Sunday, September 30, 2018

NGŨ VỊ HƯƠNG


Các đầu bếp cũng như các bà nội trợ Việt Nam không ai không biết ngũ vị hương. Đó là một loại bột tổng hợp của năm (05) loại hương liệu do người Trung Hoa làm ra. Năm loại hương liệu đó là:

1. Hồi hương hay đại hồi
2. Đinh hương
3. Quế
4. Hồ tiêu mộc Tứ Xuyên (Sichuân)
5. Hột thì là

Trong bài này lần lượt chúng ta tìm hiểu về năm loại hương liệu vừa nói.

Hồi Hương Illicium verum Gia đình: Illiciaceae


Đại hồi, hồi, vị hay hồi hương, bát giác hương vị có hình ngôi sao 08 cánh như 08 cái sừng có mùi thơm nồng đặc biệt.

Tên khoa học của hồi hương là Illicium verum thuộc gia đình Illiciaceae (Illicere: lôi cuốn, dáng dấp. Verum: thật- La Tinh). Tên gọi thông thường:

Anh: Chinese anise,Indian anise, Badian anise
Pháp: anis étoilé
Trung Hoa: ba jiao (bát giác)
Nhật: dauuikyo
Triều Tiên: taehoihyang

Người Anh có vẻ lọng cọng về xuất xứ của hồi hương khi gọi tên loại thảo mộc này. Khi thì họ nghĩ nó gốc gác Trung Hoa vì hồi hương Trung Hoa rất nổi tiếng. Khi thì gốc gác Ấn Độ. Khi thì xuất xứ Badian (Iran), một quốc gia Hồi giáo.

Những tên gọi Hồi hương, Đại Hồi cho thấy lý lịch Hồi Giáo của nó. Hai nước sản xuất nhiều hồi hương trên thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Chữ hồi hương có nghĩa là hương liệu của người Hồi. Đại Hồi gợi lên Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), một đế quốc rộng lớn ở Tây Á, Đông Nam Âu Châu, Bắc Phi, ven Hắc Hải và dọc theo dãy Caucasus. Những tên gọi này cho thấy xuất xứ Hồi Giáo của cây hồi hương mặc dù hồi hương nổi tiếng là hồi hương ở Yunnan (Vân Nam- vùng có nhiều tín đồ Hồi Giáo), Fukian (Phúc Kiến), Kwangtung (Quảng Đông), Kwangsi (Quảng Tây). Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn ở Bắc Bộ cũng có hồi hương.

Cây hồi hương cao từ 5 - 15 m. Hoa màu trắng vàng hay hồng nhạt. Trái có nhiều hột và có hình ngôi sao từ 07 đến 08 cánh. Người ta thường lẫn lộn hồi hương Illicium verum của Trung Hoa với hồi hương Nhật Bản Illicium anisitum có anisatin hay shikimitoxin, độc chất dùng để sát cá. Chất anisatin gây rối loạn thần kinh.

Hồi hương hay vị được dùng trong nấu nướng, trong kỹ nghệ xà bông, nước hoa và dược phẩm. Trong nồi nước lèo phở của người Việt Nam lúc nào cũng có quế, gừng và hồi hương. Dầu lấy từ hột hồi hương màu vàng nhạt và có hương thơm đặc biệt. Trái hồi hương dùng để ngậm cho thơm miệng và thơm hơi thở. Hương thơm của hồi hương cũng được dùng trong bánh ngọt.

Hồi hương được dùng làm rượu Asinette, Pastis, Pernods. Bột hồi hương dùng để làm nhang thơm.

Hột hồi hương được dùng như thuốc tiêu, gây trung tiện, kích thích, chặn đứng chứng tiêu chảy. Nếu dùng quá liều lượng có thể ảnh hưởng đến thần kinh dẫn đến tình trạng bị co giật, run rẩy. Hột hồi hương có tinh dầu được cấu tạo bởi anathole, phellandrene, cineol, estragol, carbohydrates, tannins, quinic acid, shikimic acid C 7 H 10 O 5. Các nhà sản xuất dược phẩm dùng shikimic acid của hồi hương làm thuốc ngừa cảm cúm gia cầm và cảm cúm heo. Đó là TAMIFLU nổi tiếng vào năm 2009.

Hoa hồi hương kết hợp với đường phèn dùng để trị ho, cảm cúm. Y học cổ truyền Ấn Độ tin rằng hồi hương có khả năng trị chứng bất lực sinh lý và áp huyết thấp.

Hồi hương Nhật Bản Illicium anisatum có anisatin rất độc nên không dùng trong việc nấu nướng hay sản xuất dược phẩm mà dùng để làm nhang. Hồi hương ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Sơn La, Hoà Bình mang tên khoa học Illicium griffihii cũng có độc chất anisatin nên không dùng trong nấu nướng.

Đinh Hương Eugenia aromatica Eugenia caryophyllata Syzygium aromaticum Gia đình: Myrtaceae


Cây đinh hương là một loại cây hương liệu quí giá vào thế kỷ XV, XVI, XVII và XVIII ở Âu Châu. Những công cuộc thám hiểm của người Âu Châu vào thế kỷ XV nhằm vào Ấn Độ chỉ nhằm mục đích đi tìm hương liệu. Hải lộ nối Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương dẫn đến Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á được gọi là Đường Hương Liệu (Spices Road) đối lại với đường bộ nối liền Tiểu Tế Á tức Đông Địa Trung Hải với Trung Hoa gọi là Đường Tơ Lụa (Silk Road).

Cây đinh hương có rất nhiều trên quần đảo Malubu tức Moluccas ở Indonesia. Nhóm đảo này được mệnh danh là đảo hương liệu. Vào thế kỷ XVII người Hoà Lan chiếm quần đảo Indonesia và độc quyền bán đinh hương ở Âu Châu. Giá bán đinh hương ở Âu Châu vào thế kỷ XVII là 07 grams vàng một ki-lô đinh hương. Ở Anh người ta cho rằng trọng lượng vàng bằng trọng lượng đinh hương! Cách nói cường điệu này có vẻ quá đáng nhưng nó cho thấy đinh hương hiếm quí và đắt tiền. Đó cũng là động lực thúc đẩy các cường quốc hàng hải Âu Châu thời bấy giờ đổ xô đi đánh chiếm thuộc địa. Vào thế kỷ XVIII người Pháp trồng đinh hương trên đảo Mauritus gần đảo Madagascar. Đinh hương được trồng thêm ở Guiana, West Indies, Brazil trên lục địa Mỹ Châu.

Cây đinh hương cao từ 20 đến 30 m. Lá láng. Khi còn non lá màu hồng. Cây đinh hương là loại thảo mộc miền nhiệt đới có lá xanh quanh năm. Hoa màu hồng nhạt rất thơm. Hoa giống cây đinh hình chữ I cuống dài kết thành chùm trông đẹp mắt. Mùi thơm của đinh hương do chất eugenol và methyl salicylate mà ra. Hột đinh hương có nhiều tinh dầu. Dược tính của cây đinh hương được người Trung Hoa ghi vào y thư từ thế kỷ VII sau Tây Lịch thời nhà Tuỳ (581 - 618). Người Ấn Độ và La Mã cũng biết đến công dụng và dược tính của đinh hương từ lâu.

Tên khoa học của đinh hương là Syzygium aromaticum thuộc gia đình Myrtaceae. Tên gọi thông thường:

Anh: cloves
Pháp: clou de giraffe
Ấn Độ: Lavang
Trung Hoa: Ding xiang

Trong bài viết về nguồn gốc địa danh La Vang, Quảng Trị, chúng tôi nêu giả thuyết La Vang có nghĩa là cây đinh hương Syzygium aromaticum, theo cách gọi của người Ấn Độ: Lavang. Vì ngày xưa vùng đất này thuộc Chiêm Thành (Champa). Nước này chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ từ ngôn ngữ đến tôn giáo. Người Chăm theo Ấn Giáo trước khi đa số dân Chăm chuyển sang Hồi Giáo. Quốc hiệu Champa (Chiêm Thành) có nghĩa là hoa sứ, theo tiếng Hindi. Tục hỏa táng người chết là tục của Ấn Giáo (Hinduism). Vả lại cây đinh hương là một cây có dược tính cao phù hợp với chuyện Đức Mẹ Maria hiện ra và chỉ cho giáo dân dùng để chữa bịnh trong lúc chạy nạn.

Người Ấn Độ cho đinh hương vào thức ăn cho có hương vị, làm nhang thơm và thuốc trị bịnh. Lá đinh hương khô dùng để tạo mùi thơm trong nhà hay làm trà để uống.

Đinh hương được dùng trong kỹ nghệ thực phẩm, nước ngọt, nước hoa, kem đánh răng. Đinh hương có lợi cho Thần kinh, Tỳ kinh và Vị kinh. Nó cóeugenol kháng khuẩn và làm giảm đau. Ngoài ra nó còn có acetyl eugenol, beta-caryophyllene, vanillin, crategolic acid, gallotannic acid, tannins, methyl salicylate, flavonoids, eugenin, kaempferol, triterpenoids và sesquiterpenes. Đinh hương được dùng để trị các chứng bịnh ngoài da, đau răng, tiểu đường, xuất tinh sớm, trùng lãi, dạ dày rối loạn, nôn mửa, nấc cục, kích dục, kháng ung thư.

Quế Cinnamomum zeylanicum Gia đình: Lauraceae


Quế còn gọi là mộc tế là một loại cây quí có vỏ có hương thơm cay nồng dùng làm gia vị hay làm thuốc. Cây quế gốc ở Sri Lanka (đảo Ceylon). 

Tên khoa học của quế là Cinnamomoum zeylanicum thuộc gia đình Lauraceae.

Tên khoa học của quế Việt Nam mà các nhà thực vật học quốc tế gọi là quế Sài Gòn là Cinnamomom louieirii.

Tên gọi thông thường là:

Anh: Cinnamon
Pháp: Cannelle
Ấn Độ: dalchina chakka
Hy Lạp: Kinnamono
Sri Lanka: Kurundu

Cây quế cao từ 10 đến 15 m; thân cây màu xám hay hồng. Lá hình bầu dục màu xanh sẫm. Gân lá chìm màu trắng. Hoa tròn màu xanh nhạt, cuống dài. Trái tròn, nhỏ như viên đạn khi chín màu tím đen rất bóng. Toàn thân cây quế nhất là vỏ có mùi thơm cay nồng. Người ta cất dầu quế từ vỏ cây quế.

Ở Việt Nam quế được tìm thấy nhiều ở Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hoá. Do đó có quế Quảng, quế Thanh, quế Quý (Quý Châu, Nghệ An).

Vào thế kỷ XVI quế là hương liệu thương mại độc quyền của người Bồ Đào Nha sau khi họ chiếm đảo Ceylon (Sri Lanka bây giờ) vào năm 1536. Từ thế kỷ XVIII và XIX người Hòa Lan lập nhiều đồn điền trồng quế ở Indonesia. Hoà Lan thu nhiều lợi lộc nhờ bán vỏ quế trên thế giới.

Quế Tàu là Cinnamommum cassia hay Cinnamomum aromaticum được người Trung Hoa ưa thích. Dầu quế có chất cinnamaldehyde dùng để cho vào bánh, kẹo cho có hương vị quế, cho vào mỹ phẩm hay dùng làm thuốc trị tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, chướng hơi (flatulence), suy thận, sốt, cảm, đau khớp xương, tiểu đường loại 2, hạ huyết áp, hưng phấn cơ thể. Phụ nữ có thai không được dùng.

Trong nồi nước lèo phở lúc nào cũng có quế. Người Hoa kỳ có vẻ thích hương vị của quế nên có nhiều loại bánh ngọt, bánh wafle, kẹo có hương vị quế.

Ở Việt Nam trẻ em lấy vỏ quít vào tiệm thuốc Bắc đổi lấy vỏ quế. Vỏ cam, quít phơi khô được gọi là trần bì, một vị thuốc cần thiết trong thang thuốc trị bịnh cho nam giới. Do đó có câu:

Nam bất thiểu trần bì,
Nữ bất ly hương phụ.

Quế có mùi cay nồng vì có cinnamic aldehyde hay cinnamaldehyde. Trong dầu quế có ethyl cinnamate, eugenol, cinnamaldehyde, beta- caryophyllene C 15 H 24, linalool, methyl chavicol.

Quế Cinnamomum burmannii gốc ở Đông Nam Á. Không biết vì sao tên khoa học có chữ burmanii (Miến Điện) mặc dù loại quế này có nhiều ở Indonesia. Quế này có coumarin có hại cho gan và thận nếu dùng nhiều.

Khi nhà Trần quyết định gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Sinhavarmann III) ở kinh đô Thăng Long và khắp cả nước xuất hiện hai câu hát dưới đây:

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng M. thằng M. nó leo.

Triều đình giải thích nguồn gốc chánh trị của cuộc hôn nhân như sau:

Hai châu Ô, Rí xa nghìn dặm,
Một gái Huyền Trân phỏng mấy mươi.

Lúc ấy Đại Việt không còn uy thế như trước. Nhưng, trong thế yếu mà được hai châu Ô, Rí (Quảng Trị, Thừa Thiên) nhờ vua Trần Anh Tôn gả em gái cho vua Chiêm Thành. Xét trên bình diện chánh trị và ngoại giao thì Đại Việt không có thua lỗ gì cả.

Ca dao Việt Nam nói về quế như sau:

Ở như cây quế giữa rừng,
Cay không ai biết,
Ngọt đừng ai hay.

Xin đừng thấy quế phụ hương,
Quế già quế rụi hương còn thơm xa.

Thi hào Nguyễn Du có câu:

Một cây cù mộc đầy sân quế hoè.
(Cây quế và cây hoè: đông đảo con cháu có danh thơm)

Trước năm 111 trước Tây Lịch người Trung Hoa gọi nước Văn Lang là Quế Lâm. Trong tỉnh Quảng Nam có quận Quế Sơn.

Ở Trung Hoa có các địa danh mang tên QUẾ như Quế Châu (Guizhou- Kwei-chou), Quế Lâm (Guilin- Kwei-lin), Quế Giang (Guiyang- Kwei-yang) v. v.

Hồ Tiêu Mộc Tứ Xuyên Zanthoxylum simulans Gia đình: Rutaceae


Đây là cây tần bì gai dòng Zanthoxylum gỗ vàng, hoa vàng xanh; trái tròn màu đỏ khi chín; hột đen rất đắng. Cây cao lối 7 m, có nhiều ở Sichuan (Tứ Xuyên), đảo Taiwan (Đài Loan), nam Nhật Bản.

Tên khoa học của hồ tiêu mộc Tứ Xuyên là Zanthoxylum simulans thuộc gia đình Rutaceae. Tên thông thường là:

Anh: Chinese pepper, Sichuan pepper
Nhật: Sansho
Trung Hoa: Ye hua jiao

Người ta lấy vỏ trái hồ tiêu mộc Tứ Xuyên (Sichuan) phơi khô xay nhuyễn thành bột để làm hương liệu.

Người Nhật dùng hồ tiêu mộc Tứ Xuyên mà họ gọi là sansho để làm thất vị hương Shichimi togarashi gồm có bảy (07) hương liệu khác nhau.

Hồ tiêu mộc Tứ Xuyên (Sichuan) có pyranoquinoline alkaloids, zanthosimuline, huajiaosimuline.

Thì Là Anethum graveolens Gia đình Apiaceae, Umbelliferae


Thì là là một loại cây rau xuất hiện từ lâu ở Tây Á, Ai Cập và miền đông Địa Trung Hải. Lá thì là nhuyễn như sợi tóc. Nhiều lá hợp lại thành hình cái phễu trông rất đẹp. Hoa nhỏ màu vàng kết thành chùm như những cái bóng đèn tròn. Thì là có trái có nhiều hột đen nhỏ li ti.

Tên khoa học của thì là là Anethum graveolens thuộc gia đình Apiaceae hay Umbelliferae.

Tên gọi thông thường là:

Anh: Dill
Pháp: Aneth; fenouil
Bắc Âu: Dilla
Do Thái: Shubit

Trong Thánh Kinh phần Tân Ước có nói đến thuế 10% trả bằng hột thì là. Chữ Dilla của người Bắc Âu có nghĩa là làm dịu vì thì là có khả năng làm dịu đau bụng, chướng hơi, chứng nấc cục.

Vào thế kỷ IX thời Hoàng Đế Charlemagne, ở Âu Châu người ta xem thì là như là thuốc tình yêu và tin rằng cây thì là xua đuổi yêu quái. Cách đây 5,000 năm các y sĩ Ai Cập đã dùng thì là làm thuốc chữa bịnh. Trên mộ của vua Amemhotep II ngự trị từ năm 1427 đến 1400 trước Tây Lịch người ta tìm thấy dấu vết cây thì là. Người Hy Lạp cổ xem thì là là biểu tượng của sự phú túc. Người La Mã biết dùng thì là sau khi bành trướng đế quốc về phía đông Địa Trung Hải.

Lá thì là được dùng trong thức ăn. Người ta dùng nó làm đồ chua. Ở Âu Châu người ta ăn cá với thì là để khử mùi tanh của cá. Ở Việt Nam người ta ăn chả cá với thì là.

Hột thì là dùng để cất dầu dùng trong thức ăn, trong kỹ nghệ hoá học, mỹ phẩm và dùng làm thuốc trị đau bụng, nấc cục, chướng hơi, ói mửa. Thì là kháng trùng, chống đông máu, chống co giựt. Dầu thì là dùng để trị tiểu đường, gan yếu, mỏi mệt, bịnh về đường hô hấp. Cây thì là phơi khô dùng làm trà uống như thuốc trợ tiêu hóa, gây trung tiện, chống đầy hơi. Hột, thân và lá thì là có carvone, limonene, phellandrene, eugenol, pinen.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

ẨM THỰC TRUNG HOA - TINH TÚY PHƯƠNG ĐÔNG

Không phải ngẫu nhiên mà ẩm thực Trung Hoa được ưa chuộng trên toàn thế giới. Đất nước hơn 1,3 tỉ dân với lịch sử văn hóa mấy nghìn năm đã xây dựng nên nền ẩm thực rực rỡ mà đậm đà bản sắc.


Người Trung Quốc lấy 5 vị: ngọt, chua, đắng, cay, mặn làm chủ đạo, sau đó mới kết hợp với các cách chế biến đa dạng tạo nên những món ăn có hương vị đặc trưng đầy quyến rũ. Đặc điểm chính của món ăn Trung Hoa là sự kết hợp tinh tế giữa hương, sắc, vị cùng sự sáng tạo và tỉ mỉ trong cách tạo hình, sắp xếp do chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực trong triều đình phong kiến và giới quý tộc xưa.


Một trong những món ăn được xem là biểu tượng cho ẩm thực Trung Hoa chính là món vịt quay Bắc Kinh. Món ăn này được cho rằng có nguồn gốc từ thời nhà Nguyên và được các vua chúa rất yêu thích. Những con vịt to béo, sau khi được ướp gia vị và quay trong lò lửa lớn sẽ được cắt thành từng miếng và xếp ra đĩa. Vịt quay Bắc Kinh có lớp da mỏng giòn, màu vàng sậm óng ả; phần thịt bên trong lại rất mềm và thơm. Đây cũng được xem là món ăn tiêu biểu và là niềm tự hào của người dân thủ đô Bắc Kinh.


Khi nhắc đến Trung Hoa, ngoài những món ăn thuộc hàng cao lương mỹ vị thì họ vẫn có những món ăn ngon từ những nguyên liệu bình dân, trong đó đậu phụ là nguyên liệu phổ biến nhất. Đậu phụ được làm từ hạt đậu tương, hương vị thanh đạm. Với tài nấu nướng khéo léo, các đầu bếp vùng Tứ Xuyên đã lấy khẩu vị cay làm chủ đạo để sáng tạo nên món đậu phụ Tứ Xuyên nổi tiếng trên thế giới. Ngoài ra khi nhắc đến vùng Tứ Xuyên này, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến món lẩu Tứ Xuyên với phần nước lẩu có độ trong và vị chua cay đậm đà của các loại gia vị đặc trưng mà khi nếm thử một lần sẽ nhớ mãi.


Món ăn Sơn Đông với đặc điểm là các nguyên liệu khi chế biến thường được để rất to và đựng trong nhưng chiếc bát, đĩa rất lớn là trường phái ẩm thực tiêu biểu của phương Bắc, giống như tính cách phóng khoáng của người dân vùng đó. Một trong những món ăn đặc sắc ở đây là món Khổng phủ – lấy tên từ nhà tư tưởng, nhà triết học cổ đại nổi tiếng Trung Quốc: Khổng Tử. Món Khổng phủ được chia làm nhiều loại như: Món ăn cho đám hỷ, mừng thọ và món ăn trong gia đình.


Người dân miền Bắc Trung Quốc cũng rất ưa chuộng những món chế biến từ lúa mì, đặc biệt là sủi cảo. Do hình dáng sủi cảo rất giống với đồng tiền cổ Trung Quốc nên hầu như gia đình nào cũng thưởng thức món này trong dịp giao thừa như một cách cầu mong tiền tài tới nhà. Có nhiều người còn cho tiền xu, đường, lạc vào nhân sủi cảo và cho rằng người nào ăn được sủi cảo có chứa tiền xu sẽ có một năm phát tài, ăn được chiếc có đường sẽ có một năm tốt lành suôn sẻ, ăn được lạc nghĩa là sang năm mới sẽ có sức khỏe dồi dào.


Miền Nam Trung Quốc lại cực kỳ nổi tiếng với những món ăn nhẹ như món ăn sáng, ăn vặt khi thưởng trà. Trong đó, nổi tiếng nhất là món bánh trôi thường ăn khi đại gia đình sum vầy, ý nghĩa cầu chúc cho sự đoàn tụ ấm áp.


Khi nhắc đến những món ăn nhẹ của Trung Quốc thì cũng không thể không nhắc đến những món ăn truyền thống chế biến từ bột mì. Ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ rộng lớn này, bạn cũng có thể bắt gặp những hàng quán bán bánh bao hấp, sủi cảo,…


Chỉ với đôi dòng ngắn gọn, bài viết không thể nêu bật được đầy đủ những nét đặc sắc của ẩm thực Trung Hoa. Thế nên nếu có điều kiện, bạn hãy tự mình trải nghiệm những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của mảnh đất láng giềng, để có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về một trong những nền văn hóa lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới.

Theo: Lamsao.com

NỊNH BỢ LÀ SỐNG?


Con mèo dí súng vào đầu con chó rồi hỏi:

– 1+1 = mấy?

– Dạ! = 2 ạ!…

‘Pằng’, con mèo thổi khói súng: Mày đã biết quá nhiều.

Vẫn câu hỏi đó, con chó thứ 2 suy nghĩ rồi run rẩy trả lời:

– Dạ! em không biết ạ!

‘Pằng’, con mèo lại thổi khói: Loại dốt nát như mày không nên sống.

Đến con chó thứ 3, mèo vẫn hỏi lại câu hỏi đó. Con này suy nghĩ rồi trả lời:

– Biết thì sao mà không biết thì sao?

‘Pằng’!: Nguy hiểm như mày thì càng phải chết.

Tiếp tục con chó thứ 4, lại là câu hỏi đó, con này suy nghĩ rồi trả lời:

– Trả lời anh giết, không trả lời anh giết, trả lời sai anh giết, trả lời đúng cũng giết luôn, thì em biết phải làm sao?

‘Pằng’!: Mày phải chết vì mày nói quá nhiều.

Đến con cuối cùng, vẫn câu hỏi cũ, con này nhanh nhảu trả lời:

– Dạ thưa anh! Với những câu hỏi hóc búa như vậy, thì chỉ có những người cao siêu như anh mới có đáp án chính xác ạ!

Con mèo khoái chí bảo: Mày được, theo tao!

….

Sống ở đời…

Thông minh cũng chết, dốt nát cũng chết, thủ đoạn cũng chết, lý luận nhiều cũng chết. Chỉ có nịnh bợ là sống sót. Hahaha, quá chuẩn luôn

(Sưu tầm trên mạng)

CÔ DÂU CỦA BIỂN CẢ

Chương trình "Ai là triệu phú" tối 25/09/2018 có một câu hỏi làm tôi ngạc nhiên vì hồi nào tới giờ mới nghe qua: "Cô dâu của biển cả" là biệt danh của thành phố nào?. Câu trả lời là Venice của nước Ý.


Chính xác, 'cô dâu của biển cả' là biệt danh của Venice

Có một nghi lễ cổ diễn ra hàng năm ở Venice (Italy), trong đó viên tổng trấn thả một chiếc nhẫn xuống biển và nói bằng tiếng Latinh, tạm dịch "Chúng tôi làm lễ kết hôn cho biển cả và Venice để tượng trưng cho lẽ phải và sự thống trị vĩnh cửu". Nghi lễ này nhằm khẳng định Venice và biển cả không thể tách rời. Đó chính là nguồn gốc tên gọi "cô dâu của biển cả" gắn liền với thành phố thơ mộng này.
 

Cho đến ngày nay, nghi lễ vẫn được thực hiện bởi thị trưởng của thành phố và được gọi là Bissona Serenissima.

Phiêu Linh (theo Telegraph)


Link tham khảo:
https://wikivisually.com/wiki/Marriage_of_the_Sea_ceremony

KHI CUỘC SỐNG QUÁ TỒI TỆ

Tôi muốn nói cảm ơn...

Cho người bạn đời nằm bên cạnh ......giựt tấm chăn của tôi........mỗi đêm. Vì tôi hiểu rằng chàng / nàng lúc ấy không đang ở chung với bất kì ai khác.

Cho người bạn trẻ không rửa bát đĩa phụ giúp gia nhân mà chỉ xem Tivi . Bởi vì cô / cậu đó đang ở nhà , chứ không phải đang la cà ngoài đường phố.


Cho con số khổng lồ tôi phải trả tiền thuế. Vì tôi biết rằng tôi đang có việc làm.

Cho một bãi chiến trường tôi phải lâu dọn sau mỗi bữa tiệc. Bởi vì nó cho tôi biết tôi đang có rất nhiều bạn bè xung quanh tôi.

Cho những bộ quần áo mà tôi cảm thấy hơi bị chật. Vì tôi hiểu rằng tôi có đủ cái để ăn.

Cho cái bóng của tôi trên mặt đường, giữa trưa hè nóng bức, cái bóng nhìn tôi lao động mỗi ngày. Vì nó cho tôi biết nơi tôi đang ở còn có ánh mặt trời.


Cho cánh cửa sổ cần phải lau chùi. Cho cái hàng rào cần sơn lại. Cho nóc nhà dột tôi phải sửa. Vì tôi vui sướng tôi có một mái nhà.

Cho tất cả những lời ca thán mà tôi nghe về chính phủ, về xã hội. Vì nó cho tôi biết tôi có quyền tự do ngôn luận .

Cho một chỗ đậu xe xa tít ở phía cuối bãi đậu xe. Vì tôi mừng rằng tôi có khả năng đi đứng, tôi còn được ban cho một phương tiện đi lại nữa.

Cho tờ hóa đơn khủng khiếp tiền điện, tiền nước, tiền khí đốt. Vì tôi Hạnh Phúc tôi được ấm, được đầy đủ.


Cho người phụ nữ hát trật nhịp trong nhà thờ, ngồi bên cạnh tôi. Vì nó cho tôi biết tôi có thể nghe được.

Cho những chậu đồ to tướng mà tôi phải giặt ủi. Vì tôi có quần áo để mặc.

Cho những khớp xương nhức mỏi sau mỗi ngày làm việc. Vì tôi vui rằng tôi có khả năng làm việc nặng.

Cho cái đồng hồ reo inh ỏi mỗi sáng. Vì tôi Sung Sướng biết rằng mình vẫn ...Còn sống.


Và cuối cùng............Tôi tạ ơn cho việc tôi có quá nhiều email, quá nhiều FWD và REPLY........Bởi vì tôi hiểu rằng tôi có rất nhiều bạn bè, những người luôn nghĩ đến tôi.

Khi bạn cảm thấy Cuộc Sống này quá tồi tệ với bạn, hãy đọc lại lần nữa nhé!

(Sưu tầm trên mạng)

Saturday, September 29, 2018

BIỆT NGHIỆP VÀ CỘNG NGHIỆP

Tất cả Phật tử chúng ta hãy sống thiện như những cái cây có bộ rễ toàn hút những chất ngọt trong đất. Nhất định đời sống chúng ta sẽ an lạc hạnh phúc.


Thực là một điều lý thú đối với Phật tử chúng ta, khi theo dõi cuộc bàn luận về một đề tài Phật giáo như: “Biệt nghiệp và cọng nghiệp” giữa hai nhà khoa học tự nhiên, hai nhà bác học thế giới: Một là Matthieu Ricard, người Pháp, tiến sĩ Sinh học, trở thành một tu sĩ Phật giáo tại một thiền viện Tây Tạng ở Katmandu (Nepal). Người thứ hai là Trịnh Xuân Thuận, một người Mỹ gốc Việt, một nhà bác học về Vật lý thiên văn, đang công tác tại Viện Công nghệ học California, và là giáo sư ở trường Đại học Virginia.

Chủ đề của cuộc đàm thoại như sau: Khái niệm về nghiệp (karma) của Phật giáo có ý nghĩa hay không? Thuyết nghiệp liên hệ như thế nào với luật nhân quả và tư tưởng định nghiệp (destin deterministe). Nếu theo đạo Phật, cái ta và con người cá nhân là ảo ảnh, thì cái gì luân hồi trong vòng sanh tử? (chương 8,cuốn “Vô biên trong lòng bàn tay”_L’infini dang la paume da la main _Trịnh Xuân Thuận)

Tôi rất đổi ngạc nhiên khi thấy tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard, mô tả một vài thế giới đặc biệt theo đúng nội dung của phẩm “Hình thành thế giới”trong kinh Hoa Nghiêm(Avatamsaka sutra). Một kinh đại thừa mà bản Hán dịch đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ VII (đời bà Võ Hậu Võ Tắc Thiên). Nghĩa là trước rất xa sự phát hiện của Copernic ! Đúng là đạo Phật luôn luôn và liên tục dành nhiều ngạc nhiên cho các nhà bác học thế giới!

Sau đây, xin giới thiệu nội dung của cuộc đàm thoại, bắt đầu bằng lời phát biểu của tiến sĩ Matthieu Ricard (từ đây, viết tắc là Matthieu).



Matthieu: Về từ nguyên mà nói, karma có nghĩa là “hành động”.Những điều chúng ta làm, nói và suy nghĩ không những có một tầm quan trọng về đạo đức, mà chúng còn tạo ra thế giới của chúng ta. Nhận thức của chúng ta đối với thế giới là kết quả của toàn bộ thực nghiệm của tâm thức của chúng ta từ nhiều đời, nhiều kiếp. Ngược lại, tâm thức đó lại bị chi phối bởi cấu trúc thân thể chúng ta, bộ não và hệ thần kinh chúng ta. Đây là một ví dụ nữa của luật tương tác nhân quả (causalité réciproque). Chắc chắn là con người nhận thức vũ trụ khác với bầy ong bầy dơi. Cách thức hoạt động của tâm thức chúng ta gắn liền với cái mà chúng ta gọi là “vũ trụ của chúng ta”. Do có những thực nghiệm tương tợ nhau trong nhiều kiếp quá khứ, mà có những cộng đồng loài hữu tình có một nhận thức tương tợ nhau về thế giới. Đó là kết quả của cái mà đạo Phật gọi là cọng nghiệp (karma collectif) nói lên nhận thức của chúng ta đối với thế giới, ngoài ra, còn có biệt nghiệp (karma individuel) là kết quả của kinh nghiệm cá nhân của mỗi người.

Thuận: Nhận thức về thế giới có thể khác nhau giữa các sinh vật trong các thế giới khác nhau trong vũ trụ này, thí dụ, những sinh vật sống ở một hành tinh khác, có một vì sao khác làm mặt trời, nhưng theo tôi nghĩ, nhận thức của họ đối với thế giới, có thể không khác biệt lắm so với nhận thức của chúng ta, bởi lẽ, tất cả đều cùng có một lịch sử vũ trụ, giống nhau, đều là sản phẩm của vụ nổ đầu tiên- Big bang, với các tinh vân, sao và hành tinh v.v...Đối với hàng triệu sinh vật không phải loài người, sống trên trái đất này cũng vậy, vì có cùng một lịch sử vũ trụ, cho nên nhận thức của chúng đối với thế giới có thể là không khác nhau lắm.

Matthieu: Đấy bất quá là do chúng ta quá chấp thủ vào nhận thức của chúng ta đối với thế giới, đến mức chúng ta cho là các sinh vật khác cũng thấy thế giới, gần như chúng ta thấy. Tôi cho rằng, con kiến hay con dơi nhìn thế giới khác chúng ta rất nhiều. Quen thuộc với ba chiều kích(dimension) của thời gian, chúng ta mệt lắm mới mường tượng chiều kích thứ tư, bây giờ các nhà vật lý học nói có tới 10 hay 12 chiều kích! Một sinh vật sống ở bình độ thứ nguyên tử(subatomic), chắc là thấy thế giới khác chúng ta rất nhiều.

Đức Phật là bậc toàn giác, hẳn là cũng thấy thế giới rất khác với chúng ta. Kinh Phật nói tới một số thế giới và vũ trụ nhiều như cát trong biển, và mô tả chúng một cách rất hình ảnh và khác lạ. Có những thế giới giống như bánh xe quay vòng (phải chăng đó là những tinh vân hình xoáy- galaxies spirales), những vũ trụ hình giống miệng sư tử (phải chăng đó là những lỗ đen-trous noirs-là loại thiên thể đặc biệt, có trọng lực bản thân lớn đến nỗi, không có vật chất hay ánh sáng nào có thể thoát ra được), những vũ trụ hình dẹp (phải chăng đó là vũ trụ có không gian hai chiều?), những vũ trụ giống như núi lửa đang phun (phải chăng đó là những novae-là ngôi sao bùng nổ rồi tan biến) v.v...

Thuận: Hình ảnh của các vũ trụ theo Phật giáo thật là kỳ lạ. Đức Phật có thể đã nói tới những sinh vật không phải là loài người, phát triển khác hẳn chúng ta trong một môi trường khác biệt hoàn toàn.

Matthieu: Theo vũ trụ quan Phật giáo, có tới sáu loại chúng sanh, trong số này chỉ có hai loại, chúng ta còn nhận thức được, tức là loài người và loài động vật, còn bốn loại kia thì chúng ta không biết được. Đó là không kể loài trời gọi là vô sắc, tức là không có sắc thân, là một hính thái sống không thể nghĩ bàn(bất khả tư nghì) đối với loài người chúng ta.


Thuận: Nếu hai loại biệt nghiệp và cọng nghiệp theo Phật giáo đều do quá khứ quyết định, thì phải chăng đây là một hình thức của quyết định luận(determinisme)?

Matthieu: Không, thuyết nghiệp phản ánh luật nhân quả, thuyết nghiệp không phải là quyết định luận. Nghiệp là hành động, nghiệp do hành động tạo ra, thì nghiệp cũng do hành động của con người mà thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi qúa trình chuyển nghiệp, bằng cách tác động vào nó, trước khi hình thành quả vui hay buồn, tốt hay xấu. Cũng như một quả bong bóng đang rơi, chúng ta có thể bắt lấy nó và ném lên ở một độ cao hơn.

Cuộc sống chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh là kết quả của toàn bộ ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, được thực hiện trong vũ trụ này, trong đời này hay là trong các đời sống trước. Đó là một tổng thể hết sức phức tạp của những yếu tố tương tác lẫn nhau, mà chúng ta có thể thay đổi quá trình trong từng giây phút. Đó là thuyết bất định nghiệp của đạo Phật, rất khác với các thuyết quyết định luận hay số mệnh luận.

Thuận: Như vậy, điều xảy ra cho chúng ta trong đời này là kết quả trực tiếp của hành động và tư duy của chúng ta trong các đời sống trước. Như vậy phải chăng thuyết nghiệp có liên hệ với thuyết tái sanh, thuyết luân hồi qua nhiều cuộc sống nối tiếp nhau. Đối với tôi, niềm tin về thuyết tái sanh làm giảm nhẹ nỗi lo âu trước sự chết, và cung cấp những giải thích hợp lý cho sự xuất hiện những đứa bé thiên tài. Mozart, mới 5 tuổi đã là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và đã soạn được nhiều bản nhạc... phải chăng trong đời sống trước, Mozart đã là một thiên tài âm nhạc? Thuyết tái sanh cũng giải thích vì sao có những đứa trẻ, chưa lớn lên đã mắc phải những chứng bệnh hiểm nghèo và phải đau đớn vô cùng. Phải chăng chính chúng phải gặt hái hậu quả những hành động của chúng trong đời sống trước?

Matthieu: Nếu không tin vào thuyết tái sanh, thì thật là khó chấp nhận tình hình những đứa bé “vô tội” phải gánh chịu hậu quả những hành động mà dường như chúng không có ý niệm gì hết, không có trách nhiệm gì hết. Nhưng thuyết tái sanh và nghiệp sẽ giúp cởi bỏ thắc mắc đó.

Thuận: Đạo Phật nói không có “cái ta”, “cái ta” không thật có. Nếu không có cái ta thì ai hưởng hạnh phúc, ai chịu bất hạnh?

Matthieu: Đúng là có một sự liên tục cho phép nói “tôi” hưởng hạnh phúc hay là chịu nỗi bất hạnh, thế nhưng đó chỉ là sự liên tục của một cái gì thay đổi liên tục. Chính sự liên tục đó tạo ra ảo ảnh một cái gì có thật và bất biến. Cũng như một người đứng xa nhìn con sông, hình như không chảy, hay là nhìn một ngọn đuốc cháy liên tục suốt đêm, nhưng ngọn đuốc đầu đêm, ngọn đuốc giữa đêm, và ngọn đuốc cuối đêm không phải là cùng một ngọn đuốc. Thậm chí, qua từng giây phút, ngọn đuốc cũng đổi khác. Không phải chỉ con người mà mọi sự vật đều là những giòng chảy liên tục của những hiện tượng nối tiếp nhau, và mỗi hiện tượng trong giòng chảy liên tục đó cũng vô thường, biến đổi không ngừng. Norbert Wiener, một trong những cha đẻ của môn “Thần kinh cơ giới học”(Cybernetics) đã dùng hình ảnh của thi ca để nói lên chân lý đó của đạo Phật: “ Chúng ta chỉ là những giòng xoáy của một con sông chảy vô tận. Chúng ta không phải la ømột chất liệu tồn tại mãi, mà là những nét đường luôn được tái phục hồi.”

Một thế kỷ trước công nguyên, Milinda, vua xứ Bactriane, (tức một phần của xứ Aphganistang hiện nay, sách Hán dịch là Đại Hạ) đã đặt câu hỏi đó với Đại Đức Nagasena:

“- Bạch Đại Đức, con người tái sanh với con người kiếp trước là một người hay là hai người?

- Không phải là một người, cũng không phải là hai người.

- Hãy cho tôi một ví dụ.

- Nếu chúng ta thắp một bó đuốc, bó đuốc có thể cháy suốt đêm không?

- Tất nhiên, có thể.

- Bó đuốc cuối đêm có giống bó đuốc nửa đêm và bó đuốc đầu đêm hay không?

- Không.

- Như vậy là có ba bó đuốc khác nhau?

- Không, chỉ có một bó đuốc cháy suốt đêm.

- Thưa Đại Vương, cũng như vậy,các hiện tượng nối tiếp nhau liên tục, một hiện tượng này nảy sinh, thì một hiện tượng khác mất đi. Chính vì lẽ đó, mà người tái sanh không phải là một người, cũng không phải là người khác, so với người của đời sống trước.”

Khái niệm có một cái ta thường tại, hay một tâm thức thường tại, thực nghiệm hậu quả của những nghiệp tạo ra trong quá khứ, và luân hồi liên tục từ đời sống này qua đời sống khác chỉ là một ảo tưởng. Cái ta ảo tưởng đó tuy không có một sự tồn tại tuyệt đối, nhưng vẫn tồn tại tương đối, cho nên mới có tạo nghiệp và chịu hậu quả của nghiệp. Đó là cái mà sách Phật gọi là cái ta giả( giả ngã), cái ta quy ước. Cái ta quy ước đó tồn tại một cách tương đối và cái ta tồn tại tương đối đó vẫn chịu hậu quả của một cái nghiệp cũng tồn tại tương đối.


Lời người bình: Tôi không muốn bàn nhiều hơn về vấn đề cái ta quy ước vì chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội để bàn vấn đề khá phức tạp này. Nhưng qua cuộc toạ đàm giữa Thuận và Ricard, còn một vấn đề phức tạp khác là vấn đề cọng nghiệp, là nghiệp do nhiều người tạo ra và cùng chịu hậu quả. Thí dụ, tôi là người Việt Nam, hiện đang sống cùng với khoảng 80 triệu người Việt khác trên đất nước Việt Nam này. Theo thuyết nghiệp của Phật Giáo, chắc là tôi trong nhiều đời sống trước đã cùng với 80 triệu đồng bào đó đã tạo ra cộng nghiệp, khiến cho tôi cùng với họ trở thành người Việt Nam và cùng sống trên đất nước Việt Nam này.

Thế nhưng, trong cọng nghiệp của người Việt, sống trên đất nước Việt Nam, lại phân chia có người Nam, người Trung, người Bắc sống trong những môi trường địa lý khác nhau. Có thể nói trong cọng nghiệp đất nước, còn có cọng nghiệp vùng. Đấy là không kể những người Việt định cư ở nước ngoài. Nghĩa là trong cộng nghiệp chung, có những yếu tố không phải cọng nghiệp. Thí dụ, cùng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại ở các quận, phường, khu phố khác nhau. Người thì có nhà cửa khang trang, người thì ở căn nhà chật hẹp, thậm chí không có nhà,v.v... Nếu phân tích chi ly thì phức tạp vô cùng. Đạo Phật cho rằng, không có gì gọi là ngẫu nhiên. Mọi sự sai biệt trong cuộc sống, đều do nghiệp tạo ra cả, kể cả cọng nghiệp , biệt nghiệp. Một cách không có ý thức, chúng ta tạo ra môi trường sống của bản thân chúng ta. Giáo chủ Đạt Lai Lạt Ma, phát biểu về ảnh hưởng của nghiệp đến môi trường khí hậu như sau:

“ Hãy tưởng tượng một cộng đồng trong đó hận thù và giận dữ là tâm trạng phổ biến. Tôi nghĩ là tình trạng cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng tới môi trường, có thể góp phần tạo ra một đợt thời tiết nắng nóng và khô hạn. Nếu trong một cộng đồng mà lòng tham ái, tham đắm rất mạnh mẽ và phổ biến thì đó có thể là nguồn gốc của độ ẩm tăng cao và nạn lụt lội. Tôi (tức Đạt Lai Lạt Ma) chỉ nêu vấn đề chứ không nói điều gì khẳng định. Nhưng dù là cá nhân hay cộng đồng, thì hành động của mỗi người, cách hành xử của anh ta, tâm trạng của anh ta, ngày này qua ngày nọ, năm tháng này qua năm tháng nọ cuối cùng cũng ảnh hưởng tới môi trường cộng đồng” (Đạt Lai Lạt Ma_Samsara{Luân hồi}, trang 167, bản Pháp ngữ)

Rõ ràng, vấn đề ngài Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến trong đoạn văn trên chỉ là một vấn đề chi tiết trong cả vấn đề cọng nghiệp rộng lớn, có thể bao quát cả vũ trụ, như hai ông Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard nêu ra trong cuốn sách tôi tường thuật “Vũ trụ trong lòng bàn tay”. Trình độ khoa học hiện nay chưa cho phép khẳng định ngoài trái đất ra, còn có rất nhiều hành tinh có sự sống, có thể là cao cấp hơn loài người rất nhiều. Môi trường sống của những hành tinh đó cũng có thể rất khác với môi trường sống trên trái đất, do cọng nghiệp của các chúng sanh trên các hành tinh đó khác biệt với cọng nghiệp người trên trái đất. Với cọng nghiệp khacù nhau, chúng sanh trên các hành tinh đó rất có thể có cấu trúc thân thể và cảm quan khác với cấu trúc thân thể và cảm quan người. Kinh Hoa Nghiêm Phẩm “Thế giới” có mô tả những thế giới muôn hình vạn trạng trong vũ trụ, mà ông Ricard có đề cập tới ở đầu bài này. Kinh Hoa Nghiêm giải thích muôn hình vạn trạng các thế giới (Kinh Hoa Nghiêm nói tới không phải một thế giới mà là hàng biển thế giới – thế giới hải), đếu do cọng nghiệp của chúng sanh tạo ra. Cọng nghiệp khác, thì thế giới môi trường cũng khác. Có thể nói câu: “Thế biệt do nghiệp sanh”, trong luận Câu Xá ( Phẩm nghiệp) không những áp dụng cho thế giới loài người mà là cho toàn vũ trụ, cho muôn vàn thế giới trong cả ba cõi “ Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới”. Chỉ nói riêng về Dục giới, trong đó có cõi người cũng đã có nhiều cõi sống, mà mắt người không thể thấy được như cõi địa ngục là nơi chúng sanh sống chịu đựng những nổi khổ vô cùng tận; cõi quỷ đói, nơi chúng sanh bị đói triền miên; cõi súc sanh, là nơi chúng sanh thường ăn thịt lẫn nhau ( ngay cõi súc sanh, mắt loài người cũng chỉ thấy được một phần); cõi A tu la là cõi các hung thần; cuối cùng là 6 cõi trời ở dục giới là nơi chúng sanh hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống loài người rất nhiều.Sách Phật, có nói tới cõi “ bốn thiên vương” là cõi trời thấp nhất trong các cõi trời thuộc dục giới. Ở đây, thời gian một ngày đêm bằng cả 50 năm ở cõi người. Đây mới nói tình hình thọ mạng ở một cõi trời thấp nhất trong các cõi trời dục giới. Nếu bàn tới cõi trời sắc giới, là cõi không còn có lòng dục, không còn phân biệt giới tính, nam nữ, chúng sanh có sắc thân chói sáng, vô cùng đẹp đẽ, với thọ mạng lâu dài. Theo luận Câu Xá, phẩm “phân biệt thế gian”, thì cõi sắc giới gồm có 17 cõi trời khác nhau, với những tên gọi khác nhau. Cuộc sống ở đây, thật là không thể nghĩ bàn.

Cuối cùng, là cõi Vô sắc, nơi chúng sanh không còn có sắc thân, chỉ sống cuộc sống tinh thần thuần tuý, loài người chúng ta lại khó bàn hơn nữa.


Để kết luận lời bình giải của tôi về đoạn văn hai nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard bàn về biệt nghiệp và cọng nghiệp, tôi thấy cần ghi nhận tính phức tạp của vấn đề nghiệp, mà có lẽ chỉ có Đức Phật mới thấu rõ mọi ngọn ngành chi tiết. Còn chúng ta chỉ có thể nắm được những nét chính, cơ bản. Những nét chính cơ bản về thuyết nghiệp của đạo Phật cũng đủ để chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời mà mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động hàng ngày đều có trọng lượng, có giá trị nhân sinh vì chúng đều ảnh hưởng dến cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta ở đời này và đời sau. Đó là những ý nghĩ, lời nói, hành động thiện lành, tuyệt đối không hại người, hại vật, những lời nói và hành động thấm nhuần bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ,xả.


Trong Tăng Chi I, Phật ví người sống thiện như một cái cây có bộ rễ toàn hút chất ngọt từ trong đất, khác với cái cây có bộ rễ toàn hút những chất đắng từ trong đất đem ví với người ác.

Tất cả Phật tử chúng ta hãy sống thiện như những cái cây có bộ rễ toàn hút những chất ngọt trong đất. Nhất định đời sống chúng ta sẽ an lạc hạnh phúc. Không những, bản thân chúng ta tạo ra biệt nghiệp cho chúng ta,mà chúng ta còn góp phần tạo ra cọng nghiệp tốt đẹp cho cộng đồng.

Phật tử chúng ta không phải, chưa phải là con người hoàn thiện. Nhưng chúng ta có ý thức là chúng ta đang tiến tới sự hoàn thiện, dù cho bước tiến đó có thể kéo dài từ đời sống này sang đời sống khác.

Vì biết rằng, thế giới chúng ta đang sống là không hoàn thiện, là vô thường, khổ, không, vô ngã, cho nên chúng ta luôn tỉnh giác, không để cho hình dáng, màu sắc, âm thanh,v.v... của thế giới đó làm chúng ta động lòng, tham đắm, dẫn chúng ta tạo nghiệp, và nghiệp lực tạo ra lại lôi kéo chúng ta lăn lóc mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Nhờ chánh niệm tỉnh giác, mà tâm chúng ta được giữ ở trạng thái hài hoà, cân bằng, thanh thản. Đó chính là tâm giải thoát, dẫn tới tuệ giải thoát, cuộc sống hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại.

Minh Chi
(trích trong Đạo Phật Ngày Nay)

ĐỒI TƯỢNG PHẬT

Đồi tượng Phật kỳ lạ nằm giữa cánh đồng hoa oải hương

Đồi tượng Phật được thiết kế rất lạ mắt khiến du khách tới thăm có cảm giác chiêm ngưỡng cả vầng hào quang sáng chói phía trên.


Khác hẳn với những công trình tượng Phật khổng lồ trên thế giới, đồi tượng Phật ở Sapporo, Nhật Bản, được thiết kế rất đặc biệt. Bức tượng khổng lồ nằm trên một ngọn đồi nhỏ gần nghĩa trang thuộc đảo Hokkaido, xây dựng từ 15 năm trước và hoàn thành vào tháng 12/2015.


Đồi tượng Phật được thiết kế rất lạ mắt khiến du khách tới thăm có cảm giác chiêm ngưỡng cả vầng hào quang sáng chói phía trên.

Ngọn đồi tượng Phật nằm gần nghĩa trang nhỏ ở đảo Hokkaido, Nhật Bản

Công trình thiết kế đặc biệt ở chỗ, pho tượng nằm chính giữa, bao bọc xung quanh là ngọn đồi phủ đầy hoa oải hương. Tượng cao 13,5m, nặng 1500 tấn, nằm trên ngọn đồi 180 ha đất đai màu mỡ có độ dốc nhẹ. Công trình làm bằng đá rắn chắc. Đây là tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Tadao Ando.


Lối kiến trúc ở đây có nhiều điểm khác biệt so với những công trình khác

Bức tượng được đặt trọn vẹn bên trong chiếc giếng khổng lồ. Du khách chỉ có thể thấy phần đầu nhô ra khi đứng trên mặt đất. Muốn chiêm ngưỡng toàn bộ tượng Phật, du khách phải đi sâu vào trong. Nhìn từ dưới lên trên, đầu tượng Phật được bao quanh bởi ánh hào quang với nguồn sáng lấy trực tiếp từ bầu trời.. Dưới chân đồi là đường hầm dài 40m cùng không gian cầu nguyện lớn bên trong.

Không gian giếng trời cầu nguyện rộng lớn bên trong

Vòng ra bên ngoài, xung quanh quả đồi gồm hơn 150 nghìn khóm hoa oải hương trồng đều tăm tắp, khoe sắc tím thơ mộng và tỏa hương nồng nàn khi vào mùa. Với nhiều khách hành hương, “đồi tượng Phật” là điểm đến ưa thích với người đam mê nghệ thuật cũng như kiến trúc tâm linh.

Nhìn từ dưới lên, phía đầu tượng Phật như tỏa ánh hào quang sáng chói

Chính kiểu kiến trúc độc lạ tạo nên sự khác biệt của công trình

Theo lời giới thiệu, dự án tượng Phật này được coi như phong cảnh thiên nhiên hơn là công trình kiến trúc.

Hoàng Hà
Theo APt, WK


VÌ SAO TRỨNG BẮC THẢO LÀ MÓN KHOÁI KHẨU?

Cách đây hàng trăm năm ở vùng quê Trung Quốc một món ăn ngon, gọi là trứng bắc thảo, đã ra đời.


Người ta kể rằng một nông dân đã tìm thấy các trứng vịt được bảo quản tự nhiên trong một ao bùn và vôi tôi (hydroxit calci). Sau khi ăn thử, ông đã thử bắt chước làm ra chúng và có được một món ngon có thể tồn tại được hàng trăm năm, và là món ăn khoái khẩu ở Hong Kong, Trung Quốc và một số nơi ở Đông Nam Á.

Mặc dù việc phát hiện ra trứng bắc thảo không được ghi chép chi tiết, các nhà khoa học ước tính nó khoảng hơn 500 năm về trước, thời nhà Minh. Ngoài kỹ thuật dùng để sản xuất với quy mô lớn như ngày nay thì quá trình bảo quản trứng gần như không thay đổi.


Một bát cháo trứng bắc thảo. (Ảnh: tassapon/iStock)

Để làm trứng, người ta đổ vào hũ một hỗn hợp gồm nước vối đặc, vôi, muối và tro gỗ vừa cháy xong, rồi để nguội qua đêm. Ngày hôm sau, người ta cho trứng vịt, trứng cút hoặc trứng gà vào hũ rồi ngâm vào bất cứ đâu từ 7 tuần đến 5 tháng.

Trứng bắc thảo có nhiều tên gọi, như trứng thế kỷ, trứng thiên niên kỷ. Nhưng cho dù gọi thế nào thì món ăn thông dụng này (sẵn có bán ở cửa hàng thực phẩm, hàng ăn Trung Quốc và quán cháo trắng) được coi là vị lạ cần biết, đặc biệt với du khách. Họ gộp nó cùng nhóm với các món ăn châu Á khác như chân gà và cháo rắn.

Vượt qua được hình thức bên ngoài của trứng là thử thách đầu tiên. Đáng lẽ ra nó phải mầu trắng với lòng đỏ tươi thì món ăn giống như thạch này lại có mầu nâu sẫm và xanh mầu đầm lầy, trông ghê ghê.

Ta lại phải chịu cái mùi nồng như amoniac vì thế người ta còn gọi nó là “trứng nước đái ngựa”. Bề ngoài thế thôi nhưng trẻ em ăn món này từ bé lại thích vị ngon của nó.

Cửa hàng ăn Yung Kee có món khai vị là trứng bắc thảo với gừng hồng (Ảnh: Kate Springer)

“Tôi nhớ bố tôi có đưa cho tôi trứng bắc thảo và cảm giác đầu tiên là thấy nó thối,” CL Chan người Hồng Kông 55 tuổi nói. “Dần dà tôi vượt qua ác cảm đó và cho rằng nó là một món ngon. Hễ tôi bị đau răng là mẹ tôi nấu cháo với trứng bắc thảo, rau mùi và thịt lợn nạc. Ăn cháo này, thật là dễ chịu.”

Mặc dù trứng bắc thảo do dân quê làm từ hàng trăm năm nhưng nó bắt đầu xuất hiện trong thực đơn ở Hong Kong khi một số đầu bếp nổi tiếng của Trung Quốc chạy trốn đến thành phố này vào năm 1940 trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc, và họ cũng mang tới Hong Kong cả các món ăn khác từ quê của họ.

Ở phía dưới lớp vỏ dễ bong ta thấy trứng bắc thảo đen và xanh. (Ảnh: Kate Springer)

Chính trong thời gian này đã nổi lên một cửa hàng ăn nổi tiếng nhất Hong Kong. Đã nổi tiếng về thịt ngỗng quay, nhà hàng Yung Kee cũng chuyên về trứng bắc thảo, được coi là món khai vị điển hình và được bày trên một lớp gừng mầu hồng. (Hiện nhà hàng vẫn hoạt động nhưng không rõ tương lai sẽ ra sao do các thành viên trong gia đình đang tranh chấp kiện tụng.)

“Đôi khi chúng tôi có khách nước ngoài, họ nhìn trứng và hơi sợ vì trông nó đen, ghê ghê, nhớp nháp và xanh,” Carrel Kam, chủ nhà hàng Yung Kee và là cháu của người lập ra cửa hàng, Kam Shui Fai nói. “Nhưng đây chỉ là tâm lý giống y như cảm giác với pho mát xanh. Mùi thì kinh khủng nhưng ăn thì ngon.”

Cửa hàng Hang Heung biến món trứng bắc thảo thành bánh nướng ròn (Ảnh: Chan Sin Yan)

Trứng bắc thảo lý tưởng phải có phần lỏng đỏ to, mầu vàng lục, hơi lỏng và có hình vành khăn mầu nâu, lục và lam. Mầu thể hiện những giai đoạn khác nhau của việc biến đổi, và phần lòng đỏ càng to và càng lỏng thì càng tốt.

“Chúng tôi áp dụng cách làm chậm theo truyền thống hơn là cách làm nhanh bằng hóa chất,” Kam nói. “Sản xuất trứng bắc thảo loại thượng hạng cần mất thời gian, đó là quá trình tự nhiên.”

Do có mùi khó chịu nên vị của nó hoàn toàn là bất ngờ. Nó mượt như kem, mềm như nhung và rất ngon. Khi ăn cùng với các lát gừng hồng thì vị ngọt và cay bổ sung một yếu tố khác cho món này, nó làm miệng mát lên khi ta nhai.

Khách hàng tụ tập ở cửa hàng Hang Heung nổi tiếng về ý tưởng làm bánh trứng bắc thảo (Ảnh: Chan Sin Yan)

Trứng bắc thảo ăn vào lúc nào cũng được, ăn sáng, bữa chính hoặc ăn nhẹ hoặc ăn khai vị, và những người sành rượu thì khăng khăng cho rằng nó rất hợp với rượu vang Bordeaux loại tốt hoặc champagne. Nó còn được dùng làm nhân bánh nướng. Mở cửa vào năm 1920 để bán dim sum, nhà hàng Hang Hueng tiếp tục sự nghiệp được vì món trứng bắc thảo có vỏ bánh nướng vàng bao quanh.

Công thức làm tương đối đơn giản (một quả trứng bắc thảo, gừng dầm chua ngọt, bột nhào nhiều lớp và bột đỗ hạt) vẫn được nhà hàng giữ y nguyên trong quá trình kinh doanh, kỹ thuật làm được truyền qua nhiều thế hệ. Sản phẩm là một bánh nướng có vỏ ròn bóng với nhân trứng mềm và ngon bên trong. Cái quyết định nhất của quá trình là phải chọn được trứng tốt, không cứng quá và không mềm quá.

Trong khi trứng bắc thảo được thế hệ có tuổi hơn và khách du lịch tò mò quan tâm thì nó bị thế hệ trẻ bỏ bễ vì họ chán ngán thức ăn để lưu cữu và lên men của Trung Quốc.

Những bánh vàng óng này lại có nhân mềm với lòng đỏ trứng bắc thảo.

“Thời thế đang thay đổi và thế hệ trẻ ngày càng không quan tâm đến các món ăn cổ truyền,” Kazu Leung, chủ nhà hàng bánh Hang Heung, nói. “ Theo kinh nghiệm của chúng tôi, bánh nướng cổ truyền Trung Quốc có một chỗ đứng đặc biệt đối với thế hệ sinh sau những năm 70 và 80 vì khi đó họ có ít lựa chọn về thức ăn.

Mặc dù tương lai của những món ăn này còn chưa chắc chắn nhưng rất có thể nó sẽ còn tồn tại một vài thập niên nữa. Những món ăn này có ở khắp nơi (từ các quán dim sum tới các hiệu bánh nướng và bánh bao) và các đầu bếp ở khắp Hong Kong vẫn đang duy trì khẩu vị của di sản nấu nướng. Và như Leung nói: “Chúng tôi không muốn để những người đến đây nếm trải hương vị của thời thơ ấu phải thất vọng.”

Kate Springer
Theo: BBC Travel
Link tiếng Anh:
http://www.bbc.com/travel/story/20151208-the-rotten-egg-people-love-to-eat