Friday, September 14, 2018

NHỮNG KỸ NỮ "QUYỀN LỰC" NHẤT TRONG LỊCH SỬ TRUNG QUỐC

Xuất thân là kỹ nữ nhưng những giai nhân này lại có quyền khuynh loát cả thiên hạ…

“Đệ nhất kỹ nữ Giang Tô” Trần Viên Viên có tầm ảnh hưởng lớn đốivới lịch sử Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

1. Vệ Tử Phu

Chuyện kể rằng, hoàng hậu thứ nhất của Hán Vũ Đế là Trần A Kiều vào cung đã lâu mà chưa có con, chị gái Hán Vũ Đế là Bình Dương công chúa thấy thế bèn bèn lựa chọn hơn chục cô gái con nhà lành đưa về phủ dạy dỗ cẩn thận để dâng cho Vũ Đế.

Một lần trên đường đi săn trở về, Hán Vũ Đế ghé phủ của Bình Dương công chúa chơi. Nhân cơ hội đó, công chúa Bình Dương mới gọi đám ca nữ mình mời về ra mua vui cho hoàng thượng. Hán Vũ Đế nhìn cô nào cũng lắc đầu chán nản, nhưng khi thấy vẻ đẹp của Vệ Tử Phu, Hán Vũ Đế đã không giấu được niềm say mê của mình đối với người đẹp.

Vệ Tử Phu (Ảnh minh họa)

Ngay sau đó, Hán Vũ Đế đã sủng ái Vệ Tử Phu ngay tại phủ của công chúa Bình Dương. Để “trả ơn”, ông còn ra lệnh thưởng một ngàn cân vàng cho công chúa. Từ đó, Vệ Tử Phu được đưa hẳn vào cung để tiện cho việc hầu hạ hoàng đế.

Sau khi vào cung, Vệ Tử Phu ngày càng được Hán Vũ Đế sủng ái, cuối cùng, hoàng đế đã quyết định phế truất ngôi hoàng hậu của Trần A Kiều để đưa Vệ Tử Phu lên thay, bất chấp thân phận thấp hèn của nàng.

2. Triệu Phi Yến

Trong lịch sử Trung Quốc, hoàng hậu thứ hai của Hán Thành Đế là một mỹ nhân thân nhẹ tựa chi yến, tài sắc tuyệt vời. Nhưng ít người biết rằng, bà hoàng hậu nổi danh đời Hán Triệu Phi Yến lại có xuất thân là một kỹ nữ.

Dù ở ngôi hoàng đế nhưng Hán Thành Đế lại là người ham mê tửu sắc, ông thường xuyên cải trang thành thường dân, đổi tên thành Trương công tử rồi cùng với Phú bình hầu Trương Phóng đóng giả thành các công tử dòng dõi quý tộc, trốn ra khỏi cung để tìm thú ăn chơi, hưởng lạc.

Cùng với em gái của mình là Hợp Đức, Triệu Phi Yến đã làm chủ cả hậu cung nhà Hán. (Ảnh minih họa)

Tình huống Triệu Phi Yến gặp gỡ Hán Thành Đế tương tự như tình huống của Vệ Tử Phu. Hôm đó, Hán Thành Đế đến nhà công chúa Dương A uống rượu, mua vui. Người con gái từ sau rèm lụa bước ra với dáng vóc thon thả, da dẻ bóng bẩy, mỡ màng, tư thế múa như chim yến mới nở xòe cánh, giọng ca líu lo. Cử chỉ điệu bộ của Triệu Phi Yến đã khiến Hán Thành Đế mê mệt, đưa ngay nàng vào cung để được ngày đêm thỏa mãn sắc dục.

Năm thứ hai sau khi Hứa hoàng hậu bị phế bỏ, Triệu Phi Yến được lập làm hoàng hậu. Thái hậu chê xuất thân của nàng ti tiện nên không bằng lòng. Thuần Vu Trường hiến kế, trước hết, hoàng đế phải phong tước cho Thành Dương Hầu cho cha Phi Yến, cha được tôn quý thì con gái cũng dễ dàng lên chức hoàng hậu.

Cùng với em gái của mình là Hợp Đức, Triệu Phi Yến đã làm chủ cả hậu cung nhà Hán. Tuy nhiên, dù hoang dâm vô độ với rất nhiều nam nhân nhưng đến cuối đời, Triệu Phi Yến vẫn không có nổi một mụn con.

3. Lý Sư Sư

Tương truyền, Lý Sư Sư sớm mồ côi, được tú bà đưa về nuôi với hy vọng đào tạo nàng thành một món hàng béo bở. Đúng như dự đoán, đến tuổi trưởng thành, Lý Sư Sư nhanh chóng trở thành một kỹ nữ lừng danh khắp kinh thành.

Sau năm lần bảy lượt bị Lý Sư Sư lạnh nhạt, ông vuacủa nước Tống vẫn không từ bỏ ý định. (Ảnh minh họa)

Giọng hát của Lý Sư Sư được nhiều người thừa nhận. Người ta còn gọi cô bằng một “nghệ danh” cực kỳ hoa mỹ là “Bạch mẫu đơn”.

Từ lâu, nghe tiếng Lý Sư Sư tài sắc song toàn, hoàng đế Tống Huy Tông cũng mong có ngày được diện kiến. Ông vi hành ra ngoài cung, nói dối mình là một thương nhân và tìm cách gặp mặt người đẹp. Sau năm lần bảy lượt bị Lý Sư Sư lạnh nhạt, ông vua của nước Tống vẫn không từ bỏ ý định. Có lần, Tống Huy Tông nghe tiếng đàn của Lý Sư Sư say mê đến nỗi, khi tỉnh ra thì trời đã sáng, đành trở về “tay không”.

Chính vì vậy, niềm say mê của Tống Huy Tông với Lý Sư Sư ngày càng nồng nhiệt. Có lần, sau khi ân ái, Tống Huy Tông ôm Lý Sư Sư trong lòng rồi nói: “Nếu như nàng không phải là kỹ nữ thì tốt biết bao! Trẫm sẽ đưa nàng vào cung để nàng cả ngày ở bên cạnh trẫm”.

Về sau, khi nhà Tống lụi tàn, có nhiều giai thoại nói rằng, Lý Sư Sư đã tự tử cho trọn tình với Tống Huy Tông, lại có người nói nàng chạy xuống phía Nam và tiếp tục làm nghề kỹ nữ.

4. Trần Viên Viên

Chính “đệ nhất kỹ nữ Giang Tô” Trần Viên Viên đã góp phần rất lớn trong việc kết thúc triều đại nhà Minh trong tay vị Hoàng đế cuối cùng Sùng Trinh. Cũng chính Trần Viên Viên đã làm cho Sấm Vương Lý Tự Thành nổi dậy đánh chiếm thành trì, đăng quang ngôi hoàng đế chỉ vỏn vẹn trong vòng 43 ngày.

Tranh vẽ Ngô Tam Quế nghe Viên Viên gảy đàn. (Ảnh minh họa)

Cũng vì Trần Viên Viên mà danh tướng Ngô Tam Quế “hàng Thanh, phản Minh” mở cổng thành Sơn Hải Quan để rước Đa Nhĩ Cổn và quân Mãn Thanh vào đất Trung Nguyên lập nên cơ nghiệp nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc, khiến cho hàng chục vạn người đầu rơi, máu chảy, sinh linh ta thán.


Cuộc đời của Trần Viên Viên rất bi kịch, nàng có mối quan hệ đặc biệt với Sùng Trinh Hoàng đế (Minh Tư Tông 1611-1644), vị vua cuối cùng của nhà Minh, với Sấm Vương Lý Tự Thành và Bình Tây Vương Ngô Tam Quế - đại diện cho ba thế lực phong kiến hùng mạnh, tiêu biểu nhất của thời Minh mạt - Thanh sơ.

Tuy được xem là những thân phận bé mọn nhất trong xã hội, nhưng nhiều kỹ nữ lại nắm giữ vị trí quan trọng trong triều nhờ nhan sắc và tài nghệ của mình. Ngoài những cái tên trên đây, Triệu Cơ, Liễu Như Thị, Lý Tích Nhi, Lưu mỹ nhân… cũng là những kỹ nữ nổi tiếng khiến các bậc quân vương, công tử trong lịch sử Trung Hoa mê mệt.

Theo ngoisao.vn

No comments: