ông viết đều về quan hệ của ông với cha – điều đã chịu nhiều tác động từ Chiến tranh Việt Nam.

"Kể từ lúc tôi mới 13, 14 tuổi, Chiến tranh Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều tới cách tôi nhìn cuộc đời."

"Cha tôi thường xuyên tới Việt Nam để giám sát cuộc chiến lúc ông ấy làm bộ trưởng Quốc phòng. Mỗi lần về, ông thường mang theo hiện vật chiến tranh. Một trong những thứ khiến tôi cảm thấy nặng nề nhất là một lá cờ Việt Cộng lấy được từ một binh sĩ Việt Cộng tử nạn trong Trận Ia Đrăng (14/11/1965 – 18/11/1965)."

Lá cờ này được treo trong nhà ông cho mãi tới gần đây, khi ông có một chuyến đi tới Việt Nam để trả lại hiện vật này cho phía Việt Nam.

"Thực ra tên tôi là Robert Craig McNamara, nhưng tôi thường dùng tên Craig. Đó là tên thời con gái của mẹ tôi. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi dùng tên này, và có lẽ, một phần là vì tôi muốn tách bạch bản thân mình với Robert McNamara," ông bất chợt nói.

Ông Craig McNamara cùng vợ, bà Julie McNamara, và hai người cháu. Ảnh: Craig Mc Namara.

Im lặng

"Qua năm tháng, tôi nghĩ tới cha mình mỗi ngày, bằng tình yêu xen lẫn sự phẫn nộ. Cứ mỗi lần tôi đề cập đến Việt Nam, ông ấy lại lảng tránh. Chúng tôi chưa bao giờ có một cuộc tranh luận nào về nó [Chiến tranh Việt Nam]," ông viết trong cuốn hồi ký.

Cuốn sách phần nào giúp truyền tải nỗi buồn, và có lẽ là cả sự bất bình, của Craig khi mà cha ông luôn tránh nói chuyện về Chiến tranh Việt Nam.

"Tôi biết về những quyết định của cha mình chủ yếu thông qua một nguồn khác. Với tôi, đó là một bi kịch," ông Craig kể với BBC News Tiếng Việt.

"Thật đáng tiếc khi cha và tôi không tự tạo ra cơ hội và không gian để trực tiếp trò chuyện với nhau, để ông có thể lắng nghe những nỗi lo tôi dành cho ông, cũng như tình yêu và nỗi thất vọng của tôi đối với ông, và để ông cũng có cơ hội giải thích cho tôi hiểu vì sao ông lại làm những gì ông đã làm".

Ông Robert thậm chí cũng không kể với con trai việc mình là mục tiêu của một vụ ám sát hụt.

Đó là vào tháng 5/1964, khi biết tin Bộ trưởng Robert McNamara sẽ tới Việt Nam, lực lượng biệt động Sài Gòn đã lập kế hoạch ám sát ông. Vụ ám sát bất thành, người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi bị bắt vào ngày 9/5/1964, ba ngày trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert tới Sài Gòn, và sau đó bị xử bắn vào ngày 15/10 cùng năm.

Craig lúc đó 13 tuổi, học lớp 8 và được nghe tin này từ cô giáo dạy môn lịch sử. Về nhà, cậu bé Craig đã khóc với mẹ, người không tỏ vẻ sợ hãi hay giận dữ.

"Không bao giờ chúng tôi nói về chuyện ấy nữa," ông nhớ lại. Lúc bấy giờ, Craig nghĩ rằng việc không nói về Chiến tranh Việt Nam là cách cha mẹ bảo vệ mình.

Người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi (áo trắng) ngay trước khi bị xử tử vào ngày 15/10/1964. Ảnh: Getty Images.

Nhưng bất chấp những nỗ lực cách ly của ông bà Robert McNamara, cuộc chiến bên ngoài vẫn không ngớt tràn vào ngôi nhà của họ.

Mùa hè năm 1967, trong một chuyến leo núi với gia đình ở thị trấn Aspen, bang Colorado, Craig đã giáp mặt một nhóm nhà hoạt động tới chất vấn Bộ trưởng Robert McNamara.

Trong khi cha và mẹ ở bên trong ngôi nhà thuê, Craig, khi đó 17 tuổi, đã quyết định ở bên ngoài để đối diện với nhóm người trên.

"Tôi không biết cha tôi đã cảm thấy thế nào. Tôi chỉ có thể đoán rằng đó là sự pha trộn giữa giận dữ, sợ hãi, trốn tránh, buồn bã và hối hận. Tôi biết mình cảm thấy thế nào: bị bỏ rơi và cô đơn," Craig mô tả trong cuốn hồi ký.

Khi được hỏi vì sao ông quyết định ra ngoài để nói chuyện với những nhà hoạt động, ông giải thích:

"Tôi muốn cho những người biểu tình ấy biết rằng tôi cũng là một trong số họ. Rằng tôi cũng phản đối cuộc chiến và tôi sẽ đồng hành cùng họ trong hành trình tìm kiếm sự thật và chấm dứt chiến tranh."

"Mặt khác, tôi vẫn là con của cha tôi."

Sau đó gần 40 năm, vào năm 2003, khi gia đình đang dùng bữa tại một khách sạn, một người đàn ông đã tiếp cận Craig, thể hiện sự khinh bỉ đối với ông Robert McNamara, mô tả cựu bộ trưởng Quốc phòng là một "con quỷ thực sự".

Dường như đó là những bất trắc đi kèm với cái họ McNamara.

"Trên hộ chiếu, bằng lái xe, hay ở bất cứ đâu — như khi tôi tới nhà hàng, khách sạn, hoặc đi du lịch — mỗi khi người ta thấy tên tôi, câu hỏi đầu tiên thường là: 'Ông có phải họ hàng không?'

"Ý họ là 'ông có phải họ hàng của Robert McNamara không?' Tôi sẽ trả lời 'có', không hề che giấu."

Nhưng chuyện này không xảy ra thường xuyên.

'Tôi nhận được một cuộc điện thoại...'

Bộ Quốc phòng dưới thời ông Robert McNamara đã bị chỉ trích về nhiều chiến dịch, như McNamara's 100.000, Agent Orange và cả cách đo lường thành công của quân đội Mỹ.

Ông Robert luôn bị ám ảnh bởi những con số và nghiên cứu thống kê – mọi thứ phải được định lượng và đo lường.

"Cái gì đo được thì nên đo" là câu nói của ông về Chiến tranh Việt Nam. Phương pháp body count (đếm xác) - xác định số lượng quân địch thiệt mạng - là một chỉ số gây tranh cãi gắn liền với tên tuổi Robert McNamara.

Phương pháp này bị cáo buộc đã gây ra áp lực cho lính Mỹ, khiến họ phóng đại số liệu thực tế và tính cả dân thường vào.

Trong cuốn tự truyện It Doesn't Take A Hero (Tạm dịch: Không cần phải là anh hùng), tác giả Herbert Norman Schwarzkopf, một sĩ quan từng tham chiến tại Việt Nam và về sau được thăng lên đại tướng lục quân, kể rằng áp lực gia tăng body count đã khiến một vị tướng phụ trách sư đoàn của ông "nghĩ rằng họ cần tiêu diệt nhiều lính Việt Cộng hơn".

Việc Tổng thống Mỹ John F. Kennedy phê duyệt việc bắt đầu thả chất độc da cam/dioxin xuống Việt Nam vào năm 1961 cũng xuất phát từ khuyến nghị chung từ Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, theo tài liệu OPERATION RANCH HAND. The Air Force and Herbicides in Southeast Asia, 1961-1971 (Tạm dịch: CHIẾN DỊCH RANCH HAND. Không quân và Thuốc diệt cỏ ở Đông Nam Á, 1961-1971).

Tóm tắt Chiến tranh Việt Nam

Nhìn lại những chương trình này, và cả về lượng bom mà Mỹ đã thả xuống Việt Nam, ông Craig nói rằng "rất khó để đặt những quyết định ấy bên cạnh người cha mà tôi yêu quý."

"Đó là những quyết định tội ác chiến tranh kinh hoàng. Và việc biết rằng cha tôi, ngài tổng thống, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đại tướng Westmoreland,... tất cả đều góp phần vào những quyết định này là một vết nhơ trong lịch sử toàn cầu của chúng tôi."

"Điều đó vẫn khiến tôi rất buồn."

Theo một bài viết trên báo The Guardian vào năm 2002, chính ông Robert McNamara đã nói rằng cần có một phiên tòa hình sự quốc tế cho Mỹ, dù rằng điều này có thể đồng nghĩa với việc hồ sơ của chính ông bị suy xét.

Project 100.000, còn được biết tới là McNamara's 100.000, ra đời vào năm 1966, là chương trình tuyển mộ những người từng được đánh giá là không đạt tiêu chuẩn về thể chất và tinh thần để chiến đấu ở Việt Nam.

"Những người nghèo ở Mỹ... đã không có cơ hội nhận phần tương xứng trong sự sung túc của quốc gia này, nhưng họ có thể được trao cơ hội phục vụ đội ngũ quốc phòng của đất nước và được trao cơ hội trở về cuộc sống dân sự với những kỹ năng và năng lực có thể giúp đảo ngược vòng xoáy suy tàn của họ và gia đình," ông Robert McNamara nói khi công bố McNamara's 100.000.

Những người lính này, được gọi là New Standards Men (Những người đàn ông theo tiêu chuẩn mới), được đánh giá là không mang lại quá nhiều giá trị cho quân đội Mỹ chiến đấu ở Việt Nam.

McNamara's 100.000, tương tự như những chương trình nói trên, đã hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng đôi khi cũng có bất ngờ.

"Tuần trước, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một người đàn ông ở bang Arkansas. Ông ấy giới thiệu bản thân rồi hỏi rằng tôi đã bao giờ nghe đến 'McNamara's 100.000' chưa.

"Tôi nói mình đã từng nghe. Thế là ông ấy kể rằng mình từng là một trong số những người lính ấy. Sau đó ông ấy kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời và lý do tại sao gọi cho tôi. Ông ấy gọi để cảm ơn cha tôi và cảm ơn tôi. Đó là một câu chuyện rất cảm động.

"Khi học tới bậc trung học, ông ấy đã bỏ ngang. Ông ấy ghét trường học, ghét gia đình, ghét cuộc sống của mình, và ông ấy đã có giấy hoãn nghĩa vụ quân sự vì lý do sức khỏe, nên ông ấy không nhập ngũ. Nhưng rồi vì McNamara's 100.000 mà ông ấy đã nhập ngũ và chiến đấu ở Việt Nam. Điều đó đã mãi mãi thay đổi cuộc đời ông ấy theo hướng tích cực."

"Thật khó để hiểu điều đó, nhưng tôi chấp nhận câu chuyện và nhận lời cảm ơn của ông ấy."

'Không thể thắng được'

Ông Robert McNamara giữ chức bộ trưởng Quốc phòng giai đoạn 1961-1968, dưới thời các tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson.

Tới năm 1968, ông được cho là đã bị Tổng thống Johnson sa thải do không còn mặn mà ủng hộ Mỹ tham chiến ở Việt Nam.

Trước đó, ông đóng vai trò lớn tới mức ở Mỹ có những người gọi Chiến tranh Việt Nam là McNamara's War, tức Cuộc chiến của McNamara.

Kể từ khi Tổng thống Johnson nhậm chức vào năm 1963, Mỹ đã tăng cường hiện diện ở Việt Nam, một phần là do tác động từ Robert McNamara.

Tuy nhiên, sự hoài nghi của ông Robert McNamara đã nhen nhúm từ vài năm trước khi ông rời Lầu Năm Góc, thể hiện qua những biên bản ông gửi cho Tổng thống Johnson trong các năm 1964, 1965, 1966, 1967.

Sự phản đối của ông Craig có lẽ cũng đã tác động phần nào tới cựu bộ trưởng Quốc phòng.

Trong cuốn The War Within: America's Battle over Vietnam (Tạm dịch: Chiến tranh nội tại: Cuộc chiến của nước Mỹ về Việt Nam), tác giả Tom Wells đã dẫn lời ông Paul Warnke, Tổng Cố vấn pháp lý Bộ Quốc phòng (1966-1967) và Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế (1967-1969), như sau:

"Tôi khá chắc rằng sự phản đối mạnh mẽ của chính con cái đối với cuộc chiến đã gây ra tác động rất rõ rệt lên ông ấy. Đặc biệt là Craig, tôi nghĩ vậy. Cậu ấy kịch liệt phản đối cuộc chiến và không hề đồng tình với cha mình."

Craig được cha bế khi còn nhỏ, ảnh chụp năm 1951. Ảnh: Craig McNamara.

Cá nhân ông Craig tin rằng cha mình đã biết Chiến tranh Việt Nam là "không thể thắng được" từ năm 1965.

Ông đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong cuốn In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (Tạm dịch: Nhìn lại: Bi kịch và những bài học từ Chiến tranh Việt Nam) do cha ông viết và được xuất bản năm 1995:

"Thoạt nhìn, Trận Ia Đrăng có vẻ là một chiến thắng quân sự vững chắc của Mỹ. Binh lính Mỹ, như dự đoán, đã chiến đấu dũng cảm và kiên cường. Tuy nhiên, Bắc Việt mới là bên quyết định địa điểm, thời điểm và thời lượng giao tranh. Việc này ngày càng diễn ra thường xuyên hơn khi cuộc chiến tiếp diễn."

Rồi ông nói:

"Lý do tôi đọc đoạn đó là vì từ những nghiên cứu mà tôi đã thực hiện để viết cuốn hồi ký của mình, tôi nhận thấy rằng vào lúc ấy, tức tháng 11/1965, cha tôi đã nhận ra rằng cuộc chiến ở Việt Nam là một cuộc chiến mà Mỹ không thể giành chiến thắng."

"Đây là một nhận thức rất quan trọng.

"Nếu Robert McNamara đã nhận ra vào cuối năm 1965 rằng cuộc chiến không thể thắng, vậy tại sao ông vẫn tiếp tục giữ chức bộ trưởng Quốc phòng? Tại sao không công khai phản đối chiến tranh, từ chức khỏi chính quyền Johnson, liên kết với Bobby Kennedy, Martin Luther King để phản đối cuộc chiến? Tại sao ông ấy không làm như vậy? Đó là câu hỏi mà tôi đã tự hỏi và tôi nghĩ câu trả lời liên quan đến lòng trung thành."

Vào thập niên 90, Robert McNamara đã giải thích rằng "lòng trung thành" là điều ngăn cản ông công khai phản đối và bày tỏ sự ngờ vực về cuộc chiến ở Việt Nam nhiều năm qua.

Chúng tôi đã hỏi Craig rằng liệu ông có tin câu trả lời này hay không. Thay vì trả lời trực tiếp, Craig trích dẫn câu nói của cha ông trong một cuộc phỏng vấn đăng vào tháng 5/1968 trên tạp chí Life:

"Ở Washington, có một khái niệm về lòng trung thành vượt trội (higher loyalty). Theo tôi, đó là một tư tưởng lạc lối — cái ý niệm cho rằng bổn phận phục vụ quốc gia vượt lên trên bổn phận phục vụ tổng thống, và rằng việc làm như vậy là chính đáng. Nếu tư tưởng đó được chấp nhận, nó sẽ hủy hoại nền dân chủ. Bạn cần từ bỏ một phần bản thân, một phần quan điểm."

Câu nói này cho thấy quan điểm của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara - phục vụ tổng thống mới là lối đi đúng đắn, là đúng bổn phận.

Ngược lại, ông Craig cho rằng trách nhiệm của công bộc là phục vụ Hiến pháp chứ không phải tổng thống, viện dẫn lời tuyên thệ nhậm chức của quan chức cấp cao ở Mỹ – "Tôi xin thề sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ chống lại tất cả kẻ thù, cả từ bên ngoài lẫn bên trong."

Và đó có lẽ chính là sự khác biệt lớn nhất giữa hai người đàn ông trong gia đình McNamara.

Tháng 4/1975: Đài BBC đã phát gì?

Chữ 'nếu' ở thì quá khứ

Vào năm 1961, khi đang là chủ tịch công ty ô tô Ford, ông Robert McNamara thực ra đã có quyền lựa chọn một trong hai chức vụ là bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Tài chính. Nếu ông chọn Bộ Tài chính, lịch sử thế giới có thể đã rất khác.

"Ông sẽ là một bộ trưởng tài chính tuyệt vời. Đó là nơi phù hợp năng lực của ông. Ông là một người thông minh, giỏi với các con số, ông là một nhà quản lý đầu tư và tài chính tuyệt vời."

"Tôi không biết tại sao. Tôi không biết tại sao ông không nhận chức vụ đó."

"Quay lại thời điểm ấy, thực ra ông đã từ chối tất cả các đề nghị của Tổng thống Kennedy. Ban đầu, ông nói mình là chủ tịch của Ford, có nghĩa vụ với Ford. Tuy nhiên, cha tôi là một công chức điển hình, ông tin vào xã hội."

"Vì vậy, tôi nghĩ Tổng thống [Kennedy] có lẽ đã nói rằng 'này ông McNamara, ông cũng có nghĩa vụ với đất nước bằng sự phục vụ của mình, ông là một người tài giỏi'. Lúc ấy, hẳn là tổng thống đã đề nghị ông giữ chức bộ trưởng quốc phòng."

"Nếu cha tôi làm bộ trưởng tài chính, có lẽ cuộc đời đã không nhiều thách thức tới vậy. Nhưng tôi nghĩ thách thức chính là cốt lõi. Thử thách khiến chúng ta khiêm nhường và giúp xây dựng lòng chính trực. Tôi nghĩ đó cũng là những giá trị mà cha tôi có," ông Craig nói.

Tới thời điểm hiện tại, Craig vẫn thấy có lỗi và hối tiếc vì những quyết định của cha ông và khi nhìn vào những vết sẹo chiến tranh để lại cho Mỹ và Việt Nam.

Tổng thống Lyndon B. Johnson (trái) trao Huân chương Tự do cho Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Robert McNamara tại Washington DC vào ngày 28/2/1968. Ảnh: Getty Images.

Tháng 2/1968, Robert McNamara chính thức rời Bộ Quốc phòng Mỹ. Sau đó hai tháng, ông trở thành chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ông qua đời vào năm 2009, tức 41 năm sau khi rời Lầu Năm Góc và 34 năm kể từ lúc Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

"Trên cương vị chủ tịch Ngân hàng Thế giới, thế giới của cha tôi rộng mở. Ông và mẹ tôi đã đi đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời để ông tìm cách, trong khả năng của mình, bỏ lại sau lưng Chiến tranh Việt Nam."

"Dù vậy, ông không bao giờ thực sự thoát khỏi nó. Cho đến tận ngày mất – ngày 6/7/2009 - ông vẫn mang theo trong mình những bi kịch của cuộc chiến."

"Không có thêm cơ hội cho chúng tôi nói chuyện. Chúng tôi chưa bao giờ có được cuộc trò chuyện mà tôi hằng mong muốn - về những quyết định của ông về Chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì niềm vui chung đối với núi non: vẫn cùng nhau đi bộ đường dài, leo núi và trượt tuyết.

"Nhưng chúng tôi không bao giờ nói về Việt Nam. Điều đó không bao giờ thay đổi."

Tổng thống Kennedy đã tặng ông Robert McNamara quyển lịch này để kỷ niệm sự kiện Khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962. Sau khi ông Robert qua đời, ông Craig đã mua lại kỷ vật này với giá 100.00 USD từ một buổi bán đấu giá. Nó là một trong số ít kỷ vật của cha mà ông Craig sở hữu. Ảnh: Craig McNamara.

Theo: BBC Tiếng Việt (26/04/2025)

CÁI CHẾT KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA, TẠI SAO?

Là thành viên nội các của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng đã chứng kiến nhiều chuyển động quan trọng của Sài Gòn trước ngày 30/4.

Quân Việt Nam Cộng hòa cố thủ ở cầu Tân Cảng (cầu Sài Gòn) trước ngày Sài Gòn thất thủ 30/4/1975. Ảnh: Getty Images.

Những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ đã được ghi lại bằng hai cuộc họp tối mật ở cấp cao nhất, cách nhau đúng sáu ngày – một tại Dinh Độc lập, một tại chiến khu của Quân ủy miền Nam.

Hai cuộc họp này, với nội dung tương phản hoàn toàn, đã phản ảnh sự bất cân xứng về tiềm lực quân sự và hậu cần vào thời điểm định mệnh.

Ngày 1/4/1975 – Cuộc họp tại Dinh Độc lập

Chỉ hai ngày sau khi mất Đà Nẵng (29/3/1975), Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các tướng lĩnh cấp cao nhất, gồm Đại tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham mưu trưởng), Trung tướng Đặng Văn Quang (Cố vấn Quân sự), Trung tướng Đồng Văn Khuyên (Chỉ huy Tiếp vận). Mục tiêu buổi họp là để bàn cách tái tổ chức lực lượng: chọn một số đơn vị Địa phương quân để lập thành hai sư đoàn bộ binh nhằm cầm cự được lâu hơn, giúp có được một cái thế để điều đình.

Tuy là một cuộc họp về quân sự, chúng tôi cũng được mời tham dự với tư cách tổng trưởng kế hoạch và là người điều phối viện trợ về mặt vĩ mô.

Sau phần trình bày về tình hình chiến sự, Tổng thống Thiệu quay sang hỏi trực tiếp Đại tướng Viên:

"Hiện giờ này, đạn dược thực sự còn bao nhiêu?"

Câu trả lời khiến cả phòng họp chìm trong im lặng:

"Thưa Tổng thống, đạn trong cả bốn kho dự trữ chỉ còn đủ cho 14 đến 20 ngày."

Tôi nhìn thấy nỗi buồn man mác, sự chua cay, xót xa trong ánh mắt người lãnh đạo miền Nam. Không còn gì rõ ràng hơn để báo hiệu một thực tế phũ phàng: cuộc chiến đã gần đến hồi kết và quân đội miền Nam hoàn toàn cạn kiệt phương tiện để chiến đấu.

Trực thăng Thủy quân lục chiến Mỹ sơ tán người Mỹ và người Việt trước ngày Sài Gòn thất thủ, bên dưới là các binh sĩ VNCH. Ảnh: Getty Images.

Ngày 7/4/1975 – Cuộc họp tại chiến khu Quân ủy miền Nam

Chỉ sáu ngày sau, phía Bắc Việt cũng có một cuộc họp ở chiến khu Quân ủy miền Nam để thẩm định tình hình đạn dược trước giai đoạn cuối của chiến dịch tổng tấn công. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến trường, ghi lại trong hồi ký ký Đại thắng Mùa xuân (trang 184-185):

"Khi bàn đến vấn đề bảo đảm hậu cần, đồng chí Phạm Hùng (Chính ủy Chiến dịch) hỏi tình hình đạn dược của ta chuẩn bị đến đâu rồi, đồng chí Đinh Đức Thiện (Phó tư lệnh, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) đưa ra bản thống kê số đạn đã nhận được, và số đạn đang chở từ 'các nơi' đến và nói:

"Xin báo cáo với các anh là đạn của ta đủ bắn để nó sợ tới ba đời."

Cùng trong buổi họp, ông Lê Đức Thọ – người từng đại diện Bắc Việt để ký Hiệp định Paris – tỏ rõ sự phấn khởi. Ông nói:

"Chúng có 5 sư đoàn, ta có 15 sư đoàn, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác. Như vậy chỉ cho phép chúng ta đánh thắng. Đó là ý kiến của Trung ương." (trang 186) Rồi ông khích lệ các quân đoàn: "Tình hình đối với ta rất thuận lợi, khả năng rất dồi dào, ta phải nắm lấy thời cơ, làm cho nhanh, làm cho chắc."

Báo cáo về đạn dược và số quân của hai bên trong ngày tàn của cuộc chiến đã cho thấy rõ tại sao Miền Nam không thể nào tránh khỏi ngày 30/4.

Bỏ rơi thế nào 'coi cho được'?

Có nhiều nguyên nhân – cả khách quan lẫn chủ quan – dẫn đến sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam. Nhưng thật là cần thiết để lịch sử ghi lại cho trung thực những bằng chứng chính xác về cái kết cục bi đát, bất công của VNCH, không thể để cho Henry Kissinger lấp liếm, vì ông đã lừa dối tới một nửa thế kỷ rồi – như được chứng minh trong cuốn sách Bức tử VNCH – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm (2024).

Sau ba thập niên nghiên cứu, chúng tôi đã lần ra đầy đủ những bằng chứng về một chiến lược tinh vi mang tên "Decent Interval" của Henry Kissinger – Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, một người tôi coi là "quan toàn quyền về ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời hai tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford".

Decent Interval – tạm dịch là "khoảng thời gian coi cho được." Mục tiêu của chiến lược này là làm sao ký kết được một hiệp định với Bắc Việt để Mỹ rút quân trong danh dự, đưa 519 tù binh về nước và giữ thể diện cho nước Mỹ – bất chấp việc phải để lại một VNCH bị bao vây, cô lập và cuối cùng là sụp đổ sau 1–2 năm.

Ông không chỉ thao túng chính sách đối ngoại của Mỹ, mà còn âm thầm thỏa thuận với Liên Xô – thông qua Đại sứ Anatoly Dobrynin – để phản bội nước Mỹ về Hiệp ước SALT (Tài giảm binh bị).

Chiến Tranh Việt Nam: Việt Nam Cộng Hòa thua do sự phản bội của Kissinger?

Tại sao phải bỏ rơi VNCH?

Câu trả lời nằm trong một đoạn văn thẳng thắn đến lạnh người trong hồi ký White House Years (Những năm tháng Nhà Trắng). Sở dĩ Kissinger muốn bỏ rơi miền Nam (và Campuchia, Lào) vì ông cho rằng Đông Dương đã cản trở chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, theo đó Trung Quốc mới là quan trọng, còn Đông Dương thì chỉ là một khu vực nhỏ bé, cho nên cần phải đẩy nó về đúng cái khuôn khổ nhỏ bé của nó.

Ở trang 1049 trong hồi ký, Kissinger viết về việc mở cửa Bắc Kinh:

"Chúng ta cần Trung Quốc để tăng cường tính linh hoạt trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ... Sáng kiến về (mở cửa) Trung Quốc còn khôi phục được quan điểm của chúng ta về chính sách của quốc gia.

"Sáng kiến này thu nhỏ Đông Dương lại, để nó quay về đúng cái quy mô của nó – quy mô của một bán đảo nhỏ bé trên một lục địa to lớn."

Từ cái nhìn ấy, Đông Dương không còn là một tuyến đầu chống cộng, mà là một chướng ngại cần dẹp bỏ để đạt được những thắng lợi chiến lược lớn hơn. Vận mệnh của cả một quốc gia, hàng triệu con người, đã bị ông ta xếp vào vai trò "vật tế thần" cho chính sách toàn cầu mới theo quan niện của mình.

Mùa hè năm 1972, khi nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống, Đảng Cộng Hòa dự kiến tổ chức đại hội tại Miami, Florida để đề cử ông Nixon tái tranh cử. Một cuộc họp kín giữa Nixon và Kissinger tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 3/8/1972 đã mang ý nghĩa quyết định.

Nội dung cuộc họp – còn được ghi lại trong băng ghi âm chính thức – cho thấy toàn bộ tinh thần của chiến lược "Decent Interval". Nixon lo ngại rằng nếu để mất miền Nam sau khi ký hiệp định thì uy tín của Hoa Kỳ sẽ bị sụp đổ. Nhưng Kissinger đã trấn an ông bằng một luận điệu đầy tính toán:

"Nếu một hay hai năm kể từ bây giờ mà Bắc Việt nuốt trọn miền Nam thì chúng ta vẫn có thể duy trì một chính sách ngoại giao khả tín, miễn sao nó được coi như là hậu quả của sự bất tài của miền Nam."

Rồi ông kết luận một cách tàn nhẫn:

"Vậy chúng ta cần tìm ra một công thức để giữ cho tình hình yên ổn trong một hay hai năm. Sau đó, thưa Tổng thống, Việt Nam sẽ trở thành một vũng nước đọng. Nếu chúng ta kết thúc chuyện này, chẳng hạn vào tháng 10, thì đến tháng 1 năm 1974 sẽ chẳng còn ai quan tâm quái gì nữa (no one will give a damn)."

Lời nói ấy – "no one will give a damn" – không chỉ là sự lạnh lùng vô cảm, mà còn là lời phán xét lịch sử. Nó cho thấy, đối với Kissinger, toàn bộ cuộc chiến tranh, máu xương và hy sinh của hàng triệu người Việt Nam chỉ là một dấu chấm nhỏ không đáng kể trong sách lược chính trị toàn cầu mà ông đang viết.

Một đoạn trong cuộc đối thoại vào ngày 3/8/1972 giữa Kissinger và Tổng thống Nixon.

Theo nhà nghiên cứu Jeffrey Kimball, Kissinger đã thực sự thuyết phục được Tổng thống Nixon vào ngày 28/9/1972 rằng những gì ông đang thương lượng với Hà Nội không phải là một hành động "bán đứng đồng minh" mà là một bước đi cần thiết để chấm dứt chiến tranh và bảo vệ lợi ích lớn hơn của Hoa Kỳ.

Trớ trêu thay, ngày 28/9 ấy lại gần kề thời điểm quân lực VNCH tái chiếm Cổ thành Quảng Trị – một chiến thắng mang tính biểu tượng cao độ. Khắp miền Nam lúc đó vang lên bài hát:

"Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu…"

Khi VNCH lấy lại thế chủ động trong chiến sự, thì ở Washington, định mệnh của miền Nam lại đang bị định đoạt trong một căn phòng đóng kín – bởi những người từng hứa hẹn sẽ sát cánh đến cùng.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (phải) và Henry Kissinger, cố vấn của Tổng thống Richard Nixon, trong một cuộc gặp vào năm 1972 tại Dinh Độc lập. Ảnh: Getty Images.

Một bức thư và sự im lặng

Ngay sau khi được Kissinger thuyết phục, Tổng thống Nixon đã viết thư cho Tổng thống Thiệu vào ngày 16/10/1972. Cuối thư, ông còn viết tay để khẳng định về Hiệp định Paris:

"Tôi tin chắc rằng đây là giải pháp tốt nhất có thể đạt được và phù hợp với điều kiện tuyệt đối của tôi là Việt Nam Cộng hòa phải được tồn tại như một quốc gia tự do."

Nixon thậm chí còn gạch dưới chữ "absolute" (tuyệt đối) trong thư, như muốn trấn an đồng minh rằng ông không lùi bước.

Như lịch sử đã diễn ra, Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973 không phải là nền tảng để cho Việt Nam Cộng hòa được tồn tại như một quốc gia tự do.

Bút tích của Tổng thống Nixon

Quốc hội Mỹ bị đánh lừa

Do tin rằng chiến tranh đã kết thúc và hòa bình được vãn hồi, Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu cắt giảm mạnh viện trợ quân sự cho VNCH. Trong khi đó, khối xã hội chủ nghĩa – đặc biệt là Liên Xô – lại tăng viện gấp bốn lần cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Chênh lệch này khiến VNCH nhanh chóng rơi vào tình trạng kiệt quệ cả về vũ khí, tiếp liệu, lẫn phương tiện truyền thông và y tế (kể cả băng cứu thương).

Trong tay Tổng thống Thiệu chỉ còn một vũ khí duy nhất: đó là những lá thư với chữ ký của Tổng thống Nixon cam kết rằng Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ và "bảo vệ hòa bình bằng tất cả sức mạnh của Hoa Kỳ nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp định."

Tuy nhiên, khi Tổng thống Nixon phải từ chức do vụ Watergate, những lá thư này không bao giờ được chuyển đến người kế nhiệm là Tổng thống Gerald Ford. Henry Kissinger – người giữ vai trò trung gian – đã cố tình che giấu ông Ford và che giấu luôn cả Quốc hội Mỹ về diễn tiến của "hòa bình" và giấu nhẹm hồ sơ Nixon – Thiệu.

Bằng cách đó, ông đã tước nốt lá chắn cuối cùng còn lại trong tay VNCH.

Ngày 30/4, khi Sài Gòn thất thủ thì ở bên kia bán cầu thì ngay tại thủ đô Washington, một "mặt trận sự thật" khác được mở ra.

Chúng tôi, những người từng chứng kiến toàn bộ quá trình ngoại giao từ bên trong, đã quyết định công bố những bằng chứng về chiến lược "Decent Interval" và các cam kết mật giữa Nixon và Thiệu – những tài liệu bị Kissinger cố tình che giấu đi. Tất cả được đưa ra công luận đúng vào lúc thế giới còn đang sửng sốt trước cảnh tháo chạy ở Sài Gòn.

Sự thật ấy như một gáo nước lạnh dội vào Quốc hội Hoa Kỳ.

Những vị dân cử trước đây từng biểu quyết cắt viện trợ, giờ đây mới nhận ra rằng họ đã bị đánh lừa. Không có hòa bình, cũng chẳng có danh dự. Chỉ có sự phản bội, sự thao túng và những quyết định được đưa ra trong bóng tối.

Ban đầu, Quốc hội Mỹ gần như dửng dưng trước làn sóng người tị nạn Việt Nam tràn sang các trại tạm cư ở Guam, Wake, Camp Pendleton… Nhưng sau khi các tài liệu được công bố, và sau nhiều cuộc điều trần gay gắt, thái độ của họ đã thay đổi hoàn toàn.

Từ chỗ phản đối di tản, Quốc hội bắt đầu thông cảm và chuyển sang tiếp nhận đoàn người tị nạn Việt Nam. Với sự thông cảm ấy, lớp người tị nạn đầu tiên đã hoạt động để từng bước dẫn đến các chương trình Chương trình Ra đi Có trật tự (Orderly Departure Program, ODP), Chương trình Nhân đạo (Humanitarian Operation, HO), các khoản trợ giúp định cư, y tế, giáo dục…

Quốc hội cũng bắt đầu điều tra lại hồ sơ Nixon–Thiệu. Nhưng chính quyền Ford, dù bị áp lực, vẫn từ chối cung cấp tài liệu – có thể vì họ cũng bị "đặt ở ngoài cuộc".

Một đội quân bị bỏ đói trong chiến hào

Nếu có ai đó hỏi vì sao VNCH sụp đổ nhanh đến vậy trong tháng 3 và 4 năm 1975, câu trả lời không nằm ở tinh thần chiến đấu, mà nằm ở hai chữ: kiệt quệ. Sau Hiệp định Paris 1973, và nhất là từ năm 1974 trở đi, khả năng chiến đấu và hậu cần của VNCH đã rơi tự do.

Và đến giờ phút khi bi kịch "Decent Interval" hạ màn, đạn dược chỉ còn đủ cho 12 tới 20 ngày – như Đại tướng Viên báo cáo ngày 1/4/1975.

Thiếu tướng John E. Murray – Tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn (1973–1974), là chứng nhân tại chỗ – trong một báo cáo mật đã so sánh tương quan lực lượng hai bên trước khi sụp đổ:

"Trong thời cao điểm của lực lượng Hoa Kỳ ở Việt Nam, chúng ta từng có 433 tiểu đoàn tác chiến Mỹ và Đồng minh chiến đấu ở Việt Nam. Địch có 180 tiểu đoàn. Đến năm 1974, khi chúng ta rút lui, VNCH có 189 tiểu đoàn, địch tăng lên 330 tiểu đoàn.

"Lấy đi B-52, F-4, lấy đi hải pháo, lấy đi tất cả…Và ta bắt đầu yểm trợ miền Nam với 2% tổng số tiền đã dùng cho quân đội Mỹ, để đương đầu với một số địch quân nhiều hơn."

Rồi ông kết luận bằng một trích dẫn đáng suy ngẫm:

"Napoleon đã từng nói: Thượng Đế đứng về phe nào có các tiểu đoàn lớn nhất, mạnh nhất."

"Đúng như vậy. Thượng Đế đã đứng về phe cộng sản vào năm 1974; quân họ đông hơn, mạnh hơn. Và đó là lý do chúng ta đã thua chiến tranh Việt Nam."

Trên thực tế - và chúng tôi là nhân chứng - cuối cùng thì cũng chẳng có số tiền tương đương 2% , mà hầu như là con số không.

Tháng 4/1975: Đài BBC đã phát gì?

Từ Nguyễn Văn Thiệu 1975 tới Volodymyr Zelensky 2025

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 – ngày định mệnh kết thúc một quốc gia, nhưng âm hưởng của sự kiện ấy vẫn vang vọng trong thời sự quốc tế, nhất là khi người ta chứng kiến một quốc gia khác – Ukraine – đang vật lộn để tồn tại.

Tuy cuộc chiến Việt Nam và chiến tranh Ukraine là khác hẳn nhau về bản chất lẫn hoàn cảnh lịch sử, nhưng về vấn đề viện trợ của Hoa Kỳ thì có điểm tương đồng.

Một trong những câu nói gây chấn động trong cuộc chiến Ukraine đến từ Tổng thống Volodymyr Zelensky. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Amna Nawaz trên PBS ngày 14/4/2024, ông thẳng thắn nhấn mạnh:

"Tôi có thể nói rõ ràng với bà: nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ không thể chiến thắng." Có nghĩa là sẽ chiến bại.

Mới đây, ngày 14/2/2025, ông nói trên đài NBC:

"Sẽ rất, rất, rất khó khăn để Ukraine có thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ, cả hiện tại khi đất nước đang cố gắng chiến đấu và trong tương lai sau khi chiến tranh kết thúc."

Những lời này vang lên bên tai tôi như một tiếng vọng từ quá khứ.

Tháng 1/1973, ngay sau khi Kissinger trở về từ Paris với bản thỏa hiệp đình chiến trong tay, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã dành một cuộc phỏng vấn cho ký giả nổi tiếng người Ý, bà Oriana Fallaci (còn ghi lại trong cuốn sách Interview with History).

Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ không còn viện trợ nữa, ông Thiệu trả lời không hề do dự:

"Nếu Mỹ bỏ rơi chúng tôi, đó sẽ là sự kết thúc. Kết thúc hoàn toàn, tuyệt đối."

Liệu ông có thể tìm được những nguồn lực nào khác?

"Làm sao chúng tôi có thể tìm được một quyền lực nào khác giống như Mỹ đã giúp chúng tôi? Có thể chúng tôi cũng tìm được một quốc gia khác sẵn sàng giúp, nhưng không quốc gia nào có nhiều phương tiện như Mỹ."

Những lời nói ấy, hơn 50 năm sau, giờ đây lại được lặp lại gần như nguyên văn – không phải bởi một nhà lãnh đạo Á Đông mà bởi một tổng thống châu Âu trong thế kỷ 21.

Chỉ cần thay cái tên "Nguyễn Văn Thiệu" bằng "Volodymyr Zelensky", thì toàn bộ tâm trạng, nỗi lo sợ, và sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ được lặp lại một cách kỳ lạ.

Nếu như "kế hoạch hòa bình" do Mỹ đưa ra tiếp tục bị bế tắc và Mỹ "bỏ đi" – vì còn những ưu tiên khác như Gaza, Iran, Trung Quốc (Biển Đông, Đài Loan), cuộc thương chiến,v.v. thì tương lai của Ukraine sẽ như thế nào?

Lặp lại lời ông Zelensky rằng "sẽ rất, rất, rất khó khăn" để Ukraine có thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ - "cả bây giờ, khi chúng tôi chiến đấu, lẫn sau này khi chiến tranh kết thúc" - câu hỏi đặt ra là liệu một kết cục tương tự có đến với Ukraine?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn Khi đồng minh tháo chạy và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng
Vai trò,Gửi cho BBC từ Virginia, Hoa Kỳ
Theo: BBC Tiếng Việt (27/04/2025)

HOÀNG HOA THI - ĐƯỜNG DẦN


Hoàng hoa thi

Hoàng hoa vô chủ vị thuỳ dung?
Lãnh lạc sơ ly khúc kính trung.
Tận bả kim tiền mãi yên chi,
Nhất sinh nhan sắc phó tây phong.


黃花詩

黃花無主為誰容
冷落疏篱曲徑中
盡把金錢買胭脂
一生顏色付西風


Thơ về hoa cúc
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Cúc vàng nở rộ vì ai ?
Hoa tàn rơi ụng mé ngoài rào thưa.
Phấn son tô điểm cho vừa.
Một đời nhan sắc đổ thừa gió Tây.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Đường Dần 唐寅 (1470-1523) tự Tử Uý 子畏, Bá Hổ 伯虎, hiệu Lục Như cư sĩ 六如居士, Đào Hoa am chủ 桃花庵主, Đào thiền tiên sứ 逃禪仙吏, Lỗ quốc Đường sinh 魯國唐生, Nam Kinh giải nguyên 南京解元, Giang Nam đệ nhất phong lưu tài tử 江南第一風流才子,... Ông người Ngô Huyện, trước học thư hoạ của Chu Thần 周臣, năm 29 tuổi thi hương đỗ giải nguyên. Về sau ông du ngoạn khắp nơi, sống bằng thư hoạ, sinh hoạt phóng túng. Ông thiện vẽ tranh sơn thuỷ, và là một thư hoạ gia kiệt xuất đời Minh.

Nguồn:Thi Viện


NỬA THẾ KỶ ĐÀO LĂNG MỘ TẦN THỦY HOÀNG, TRUNG QUỐC ĐỤNG DẤU HỎI LỚN: NGHÌN CHIẾN BINH CÓ "1 ĐIỂM CHUNG LẠ"

Quần thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng có lẽ là kho báu ẩn chứa nhiều điều giới khảo cổ Trung Quốc cần giải đáp nhất.


Hơn 2.000 năm sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, thế giới mới biết đến kỳ quan ẩn dưới lòng đất: Quần thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở chân núi Ly Sơn, cách cố đô Trường An (nay là Tây An) của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc 35 km về phía đông bắc.

Là nơi yên nghỉ của vị hoàng đế lập ra đế chế thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa vào thế kỷ thứ 3 TCN, Quần thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng (đôi khi gọi tắt là Tần lăng) là lăng mộ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, với tiêu chuẩn và bố cục độc đáo, cùng số lượng lớn đồ tùy táng tinh xảo, hiếm có.

Quang cảnh một phần Đường hầm Binh Mã dũng thuộc Tần lăng. Nguồn: Digital Vision/Thinkstock

Vào ngày công nhận khu phức hợp này là Di sản Thế giới năm 1987, UNESCO nhận định Tần lăng là minh chứng rực rỡ cho sự hùng mạnh của nhà Tần với quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế bùng nổ cùng văn hóa và nghệ thuật đỉnh cao chưa từng có.

Năm 2024 đánh dấu tròn 50 năm ngày Trung Quốc phát hiện quần thể rộng 56,25 km vuông này. 5 thập kỷ trôi qua, các cuộc khai quật khảo cổ quy mô lớn tại địa điểm này vẫn tiếp tục cho đến thế kỷ 21 và các nhà khảo cổ học dự đoán rằng sẽ còn mất rất nhiều năm mới có thể khai quật toàn bộ khu lăng mộ.

Chính vì điều đó, những phát hiện mới tại "kho báu khảo cổ' này vẫn khiến giới mộ điệu kinh ngạc và thán phục.

Phát hiện hiếm có nhất năm 2024 tại Lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Ngày 19/12/2024, Heritagedaily đăng tải bài viết cho biết, năm 2024 Trung Quốc đã có nhiều khám phá khảo cổ quan trọng tại Tần lăng nhưng phát hiện quan trọng nhất, hiếm có nhất chính là việc khám phá ra bức tượng tướng quân - vị chỉ huy quân sự cấp cao - tại Đường hầm Binh Mã dũng số 2 của Binh Mã dũng (Đội quân đất nung và ngựa) trong Quân thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Một bức tượng chiến binh cỡ người thật trong Tần lăng. Nguồn: Iannomadav—iStock/Thinkstock

Theo chuyên gia Zhu Sihong, người đứng đầu dự án khai quật, đây là lần đầu tiên giới khảo cổ phát hiện ra một vị chỉ huy kể từ khi Đường hầm Binh Mã dũng số 2 được mở để khai quật quy mô lớn lần đầu tiên vào năm 1994.

Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy 2 bức tượng sĩ quan cấp cao và 5 bức tượng mặc áo giáp đi cùng tượng tướng quân bằng đất nung. Kỳ tích này được thực hiện vào tháng 11/2014.

Cho đến nay, chỉ có 10 bức tượng tướng quân được phát hiện trong số hàng nghìn chiến binh đất nung tại Tần lăng, khiến phát hiện này trở thành đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu về hệ thống và tổ chức quân sự của nhà Tần (221 TCN-207 TCN) thời cổ đại.

Đến nay, chỉ có 10 bức tượng tướng quân được phát hiện tại Tần lăng. Ảnh: Lukas Hlavac/Fotolia

Cũng tại Đường hầm Binh Mã dũng số 2, giới chuyên gia Trung Quốc phát hiện thêm 2 cỗ chiến xa tứ mã vào ngày 16/12/2024 và đang tiến hành dọn sạch sâu các bức tượng người và ngựa này.

Theo CCTV, kể từ khi cuộc khai quật chính thức tại Đường hầm Binh Mã dũng số 2 được tiếp tục vào năm 2015, các nhà khảo cổ đã xác định được các đội hình gồm kỵ binh, lính bắn nỏ, xe ngựa và các đơn vị hỗn hợp tại đây.

Dấu hỏi lớn bên trong Tần lăng

Tổng cộng, trong nửa thế kỷ qua, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện được các Đường hầm Binh Mã dũng số 1, 2, 3 với tổng diện tích hơn 20.000 mét vuông trong Tần lăng.

Trước những phát hiện khảo cổ quan trọng trong năm 2024 tại Tần lăng, ông Zhu Sihong vừa đưa ra nhận định quan trọng: Các chiến binh đất nung hiện được khai quật ở Hầm số 1, số 2 và số 3 đều có mắt một mí. Thậm chí, 10 bức tượng tướng quân cũng được tạc với đôi mắt một mí.

Đây là điều khó hiểu nhất trong Tần lăng, bởi hàng nghìn chiến binh đất nung là hàng nghìn nét mặt, biểu cảm sắc thái khác nhau - chỉ duy đôi mắt một mí là giống nhau.

Hàng nghìn chiến binh đất nung trong Tần lăng đều được tạc đôi mắt một mí. Ảnh: UNESCO

Nhận định về điều này, chuyên gia Zhu Sihong cho CCTV News biết: "Không có kết luận chắc chắn nào trong giới học thuật về việc tại sao tất cả các chiến binh đất nung được khai quật đều có mắt một mí. Bước đầu, chúng tôi có hai suy đoán.

Thứ nhất, mắt một mí và mắt hai mí có thể liên quan đến chủng tộc, sắc tộc. Vào thời điểm đó, hầu hết mọi người đều có mắt một mí.

Thứ hai, mắt hai mí thoạt nhìn dễ tạo cảm giác thân thiện và quảng giao, trong khi mắt một mí có vẻ lạnh lùng và nghiêm túc, điều này khá phù hợp với những bức tượng binh lính và tướng quân - vốn có nhiệm vụ canh gác giấc ngủ ngàn thu cho Hoàng đế Tần Thủy Hoàng".


Theo nhà sử học Sima Qian (khoảng 145-95 TCN), khoảng 700.000 công nhân từ khắp nơi của nhà Tần đã làm việc không ngừng nghỉ trong hơn 36 năm để xây dựng một cung điện ngầm bên trong một gò đất khổng lồ để chôn cất Hoàng đế năm ông băng hà vào 210 TCN.

Khu vực xung quanh Tần lăng là nơi có lăng mộ của một số vị vua Trung Hoa cổ đại khác, bao gồm lăng mộ của Đường Thái Tông, hoàng đế thứ hai (626–649 SCN ) của triều đại nhà Đường; và hoàng đế Hán Vũ Đế (141–87 TCN).

Nguồn: Heritagedaily, CCTV News, People's Daily, Britannica
Trang Ly / Theo: ĐSPL


XẢ VÀ ĐẮC

Xả bỏ là một loại trí tuệ, người biết xả bỏ mới có thể khiến bản thân trở nên tốt hơn. Đắc những thứ mình không đáng có, thì sẽ mất đi những thứ không nên mất.

Xả và Đắc. (Pixabay)

Xả và đắc có liên quan chặt chẽ với nhau. Xả, có thể được coi là nguyên nhân, đắc có thể coi là quả, có buông bỏ thì mới có được, muốn được thì phải mất, thật sự xả tận mới có thể chân chính đắc được.

Cho đi nụ cười, có được tình bạn

Một nụ cười có thể rút ngắn khoảng cách giữa con người với nhau, nó cũng có thể giải quyết mâu thuẫn và tăng cường tình cảm giữa con người với nhau.

Cho đi nụ cười đắc tình bạn. (Pexels/Archie Binamira)

Cho đi sự khoan dung, đắc được độ lượng

Làm người, học cách khoan dung, tha thứ cho người bằng tấm lòng bao dung của mình, tha thứ cho mình và khoan dung cho người, đòi hỏi ở bản thân nhiều hơn, bớt hà khắc với người khác. Như vậy, trái tim sẽ ngày càng rộng mở và bạn sẽ trở nên độ lượng hơn.

Cho đi sự trung thực, đạt được sự tín nhiệm

Con người không thể không có lòng tin, làm người thì phải trung thực, thành thật là nền tảng của lòng tin, có thể nhận được lòng tin của người khác đối với mình, chúng ta mới là người có uy tín.

Thế giới này đang âm thầm ban thưởng cho những người trung thực, đáng tin đồng thời cũng đang trừng phạt những kẻ nói lời không giữ lấy lời của mình. Có thể chọn trung thực, đáng tin sẽ không giàu có, nhưng nếu không chú trọng đến chữ tín, sẽ nhận thất bại nặng nề.

Xả thể diện, đắc trung thực

Làm người đừng quá coi trọng thể diện, hãy học cách đặt nó xuống, phải biết rằng chỉ khi bạn đặt thể diện xuống mới thấy điều chân thật. Nếu bạn cứ khư khư giữ lấy nó, bạn sẽ mệt mỏi và người khác sẽ khó chịu.

(Pexels/Buro Millennial)

Tuy nói người cậy thể diện, cây sống nhờ vỏ, nhưng chúng ta không thể vì thể diện mà tuyệt vọng, nếu không chúng ta chỉ có khổ mà thôi. Xả bỏ thể diện, mới thấy "bộ mặt" thực sự.

Từ bỏ rượu, có được sức khỏe

Đời người, nếu muốn sống khỏe mạnh, có hai thứ phải bỏ, một là rượu, hai là sắc. Uống rượu dễ hại thân, còn dễ loạn tâm loạn tính, mà trên đầu chữ sắc có một con dao, bất lợi cho thể xác và tinh thần.

Từ xưa đến nay, có bao nhiêu người bởi vì trầm mê tửu sắc mà đánh mất sức khỏe, đánh mất chính mình, cuối cùng tạo thành tiếc nuối không thể vãn hồi, cho nên, tửu sắc nên được xả bỏ vì sức khỏe.

Từ bỏ danh lợi, được thong dong

Con người cả đời này, nếu như luôn luôn truy danh trục lợi, sẽ bị danh lợi trói buộc, thậm chí trở thành nô lệ của danh lợi, trầm luân trong đó, không thể tự kiềm chế, chìm đắm trong đó mà không thể tự mình thoát ra được.

Đối với danh lợi, chúng ta đều phải xem nhẹ một chút, có cũng tốt, không cũng được, tùy duyên đi, dù sao danh lợi thứ này, sống không mang đến, chết không mang đi, bất quá là công dã tràng mà thôi.

Cho đi, đắc vị tha

Nỗ lực chưa chắc sẽ thành công, nhưng chỉ cần bạn không ngừng nỗ lực, bạn nhất định sẽ đạt được điều gì đó. Cho đi chưa chắc sẽ được đền đáp, nhưng chỉ cần bạn kiên trì cho đi, bạn sẽ nhận được sự vị tha trong trái tim mình.

Trong lòng vị tha, thiên địa rộng lớn, vị tha là cảnh giới cao nhất của làm người, cũng là tu dưỡng tốt nhất của làm người.

Cho đi điều gì sẽ nhận lại điều đó. (Pixabay)

Cho thiện lương, đắc may mắn

Thiện lương là một sự lựa chọn, chúng ta đều phải lựa chọn thiện lương, hãy cứ sống thiện lương. Bạn thiện lương, tâm thiện của bạn sẽ không chịu thiệt, nó sẽ cho bạn sống an tâm, mang đến phúc vận cho bạn.

Người tốt, dù phúc chưa tới, họa đã xa, tránh xa họa là phúc. Đối xử tử tế với người khác tức là đối xử tử tế với chính mình, đó cũng là điều may mắn.

Thật ra, trong cuộc sống phải có sự theo đuổi, nhưng trong quá trình theo đuổi, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến việc đắc được, mà còn phải nghĩ đến việc làm thế nào để xả bỏ. Buông bỏ những gì không cần thiết và những gì nên từ bỏ, chúng ta mới có thể thực sự đạt được, thay vì bị ràng buộc.

Theo: Vương Hoà - Aboluowang
Tố Như biên dịch

Tuesday, April 29, 2025

50 NĂM KẾT THÚC CHIẾN TRANH VIỆT NAM: "ĐỒNG MINH" CỦA MỸ, NGƯỜI TRONG CUỘC NGHĨ GÌ?

« Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ nhưng làm bạn với họ thì thật là khó » bởi vì « chính sách của Hoa Kỳ nay thế này mai thế khác (...) ». Tâm sự này của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu vào thời điểm năm 1975/1976 làm mọi người nhớ đến một trong những nhà ngoại giao lỗi lạc nhất của Mỹ với câu nói để đời : « Làm kẻ thù của Mỹ có thể nguy hiểm. Làm bạn với Mỹ là mối nguy hiểm chết người ».

Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu bắt tay tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Đảo Midway ngày 08/06/1969. Hai bên thông báo kế hoạch rút 25.000 lính Mỹ khỏi Miền Nam Việt Nam. AP

Nhân kỷ niệm 50 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, RFI Tiếng Việt mời giáo sư tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng trở lại với sự kiện Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Là một chuyên gia kinh tế, ông từng giảng dạy tại nhiều đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ trước và sau năm 1975, nguyên là kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Trong nửa đầu thập niên 1970, giáo sư Nguyễn Tiến Hưng là phụ tá của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phụ trách Tái Thiết và đứng đầu bộ Kế Hoạch và Phát Triển.

Là người trong cuộc, nhân chứng hàng đầu trong một giai đoạn lịch sử của Việt Nam ở thế kỷ 20, giáo sư Hưng đã ra mắt độc giả nhiều tác phẩm về giai đoạn này1. Mùa xuân năm 2024, ông đã cho phát hành cuốn « Bức Tử VNCH Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm » - Nhà xuất bản Hứa Chấn Minh.

*****

RFI : Xin kính chào giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Cảm ơn ông nhận trả lời Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp. Trước hết, xin giáo sư kể lại một kỷ niệm của Ngày 30 tháng 4 năm 1975.

GS Nguyễn Tiến Hưng : Vâng thưa cô Thanh Hà, ngày 30/04/1975 tôi đang có mặt ngay tại thủ đô Washington nhờ một cơ duyên lịch sử tôi đã được chứng kiến toàn bộ tiến trình của cuộc chiến Việt Nam. Cuộc chiến này bắt đầu khi tổng thống John F. Kennedy quyết định dấn thân vào Việt Nam và viết thư cho tổng thống Ngô Đình Diệm là « Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp tay với Việt Nam Cộng Hòa, tăng cường nỗ lực chiến đấu. Phải chiến đấu thắng Cộng sản ». Hôm ấy là ngày 11/05/1961.

Cho đến khi nghe tổng thống Gerald Ford tuyên bố : « Đối với nước Mỹ, cuộc chiến Việt Nam đã xong rồi. Ta hãy quên đi quá khứ và nhìn về tương lai ». Hôm đó là ngày 27/04/1975. Rồi ba ngày sau ông im lặng nhìn Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

Ngày 30 tháng 4 là ngày dài nhất và đau lòng nhất trong đời tôi : Dài nhất vì tôi đã thức trắng đêm 29 để chuẩn bị cho cuộc họp báo ngày 30 tháng 4. Đau lòng nhất vì tôi không những nhìn thấy sự bi thương của đồng bào miền Nam đang bị bỏ rơi mà còn cảm giác cay đắng về sự phản bội của đồng minh, từng được xem là đồng minh chiến lược.

RFI : Vì sao giáo sư đã có mặt tại Washington trong những ngày 29 và 30 tháng 4 ?

GS Nguyễn Tiến Hưng : Về nhiệm vụ của tôi Ngày 30 tháng 4, bối cảnh là như thế này : Ngày 19/04/1975, Quốc Hội Mỹ dự trù biểu quyết để xem có tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa nữa hay không. Tin tức Dinh Độc Lập có được thì rất là tuyệt vọng.

Ngày 14 tháng 4, tức là chỉ hai tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ, tổng thống Thiệu chỉ thị tôi phải đi ngay Washington cùng với ngoại trưởng Vương Văn Bắc và đại sứ Trần Kim Phượng. Chúng tôi phải đưa ra một giải pháp tức là yêu cầu Mỹ cho vay ba tỷ đô la trong 3 năm, rồi chúng tôi sẽ hoàn lại hết. Mục đích của giải pháp này là để Quốc Hội Mỹ đừng quyết định ngừng viện trợ cho miền Nam Việt Nam và tuyên bố cho cả thế giới biết vào ngày 19/04/1975.

Tôi lên máy bay sáng sớm ngày 15/04/1975 tại Tân Sơn Nhất. Sang đến Washington thì Quốc Hội đã hành động xong rồi. Rất là đau đớn. Tôi liền thay đổi mục tiêu và hướng đến việc kêu gọi cứu vớt đoàn người tị nạn đang túa ra Biển Đông. Sau đó thì Quốc Hội cấp một khoản tiền 455 triệu đô la để tài trợ cho chương trình định cư.

RFI : Trong cuốn sách giáo sư cho ra mắt bạn đọc mùa xuân 2024, « Bức Tử VNCH Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm », do thời gian có hạn nên xin phép tập trung vào phần 2 của cuốn sách : Một Kế Sách, tám thủ đoạn. Giáo sư giải thích Henry Kissinger, người sau này trở thành ngoại trưởng Hoa Kỳ và có lúc kiêm nhiệm luôn cả chức Cố Vấn An Ninh Quốc Gia dưới 2 thời tổng thống Nixon và Ford, « ít nhất là đã hình thành kế sách Decent Interval từ năm 1967 » (tr.141). Thưa ông chiến lược đó là gì ?

GS Nguyễn Tiến Hưng : Tựa đề Bức tử Việt Nam Cộng Hòa, tôi nghĩ là đã nói lên tất cả rồi. Cuốn sách là một lời cáo trạng lịch sử dựa trên Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập mà tôi rất may mắn còn giữ được. Vì nếu mà tôi không giữ được hồ sơ đó thì không ai biết được chuyện Việt Nam Cộng Hòa kết thúc như thế nào, vì Kissinger đã giấu đi hết.

Chiến lược Decent Interval của ông ấy là làm thế nào để có một « Khoảng thời gian coi cho được », để khỏi mất danh dự : Kissinger quan niệm Mỹ không thể nào chiến thắng ở cuộc chiến Việt Nam, bởi đây là một cuộc chiến du kích mà Mỹ thì không quen với chiến tranh du kích : Thế Chiến Thứ Nhất, Thế Chiến Thứ Hai, Chiến Tranh Triều Tiên đều là chiến tranh quy ước.

Thành thử Henry Kissinger đã nghĩ ra chiêu bài Decent Interval : miễn là làm sao có được một khoảng thời gian - như là độ vài năm, từ khi Mỹ rút lui khỏi miền Nam cho đến khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Vì như vậy không mang tiếng là bỏ rơi đồng minh.


Để thi hành chiến được đó, Kissinger phải dùng đến thủ đoạn. Ông ấy đã nghĩ rằng chỉ còn cách là đạt được một hiệp định : Hiệp Định Paris cho phép nước Mỹ « ra đi » một cách danh chính ngôn thuận. Ông Kissinger cố gắng hết sức trong bí mật điều đình với Miền Bắc để Hiệp Định Paris được ký kết ngày 27/01/1973.

Tôi đang trả lời phỏng vấn với đài RFI bên Paris, thì cái chữ Paris nó dính liền với óc tôi rất là sâu đậm vì Hiệp Định Paris và trước đó nữa thì cũng đã có những sự kiện về chiến tranh Việt Nam cũng xảy ra ở Paris .

‘Kissinger nói với TT Nixon rằng bỏ Miền Nam Việt Nam sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới chính sách ngoại giao của Mỹ ! (tr.194)

RFI : Như tựa đề phần 2 trong cuốn sách Bức Tử VNCH Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm, tám thủ đoạn đó gồm Dối gạt tổng thống Nixon, Nhân danh ông Nixon gây áp lực với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Vẽ một kế hoạch tối mật để thuyết phục đồng minh là Việt Nam Cộng Hòa, Tung hỏa mù Quốc Hội Mỹ, Che mắt luôn cả tổng thống Ford… Nhưng theo giáo sư trong số này, thủ đoạn nào là nham hiểm nhất ?

GS Nguyễn Tiến Hưng : Có lẽ thủ đoạn nham hiểm nhất là lừa dối tổng thống Nixon. Khi Nixon lên cầm quyền tháng 1/1969, ông đã hứa sẽ đem lại một giải pháp hòa bình cho Việt Nam – Vừa hòa bình vừa danh dự, chứ không phải là một cái hiệp định để che giấu sự thất bại. Thế nhưng Kissinger « giỏi » lắm. Ông ấy « tài ba » lắm : Kissinger đã che đậy thất bại của ông ấy sau 4 năm hòa đàm. Tổng thống Nixon thì không tin vào đàm phán mà chỉ tin vào chương trình mà ông gọi là « Việt Nam hóa » tức là giúp cho miền Nam tự lực tự cường để một mình có thể chiến đấu được, tồn tại được. Kissinger thì ngược lại : ông ấy không tin vào giải pháp Việt Nam hóa của Nixon và đã thuyết phục tổng thống rằng tại sao chủ trương Việt Nam hóa sẽ không thành công.

Theo Kissinger, « mấy người lính Việt Nam thì làm sao mà đánh lại được như là người Mỹ mà Hoa Kỳ đã huy động đến nửa triệu lính Mỹ còn không ăn thua ». Trong hoàn cảnh đó, tổng thống Nixon cứ để cho ông Kissinger tiến hành đàm phán và đại khái là ông ấy đã đánh lừa được tổng thống Nixon. Kissinger thuyết phục được Nixon là hiệp định này (Hiệp Định Paris) có lợi cho miền Nam chứ không phải là có hại cho miền Nam.

Câu hỏi là tại sao ông Nixon, một chính trị gia cáo già mà lại có thể tin được như vậy. Cái chuyện đó là như thế này và đã được chính tổng thống Nixon viết lại trong hồi ký của ông : Kissinger cứ báo cáo với tổng thống rằng Hiệp Định Paris « Chỉ là một phương cách để cho Bắc Việt giữ được thể diện thôi, chứ còn họ (Hà Nội) đã nhượng bộ hết rồi, không có gì cả ». Thì cái nham hiểm nhất ở đây là đánh lừa Nixon.

Mà dù Nixon là cáo già chính trị cũng đã tin, vì ông Kissinger quá tài ba mà tổng thống Nixon thì lại lơ là không để ý đến đàm phán. Sau Nixon, một nguy hiểm khác là Henry Kissinger cũng đã giấu tổng thống Ford khi mà ông Ford lên thay thế tổng thống Nixon ngày 08/08/1974 (ngày mà mà tôi gọi là ngày Song Bát). Ông Ford không biết gì hết.

Một ngày sau khi nhậm chức (09/08/1974) tổng thống Ford viết thư cho tổng thống Thiệu và cam kết « Tất cả những gì mà nước tôi đã hứa hẹn thì sẽ được hoàn toàn tiếp tục và sẽ được tuân thủ trong nhiệm kỳ của tôi »

RFI : Ngày 30 tháng Tư là hồi kết của chế độ Sài Gòn, với những hệ quả mà ai cũng biết. Nhưng đây cũng là một cột mốc quan trọng đối với hình ảnh và uy tín của Hoa Kỳ trong bang giao quốc tế …

GS Nguyễn Tiến Hưng : Đúng như vậy. Hậu quả của chiến tranh Việt Nam đối với Mỹ còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Thứ nhất, bạn bè đồng minh của Mỹ không còn dám tin cậy vào Mỹ. Đồng minh khắp nơi đều dè dặt khi phải hợp tác với Hoa Kỳ vì sợ rằng lại trở thành Việt Nam Cộng Hòa thứ hai.

Điểm thứ nhì – và đây mới là điều quan trọng : Kẻ thù thì coi thường nước Mỹ. Sau cuộc chiến Việt Nam 1975, thì đến cuộc Cách Mạng Iran năm 1979. Iran bắt toàn bộ nhân viên của tòa đại sứ Mỹ tại Teheran, rồi đối đầu với Mỹ cho đến ngày hôm nay. Sau Iran đến Irak cũng tại Trung Đông. Tổng thống Irak Saddam Hussein đã xem thường Mỹ khi nói « Một nửa triệu quân ở Việt Nam còn chẳng làm gì được mà bây giờ còn bày đặt sang Irak để chiến đấu. Irak không phải là cái chỗ để đi picnic ! »

Thời tổng thống Bush - hình như là năm 2001 hay 2002 gì đấy, đã tiết lộ, tình báo Mỹ CIA đã chặn được lệnh của Ayman Al Zawahiri (nhân vật số 2 tổ chức Al Qaeda tại Afghanistan) cho cấp dưới của ông ấy rằng : « Những hậu quả của sự sụp đổ của Hoa Kỳ tại Việt Nam, việc họ bỏ chạy và bỏ rơi những người đã theo họ làm cho chúng ta nên suy nghĩ. Ta phải sẵn sàng ngay từ bây giờ ! ». Đến ngày 15/08/2021, cả thế giới đã chứng kiến cuộc tháo chạy ê chề khỏi Kabul.

RFI : Còn trên hồ sơ Ukraina hiện tại thưa giáo sư ?

GS Nguyễn Tiến Hưng : Về Ukraina, tôi nghĩ rằng ông Putin cũng đã thấy bài học Việt Nam khi đưa quân xâm được Ukraina năm 2022. Có khả năng rất cao tổng thống Nga quan niệm dù Mỹ có viện trợ dồi dào nhưng nếu kéo dài cuộc chiến ít lâu thì rồi Mỹ cũng phải buông tay. (…) Tuy nhiên, tổng thống Zelensky vẫn còn một phương tiện để điều đình : Hoa Kỳ đang rất cần đất hiếm của Ukraina khi mà Trung Quốc đã bắt đầu ngừng xuất cảng đất hiếm sang Mỹ (…) Zelensky có tài nguyên khoáng sản để giữ Mỹ lại một phần nào. Hơn nữa Ukraina giờ đây có cả khối Âu châu yểm trợ. 50 năm trước Miền Nam Việt Nam cô đơn một mình.

Tôi còn nhớ ngày 21/12/2022 sau khi được Quốc Hội Mỹ tiếp đón nồng hậu, ra khỏi Quốc Hội, tổng thống Zelensky trông đã rất vui vẻ. Sau đó, tôi đã chia sẻ quan điểm rằng dù có nhận được gói viện trợ hào phóng thì Ukraina cũng vẫn phải chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất : Một ngày nào đó, sự yểm trợ sẽ không còn nữa. Trước Zelensky, thì tổng thống Afghanistan, Hamid Karzai cũng từng được Quốc Hội Mỹ đón tiếp, để rồi ngày bị Mỹ bỏ rơi ngày 15/08/2021.

GS Nguyễn Tiến Hưng : « Người Mỹ chóng chán (...) Chiến tranh kéo dài quá ba năm là họ không chịu nổi ».

RFI : Trên tất cả các cuộc xung đột vừa nêu và cho đến cuộc chiến thương mại mà chính quyền Mỹ hiện nay đang khơi mào với gần hết thế giới, những căng thẳng hiện tại với các đồng minh thân thiết nhất của Washington như Châu Âu, Canada hay Nhật, Hàn Quốc cũng như với các quốc gia mà Mỹ đã ký Hiệp Định Đối Tác Chiến Lược như Việt Nam… Ông đánh giá thế nào về khái niệm « đồng minh » trong quan niệm của Hoa Kỳ ?

GS Nguyễn Tiến Hưng : Có lẽ cái hay nhất là tôi nhắc lại câu tổng thống Thiệu khi ông ấy phản hồi về cuộc chiến. Ông nói rằng « Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ nhưng làm bạn với họ thì thật là khó »2. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông ấy lại nói như vậy thì có một lần tổng thống Thiệu tâm sự với tôi « Chính sách của Hoa Kỳ thì nay thế này mai thế khác biết đâu mà mò ! » 3.

Một trong những điểm mà tổng thống Thiệu không hiểu rằng thể chế của Mỹ, cứ 4 năm có cuộc bầu cử mà mỗi một lần. Có cuộc bầu cử là có sự thay đổi sâu sắc. Thí dụ như cuộc bầu cử năm 2024 vừa rồi chúng ta thấy nó thay đổi như thế nào ! Vì thế khi bang giao với Mỹ thì phải hiểu văn hóa của Mỹ và hiểu thể chế của nước Mỹ.

Về văn hóa thì người Mỹ rất chóng chán - Không cái gì trụ được quá 3 năm... một cuộc chiến kéo dài hơn ba năm thì họ không chịu được. Điển hình là cuộc chiến Việt Nam : trong giai đoạn từ năm 1965 cho đến 1968, công luận ủng hộ hết mình. Nhưng sau 3 năm thì họ chán. Cuộc chiến Ukraina cũng vậy. Đó cũng là thường tình thôi. Có chăng là Âu châu không học cái bài học cũ, và câu nói của ông Thiệu năm xưa bây giờ vẫn còn tính thời sự (…)

Về khái niệm đồng minh nó không có liên tục mà thay đổi tùy từng thời gian và tùy vào quan niệm về quyền lợi của Hoa Kỳ. Thí dụ như ngày 14/04/2024 trên đài PBS tổng thống Zelensky tuyên bố với nữ ký giả Amna Nawas : « Tôi có thể nói thẳng với bà rằng nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ không thể nào chiến thắng. Có nghĩa là chúng tôi sẽ thất bại ».

Nghe câu này tôi lập tức nhớ lại lời ông Nguyễn Văn Thiệu. Tuyên bố cũng với nữ ký giả tên là Oriana Fallaci tháng 1/1973. Ông Thiệu nói : « Thưa bà, nếu Mỹ bỏ rơi thì đối với chúng tôi đó là sự kết thúc : sự kết thúc hoàn toàn, sự kết thúc tuyệt đối ». Chỉ cần thay hai cái tên Zelensky bằng Nguyễn Văn Thiệu thì toàn bộ ngữ điệu nội dung và tâm thế gần như không thay đổi. Lịch sử như đang đã lập lại, nó chỉ hơi khác là khác về nhân vật và địa danh thôi.

« Word should be gotten to Nixon that if Thieu meets the same fate as Diem, the word will go out to the nations of the world that it may be dangerous to be America's enemy, but to be America's friend is fatal » (Kissinger 11/1968)

RFI : Vậy phải chăng, luôn có một sự xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ít ra là từ nửa thế kỷ qua thưa giáo sư ?

GS Nguyễn Tiến Hưng : Lord Palmerston (thủ tướng Anh trong giai đoạn 1859-1865) đã từng nói : Nước Anh chẳng có bạn vĩnh viễn và cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn. Vì cơ duyên lịch sử tôi đi du học ở Hoa Kỳ từ năm 1958 nên đã chứng kiến tất cả cuộc chiến tranh Việt Nam từ tổng thống Eisenhower rồi đến Kennedy, Johnson, Nixon và sau cùng là Ford. Nghiên cứu mấy chục năm nay thì thấy rõ rằng Mỹ luôn đặt quyền lợi của mình trên hết. (...)

Lý do quan trọng nhất để Hoa Kỳ nhảy vào cuộc chiến Việt Nam đó chính là vì quyền lợi của Hoa Kỳ. Vì muốn giữ địa vị là siêu cường số một của thế giới cho nên phải ngăn chặn Trung Cộng với chính sách gọi là containment of red China - ngăn chặn Trung Cộng đỏ.

Khi Mỹ tháo chạy thì lý do quan trọng thứ nhất cũng chỉ vì quyền lợi của Hoa Kỳ, vì Việt Nam không còn quan trọng nữa khi ông Nixon mở được cửa Bắc Kinh.

Khi Nixon nối lại bang giao với Bắc Kinh, mở cửa Bắc Kinh thì tất phải đóng cửa Sài Gòn. Bắt được tay ông Mao thì phải buông tay ông Thiệu. Cũng như là sau Thế Chiến Thứ Hai, quyền lợi của Mỹ khi xây dựng NATO (Liên Minh Bắc Đại Tây Dương) là để có một thành trì vững chãi ở bên kia Đại Tây Dương, ngăn chận Liên Xô. Bây giờ Liên Xô đã chụp đổ và Chiến tranh lạnh không còn nữa thì NATO không còn quan trọng nữa. Do vậy bài học chính yếu là phải tự trông cậy vào mình chứ không thể nào trông cậy vào người ngoài mãi mãi.

GS Nguyễn Tiến Hưng : « Khi Nixon mở cửa Bắc Kinh thì tất phải đóng cửa Sài Gòn. Bắt được tay ông Mao thì phải buông tay ông Thiệu »

RFI :
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng.


*****


Trong Lời Mở Đầu cuốn « Bức Tử VNCH - Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm », tác giả Nguyễn Tiến Hưng nhắc lại hai sự kiện diễn ra cách nhau đúng nửa thế kỷ : « Năm 1972, tiến sĩ Kissinger, cố vấn tổng thống Nixon nên bỏ rơi Miền Nam Việt Nam và đổ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa ‘kém cỏi’ » (tr.23).

Năm mươi năm sau, tại Diễn Đàn Davos -Thụy Sĩ, cũng ông Kissinger « công khai đề nghị Ukraina phải nhường ngay một phần lãnh thổ cho Nga và chấp nhận một số điều kiện của Nga ».

Đến những trang cuối cuốn sách, tác giả trích dẫn thêm quan điểm của Henry Kissinger : « Đừng làm Nga mất mặt (…) nếu không thì sẽ có thể có những xáo trộn không thể giải quyết được (…) và đừng quên Nga là một thế lực mạnh mẽ tại Âu châu » (tr. 452).

--------

1. Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập (1986) đồng soạn thảo với nhà báo Jerrod Schecter ; Khi Đồng Minh Tháo Chạy (2005) , Tâm Tư Tổng Thống Thiệu (2010), Khi Đồng Minh Nhảy Vào (2016). Bức Tử VNCH Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm, NXB Hứa Chấn Minh.
 
2. Theo giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tâm sự với bà Anna Chennault, một nhân vật thân tín của tổng thống Nixon, trong một cuộc gặp tại Đài Loan sau khi ông Thiệu rời Sài Gòn năm 1975.

3. Lời tổng thống Thiệu khi gặp lại phụ tá của ông là giáo sư Nguyễn Tiến Hưng tại Luân Đôn, Anh Quốc, năm 1976.

Thanh Hà
Theo: RFI Tiếng Việt (27/04/2025)

NHẠC PHÁP LỜI VIỆT: CLAIRE D'ASTA VÀ GIAI ĐIỆU "TÌNH ANH THA THIẾT"

Claire d'Asta, một nghệ danh vang vọng như một tiếng thì thầm dịu dàng nhưng đầy mãnh lực quyến rũ trong vườn nhạc. Ca sĩ kiêm tác giả người Pháp có phong cách kín đáo, nhưng vẫn để lại dấu ấn khá quan trọng trong dòng nhạc Pháp đầu những năm 1980. Tên tuổi của Claire d'Asta được gắn liền với giai điệu « Avec l'amour en plus », bài hát này từng được dịch sang tiếng Việt thành nhạc phẩm « Tình anh tha thiết ».


Sinh trưởng tại miền nam nước Pháp (1953), Claire d'Asta ban đầu vào nghề như một tác giả trước khi nổi danh nhờ giọng ca. Từ thuở thiếu thời, Claire d'Asta học đàn tại nhạc viện thành phố Marseille, khi lớn lên cô được đào tạo thanh nhạc với một danh ca làng kịch opéra, Christiane Castelli. Sau khi tốt nghiệp vào năm 21 tuổi, cô được nam ca sĩ Christian Delagrange mời đi hát chung trên các sân khấu lớn ở Pháp trong bốn năm liền. Đây là giai đoạn Claire d'Asta sáng tác nhiều ca khúc đầu tay, trong đó có nhạc phẩm « Fais moi rêver » (Người dệt mộng cho ta).

Đầu những năm 1980, vào lúc phong trào nhạc pop và disco đang ngự trị trên làn sóng radio, một giọng hát êm dịu sâu lắng nhẹ nhàng cất lên, khơi dậy ngọn lửa đam mê nhờ một giai điệu êm đềm tưởng chừng đã quên. Nhạc phẩm « La Chanson de Prévert », do nhạc sĩ Serge Gainsbourg sáng tác cho Yves Montand hai thập niên trước đó (1961), bỗng dưng thịnh hành trở lại. Nhờ tài nghệ diễn đạt tinh tế nhạy cảm, Claire d'Asta đã giúp công chúng Pháp khám phá lại bài hát nổi tiếng của tác giả Gainsbourg, nay đã trở nên kinh điển.

Click để nghe La Chanson de Prévert

Một bài hát của một giọng ca hầu như không theo thời, tưởng chừng ít có cơ hội, nào ngờ lại thành công vang dội. Sau khi ăn khách trên thị trường Pháp, bài hát này còn đoạt giải thưởng của ban giám khảo nhân kỳ Liên hoan Âm nhạc Tokyo năm 1982. Thành công này mở đường cho Claire d'Asta hợp tác với nhiều tên tuổi lớn. Chính nhạc sĩ Michel Mallory, tác giả chuyên soạn nhạc cho nam danh ca Johnny Hallyday, đã thuyết phục Claire d'Asta ghi âm với giọng hát của mình, thay vì chỉ đơn thuần viết nhạc. Hai nghệ sĩ này hợp tác với nhau trong 8 năm liền, Claire d'Asta thể hiện tài tình những giai điệu của Michel Mallory, trong đó có nhiều bài hát ăn khách như « Une nuit de ta vie » (Chỉ còn một đêm trong đời), « Dans la maison de mon père » (Trong ngôi nhà của cha tôi) hay « J'ai pleuré sur ma guitare » (Nước mắt trên cung đàn) song ca với Johnny Hallyday …..

Vào giữa những năm 1990, Claire d'Asta lập gia đình và thành hôn với nhạc sĩ Jean Musy. Sau một thời gian dài ghi âm và đi biểu diễn, cả hai chuyển hướng sang ngành sáng tác nhạc phim. Cặp nghệ sĩ này đã đồng hành cùng nhau trong gần ba thập niên liền cho đến khi ông Jean Musy qua đời vì bạo bệnh vào năm 2024.

Click để nghe "Tình em tha thiết" - Thiên Kim

Quan hệ hợp tác chặt chẽ thân thiết này đã cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có giai điệu « Cuore addolorato » (Trái tim đau buồn), nhạc phẩm chủ đề của bộ phim « L'Ange noir » của đạo diễn Jean Claude Brisseau, với thần tượng nhạc Pháp Sylvie Vartan và nam diễn viên Michel Piccoli trong vai chính.

Hiện giờ, Claire d'Asta đã giải nghệ sân khấu nhưng cô vẫn tiếp tục đi hát nhân các kỳ liên hoan, mở lớp dạy nhạc, truyền lửa cho thế hệ sau tại (thị trấn Louveciennes) vùng ngoại ô Paris. Trong số các bản nhạc nổi tiếng ru hồn giới yêu nhạc của Claire d'Asta, có giai điệu « Avec l'amour en plus » (Yêu không hối tiêc). Trong tiếng Việt, bài hát này từng được phóng tác với nhiều lời khác nhau. Lời đầu tiên của tác giả Vũ Xuân Hùng, chuyển thành nhạc phẩm « Tình anh tha thiết » do các nghệ sĩ như Kiều Nga hay Thiên Kim ghi âm. Lời thứ nhì là của tác giả Thái Thịnh mang tựa đề « Tình yêu còn lại » do hai ca sĩ Don Hồ và Lam Anh trình bày.

Click để nghe "Tình yêu còn lại" Don Hồ-Lam Anh

Trong tim còn lại bao kỷ niệm, thời gian tưởng chừng khó lay chuyển. Ngày thơ ấu tình yêu chưa đến, tuổi xuân hai định mệnh gắn liền.

Đành rằng mọi thứ cũng sẽ tan, tháng năm tươi tắn cũng chẳng còn.

Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt