Ốc ruốc tí hon mỏi tay hoa mắt ngồi lể vẫn gây nghiện
Con ốc bé đến mức khó cầm trên tay nhưng vẫn khiến chị em chết mê xúm vào say sưa ngồi lể.
Với dân biển miền Trung, ốc ruốc như là một phần ký ức tuổi thơ. Đó là những buổi trưa đi trên cát, chợt phát hiện con ốc tròn như cái nút áo, long lanh như ngọc. Đó là những chiều vừa đi làm về đã ngồi xúm lại lể ốc (nhể ốc) đến quên bắc nồi cơm, quên thay quần áo.
Ốc ruốc hay ốc chép, là loại bé nhất của biển. Ở nước ta, chúng có ở miền Trung. Sở dĩ gọi là ốc ruốc vì nó bé như con ruốc và xưa chẳng ai ăn vì nó quá bé. "Rồi có người ăn thử, rồi đồn nhau chứ kỳ thực nếu để ăn no thì có ngồi đến cả ngày cũng chẳng thể lưng bụng".
Mùa thu hoạch ốc ruốc là những tháng sau Tết, có khi kéo dài đến khoảng tháng 6 âm lịch. Vào những tháng này, chỉ cần đi trên bờ cát cũng có thể thấy ốc ruốc bị đánh dạt vào, tuy nhiên muốn bắt được nhiều, ngư dân phải lên thuyền ra khơi, rồi dùng lưới cào dưới đáy biển.
Ốc nhiều nhất ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, do nhu cầu của các tỉnh miền Nam, ốc được chuyển cả vào chợ Bà Hoa, một chợ chuyên bán đặc sản miền Trung ở Sài Gòn. Người bán luộc ốc, cho thêm sả, ớt, muối rồi đong bán bằng lon. Mỗi lon có giá 15.000 đồng. Ốc luộc xong vẫn giữ được màu sắc của vỏ như lúc còn sống, phần lớn có màu xám bóng, số ít có màu đỏ và hầu hết đều có hoa văn trông đẹp mắt.
Con ốc nhỏ nên đầu tăm lể ốc phải nhọn và chắc. Theo người dân biển, gai cây chanh, bưởi hoặc gai hồng quân là dụng cụ lể truyền thống của món ốc này. "Phù hợp nhất là gai bưởi, chiếc gai nhọn xỉa vào con ốc sẽ cho mùi rất thơm", một người bán hàng ở chợ miền Trung chia sẻ.
Nhỏ đến mức không thể cầm chắc một con ốc ruốc trên ngón tay, thế nhưng cũng chính điều này đã khiến thú lể ốc ruốc trở nên thú vị. Nhiều chị em làng chài ở Phú Yên cứ hễ thấy ốc ruốc từ biển về là phải mua cho bằng được. Giá ốc ở biển rẻ hơn rất nhiều so với Sài Gòn. Vài nghìn đồng là cả nhà có thể xúm nhau vừa lể vừa tám chuyện. Mỏi tay mờ mắt mà vẫn cứ mê.
Phần thịt ốc nếu ai khéo tay lể và được trọn vẹn thì cũng chỉ cỡ đầu tăm, tuy ít ỏi nhưng ốc vẫn mang đậm hương vị biển, ngậm và nhai nuốt sẽ thấy rõ vị ngọt và hương đặc trưng của hải sản. Thế nhưng theo những người chế biến ốc chuyên nghiệp, ốc ruốc ngậm cát do nằm dưới cát, chính vì thế nếu ngâm xả không kỹ sẽ rất khó ăn.
Không chỉ ăn, vỏ ốc còn được tái sử dụng. Với màu sắc bắt mắt, ốc ruốc khiến nhiều trẻ em thích thú. Song theo các bác sĩ, đây cũng là thứ dễ khiến trẻ phải nhập viện nếu ngậm nuốt và bị hóc.
Còn với người lớn, vỏ ốc rửa sạch có thể làm vật trang trí dán trên các bức vách nhà. Một số chàng trai còn dùng vỏ ốc kết thành vòng đeo, thành các đồ lưu niệm... Nói như một số người dân biển "ốc ruốc là tác phẩm nghệ thuật bé nhỏ của biển và là một phần ký ức của không ít người miền Trung".
Thiên Chương
No comments:
Post a Comment