Sunday, September 30, 2018

ẨM THỰC TRUNG HOA - TINH TÚY PHƯƠNG ĐÔNG

Không phải ngẫu nhiên mà ẩm thực Trung Hoa được ưa chuộng trên toàn thế giới. Đất nước hơn 1,3 tỉ dân với lịch sử văn hóa mấy nghìn năm đã xây dựng nên nền ẩm thực rực rỡ mà đậm đà bản sắc.


Người Trung Quốc lấy 5 vị: ngọt, chua, đắng, cay, mặn làm chủ đạo, sau đó mới kết hợp với các cách chế biến đa dạng tạo nên những món ăn có hương vị đặc trưng đầy quyến rũ. Đặc điểm chính của món ăn Trung Hoa là sự kết hợp tinh tế giữa hương, sắc, vị cùng sự sáng tạo và tỉ mỉ trong cách tạo hình, sắp xếp do chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực trong triều đình phong kiến và giới quý tộc xưa.


Một trong những món ăn được xem là biểu tượng cho ẩm thực Trung Hoa chính là món vịt quay Bắc Kinh. Món ăn này được cho rằng có nguồn gốc từ thời nhà Nguyên và được các vua chúa rất yêu thích. Những con vịt to béo, sau khi được ướp gia vị và quay trong lò lửa lớn sẽ được cắt thành từng miếng và xếp ra đĩa. Vịt quay Bắc Kinh có lớp da mỏng giòn, màu vàng sậm óng ả; phần thịt bên trong lại rất mềm và thơm. Đây cũng được xem là món ăn tiêu biểu và là niềm tự hào của người dân thủ đô Bắc Kinh.


Khi nhắc đến Trung Hoa, ngoài những món ăn thuộc hàng cao lương mỹ vị thì họ vẫn có những món ăn ngon từ những nguyên liệu bình dân, trong đó đậu phụ là nguyên liệu phổ biến nhất. Đậu phụ được làm từ hạt đậu tương, hương vị thanh đạm. Với tài nấu nướng khéo léo, các đầu bếp vùng Tứ Xuyên đã lấy khẩu vị cay làm chủ đạo để sáng tạo nên món đậu phụ Tứ Xuyên nổi tiếng trên thế giới. Ngoài ra khi nhắc đến vùng Tứ Xuyên này, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến món lẩu Tứ Xuyên với phần nước lẩu có độ trong và vị chua cay đậm đà của các loại gia vị đặc trưng mà khi nếm thử một lần sẽ nhớ mãi.


Món ăn Sơn Đông với đặc điểm là các nguyên liệu khi chế biến thường được để rất to và đựng trong nhưng chiếc bát, đĩa rất lớn là trường phái ẩm thực tiêu biểu của phương Bắc, giống như tính cách phóng khoáng của người dân vùng đó. Một trong những món ăn đặc sắc ở đây là món Khổng phủ – lấy tên từ nhà tư tưởng, nhà triết học cổ đại nổi tiếng Trung Quốc: Khổng Tử. Món Khổng phủ được chia làm nhiều loại như: Món ăn cho đám hỷ, mừng thọ và món ăn trong gia đình.


Người dân miền Bắc Trung Quốc cũng rất ưa chuộng những món chế biến từ lúa mì, đặc biệt là sủi cảo. Do hình dáng sủi cảo rất giống với đồng tiền cổ Trung Quốc nên hầu như gia đình nào cũng thưởng thức món này trong dịp giao thừa như một cách cầu mong tiền tài tới nhà. Có nhiều người còn cho tiền xu, đường, lạc vào nhân sủi cảo và cho rằng người nào ăn được sủi cảo có chứa tiền xu sẽ có một năm phát tài, ăn được chiếc có đường sẽ có một năm tốt lành suôn sẻ, ăn được lạc nghĩa là sang năm mới sẽ có sức khỏe dồi dào.


Miền Nam Trung Quốc lại cực kỳ nổi tiếng với những món ăn nhẹ như món ăn sáng, ăn vặt khi thưởng trà. Trong đó, nổi tiếng nhất là món bánh trôi thường ăn khi đại gia đình sum vầy, ý nghĩa cầu chúc cho sự đoàn tụ ấm áp.


Khi nhắc đến những món ăn nhẹ của Trung Quốc thì cũng không thể không nhắc đến những món ăn truyền thống chế biến từ bột mì. Ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ rộng lớn này, bạn cũng có thể bắt gặp những hàng quán bán bánh bao hấp, sủi cảo,…


Chỉ với đôi dòng ngắn gọn, bài viết không thể nêu bật được đầy đủ những nét đặc sắc của ẩm thực Trung Hoa. Thế nên nếu có điều kiện, bạn hãy tự mình trải nghiệm những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của mảnh đất láng giềng, để có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về một trong những nền văn hóa lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới.

Theo: Lamsao.com

No comments: