Thursday, October 4, 2018

ÔNG TẠ - RẤT QUEN VÀ RẤT LẠ ...

Rất quen, bởi đó không chỉ là tên một ngôi chợ, một ngã ba đường – cả hai đều mang tên “Ông Tạ” – mà cả khu vực rộng lớn quanh đó cũng mang tên “khu Ông Tạ” đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ người Sài Gòn.

Và rất lạ, bởi người được gọi tên cho cả vùng đất, ngã ba và ngôi chợ không phải là một danh nhân, anh hùng, liệt sĩ… mà chỉ là một thầy tu tại gia, thầy thuốc Nam bình thường.


Lạ nhất và có lẽ hiếm hoi nhất là địa danh Ông Tạ có từ khi nhân vật này còn sống khỏe mạnh. Và đặc biệt là do người dân quanh vùng gọi lâu dần thành quen chứ không phải do chính quyền nào đặt tên.

Tên được đặt khi nhân vật còn sống

Khu Ông Tạ hiện nay và vùng đất quanh đó, từ vùng giáp ranh quận 3, quận 10 và quận Tân Bình chạy xuống ngã tư Bảy Hiền, quẹo qua khu vực hiện nay là chợ Tân Bình… trước năm 1954 là ruộng và rừng cao su.

Sau Hiệp định Genève, khi cả triệu người miền Bắc di cư vào Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã phân phối bà con đến sinh sống và khai thác những vùng đất còn hoang sơ, trong đó có vùng Ông Tạ hiện nay.


Khi những di dân người Bắc mà hầu hết là đồng bào Công giáo đến, vùng này chỉ lèo tèo mấy căn nhà lá, có căn nhà nhỏ của ông Trần Văn Bỉ, một thầy thuốc Nam tu tại gia, chuyên bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo quanh vùng.

Ông Bỉ sinh năm 1918, gốc người Mỹ Tho, từ nhỏ đã từng lên học đạo và học nghề bốc thuốc Nam với sư phụ núi trên chùa núi Bà Đen (Tây Ninh). Sau, ông về cất am tu và bốc thuốc cứu người. Bà con quanh vùng và cả từ các tỉnh lân cận như Long An, Định Tường… cũng lên chữa bệnh, hầu hết là bà con nghèo.

Ông rất thương người nghèo, trước nhà ông ngày trước lúc nào cũng có một thùng đựng bạc lẻ để cho bà con nghèo lỡ đường. Có nhiều người nghèo quá, ông bắt mạch, bốc thuốc không lấy tiền mà còn cho tiền ăn, tiền xe về quê. Mọi người rất kính trọng nhưng không ai biết ông thầy tu bốc thuốc Nam tên gì, thấy ông trụ trì một am nên gọi ông là thầy Thủ Tọa, đọc theo giọng bình dân Nam Bộ là “Thủ Tạ”, rồi lâu dần bà con chỉ gọi “Ông Tạ”.

Ngã ba Ông Tạ ngày nay. (Ảnh qua tachcaphe.com)
PGS-TS Lê Trung Hoa, nhà nghiên cứu địa danh học, gắn cho ông cái biệt hiệu là Tạ Thủ, nghĩa là “cánh tay nâng người bệnh”. Tôi cũng không biết căn cứ từ đâu?

Sau năm 1954, như đã viết ở trên, bà con người Bắc di cư vào sinh cơ lập nghiệp đông đúc nhưng vùng đất này chưa có tên nên bà con gọi là khu Ông Tạ, theo tên thầy Thủ Tạ bốc thuốc giúp người từ lâu ở đây.

Con đường quốc lộ 1 từ Tây Ninh về trung tâm Sài Gòn chạy ngang qua đây có thêm một nhánh nhỏ, sau được đặt tên là Thoại Ngọc Hầu. Có lẽ những người đặt tên đường Thoại Ngọc Hầu cũng như con đường Nguyễn Văn Thoại gần đó do liên tưởng tới công nghiệp mở mang bờ cõi phương Nam của Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại.

Sau ngày 30/4/1975, đường Thoại Ngọc Hầu đổi thành Phạm Văn Hai, đường Nguyễn Văn Thoại đổi thành Lý Thường Kiệt. Với sự cần cù lao động, buôn bán của bà con người Bắc di cư, khu vực này phát triển rất nhanh, một ngôi chợ được lập gần am tu của thầy Thủ Tạ nên được gọi là chợ Ông Tạ. Sau năm 1980, chợ dời về khu nghĩa trang Thánh Minh Tương Tế mới giải tỏa gần đó nhưng bà con tiểu thương ở đây vẫn tiếp tục buôn bán các mặt hàng truyền thống ở hai bên đường Phạm Văn Hai.


Vì Ông Tạ tu tại gia, am tu cũng là nhà và là nơi bốc thuốc chữa bệnh ở trong ngõ nên khi khu vực này phát triển, lập chợ, ông Thủ Tạ cũng mở một cửa hàng thuốc Nam ngay tại ngã ba mang tên ông. Ông Tạ mất năm 1983, được chôn cất ngay trong vườn nhà ông.

60 năm đặc sản Bắc ở khu Ông Tạ

Khu vực mang tên Ông Tạ hiện nay bao gồm các phường 3, 4, 5, 6 và 7 quận Tân Bình, nằm hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8), từ Công viên Lê Thị Riêng (trước năm 1975 là nghĩa địa Đô Thành, sau giải tỏa, xây dựng công viên) chạy dọc xuống ngã tư Bảy Hiền; chạy ngang từ đường Bùi Thị Xuân tới khu Đất Thánh, cạnh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều.

Khu vực này đa số dân cư là đồng bào theo đạo Công giáo, có nhiều giáo xứ, nhà thờ như Tân Chí Linh, An Lạc, Xây Dựng, Nghĩa Hòa, Mân Côi, Mai Khôi, An Tôn, Vinh Sơn…

Đặc biệt có nhà thờ Chí Hòa cổ kính trên đường Bành Văn Trân là nơi an dưỡng của các giám mục, linh mục thuộc giáo phận Sài Gòn nghỉ hưu.

Nhà thờ Chí Hòa
Bên trong khuôn viên nhà thờ là nghĩa trang dành để chôn cất các vị khi Chúa rước. Con đường trước nhà thờ trước kia là đường Nhà Thờ, sau năm 1975 được ráp với đường Thánh Mẫu đổi thành đường Bành Văn Trân.

Con đường này hình chữ L, bắt đầu từ đường CMT8 và cuối đường cũng là CMT8. Cũng trên đường CMT8, gần ngã ba Ông Tạ trước kia có Trường Trung học Thánh Tâm do các sư huynh Công giáo lập.

Sau năm 1975, trường đổi thành Trung học Bán công Tân Bình. Năm 1973, khi tôi làm việc ở một tòa soạn báo đặt ngay trong nhà in báo Xây Dựng trên đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân), gần đó có quán cà phê Thăng Long có hàng chữ nổi bật dưới tên bảng hiệu: “20 năm danh tiếng”.

Nhà in Xây Dựng chuyên in nhật báo Xây Dựng do linh mục Nguyễn Quang Lãm chủ nhiệm kiêm chủ bút với bút danh Thiên Hổ rất nổi tiếng, rất có uy mà cả giới chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng rất ngại. Ông linh mục – nhà báo này tướng cao lớn, chuyên mặc áo sơmi carô, tự tay lái xe hơi đến tòa soạn và giảng thuyết.

Mộ ông Tạ hiện được đặt trong một lăng tẩm cao hơn 5 m trong một con hẻm trên đường Phạm Văn Hai và được con cháu thờ cúng. (Ảnh: thanhnien.vn)
Bên cạnh nhà in là ngôi nhà nguyện nhỏ, mỗi tuần cha Lãm đến giảng một lần. Nhà nguyện ngày ấy bây giờ đã được nâng cấp thành một nhà thờ khang trang. Còn quán cà phê Thăng Long “20 năm danh tiếng” mà tôi vẫn ngồi mỗi sáng ngày ấy bây giờ không còn nữa, nhưng mỗi khi có dịp đi ngang lòng vẫn thấy nao nao!

Thời gian này, thỉnh thoảng tôi thấy ông Tạ ngồi bắt mạch hay bốc thuốc cho bệnh nhân mỗi khi đi ngang qua nhà thuốc ở ngay ngã ba mang tên ông – tức ngã ba đường Phạm Hồng Thái và Thoại Ngọc Hầu, trước kia thuộc tỉnh Gia Định. Với dáng người đậm, nét mặt hiền từ, nhân hậu, ông Tạ dễ gây cảm tình và sự quý mến của người tiếp xúc.

Như đã viết, nổi tiếng nhất khu chợ Ông Tạ là món thịt chó. Không phải là các quán thịt chó mà là thịt chó thui nguyên con treo lủng lẳng hay bày hàng dãy trước khu chợ cũ. Nổi tiếng đến nỗi những người Hàn Quốc, vốn rất hảo món thịt chó, sinh sống và làm việc ở TP cũng đổ về nơi này ở để tiện mua thịt chó.


Con đường nhỏ bên cạnh chợ Phạm Văn Hai, tức chợ Ông Tạ cũ, hiện nay có đông đảo người Hàn Quốc đến ở, được gọi là “Phố Hàn Quốc”. Ngoài thịt chó, khu Ông Tạ còn nổi tiếng với các mặt hàng truyền thống Bắc đặc trưng như bánh đậu xanh, bánh cốm, trà Bắc, trà thảo dược, thuốc lào, hạt giống và nhất là các loại thuốc Nam vô cùng phong phú.

Những địa danh hành chính hoặc tên đường qua một thời kỳ lịch sử có khi được thay đổi cho phù hợp bởi những tên đất, tên đường ấy được các nhà cầm quyền đặt để. Nhưng những địa danh do người dân gọi thì khó mà đổi thay bởi nó “từ nhân dân mà ra”.

Như trường hợp địa danh Ông Tạ. Nó ăn sâu vào tiềm thức của người Sài Gòn hơn nửa thế kỷ qua, không chỉ vì các món đặc sản và phong cách buôn bán đặc trưng của người Bắc di cư ngày ấy mà còn bởi cái cách mà vùng đất này được nhân dân gọi tên.

PHẠM ĐÌNH


No comments: